Thứ Ba, 29 tháng 4, 2025

Sài Gòn ngày 30/4/1975 trong hồi ức bác sĩ

 Đọc những dòng hồi ký 50 năm trước, GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền, 75 tuổi, như sống lại trong sự "yên tĩnh lạ lùng đến không ngủ được" của đêm 30/4/1975.

"Tôi may mắn sống trong sự yên tĩnh lạ lùng đến không ngủ được khi ngả lưng trong phòng nội trú bệnh viện đêm 30/4 giải phóng", bác sĩ Hiền, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, nhớ lại. Không khí vắng lặng này đã "để lại hồi ức sâu sắc", bởi từ lúc ông còn nhỏ đến khi ấy, đêm nào cũng có tiếng súng, tiếng gầm rú của phi cơ.

Trong ký ức bác sĩ Hiền, sáng 29/4/1975 các thông tin về chiến sự lan khắp nơi. Quân giải phóng sắp tiến vào Sài Gòn. Ông Hiền, khi ấy là bác sĩ thực tập nội trú tại Bệnh viện Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM - bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam) đến gặp bác sĩ Huỳnh Ngọc Xuân phụ trách Bộ môn Nội khoa, được dặn dò "các bác sĩ nội trú còn ở lại thì vẫn khám cho bệnh nhân như thường". Buổi trình bệnh (họp giao ban) buổi sáng chấm dứt chỉ sau 5-10 phút thay vì 60-90 phút như bình thường, mọi người lo lắng chộn rộn.

Tối hôm trước, bác sĩ Hiền nằm trong khu nội trú bệnh viện, nghe những âm thanh hỗn độn của pháo kích dội lại từng lúc. Khoảng 6h ngày 29/4/1975, đứng trên cầu thang lộ thiên, ông thấy hai chiếc máy bay Skyraider nhào lộn thả bom ở hướng Phú Lâm - phía Nam Sài Gòn. Một vệt sáng từ dưới vút lên, chiếc phi cơ còn đang lấy độ cao thì bị trúng đạn vào đuôi, nổ tung. Không thấy dù của phi công bung ra. Chiếc thứ hai nhào xuống, tiếng bom lục bục vọng về lẫn khói đen bốc lên. Đột nhiên, một chiếc C119 bay thấp bên kia sông Hàm Tử kéo theo một vệt khói đen rồi mấy phút sau ông Hiền thấy đám khói lớn vươn lên phía quận 6 và một tiếng nổ lớn.

Ngày hôm ấy, chỉ có vài người trong tổng số 14 bác sĩ nội trú vào viện làm việc. Bác sĩ Hiền khám bệnh nhân xong, cùng một người bạn nhỏ hơn hai khóa lên nhà dì ở Phú Nhuận để bạn đổi tiền. Ngoài đường, xe cộ hối hả ngược xuôi chở theo nhiều trẻ em và phụ nữ. Mấy chiếc trực thăng sơn chữ ICCS (The International Commission of Control and Supervision - Ủy ban Kiểm soát và Giám sát việc thi hành Hiệp định Paris) quần trên một số nóc nhà.

"Đến nhà, dì tôi bảo cả nhà đi ra bến tàu, tôi sang nhà bạn gái hy vọng có thể đổi tiền nhưng cũng không còn ai", bác sĩ Hiền nhớ lại cô bạn "nước mắt ràn rụa thông báo 'cả nhà sắp di tản'". Họ nói "tạm biệt" bằng tiếng Pháp, mãi nhiều năm về sau mới gặp lại khi cả hai đều đã có gia đình.

Đài phát thanh FM của Mỹ ở Sài Gòn vang lên tiếng nhạc I’m Dreaming of a White Christmas - dấu hiệu khởi động cuộc di tản bằng phi cơ. Điện văn cuối cùng của Sứ quán gửi đi thông điệp "Hy vọng lịch sử sẽ không bao giờ được lặp lại. Đây là Sài Gòn - Xin từ biệt". Bác sĩ Hiền và người bạn lại sang nhà anh họ, được khuyên "hai đứa ở đây đi, bây giờ ở ngoài lộn xộn lắm". Khoảng 2-3h chiều, nghe nhiều tiếng máy bay, ông ngước nhìn: "Một cảnh tượng chưa từng có: bầu trời Sài Gòn như có một đàn ong vỡ tổ". Tầng trời cao là máy bay F4 Phantom, bay ở tầng thấp là trực thăng. Vài đốm đen nổ bùng ra - đó là pháo cao xạ được bắn lên rải rác.

Đêm đến, cả nhóm bác sĩ nội trú di chuyển về đường Nguyễn Tri Phương, cùng ngủ ở nhà của một người trong nhóm. Suốt đêm, trực thăng rì rầm, tiếng súng và hỏa châu vang khắp Sài Gòn.

