Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2022

NGHỀ BUÔN BÁN BỆNH TẬT

Khai Dinh      (Trích tác phẩm “Trò Chuyện Với Thiên Thần” Chương 37)

• Trương Văn Dân * Nhà xuất bản:NXB Tổng Hợp TPHCM
Sau đây là một trích đoạn từ tác phẩm “Trò Chuyện Với Thiên Thần” của dược sỹ Trương Văn Dân (Italia).

Thực phẩm chỉ là một phần của những tai ách hiện nay. Tôi muốn nói với các bạn về dược phẩm, một thứ sản phẩm siêu lợi nhuận và nằm trong chính sách toàn cầu.
Y, Dược, nghề cao quý nhất, nhưng nó đang biến thành một cỗ máy kiếm tiền!
Cái xác phàm của nhân loại hiện nay chính là nguồn lợi kếch xù của bọn người kinh doanh trên sự sợ hãi: bệnh tật.
Lãnh vực này hiện nay nằm trong tay các tài phiệt. Và họ bỏ rất nhiều tiền để tiếp thị hơn là nghiên cứu.
Một thuật ngữ mới ra đời: Disease mongering (Nghề buôn bán bệnh tật). Hoạt động đơn giản: Chỉ cần hạ thấp các chỉ số như các chỉ số về bệnh tiểu đường, áp huyết máu, cholesterol... hoặc chẩn đoán các tình trạng tinh thần nào đó như buồn rầu, hồi hộp, nhút nhát... rồi cho là “bất thường” thì số lượng “bệnh nhân” trên toàn thế giới tăng vọt!
PHÁT MINH RA BỆNH
- Khi ủy ban “khoa học” Mỹ tái định nghĩa hypercholesterolemia (có cholesterol cao trong máu) và chỉ cần giảm chỉ số để các bác sĩ cho phép dùng thuốc thì số “bệnh nhân” đột ngột tăng 3 lần!
- Chỉ trong năm 2016 công ty Pfizer đã chi 1,2 tỷ USD, theo sau là công ty Bristol Mayer Squibb chi 460 triệu USD để quảng cáo và tiếp thị thuốc!
Nhưng đây chỉ là đỉnh của băng sơn. Trên thực tế rất nhiều các nhà khoa học hướng dẫn cách dùng thuốc đều hưởng lợi nhuận từ các hãng dược!
Thông qua Disease mongering những trạng thái như buồn rầu, lo âu, hồi hộp... rất bình thường trong cuộc sống đã bị truyền thông hô biến thành bệnh (?) để làm mọi người sợ hãi, cảm thấy mình phải dùng thuốc. Các nhà khoa học chân chính nói rằng hiện nay có hơn 200 tình trạng tâm lý sẽ được xem là... bệnh lý và nghe ra thật buồn cười: lão hóa, buồn chán, hói đầu, tàn nhang, tóc bạc, kém xinh... Không ai nói với chúng ta là nỗi buồn là một phần của sự sống, và hàng thế kỷ trôi qua nó vẫn tồn tại để giữ một nhiệm vụ quan trong trong tâm sinh lý của con người.
Dược phẩm, dù muốn hay không đều sẽ có tác dụng một cách nhân tạo vào trật tự sống của con người và tự nhiên.
Bạn mất ngủ hả? Hãy uống thuốc ngủ! Mà có thật sự cần phải dùng thuốc không? Biết đâu không ngủ là một điều tuyệt vời. Thỉnh thoảng được thức giấc, mở cửa nhìn ra bầu trời đêm mà kẻ ngủ say sẽ không bao giờ biết.
Đã có người nói: Ban ngày để sống còn ban đêm là để hiểu cuộc sống.
Nhưng các tập đoàn dược chi ra số tiền càng ngày càng lớn cho việc bán thuốc “ảo”, kèm theo quà tặng, mời du lịch...
Thí dụ bệnh tiểu đường type II, trước đây được xác định là đường huyết phải trên mức 140mg/dL. Năm 1997, ngạch mức trên bị Cơ quan y tế thế giới OMS rút xuống còn 126 mg/dL (7mmol/L)... Lập tức có thêm 1.700.000 người Mỹ được xếp vào danh sách bệnh nhân tiểu đường (suốt đời!).
