Luật sư cho rằng ông Nguyễn Thành Danh (cựu giám đốc CDC Bình Dương) liêm khiết, quyết liệt từ chối đồng tiền không chính đáng từ Việt Á.
Chiều 9-1, phiên tòa xét xử hai cựu bộ trưởng cùng 36 người trong vụ án Việt Á tiếp tục phần tranh luận, các luật sư nêu quan điểm bào chữa cho thân chủ của mình.
Trong vụ án liên quan đến Công ty Việt Á, ông Nguyễn Thành Danh - cựu giám đốc CDC tỉnh Bình Dương - là người duy nhất đã từ chối nhận tiền khi được nhân viên của công ty này đến "cảm ơn".
Chính vì vậy, khi luận tội, viện kiểm sát đã đề nghị tòa tuyên phạt ông Danh 10 tháng 4 ngày tù. Mức án viện kiểm sát đề nghị bằng với thời gian ông Danh bị tạm giam.
"Mượn test xét nghiệm của Việt Á để sử dụng là thực hiện theo chủ trương cấp trên"
Bào chữa cho bị cáo Danh, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TPHCM) bày tỏ vui mừng vì ở góc độ công tố, buộc tội, phía viện kiểm sát đã cân đối công - tội, sai phạm đặt trong nguyên nhân, bối cảnh, hoàn cảnh để hướng đến sự khách quan nhất để đề nghị một mức hình phạt vừa phải cho ông Danh.
Tuy nhiên, luật sư nêu một số vấn đề để từ đó hội đồng xét xử xem xét, miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Nguyễn Thành Danh.
Theo luật sư, CDC Bình Dương thực hiện việc mượn test xét nghiệm, vật tư để sử dụng là thực hiện theo chủ trương của Sở Y tế tỉnh. Ông Danh hay CDC Bình Dương không hề tự ý hay đề xuất chủ trương mượn hàng này.
Qua lời khai của bị cáo Danh cùng một số người khác tại CDC Bình Dương, Sở Y tế Bình Dương và tại phiên tòa cũng xác nhận việc thực hiện mượn kit xét nghiệm của Công ty Việt Á là thực hiện theo chủ trương kết luận của lãnh đạo Sở Y tế thời điểm đó.
Vì cơ chế độc quyền kit xét nghiệm, test tách chiết trên thị trường của Công ty Việt Á, Công ty VNDAT tại thời điểm dịch lúc đó mà buộc CDC Bình Dương phải thực hiện thầu chỉ định cho hai công ty này để đơn vị mua được sản phẩm với giá rẻ nhất, nhưng đây cũng là chủ trương của Sở Y tế tỉnh Bình Dương.
Luật sư cho rằng hành vi hợp thức hồ sơ thầu để thanh toán hàng đã mượn cho Công ty Việt Á, Công ty VNDAT là sai phạm. Tuy nhiên, thời điểm đó, các bị cáo không thể nào biết được giá kit xét nghiệm của Việt Á đưa ra đã được nâng lên.
Luật sư cũng cho rằng ông Danh không chỉ đạo nhân viên cấp dưới liên hệ, phối hợp với Công ty Việt Á, Công ty VNDAT thông đồng, cung cấp hồ sơ kỹ thuật, báo giá cho đơn vị thẩm định giá để ban hành chứng thư thẩm định với giá do Công ty Việt Á đề nghị.
"Việc cáo buộc bị cáo Danh thông đồng là quá nặng nề", luật sư nhấn mạnh.
Theo luật sư, vì không có kinh nghiệm tổ chức thầu mà các bị cáo tại CDC Bình Dương không tự nhận thức được các hành vi chuyển báo giá, các đặc tính kỹ thuật của Công ty Việt Á cho Công ty Trung Tín là sai phạm.
"Ngày nhận quyết định nghỉ hưu cũng là ngày nhận quyết định khởi tố bị can"
Tiếp đó, luật sư cho rằng ông Nguyễn Thành Danh không vụ lợi hay nhận bất cứ lợi ích gì trong vụ án này. Điều này đã được nêu trong bản cáo trạng.
