Nhiều thế hệ sinh viên y khoa và học viên sau đại học của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh không bao giờ quên hình ảnh người Thầy mặc bộ blouse đặc biệt của người phẫu thuật viên, rất hiền lành nhưng cũng rất nghiêm khắc, bài học đầu tiên mà Thầy dạy các học trò là bài học về đạo đức của người thầy thuốc, tất cả phải hướng về người bệnh.
Giáo sư Bác sĩ Văn Tần, cống hiến cả cuộc đời vì sự nghiệp Y khoa và sự nghiệp giáo dục, đào tạo của Ngành Y tế Thành phố và cả nước
Giáo sư Văn Tần cùng với các đồng nghiệp tham dự Hội nghị Khoa học Công nghệ Bệnh viện Bình Dân lần thứ 20 (CISE2023) tháng 4 năm 2023
GS Văn Tần - vị bác sĩ trọn đời cứu người
Trước khi qua đời ở tuổi 92, GS Văn Tần, người được mệnh danh là "bàn tay vàng" trong ngành ngoại khoa, hằng ngày đến Bệnh viện Bình Dân từ 5h để thăm khám người bệnh.
GS.TS.BS Văn Tần, qua đời ngày 4/9, sau hơn hai tháng sức khỏe suy yếu vì tai nạn gãy xương. Sáng 7/9, xe đưa linh cữu của giáo sư Tần đi qua Bệnh viện Bình Dân để nhân viên nơi này xếp hàng tiễn biệt, trước khi hỏa táng.
Trước khi bị ngã, giáo sư Tần vẫn vào Bệnh viện Bình Dân mỗi ngày - nơi ông gắn bó từ năm 1972, được xem là "chiếc nôi ngành ngoại khoa" của TP HCM và các tỉnh phía Nam.
Sinh thời, ông từng lý giải việc vào viện từ 5h thăm bệnh "rất cần thiết", "giúp nắm được tình hình mổ trong ngày của bệnh nhân, biết được sau mổ bệnh nhân có khá hơn không, có tử vong, biến chứng không". Những thông tin quan trọng được ông ghi chép cẩn thận, nếu có ca bệnh khó sẽ giở sách tìm hiểu để đưa ra bàn bạc trong cuộc họp giao ban. Theo ông, nếu 7h mới tới viện, bác sĩ "không đủ thời gian cho những việc này".
Giáo sư Văn Tần phát biểu chuyên môn tại Hội nghị Khoa học Công nghệ Bệnh viện Bình Dân lần thứ 20, tháng 4/2023. Ảnh: Trần Nhung
Với kinh nghiệm trực tiếp phẫu thuật hơn 30.000 ca mổ phức tạp, ông đảm nhận công việc giảng viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và ĐH Y Dược TP HCM, truyền thụ kiến thức và kinh nghiệm ngoại khoa cho nhiều thế hệ sinh viên. Ông từng chia sẻ việc đứng lớp, nhìn sự trưởng thành của người trẻ mỗi ngày là niềm hạnh phúc to lớn. Nhiều học trò nhớ bài học đầu tiên mà ông dạy là phải có đạo đức, "bởi đạo đức rất cần thiết, nếu không có đạo đức, rõ ràng chuyên môn giỏi cũng hỏng". Trong thời gian giãn cách cao điểm do đại dịch Covid, ông vẫn chia sẻ kiến thức đến sinh viên bằng hình thức trực tuyến.
Bác sĩ Trần Thanh Nhân, Khoa Phẫu thuật ung bướu tiết niệu, Bệnh viện Bình Dân, nhớ lần được "bố Tần" cứu cách đây 20 năm. Nữ bệnh nhân 16 tuổi, mổ nội soi cắt thận bị tai biến, kíp mổ phải cầu cứu giáo sư Tần. Ông vào phòng mổ, cắt một đoạn đại tràng trái, khâu một lớp mũi liên tục nhanh, gọn và chính xác đến từng mm. Sau mổ, bệnh nhân khỏe mạnh, xuất viện.
"Thầy lớn tuổi, được nhiều y bác sĩ trong bệnh viện kính trọng gọi bằng bố. Thầy 'cứu' rất nhiều bác sĩ trong những ca mổ khó", bác sĩ Nhân nói và cho biết không ít lần bên niệu khoa bị tai biến hệ mạch máu hay tiêu hóa, lồng ngực, đều phải nhờ đến thầy.