Cholestérol: Năm 1998, ngạch mức từ 240mg/dL bị rút xuống còn 200mg/dL. Lập tức xã hội Hoa Kỳ có thêm 42.600.000 bệnh nhân có cholesterol cao trong máu... Các nhà bào chế có thêm được 86% “khách hàng” mới.
Thủ thuật khác để mua chuộc... phủ khắp từ bác sĩ đến các sinh viên y khoa sắp ra trường. Ba mươi năm trước, giám đốc hãng dược phẩm Merck, Henry Gadsen, đã từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn: “Giấc mơ của chúng tôi là sản xuất thuốc cho những người khỏe mạnh. Làm được thế, chúng tôi có thể bán thuốc cho bất kỳ ai”. “Trên thế giới, chỉ có hai nhóm người: nhóm người đã bệnh rồi và nhóm người chưa biết họ bệnh”.
MỘT NGHIÊN CỨU MỚI NHẤT TỪ NƯỚC PHÁP: 50% THUỐC LƯU THÔNG HIỆN NAY TRÊN THỊ TRƯỜNG LÀ VÔ ÍCH, 20% CÓ HẠI VÀ NHIỀU KHI NGUY HIỂM CHO NGƯỜI DÙNG.
Ai cũng biết sức khỏe tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, khí hậu và thực phẩm chứ không phải vào thuốc men, cách chữa trị hay các kỹ thuật hiện đại. Hiện nay nhiều người hễ thấy khó chịu một chút là uống thuốc mà không biết rằng không có loại thuốc nào là không có tác dụng phụ, là “1 phần thuốc chứa 3 phần độc”. Ít người biết rằng không có bộ máy nào hoàn hảo hơn thiên nhiên. Và cơ thể con người có một cấu tạo đặc biệt. Việc chữa bệnh cho cơ thể là nhiệm vụ của hệ miễn dịch, vì thế nếu chúng ta lạm dụng thuốc thì đã vô tình “ngăn” hoạt động của hệ miễn dịch, làm hao mòn và dần dần mất đi thiên chức tự nhiên vốn có.
Ngày xưa ai đi “khám” bác sĩ vì họ thấy trong người không khỏe, còn hôm nay khi bác sĩ gặp bệnh nhân là đề nghị: chúng ta hãy làm vài xét nghiệm để xem bạn có thật sự khỏe không?
Vì thị trường đang rất cần những bệnh nhân mới.
“Người mạnh khỏe là kẻ chưa biết mình bị bệnh!” Tâm đắc với quan niệm đó nên giám đốc bệnh viện San Raffaele ở Milano đã đưa ra dự án Quo vadis chăng? Hay bệnh viện... cho người khỏe mạnh: Thông qua một microchip điện tử được gắn dưới da các bác sĩ có thể thường xuyên và liên tục theo dõi tình trạng sức khỏe của “bệnh nhân” và sẵn sàng can thiệp và chữa trị trước khi bệnh làm phiền. Các chuyên gia sẽ cho ta biết trước khi bệnh xuất hiện và từ giờ cho đến lúc đó ta có thể vui chơi, đánh golf, đi du lịch, trượt tuyết, tắm biển... cho đến khi nhận được một tin nhắn, đại loại: “Khẩn cấp! Bạn cần trình diện ngay ở trung tâm ý tế gần nhất. Bệnh trĩ sắp xuất hiện!”.
CÁC HÃNG THUỐC, CÁC BỆNH VIỆN, HỌ LÀ AI?
Gần 80 năm đã trôi qua nên có thể quí vị không biết rằng văn phòng của Viện Đại học Frankfurt ở Đức ngày xưa chính là trụ sở chính của IG Farben.
Đó là một nhà máy được độc quyền sản xuất hóa chất của Đức thời quốc xã. Là trung tâm kinh tài của Hitler nên trong suốt thời kỳ diệt chủng (Holocaust) nó là nơi cung cấp khí ngạt Zyklon-B cho chính phủ Đức để giết chết gần 6 triệu người Do Thái! Nó cũng là nơi cung cấp dân Do Thái để làm chuột bạch cho các thử nghiệm về độc tố và y học.