Khi được phía Công ty Việt Á đặt vấn đề tặng quà cảm ơn, bị cáo Danh đã quyết liệt từ chối không chỉ một mà nhiều lần.
"Bị cáo Danh là người rất khác biệt trong vụ án này. Bị cáo là người chính trực, liêm khiết, quyết liệt từ chối đồng tiền không chính đáng từ Việt Á trong hoàn cảnh như vậy là điều không dễ dàng, đây là một nhân cách đáng kính trọng", luật sư nêu quan điểm và mong hội đồng xét xử xem xét, đánh giá tình tiết đặc biệt này.
Cuối phần bào chữa, luật sư cho rằng điều vô cùng đau xót đối với ông Danh là đã xin nghỉ hưu trước hạn nhưng vì dịch nên đồng ý tiếp tục ở lại chống dịch, đăng ký tham gia vào tuyến đầu, hiểm nguy cả tính mạng.
"Nhưng nghiệt ngã thay, ngày ông Danh nhận quyết định nghỉ hưu cũng là ngày nhận quyết định khởi tố bị can", luật sư cho hay.
"Nghiệt ngã nhưng không tuyệt vọng vì nhân cách đáng kính trọng, khó khăn không chùn bước, tiền bạc không thể làm bị cáo Danh lung lay", luật sư nói và mong được hội đồng xét xử xem xét thấu tình đạt lý, để từ đó cho bị cáo Danh được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt là miễn trách nhiệm hình sự.
Vì sao cựu giám đốc CDC Bình Dương từ chối nhận tiền tỉ của Việt Á?78
Cựu giám đốc CDC tỉnh Bình Dương thừa nhận vi phạm trong đấu thầu như cáo buộc của cơ quan truy tố nhưng khẳng định 'không vụ lợi'. Ông từng từ chối khoản tiền tỉ khi nhân viên của Việt Á mang đến 'cảm ơn'.
Trong vụ án liên quan Công ty Việt Á, ông Nguyễn Thành Danh - cựu giám đốc CDC tỉnh Bình Dương, là một trong số ít người đã từ chối nhận tiền khi được nhân viên của công ty này đến "cảm ơn".
Ông Danh bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
"Bị cáo vô tình phạm tội"
Tại tòa, ông Danh khai làm giám đốc CDC tỉnh Bình Dương từ tháng 7-2019 đến tháng 12-2021. Ông thừa nhận bị Viện kiểm sát truy tố về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là đúng người, đúng tội.
Bởi trong quá trình chống dịch COVID-19, khi làm giám đốc CDC Bình Dương, ông Danh đã tạm ứng kit xét nghiệm của Công ty Việt Á và Công ty VNDAT sử dụng trước rồi sau đó hợp thức thanh toán, thông qua 5 gói thầu và 7 hợp đồng trị giá hơn 82 tỉ đồng.
Ông Danh phân trần rằng quá trình ký hợp đồng cung ứng kit xét nghiệm với Việt Á "không có ai thỏa thuận đưa lợi ích vật chất hay trích phần trăm lại cho bị cáo".
Cựu giám đốc CDC Bình Dương khai ứng kit xét nghiệm sử dụng trước, thanh toán sau là thực hiện chỉ đạo từ lãnh đạo Sở Y tế tỉnh.
Ông giải thích thời điểm đó CDC Bình Dương mới thành lập nên chưa có kinh nghiệm trong mua sắm sinh phẩm y tế.
Ông Danh thừa nhận cáo trạng quy kết hành vi trên vi phạm quy định về đấu thầu và gây thiệt hại tài sản nhà nước 55 tỉ đồng "là đúng".
"Bị cáo ý thức được hành vi phạm tội của mình. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị cáo vô tình vi phạm pháp luật về đấu thầu, mong hội đồng xét xử xem xét", cựu giám đốc CDC Bình Dương giải thích trước tòa.
Từ chối nhận tiền tỉ của Việt Á
Tiếp tục khai, cựu giám đốc CDC Bình Dương nói bản thân ý thức hành vi vi phạm của mình bị viện kiểm sát truy tố là đúng.