"Cứu" bác sĩ cũng là điều được giáo sư Lê Quang Nghĩa, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân nhớ nhiều đến giáo sư Tần. "Cách đây 48 năm, khi tôi mới vào nội trú tại bệnh viện, thầy đã là trưởng khoa. Thầy tận tâm, mổ giỏi, mát tay, chỉ cần đàn em mời tham vấn những ca cấp cứu khó, thầy đều không từ nan, có mặt không quản đêm ngày, lễ tết", giáo sư Nghĩa nói, nhấn mạnh đây là điều khiến ông rất cảm phục.
Trong hồi ức của bác sĩ Trần Công Quyền, Trưởng Khoa Lồng ngực - Bướu cổ, giáo sư Văn Tần nghiêm khắc trong phân công và kiểm tra công việc hàng ngày. Tuy nhiên, trong lúc phẫu thuật, ông hiền, ít nói, điềm đạm, không nóng giận khi bác sĩ phụ chưa hiểu ý hoặc điều dưỡng dụng cụ chưa đưa đúng dụng cụ. Nhờ đó, mọi người trong ê kíp luôn bình tĩnh, tự tin dù có những tình huống khó khi phẫu thuật.
Với bác sĩ Quyền, giáo sư Tần "rất giỏi chuyên môn nhờ thực hành tốt và kiến thức sâu rộng". Đây là kết quả của một phong cách làm việc nghiêm túc, học tập liên tục không ngừng, thẳng thắn trong nhìn nhận sai lầm của chính mình, rút kinh nghiệm từ đồng nghiệp.
GS Tần ngồi dạy trực tuyến cho học trò thời điểm dịch Covid. Ảnh: Trần Nhung
Từ khi tốt nghiệp y khoa năm 1964, giáo sư Tần chỉ mổ ở bệnh viện, không mở phòng mạch tư, không nhận mổ dịch vụ. Ông từ chối chức giám đốc bệnh viện, đến ngày về hưu vẫn chỉ nhận làm phó giám đốc, tập trung chuyên môn phẫu thuật với các nghiên cứu, ứng dụng những kỹ thuật mới giúp người bệnh. Ngoài thời gian mổ, thăm khám bệnh, giảng dạy, ông dành nhiều thời gian trong phòng làm việc để viết sách, nghiên cứu, rời đơn vị khi thành phố đã lên đèn.
Với các y bác sĩ, giáo sư Tần là "đại thụ" trong ngành ngoại khoa. Ông từng được vinh danh bác sĩ phẫu thuật động mạch giỏi nhất Việt Nam, phẫu thuật gan đứng thứ nhì trong nước, chỉ sau cố giáo sư Tôn Thất Tùng. Ông là bác sĩ đầu tiên nước ta phẫu thuật cắt thần kinh giao cảm ngực, phẫu thuật phình động mạch chủ bụng...
Một trong những ca mổ phức tạp nhất, trở thành mốc son trong lịch sử y học Việt Nam, mà ông tham gia với vai trò phẫu thuật viên chính cùng giáo sư Trần Đông A, giáo sư Trần Thành Trai, là ca mổ huyền thoại tách cặp song sinh Việt - Đức, năm 1988. Ca mổ thành công sau 15 giờ không chỉ cứu sống được bệnh nhân mà còn thay đổi cách nhìn của thế giới về y học Việt Nam. Nguyễn Việt sống thêm 19 năm sau mổ, Nguyễn Đức lớn lên lập gia đình và có hai con sinh đôi, là điều chưa từng có trong lịch sử y khoa thế giới.
Trong phòng làm việc của bác sĩ Tần, bức ảnh của cố giáo sư Phạm Biểu Tâm - một trong những cánh chim đầu ngành ngoại khoa Việt Nam, luôn được treo một góc trang trọng. Đây là người thầy dẫn dắt giáo sư Tần từ khi ông mới vào nghề. Sau này, hai trong bốn người con của ông trở thành bác sĩ, tiếp nối tâm huyết cứu giúp bệnh nhân của cha.
Lê Phương
Hàng dài bác sĩ, bệnh nhân đưa tiễn Giáo sư Văn Tần - bậc thầy phẫu thuật
Sáng 7/9, linh cữu Giáo sư Văn Tần, bậc thầy phẫu thuật, một trong 3 bác sĩ chính của cuộc mổ tách cặp song sinh Việt - Đức, đã đi ngang Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM). Đây là nơi ông dành trọn đời chữa bệnh, cứu người.