Vì tham gia các tội ác chiến tranh nên sau 1945 phe đồng minh đã tịch thu và đóng cửa nhà máy. Thế nhưng, về sau nhà máy này đã được chia làm mấy phần và các đại công ty mua các phần lớn, chỉ chừa lại các phần nhỏ là Agfa, Basf và Bayer, trong khi công ty Hoechst được sáp nhập vào công ty Rhône-Poulenc của Pháp để cho ra đời công ty Sanofi Aventis hiện nay và có trụ sở ở Strasburg, nước Pháp.
Tại Tòa án quốc tế Norimberga tất cả các lãnh đạo của IG Farben đều bị buộc tội diệt chủng, thiết lập chế độ nộ lệ và các tội ác khác nhưng chỉ sau một năm tất cả đều được trả tự do (?) nhờ thương lượng của bộ kinh tế Đức và sau đó họ đổi danh tánh để tham gia vào hệ thống kinh tế Đức hay các nước khác!
Nhắc lại chuyện này tôi chỉ muốn nêu lên một thắc mắc: Một công ty được hình thành với triết lý sản xuất hơi ngạt giết người, có thể nào sau đó lại có thể sản xuất thuốc để trị bệnh, cứu nhân độ thế?
Về sau công ty IG Farben đã tham gia vào các dự án của Hoa Kỳ trong việc sản xuất chất độc da cam dùng trong mục đích quân sự. Họ cùng lập nên công ty Chemagrow Corporation ở Kansas City, Missouri, và sử dụng các chuyên viên Mỹ và Đức nhằm phục vụ cho U.S. Army Chemical Corps.
Tiến sĩ Otto Bayer, người từng giữ chức vụ nghiên cứu phát triển của IG Farben, đã cùng với tiến sĩ Gerhard Schrader đã thử nghiệm thành công phần lớn các vũ khí hóa học.
MẶT TRÁI CỦA CÁC XÉT NGHIỆM Y KHOA
Trong 10 năm trở lại đây, các yêu cầu xét nghiệm đã tăng lên 50%, tương đương với việc tăng thêm hàng triệu USD mỗi năm. Nhưng nhiều khi các phương pháp xét nghiệm đó gây hại cho con người nhiều hơn là mang lại lợi ích: đau đầu gối, đau lưng, tức ngực, và PSA (prostate specific antigen - kháng nguyên đặc hiệu tiền liệt tuyến) có thể dẫn đến ung thư tuyến tiền liệt! Bên cạnh đó, những dịch vụ xét nghiệm y tế rắc rối và đắt đỏ như chụp scan cắt lớp (CT- computed tomography) và chụp cộng hưởng từ trường (MRIs - magnetic resonance imaging) được sử dụng một cách rộng rãi nhưng không thực sự cần thiết.
Trí thông minh là một vốn quý của con người nhưng tiếc thay nó đang là đồng lõa, biến con người trở nên biển lận, nhằm vơ vét tối đa.
Một thứ khoa học không có nhân văn! Có kiến thức mà không nhân cách thì chẳng khác gì người tập lái xe chưa có bằng mà cứ băng băng chạy ra đường phố.
Hiện nay trong cơn vật vã kiếm tiền, các bậc cha mẹ chẳng mấy ai “chơi” với con mà phó thác cho bà vú nuôi hay các thiết bị điện tử. Sự bỏ rơi ấy làm bé bị chấn động tâm lý, đói tình yêu... còn cha mẹ mang mặc cảm thiếu chăm sóc con nên bù trừ bằng sự nuông chiều và bằng tiền bạc, cho con ăn các món khoái khẩu được nhuộm phẩm màu thuộc bảng E độc hại.
Ngày nay, bậc làm cha mẹ phải thú nhận là bất lực, không còn đủ khả năng để bảo vệ con trẻ trước những mối nguy của cuộc đời! Chỉ năm, mươi năm nữa thôi, bệnh ung thư sẽ bùng phát dữ dội nếu không kiểm soát, và nó sẽ xói mòn sức lực và đẩy bao gia đình xuống tận cùng của sự khốn khổ.
Nghĩ thế, tự nhiên lòng tôi chùng xuống. tôi không dám hình dung tương lai sẽ về đâu nếu con người không thay đổi...