Tuy nhiên, ông Danh giải thích rằng mình không có yếu tố vụ lợi khi ký các hợp đồng với Việt Á. "Bị cáo không nhận được lợi ích vật chất gì từ Việt Á và Công ty VNDAT cũng như cả từ cấp trên", cựu giám đốc CDC Bình Dương khai.
Theo cáo trạng, khi dịch bùng phát, CDC Bình Dương đang dùng kit xét nghiệm của hãng Roche và test tách chiết của Công ty VNDAT. Song, bị cáo Nguyễn Thành Danh đã chỉ đạo Lê Thị Hồng Xuyên, nhân viên xét nghiệm của trung tâm này, liên hệ với Công ty Việt Á và Công ty VNDAT để ứng trước kit xét nghiệm của Việt Á và test tách chiết của VNDAT sử dụng trước rồi hợp thức thủ tục đấu thầu thanh quyết toán sau.
Hành vi của nhóm cựu lãnh đạo, nhân viên tại CDC tỉnh Bình Dương bị cáo buộc gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 55 tỉ đồng.
Sau khi Công ty Việt Á được CDC Bình Dương thanh toán tiền, Phan Quốc Việt đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền là Lê Trung Nguyên, Phan Tôn Noel Thảo tính tiền % ngoài hợp đồng để cảm ơn cho Tiêu Quốc Cường (phó trưởng phòng kế hoạch tài chính kiêm kế toán trưởng Sở Y tế Bình Dương) 3 lần với tổng số hơn 1,2 tỉ đồng và đưa cho Lê Thị Hồng Xuyên 2 lần tổng số hơn 1 tỉ đồng.
Ngoài ra, Việt còn chỉ đạo nhân viên chi tiền cho Nguyễn Thành Danh và ông Nguyễn Hồng Chương (giám đốc Sở Y tế Bình Dương) nhưng cả hai người này không nhận. Do đó, Lê Trung Nguyên báo cáo Việt và chuyển lại số tiền 4,2 tỉ đồng về Công ty Việt Á, cáo trạng nêu.
Trong quá trình điều tra, Lê Trung Nguyên khai nhiều lần trực tiếp gặp Nguyễn Thành Danh tại CDC Bình Dương và đưa tiền cảm ơn nhưng ông Danh đều không nhận với lý do sắp về hưu nên "không muốn liên quan đến tiền bạc, hoa hồng".
Trái ngược với việc từ chối nhận tiền của ông Danh, tại tòa bị cáo Tiêu Quốc Cường khai đã nhận "cảm ơn" của Công ty Việt Á 3 lần với số tiền là 1,25 tỉ đồng. Ông Cường thừa nhận truy tố của viện kiểm sát trong cáo trạng là đúng và giải thích hành vi sai phạm của mình "do nhận thức chưa đầy đủ".
Sau khi bị bắt, ông Cường đã tự nguyện nộp lại số tiền trên vào tài khoản của cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả vụ án.
Tại tòa, ông Ngô Phát Đạt, đại diện của Sở Y tế Bình Dương, khi được hội đồng xét xử hỏi ý kiến thì đưa ra đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là cựu cán bộ của đơn vị mình.
Cái tội của cựu Giám đốc CDC Bình Dương
Trong số các bị cáo trong vụ án liên quan Công ty Việt Á đang xét xử, trường hợp bị cáo Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc CDC tỉnh Bình Dương mang lại nhiều xúc cảm với những ai theo dõi phiên tòa.
Bị cáo Danh đã nhiều lần từ chối và thực tế là không nhận “hoa hồng” của Việt Á. CDC Bình Dương đã thực hiện chủ trương mượn test, vật tư của Công ty Việt Á để sử dụng phòng chống dịch trong hoàn cảnh dịch bệnh kề cận như nước vỡ bờ.
Hôm qua, bị cáo Danh bị đề nghị mức án 10 tháng 4 ngày, bằng thời hạn tạm giam. Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, bị cáo Danh không có yếu tố vụ lợi, từng từ chối nhận tiền của Tổng giám đốc Việt Á và tại tòa được đại diện CDC tỉnh Bình Dương có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đây là tình tiết giảm nhẹ tội của bị cáo.