Giáo sư, bác sĩ Văn Tần qua đời ngày 4/9 ở tuổi 92. Ông gắn bó với Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) từ năm 1972 đến những ngày tháng cuối cùng.
Lễ tang của Giáo sư Văn Tần được tổ chức tại nhà riêng, không kèn trống. Lúc 6h40 phút ngày 7/9, linh cữu Giáo sư Văn Tần đi ngang qua Bệnh viện Bình Dân.
Sáng nay, dòng người xếp hàng dài gồm nhiều thế hệ bác sĩ, bệnh nhân được giáo sư trực tiếp phẫu thuật, đã đưa tiễn ông về nơi an nghỉ.
Suốt cuộc đời làm nghề, Giáo sư Văn Tần không mở phòng mạch tư, không nhận mổ ngoài, từ chối chức vụ Giám đốc Bệnh viện Bình Dân để tập trung làm chuyên môn, cứu chữa người bệnh. Ở đây, các bác sĩ thường gọi Giáo sư là "bố Tần", "thầy Tần" với sự kính mến và gần gũi.
Phó giáo sư, bác sĩ Lê Chí Dũng (một đàn em đồng hương Quảng Trị) chia sẻ Giáo sư Văn Tần nổi tiếng là vị bác sĩ phẫu thuật không mệt mỏi. Ông ở bệnh viện bất kể là ngày hay đêm, toàn tâm toàn ý lo cho người bệnh.
“Khối lượng công việc lớn, hiệu quả cao, tâm huyết với nghề nên anh được mọi người tôn trọng, đánh giá cao. Anh là nhân vật rất hiếm hoi đạt được bộ 3 danh hiệu Giáo sư - Thầy thuốc nhân dân - Anh hùng lao động”, Phó giáo sư Lê Chí Dũng bày tỏ.
"Ngày Giáo sư Văn Tần qua đời là ngày đau buồn nhất của toàn thể Bệnh viện Bình Dân", Giáo sư Lê Quang Nghĩa, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân chia sẻ.
Còn với Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Giáo sư Văn Tần là người đồng nghiệp rất thân thương, là bậc đàn anh đầy kính mến, một vị bác sĩ có phong thái nghiêm túc và sức làm việc đáng ngưỡng mộ.
Năm 2022, hai vị bác sĩ già cùng tham dự một hội thảo tại Cần Thơ. Tại đây, Giáo sư Tần đã có bài báo cáo, chia sẻ chuyên môn cùng các đồng nghiệp trẻ trong dáng vẻ rất "đơn sơ": Đi dép, áo bỏ ngoài thùng.
Trên Facebook cá nhân, bác sĩ Đoàn Văn Trung chia sẻ từng có lần hỏi Giáo sư Tần: Điều gì Thầy trăn trở nhất trong cuộc đời hành nghề? Giáo sư Văn Tần trả lời: “Làm nghề, cần nhất là không làm hại thêm cho bệnh nhân bất kỳ góc độ nào. Thầy mỗi ngày duyệt mổ hơn 50 ca, cả đời biết bao nhiêu ngàn ca. Khó nhất là không quyết định sai".
Sinh thời, Giáo sư Văn Tần nhiều lần khẳng định với học trò rằng ông chưa bao giờ hối tiếc khi đã lựa chọn ngành y, bởi lẽ dù làm việc ở đâu, ở thời đại nào thì những kiến thức y khoa luôn hữu dụng.
Năm 2006, Giáo sư Văn Tần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Ước tính đến nay, Giáo sư Văn Tần đã thực hiện trên 30.000 ca phẫu thuật và thực hiện hơn 300 công trình nghiên cứu khoa học.
Một trong những ca mổ phức tạp nhất mà Giáo sư Văn Tần tham gia với vai trò phẫu thuật viên chính là ca mổ huyền thoại tách cặp song sinh Việt - Đức vào năm 1988, cùng giáo sư Trần Đông A, giáo sư Trần Thành Trai. Ca phẫu thuật lịch sử này đã trở thành mốc son của y học Việt Nam.
Giáo sư Văn Tần qua đời: Ký ức về vị bác sĩ từ chối làm giám đốc bệnh viện
Giáo sư Văn Tần: ‘Một đời thinh lặng cứu người’1
Lắng đọng trong tôi là hình ảnh giáo sư Văn Tần, một người thật hiền từ, ít nói, điềm đạm, nhẹ nhàng mà thẳng thắn.
Cách đây 35 năm, trong số 70 thầy thuốc cùng dành cả trí tuệ, thời gian, tâm huyết cho ca mổ tách cặp song sinh dính liền Việt - Đức (năm 1988), có hình ảnh giáo sư Văn Tần - một trong 3 bác sĩ trụ cột của cuộc mổ.
Ông hiền từ, ít nói, điềm đạm, nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn trong đóng góp ý kiến cho thành công chung của cuộc phẫu thuật lịch sử này.
Tôi là một trong số phóng viên may mắn được chứng kiến và cho đến nay đó vẫn là một kỳ tích, vẫn là niềm tự hào của các thầy thuốc Việt Nam.
Thành công vang dội của cuộc mổ lịch sử qua đi, người thầy thuốc tài đức sinh tại Hải Lăng (Quảng Trị) ấy không mở phòng mạch tư, vẫn lặng thầm tận tụy với hàng chục ngàn ca mổ, là ân nhân của biết bao người bệnh.
Với trên 300 công trình nghiên cứu khoa học, 60 năm tham gia giảng dạy - giáo sư Văn Tần luôn là hình ảnh "Người Thầy mẫu mực" trong lòng nhiều thế hệ bác sĩ trẻ.
Giáo sư Võ Văn Thành, người cùng một bác sĩ đồng nghiệp được giao "tách đôi xương sống dính nhau vùng cụt" trong ca mổ tách Việt- Đức, tâm sự rằng trong thời gian 9 năm (1975-1984), khi ông làm ở Bệnh viện Bình Dân may mắn được giáo sư Hoàng Tiến Bảo gởi sang giáo sư Phạm Biểu Tâm (chuyên gia về phẫu thuật nổi tiếng) học một năm rưỡi về ngoại khoa tổng quát.
Nhờ vậy, ông mới có cơ may tiếp cận và học hỏi "anh Văn Tần" về chuyên ngành ngoại khoa tổng quát.
"Anh Tần nổi bật với cá tính ít nói, siêng năng, làm việc nghiêm túc, không quản ngại đến bệnh viện bất kể đêm ngày khi các đồng nghiệp trẻ cần tham vấn, hay trực tiếp đứng mổ. Cá tính đặc biệt của anh là biểu lộ một sự cương nghị khi thấy bệnh cần có chỉ định phẫu thuật. Anh phán đơn giản một chữ: MỔ" - giáo sư Võ Văn Thành nói.
Giáo sư Võ Văn Thành nói rằng với sự khéo léo, mát tay, giáo sư Văn Tần đã giúp biết bao bệnh nhân nặng cần mổ. Ông nói: "Cả một đời y nghiệp mà anh đã cống hiến, tới tận lúc đã gần 90 tuổi, bác sĩ Văn Tần là một tấm gương cho thế hệ trẻ cả tác phong nghề nghiệp lẫn đạo đức chuyên môn".
Xin tiễn biệt giáo sư Văn Tần - người thầy thuốc cả một đời thinh lặng cứu người - về với cõi hiền.
Dưới đây là một số hình ảnh về giáo sư Văn Tần mà phóng viên báo Tuổi Trẻ có dịp ghi lại:
Giáo sư Văn Tần, 1 trong 3 phẫu thuật viên ca mổ lịch sử
Giáo sư Văn Tần sinh năm 1932 tại Quảng Trị. Ông từng là phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân từ năm 1981 và có nhiều cải tiến trong nghiên cứu khoa học, được báo cáo nhiều nơi trong nước và trên thế giới.
Ông là điển hình cho tấm gương “lương y như từ mẫu”, từng là phẫu thuật viên chính của ca mổ lịch sử tách cặp song sinh dính nhau phần xương chậu, có hai chân và một chân cụt là Nguyễn Việt và Nguyễn Đức tại Bệnh viện Từ Dũ, cùng giáo sư Trần Đông A, Trần Thành Trai...
Hãy đến thăm sức khỏe cộng đồng để tìm hiểu về kiến thức y khoa, nếu bạn có thắc mắc gì nữa thì xem review phòng khám Hưng Thịnh nhé!
Trả lờiXóa