GS Pham Hieu Liem wrote:
"....Bài chuyển khá hay nhưng mặc dù bận chuyện bầu cử ở Mỹ, tui phải lên tiếng vì có điểm sai.
Bài của ông DS bên Ý có 50% sự thật, 25% phóng đại theo chủ quan người viết và 25% sai. Cái 25% sai có thể gây hại cho người đọc.
Y khoa dòng chính hiện nay đến từ Y học thực nghiệm nên có căn bãn khoa học hơn ngày trước. Cho đến cuối Thế Kỹ thứ 20, các thí nghiệm và thử nghiệm lâm sàng đều chú trọng đến chửa bệnh. Do đó BS khám bệnh để chẫn bệnh, rồi căn cứ vào kết quả của Y học thực nghiệm để chửa bệnh nhân. Ngoại lệ là thuốc chũng ngừa và giữ nước sạch để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm.
Sau đó, trong thập niên 1970s, có các landmark studies cho thấy chửa áp huyết cao với thuốc, ví dụ Thiazide diuretic cho cựu chiến binh làm giảm hẵn stroke và có thể cả heart attack về sau. Từ đó, chửa bệnh để ngừa bệnh hay biến chứng nặng hơn bắt đầu. Các hãng bảo hiểm cổ xúy vì chửa áp huyết cao với thuốc rẻ tiền hơn chửa stroke hay heart attack....
Hậu bán Thế Kỹ thứ 20 cho thấy người dân của các xứ kỹ nghệ sống thọ đến hơn 70 tuổi và do đó sinh ra các bệnh già như sưng khớp xương, ung thư,  Ba Cao Máu, Đường , Mỡ (bệnh biến dưỡng) nên các thuốc statin và metformin trở thành thông dụng. Cùng lúc ngành điện toán Tin Học phát triễn nên tất cả các dữ kiện về bệnh và bệnh nhân đều có thể tích trử trong database khỗng lồ. Meta-analysis cho thấy kiễm soát huyết áp hay cholesterol hoặc đường huyết đến mức nào là optimal để ngừa biến chứng và bệnh tật. Tất cả đều là "data driven evidence based" là một ngành mới hợp cùng với Y học thực nghiệm theo đúng phương châm "Ngừa Bệnh Hơn Là Chửa Bệnh" tương tự như chích thuốc chũng để ngừa bệnh truyền nhiễm. Dĩ nhiên là có kẻ thích lợi dụng để làm lời bất chính nhưng nói chung các Hiệp Hội Hàn Lâm Y Học đều có tiêu chuẫn cao và lương tâm phục vụ nhân loại theo kinh nghiệm của tui, ngoại trừ vụ Covid Vũ Hán vừa qua khi chính trị và tài phiệt khuynh đảo Y học.
Ngày nay, Y học thực nghiệm đã tiến tới khoa Genomic và Precision Medicine rất thịnh hành trong ngành Oncology cùng với khoa Miễn Dịch. Trong tương lại gần, FDA ở Mỹ sẽ chấp thuận một thử nghiệm máu để screen khoãng 90% của ung thư. Trong tương lai xa, nhiều ung thư có thể được ngăn ngừa bằng sửa chửa genes hay ghép génes etc... 
Như đã nói trên, nhờ Claude Bernard (Thầy Tổ của tụi mình) mà Y khoa trong hơn 150 năm qua đã tiến bộ với Y học thực nghiệm. Y khoa phòng ngừa, Data Driven Evidence Based Medicine qua đến Genomic and Precision Medicine. BS vẫn chẫn bệnh, chửa bệnh nhưng còn đặt nặng việc ngừa bệnh cho loài người. BS nào không theo kịp sẽ trở thành "khũng long" ngành Y. Gọi là Nghề Buôn Bán Bệnh Tật nghe kêu tai trong vài trường hợp, nhưng trong đại đa số trường hợp thì chỉ chứng tỏ mình là "khũng long" (dinosaur).
.....
Thân,
CL"




 Trần Văn Chánh

                  Đọc TRÒ CHUYỆN VỚI THIÊN THẦN   

                 Của Trương Văn Dân

                  Nhà Xuất Bản Tổng Hợp- tp HCM. 6-2020

 

Sách vừa do NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành khoảng giữa Quý II năm 2020, trong lúc đại dịch Corona đang diễn ra gây đe dọa sinh mạng của con người trên toàn thế giới. Dưới tên sách chính Trò chuyện với thiên thần còn có cái tên phụ: Những tai họa của thế giới và giấc mơ Việt Nam. Tôi chưa hiểu vì sao tác giả Trương Văn Dân xếp sách của mình vào thể loại tiểu thuyết (có ghi rõ hai chữ “tiểu thuyết” dưới tên sách), trong khi thật ra nó không giống một cuốn tiểu thuyết nào khác cả, vì từ đầu chí cuối chỉ toàn thấy nghị luận việc đời. Nhưng nó cũng không phải loại tiểu thuyết luận đề, như tiểu thuyết xã hội của nhóm Tự Lực Văn Đoàn hay tiểu thuyết triết lý của Jean Paul Sartre, Albert Camus chẳng hạn, vì bên trong không có nhiều nhân vật và các lời đối thoại, không có những tình tiết kịch tính. 

Vậy có thể gọi đây là một thể loại tiểu thuyết đặc biệt chỉ riêng có ở nhà văn Trương Văn Dân?

Dường như vậy. Trong đề mục số 10 (trang 67), “Một cuộc phỏng vấn bất ngờ”, vấn đề thể loại được tác giả chia sẻ: “Khi người bạn hỏi đây có phải là tiểu thuyết hay không, ba [tức tác giả tự xưng với đứa con tưởng tượng sắp ra đời – TVC] không biết phải trả lời sao. Vì mình viết những gì lóe lên trong óc, theo sự xếp đặt chủ quan, chứ khi cầm bút đâu có nghĩ là mình sẽ viết theo thể loại nào, tiểu thuyết hay tân tiểu thuyết, hiện thực, luận đề, hư cấu hay phi hư cấu, hiện đại hay hậu hiện đại? Ba cũng không quan tâm là trước đây hay sau này có ai viết như thế để chuyển tải suy nghĩ của mình không… Còn như nếu phải trả lời là tiểu thuyết hay không… thì ba xin trả lời rằng đây là một… cuộc trò chuyện. Trò chuyện với thiên thần. Một cuộc trò chuyện về sự hiện hữu pha lẫn với hiện thực của một đứa bé sắp chào đời và bối cảnh xã hội của đất nước và thế giới có liên quan đến nó” (tr. 68)    

Tác giả là người ham mê đọc sách, trải nghiệm thực tế nhiều, khi thì đóng vai người cha, khi thì đóng vai người mẹ, trao đổi, tâm tình thân mật với “thiên thần” tức với đứa con tưởng tượng sắp ra đời của hai vợ chồng, nhưng thật ra là để trao đổi với những người đồng thời, về những suy tư thấm sâu của mình liên quan đủ mọi vấn đề trong cuộc sống hiện thực của một thế giới văn minh ầm ầm lao tới phía trước nhưng đầy bất toàn với biết bao nỗi lo âu, đe dọa, cám dỗ, mà con người luôn bị bám chặt, rất khó kiểm soát và  không dễ thoát ra được, vì thường chỉ biết vô tình nhắm mắt chạy theo các tham vọng hoặc tập quán bầy đàn mà không còn làm chủ cuộc sống, làm chủ tình cảm, từ đó cũng đánh mất luôn bản thân mình. 