Đây là mức án “hợp lý” nhất mà bị cáo Danh có thể được hưởng cho tội vi phạm quy định đấu thầu gây thiệt hại nghiêm trọng?
Ông Danh làm giám đốc CDC tỉnh Bình Dương từ tháng 7-2019 đến tháng 12-2021.
Xem lại lịch sử, dịch Covid-19 ở Bình Dương, thủ phủ của ngành công nghiệp phía Nam, bùng phát trong giai đoạn 8-10/2021 với kỷ lục đến hơn 4.700 ca mắc ngày cao điểm nhất.
Trong bối cảnh TP.HCM kế bên bị nhiễm Covid-19 trầm trọng, khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc”, “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” là kim chỉ nam cho mọi địa phương, nhiều chỉ thị phong tỏa chống dịch vượt qua mọi quy định của pháp luật hiện hành và vắc xin về nhỏ giọt, Bình Dương cũng như nhiều tỉnh khác chắc hẳn cũng rất bối rối và phải đưa ra nhiều biện pháp tức thì, chưa có tiền lệ.
Tại tòa, bị can Danh giải thích thời điểm đó CDC Bình Dương mới thành lập nên chưa có kinh nghiệm trong mua sắm sinh phẩm y tế.
Rõ ràng, trong những hoàn cảnh bất thường thì phải có những hành động bất thường vì lợi ích chung. Sau 3 tháng cao điểm dịch, đến tháng 11/2021, dịch ở Bình Dương cũng đã dịu đi trông thấy. Kết quả đó chắc chắn là tổng hòa nhiều yếu tố, trong đó đáng kể là các bác sỹ, nhân viên y tế của tỉnh.
Dịch bệnh đã qua đi, giờ đây nhìn lại phán xét thì rất dễ. Nhưng ở hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng lúc đó, nếu không nhân danh tổ chức “vay, mượn” kít xét nghiệm, sinh phẩm thì chống dịch bằng gì?
Và nếu tuân thủ các quy trình, quy định thì liệu dịch bệnh có bùng phát vượt qua quy mô lúc đó?
Trong phiên tòa, thái độ của bị cáo Danh thật đáng suy nghĩ. Bị cáo hoàn toàn không “quanh co chối tội” hay đổ lỗi cho cấp trên, cấp dưới mà thừa nhận các cáo buộc: “Bị cáo ý thức được hành vi phạm tội. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị cáo vô tình vi phạm pháp luật về đấu thầu”.
Theo cáo trạng, bị cáo Danh và Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hồng Chương đã từ chối tổng cộng 4,2 tỷ đồng tiền “hoa hồng” từ Công ty Việt Á. Đây là số tiền không nhỏ so với mức lương họ nhận hàng tháng.
Nếu ông nhận tiền, dù chỉ một xu, thì chắc chắc tội danh và mức án không chỉ có vậy. Đương nhiên, người dân cũng giữ thái độ kinh bỉ, hả hê như đối với các bị can khác đã nhận “hoa hồng” trong vụ án.
Nhiều ý kiến tỏ ra thương cảm với bị cáo Danh không chỉ bởi thái độ của ông ở phiên tòa, ở tội danh ông bị truy tố, mà bởi cựu giám đốc CDC Bình Dương đã vượt qua được lòng tham trước tiền.
Thái độ đó dường như chứng tỏ cái "dám chịu trách nhiệm" của bị cáo Danh, cho dù, một ngày tù là một ngày khổ đau? Thái độ đó hoàn toàn khác với nhiều bị can khác tại hòa, đặc biệt là những bị can từng là cán bộ cao cấp.
“Pháp bất vị thân”. Phán quyết của Tòa là cao nhất. Nhưng, các mức án vừa phải thể hiện tính nghiêm minh, răn đe, vừa phải thể hiện tính nhân đạo của pháp luật để thuyết phục nhất.
Tư Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét