Dâng hiến tuổi xuân
Chiến khu Đ là căn cứ của cơ quan chỉ đạo kháng chiến miền Nam, được thành lập vào tháng 2-1946, gồm 5 xã: Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An (nay thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Khi quy mô cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước được mở rộng, Chiến khu Đ bao gồm cả những vùng rừng núi hiểm trở, từ biên giới Việt Nam - Campuchia đến sát gần Sài Gòn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một.
Là vùng rừng thiêng nước độc, Chiến khu Đ một thời được mệnh danh là “vùng đất chết”. Mặc dù vậy cũng không ngăn nổi những chàng trai, cô gái vùng đất miền Đông Nam bộ thời ấy đi theo tiếng gọi của Đảng, cùng nhau tập hợp dưới tán rừng Chiến khu Đ lịch sử để góp công sức, máu xương của mình vào sự nghiệp chiến đấu chống quân xâm lược, bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước. Trong đoàn quân đó, có hàng vạn cán bộ ngành Y tế vai mang túi cứu thương, tay cầm súng xông pha nơi lửa đạn để giành giật từng hơi thở, mạng sống của đồng chí, đồng đội thân yêu. Hình ảnh đó mãi mãi in sâu vào tâm khảm của các thế hệ và trở thành huyền thoại trong lịch sử đấu tranh của dân tộc.
Nói đến đây, chúng tôi nhớ đến hình ảnh Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - liệt sĩ Đoàn Thị Liên, một chiến sĩ quân y hoạt động trên chiến trường miền Đông Nam bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng người chiến sĩ ấy đã cùng đồng đội luôn có mặt trên chiến trường, để rồi anh dũng ngã xuống trước bom đạn của kẻ thù khi lấy thân mình che miệng hầm trú ẩn cho 2 thương binh. Hay hình ảnh liệt sĩ Đoàn Thị Phụng bị địch bắn chết không còn thân xác sau khi đã cứu chữa và đưa thương binh ra mặt trận về tới kênh Mareng. Sự anh dũng hy sinh của 2 chiến sĩ quân y đã vang khắp chiến trường ngày ấy, trở thành tấm gương cách mạng sáng ngời cho các thế hệ noi theo.
Gian khó không chùn bước
Trong chiến tranh gian khổ, lực lượng Quân dân y Chiến khu Đ đã lấy chiến hào làm nơi cấp cứu, lấy địa đạo làm phòng mổ để kịp thời cứu sống đồng chí trong những giờ phút sinh tử. Sự thiếu thốn về thuốc men, vật tư y tế vẫn không làm các chiến sĩ Quân dân y trên chiến trường miền Đông Nam bộ chùn bước. Họ luôn cố gắng khắc phục khó khăn, kịp thời có mặt cứu chữa thương binh và người dân trong vùng trước mưa bom lửa đạn của kẻ thù. Cô Phùng Thị Hấp (phường 6, TP.Tân An) - người phụ trách Trạm xá huyện Bến Thủ (Bến Lức và Thủ Thừa ngày nay) vào năm 1968, nhớ lại: “Trạm chỉ có 3 quân y, nhưng có lúc thương binh về 30 người, 60 người, thậm chí 100 người, trong khi vật tư y tế thiếu nên chúng tôi suốt đêm không ngủ, thức để mài kim, giặt băng, gạt rồi nấu nước sôi khử trùng để dùng lại. Chúng tôi tâm nguyện, thà mình chết, chứ không để thương binh hy sinh nên lúc nào cũng làm việc hết mình”.
Ngoài việc điều trị, cứu chữa thương binh, bệnh binh, giúp đỡ nhân dân trong khu vực ngăn ngừa bệnh tật, các quân y viện trong vùng Chiến khu Đ năm xưa đã khắc phục khó khăn, mở các lớp đào tạo y tá, bảo đảm được yêu cầu về chuyên môn và quân sự. Các lớp y tá trong giai đoạn này đã bổ sung thêm lực lượng cho ngành quân y và dân y, đáp ứng yêu cầu chiến đấu, phát triển lực lượng vũ trang và chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần làm cho đội ngũ cán bộ Quân dân y Chiến khu Đ ngày càng lớn mạnh. Nhiều y, bác sĩ đã khẳng định bản lĩnh để trở thành cán bộ lãnh đạo cốt cán của ngành Y tế quân y cũng như dân y trong khu vực và cả nước. Tiêu biểu như nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - Bác sĩ Đoàn Thúy Ba, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế - Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Trung Chiến,...
Những gian nan, vất vả và truyền thống hào hùng của các thế hệ cán bộ Quân dân y Chiến khu Đ - miền Đông Nam bộ được khắc họa sinh động dưới ngòi bút của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ qua bài thơ “Tiếng hát Quốc ca”:
“Ngựa hồng dừng chân,
Bên Quân y viện
Giật mình nghe tiếng Quốc ca vang...
...Xuống ngựa, buộc cương
Hỏi ra mới rõ
Bác sĩ đang cưa chân
Một thương binh bằng cưa thợ mộc
Bác sĩ vừa cưa vừa khóc
Chị cứu thương nước mắt tràn trề,
Nhìn ảnh Bác Hồ trên tấm vách tre
Người chiến sĩ vẫn mê mãi hát…”.
Thanh Tuyền – Nguyễn Ngọc