Sách tản mạn thể hiện những mảnh suy tư riêng trước hiện thực đa tạp dễ gây bối rối của cuộc sống hiện đại toàn cầu hóa đầu thế kỷ XXI như một lời cảnh báo, nhắc nhở, gợi ý “phản tư”, “phản tỉnh”, cân nhắc lại mọi vấn đề gặp phải hàng ngày theo các chiều cạnh tinh tế khác nhau để có được cuộc sống tỉnh giác, tích cực, an bình và hạnh phúc.

Bằng một lượng kiến thức và kinh nghiệm từng trải sâu rộng, rất nhiều vấn đề đã được tác giả đề cập, mô tả, nhận xét rồi phân tích, lựa chọn thái độ, từ vai trò của người phụ nữ, trách nhiệm làm cha, làm mẹ, làm con, việc học hành thi cử, cho đến các vấn đề xa hơn về bạo lực, chiến tranh, đạo đức xuống cấp, óc thực dụng chạy theo các giá trị vật chất, nạn khủng hoảng môi sinh, sự toàn cầu hóa kinh tế, cuộc cách mạng sinh học và tin học…

Tác giả không trốn chạy hoặc phủ nhận thực tại cuộc sống văn minh và sự phát triển tất yếu khách quan thần tốc kỳ diệu của nền khoa học-kỹ thuật hiện đại trong giai đoạn đầu thiên niên kỷ thứ ba, nhưng lại rất băn khoăn trăn trở về nó trên những tác động không thể tránh khỏi mà hàng ngày nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người, từ đó gợi ý lựa chọn một lối sống chủ động phù hợp để đạt được hạnh phúc đích thực, không để bị cuốn trôi hay hòa tan một cách vô ý thức theo dòng sống cuồng nhiệt của nền văn minh hiện đại, vốn thiên trọng về máy móc và các phương tiện vật chất hơn là tâm linh, tình cảm. 

Đây là một cuốn sách luận bàn về nhân sinh quan và thế giới quan với một tinh thần lạc quan tin tưởng ở thế giới loài người. Một vài vấn đề có tính siêu hình như lý do nào con người được sinh ra, ý nghĩa cuộc đời, vấn đề định mệnh hay số phận, họa phúc, sự sống chết và rủi ro, tính cách ngẫu nhiên vô thường của thế giới,… đều được mang ra phân tích mổ xẻ, như một cách tìm hướng giải đáp cho những thắc mắc thông thường của đời người, nhưng vẫn không dám khẳng định sở kiến của mình là chân lý. Trong sự lờ mờ của chân lý tuyệt đối như vậy mà ai cũng phải bối rối khi đứng trước hàng loạt câu hỏi không có câu trả lời chắc chắn, vì biết rõ một con người/ một sinh mệnh vốn dĩ bị/ được sinh ra quẳng vào cuộc đời một cách không chủ động, tác giả chấp nhận thực tại và dường như đã chọn hẳn thái độ sống hiện sinh, thay vì chối bỏ nó: “Trong đời người có cả hạnh phúc lẫn khổ đau. Phải đón nhận và nhiều khi phải chấp nhận, vì chung quy cũng do mình. tự mình tạo nghiệp… Đời quá ngắn nên cần sống bình an với chính mình! Hãy sống với một tấm lòng tốt với mọi người, với thiên nhiên, với muôn loài. Có thể gọi cách sống hết mình trong từng ngày là ý nghĩa của đời sống. Trọn vẹn trong từng ngày vì tương lai không ai biết được, còn quá khứ thì đã qua, không thể lấy lại. Vì vậy chỉ có hiện tại. Trân trọng từng ngày đang sống… Cảm nhận khoảnh khắc nào cũng là duy nhất, theo ba là một điều quan trọng” (tr. 31). Ý chung, thể hiện trong suốt quyển sách, mục tiêu tối hậu của cuộc sống là hạnh phúc, có được trong một đời sống yên vui thanh thản và chia sẻ những mối đồng cảm của mình với người khác. “Mục đích của đời người là đi tìm hạnh phúc và hưởng hạnh phúc chứ đâu phải sản xuất ra nhiều và bán được bao nhiêu” (tr. 351). Mức thu nhập tiền bạc vì vậy không chắc có thể mang lại cho con người hạnh phúc, và vì thế sự làm việc cật lực trối chết để thăng tiến thu nhập và địa vị xã hội cũng không phải là lối sống khôn ngoan đáng được theo đuổi, như trong trường hợp tiêu biểu nước Nhật, ở đó khá phổ biến hiện tượng “karoshi”, có nghĩa là chết do làm việc quá sức. “Trong xã hội siêu tiêu dùng, karoshi phát sinh ở Nhật nhưng đang lan rộng tới các nước và vùng lãnh thổ như Nam Hàn, Đài Loan và Trung Quốc. Số người chết do làm việc quá sức có thể là hàng ngàn người mỗi năm… Trong nhịp sống mới, áp lực của người trẻ giống như một vận động viên điền kinh không tìm được vạch chiến thắng” (tr. 18). Còn ở Việt Nam hiện nay thì tình trạng cũng đang có xu hướng gần gần như vậy. 

Trong bối cảnh một thế giới hiện đại đầy biến động mà Việt Nam cũng không thể đứng ngoài, khi nói đến “giấc mơ Việt Nam” ở đề mục số 75, tác giả viết: “Có thể trong những lần trò chuyện ba có cái nhìn bi quan, đưa ra những hình ảnh không đẹp… nhưng chưa bao giờ góc nhìn đó có mang theo ý nghĩa tuyệt vọng. Bởi ba luôn hi vọng và nhìn tương lai một cách lạc quan, nghĩ nước ta vẫn còn có dư điều kiện để nắm giữ vai trò một cường quốc nếu chấp nhận cải cách. Xây dựng được nền giáo dục nhân bản, khai phóng và tự do. Xem con người như cứu cánh chứ không phải là phương tiện” (tr. 531).           

Sách dày 376 trang, đề tài rộng, với tất cả 75 đề mục, mỗi đề mục luận bàn lan man về một chủ đề, làm thành một cuốn sách triết lý thực tiễn về đời sống. Nếu chỉ nhìn qua tên gọi các đề mục được đặt theo một kiểu đôi khi rất “văn chương”, người đọc khó đoán ra ở đoạn tiếp theo sắp nói gì, nên đọc đoạn trước vẫn còn thắc mắc muốn theo dõi tiếp đoạn sau, theo tôi, đây cũng là một chỗ thành công của tác giả. Tôi định trích thêm vài đoạn nữa để giới thiệu nội dung sách cho được đầy đủ hơn, nhưng cảm thấy hơi lúng túng, vì dường như đoạn nào cũng cần đọc, đều đều như nhau, chi bằng để cho người đọc tiếp cận thẳng với tác phẩm, sẽ có thể hay hơn và thú vị hơn?        

Có thể coi sách này là một “bách khoa thư” tản mạn về cuộc sống thực tế của con người hiện đại, chứa đựng đủ các vấn đề liên quan văn hóa-giáo dục, triết học, tôn giáo, đạo đức, kinh tế, chính trị, khoa học-kỹ thuật… Nhiều đề tài phức tạp đã được diễn đạt bằng lối văn tương đối bác học nhưng sáng sủa dễ hiểu, với giọng văn ôn tồn bình thản đi cùng nhiều thí dụ minh họa sinh động lấy ra từ sách vở đông tây kim cổ cũng như từ thực tế đời sống, nên nghe như tiếng nói thì thầm của cha mẹ tâm tình cởi mở với con cái, hoặc đôi khi như một thầy giáo giảng bài, một đạo sư giảng đạo…

                                                                                                               29.7.2020