Bệnh viện Chợ Quán năm 1975, nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, tuyến cuối điều trị các bệnh lây nhiễm khu vực phía Nam. Ảnh tư liệu

Bệnh viện Chợ Quán năm 1975, nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, tuyến cuối điều trị các bệnh lây nhiễm khu vực phía Nam. Ảnh tư liệu

Sáng 30/4/1975, các hãng truyền thông nước ngoài loan tin Mỹ tuyên bố "chiến dịch di tản chấm dứt". "Bầu trời tự nhiên trống trải lạ thường, trên cao tít có một chiếc phi cơ thám thính bay vòng vòng nhưng sau một loạt cao xạ nó đã bay mất dạng về hướng đông", theo bác sĩ Hiền. Trưa hôm ấy, nhóm bác sĩ nội trú của ông Hiền lại cùng nhau đến Bệnh viện Bình Dân hỗ trợ khám bệnh bởi "bệnh nhân bị thương vào đông quá".

Một thanh niên bị trúng đạn ở đầu, sau khi băng bó bác sĩ chuyển đi Bệnh viện Chợ Rẫy. Thế nhưng súng nổ vang nhiều hướng, bệnh nhân đã được đưa ra băng ca nhưng chưa có y bác sĩ nào lên xe cấp cứu để chuyển đến Chợ Rẫy. Bác sĩ Hiền nhảy lên xe cấp cứu, gọi theo một y tá và bảo tài xế mở còi ưu tiên chạy ngược đường Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ bây giờ) cho nhanh. Xe vừa tới ngã bảy đường này, ba thiếu niên mang AK-47 chĩa súng vào đầu xe hỏi "mấy anh đi đâu". Ông nhoài người ra báo "có người trúng đạn vào đầu cần chuyển về Chợ Rẫy gấp", được cho phép đưa người bệnh đi.

Bệnh viện Chợ Rẫy ngày này, khu cấp cứu vẫn hoạt động bình thường, người ra vào tấp nập. Sau khi đưa bệnh nhân vào bàn giao, bác sĩ Hiền về lại bệnh viện Bình Dân, tiếng súng nhỏ vẫn rải rác khắp nơi. Rảnh tay hơn, các bác sĩ rủ nhau lên sân thượng bệnh viện ngồi nhìn xuống đường. Một đoàn xe tăng đang tiến vào trên đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3 Tháng 2) - thời khắc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sau chiến tranh

Bệnh viện Chợ Quán ngày 1/5/1975, các bác sĩ nội trú còn gần như đầy đủ, ban giảng huấn cũng gần như nguyên vẹn. Chính quyền thành phố chuyển giao, song bệnh nhân thì vẫn phải chữa bệnh. Bác sĩ Hiền chọn đi ICU (hồi sức cấp cứu) vì có nhiều bệnh nhân nặng.

Ông tiếp tục ở lại làm việc trong viện, đôi khi về ở nhà của một người bạn trên đường Nguyễn Cảnh Chân. Hai bác sĩ trẻ chở nhau trên chiếc xe đạp sườn ngang đến bệnh viện theo đường Bến Hàm Tử, ngang qua nhà máy điện Chợ Quán thấy khẩu đại bác 105 bỏ bên đường từ tháng 4. Trẻ con chiều chiều trèo lên nòng đại bác chơi đùa.

Bệnh nhân đến viện đông dần so với hôm 30/4, có những ca sốt rét ác tính thể não, nhiễm não mô cầu tối cấp, các ca phù phổi cấp do suy tim, tai biến mạch não... Thuốc men, vật tư không đủ đáp ứng, việc cứu chữa của các bác sĩ gặp nhiều khó khăn. Mỗi ngày, bác sĩ Hiền ở tại ICU gần 12 giờ, từ sáng sớm đến tối mới về nhà nghỉ.

Tết Bính Thìn 1976, các bác sĩ nội trú khác về nhà, ông Hiền và một đồng nghiệp ở lại trong khu nội trú bệnh viện. Ngả lưng sau ngày dài khám chữa bệnh mệt nhoài, ông được nghe tiếng pháo giao thừa nổ vang khắp nơi - cái Tết Độc lập đầu tiên của đất nước khi non sông đã thu về một mối.

Bác sĩ Trần Tịnh Hiền (bên phải) và bác sĩ Keith Arnold - người từng giảng dạy ông năm những năm đại học, sau đó trở thành đối tác nghiên cứu sốt rét, thương hàn, khi gặp lại nhau tại Mỹ mới đây.

Bác sĩ Trần Tịnh Hiền (bên phải) và bác sĩ Keith Arnold - người từng giảng dạy ông năm những năm đại học, sau đó trở thành đối tác nghiên cứu sốt rét, thương hàn, khi gặp lại nhau tại Mỹ mới đây.

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền tốt nghiệp bác sĩ nội trú ĐH Y Dược TP HCM năm 1978. Ông trải qua nhiều vị trí tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, từ trưởng khoa Hồi sức cấp cứu đến trưởng khoa Sốt rét vào năm 1985, Trưởng Phòng Y vụ năm 1987. Ông được bổ nhiệm phó giám đốc bệnh viện năm 1989.

Ông nhận bằng tiến sĩ tại Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford và ĐH Mở Vương quốc Anh năm 2004, làm giáo sư thỉnh giảng về bệnh truyền nhiễm tại ĐH Oxford và là thành viên của Bác sĩ Hoàng gia Anh Quốc từ năm 2004.

Từ năm 2008, GS Hiền là thành viên Ban đánh giá về đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học trên người Bộ Y tế. Từ năm 2010, ông đảm nhiệm cương vị Giám đốc Nghiên cứu Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford.

Ông được Hiệp hội Hoàng gia về Y tế và Vệ sinh Nhiệt đới trao Huy chương Mackay năm 2010 vì những thành tích nổi bật trong điều trị các bệnh lây nhiễm tại Việt Nam. Ông dành trọn tâm sức để nghiên cứu chống lại bệnh sốt rét, góp công tìm ra cách chữa trị bệnh này từ chiết xuất của cây thanh hao hoa vàng. Ông cũng là một trong những người đi đầu trong cuộc chiến chống SARS, cúm A/H5N1, cùng nhiều đóng góp trong các bệnh truyền nhiễm như lao phổi, viêm màng não, bệnh bạch hầu, bệnh dịch hạch...

Được mệnh danh là "bậc thầy của những người thầy", ông góp công lớn trong việc đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ giỏi, kế thừa và phát triển các thành tựu y học nước nhà.

Lê Phương

BỆNH VIỆN TỪ DŨ NGÀY 30/4/1975 QUA LỜI KỂ CỦA BÁC SĨ NGỌC PHƯỢNG

 

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2025

Những tấm ảnh cũ: Bệnh viện tỉnh Sông Bé (Bình Dương), 211 Yersin, Phú Cường, Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ảnh gốc: BS. Phạm Ngọc Thái, khôi phục ảnh AI.

 Cổng bệnh viện, Khu khám bệnh đa khoa và Cấp cứu.



LỄ MỪNG CÔNG, 1976

Bệnh viện đa khoa tỉnh Sông Bé, năm 1985: Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng III (lần thứ I)
Ghi chú: BVĐK tỉnh Bình Dương sau năm 2000:
- Huân chương Lao động hạng III năm 2001(lần thứ II);
- Huân chương Lao động hạng II năm 2007;



Bác sĩ Võ Phụng Biên, Giám đốc Sở Y tế
Bác sĩ Vũ Tánh, Phó Giám đốc Sở Y tế phụ trách khối điều trị, kiêm Giám đốc Bệnh viện tỉnh.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thái, Phó Giám đốc Bệnh viện tỉnh.
Chị Hà, Thư ký (Chủ tịch) Công đoàn cơ sở Bệnh viện tỉnh.
Bác sĩ Lê Duy Minh, Trưởng Khoa Nội Bệnh viện tỉnh.






Đồng chí Phạm Hùng, cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, cố Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ... trong buổi họp thông qua dự án Bệnh viện 512 giường (hay còn gọi là: Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương)



GS. Đặng Văn Chung đến thăm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Song Be
Chú thích hình 2: GS Chung (đứng giữa), BS Tánh (Giám đốc, cạnh trái), BS Thái (Phó Giám đốc, cạnh phải), BS Thức (Trưởng khoa Lao, cạnh BS Tánh), BS Gióng (Trưởng khoa Nội, bìa bên phải).


GS Trịnh Kim Ảnh, Giám đốc BV Chợ Rẫy đến thăm Tỉnh ủy Bình Dương &TS.BS. Phạm Ngọc Thái GD Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.

Đội bóng chuyền nữ BVĐK tỉnh Sông Bé
Đã từng nổi tiếng, đạt nhiều thành tích nổi bật trong ngành y tế


KỶ NIỆM 32 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM
(27.2.1955 -- 27.2.1987)

Ông Ba Khanh Chủ tịch UBND tỉnh Sông Bé phát biểu 


            “VÌ SỨC KHỎE – VÌ HẠNH PHÚC NHÂN DÂN”

LỄ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG BỆNH VIỆN 512 GIƯỜNG  

TỈNH SÔNG BÉ






Khánh thành Khoa Nhi Bệnh viện 512 giường, Sông Bé







LỄ KHÁNH THÀNH KHU KHÁM BỆNH VÀ KỸ THUẬT NGHIỆP VỤ, BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH SÔNG BÉ

"ОТКРЫТИЕ ПОЛИКЛИНИКИ И ПРОФЕССИОНАЛЬНО-ТЕХНИЧЕСКОЙ БАЗЫ ПРОВИНЦИАЛЬНОГО ПОЛИКЛИНИЧЕСКОГО ГОСПИТАЛЯ ПРОВИНЦИИ СОНГ БЕ"

NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM LẦN THỨ 35 NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM 27.2.1955 – 27.2.1990


(còn tiếp nữa)



























Ngày ấy - bây giờ của những bệnh viện Sài Gòn hơn 100 tuổi

 Trải hơn một thế kỷ giữa lòng Sài Gòn, có những bệnh viện từng bị trưng dụng làm nơi đóng quân, có nơi khởi thủy là ngôi chùa bốc thuốc miễn phí hoặc một trong những bệnh viện lớn nhất Đông Nam Á.

Bấm để lật ảnh sau/trước

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới - lâu đời nhất Việt Nam (164 năm)

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, tiền thân là Bệnh viện Chợ Quán, người Pháp mở nhằm phục vụ trận đánh đồn Kỳ Hòa ngày 24/2/1861. Cơ sở ban đầu là những ngôi nhà mái ngói của người Việt Nam giàu có để lại khi sơ tán, được bổ sung thêm giường bệnh.

Đây là bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam, gắn với những biến động lịch sử qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, có cả khu trại giam giữ, điều trị tù nhân. Ngày 26/8/1931, Tổng bí thư Trần Phú bị Pháp bắt, tra tấn đến lâm trọng bệnh nhưng kiên quyết không khai báo những bí mật cách mạng, bị đưa đến khu nhà giam này và hy sinh ngày 6/9 cùng năm.

Bệnh viện từng được xem là "một trung tâm y tế toàn khoa mới và tối tân hàng bậc nhất miền Nam Việt Nam" khi Hàn Quốc hỗ trợ xây mới vào năm 1974. Ngày 1/5/1975, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ban Y tế xã hội miền Nam tiếp nhận và quản lý.

Năm 2002, nơi này đổi thành Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, là tuyến cuối điều trị các bệnh lây nhiễm, được xem là "tiền đồn" chống dịch chủ lực của thành phố và phía Nam. Bệnh viện đạt nhiều thành tựu trong hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, song dần xuống cấp, quá tải bệnh nhân. Dự án xây Khoa Khám bệnh hơn 10 năm vẫn chưa được triển khai vì vướng quy hoạch.

Bấm để lật ảnh sau/trước

Bệnh viện Nhi đồng 2 (163 năm)

Ra đời năm 1862, sau Bệnh viện Chợ Quán một năm, do quân đội Pháp lập khi mới chiếm Nam Kỳ với tên Bệnh viện Quân sự (Hôpital militaire). Tại cơ sở này, nhà bác học Albert Calmette đã xây dựng phòng xét nghiệm, nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm, sản xuất vaccine, đặt nền móng xây dựng Viện Pasteur đầu tiên ngoài nước Pháp vào năm 1891.

Cấu trúc các tòa nhà trong khuôn viên bệnh viện đều là sườn sắt tiền chế đem ráp lại trên nền bằng đá. Mọi vật liệu được mang từ Pháp sang. Năm 1905, cơ sở này do bác sĩ Charles Grall điều hành, mở cửa chữa trị cho mọi thành phần quân sự cũng như dân sự, kể cả dân bản xứ, sau đó mang tên "Bệnh viện Grall" từ 1925.

Năm 1978, nơi này trở thành Bệnh viện Nhi đồng 2, là một trong những cơ sở tuyến cuối về nhi khoa của TP HCM và khu vực phía Nam, đạt nhiều thành tựu trong ghép tạng trẻ em, phẫu thuật các bệnh lý thần kinh, chấn thương sọ não...

Bấm để lật ảnh sau/trước

Bệnh viện An Bình (133 năm)

Khởi thủy là một ngôi chùa của người Hoa gốc Triều Châu, hình thành từ năm 1892, khám bệnh và bốc thuốc miễn phí. Do nhu cầu ngày càng tăng, bệnh viện được xây mới năm 1916, đến năm 1945 áp dụng chữa trị Tây y và có tên Bệnh viện Triều Châu. Năm 1978, nơi này đổi thành Bệnh viện An Bình, do Sở Y tế TP HCM quản lý. Ngày 19/5/1994 bệnh viện mang tên Bệnh viện miễn phí An Bình và từ năm 2001 trở lại là Bệnh viện An Bình.

Bấm để lật ảnh sau/trước

Bệnh viện Chợ Rẫy (125 năm)

Năm 1900, bệnh viện Hôpital municipal de Cholon thành lập với các tòa nhà kiểu Pháp, cao hai tầng, sau đó trải qua nhiều lần đổi tên. Mảnh đất vốn trước đây là khu mua bán của người Hoa có tên chợ Rẫy nên người dân quen gọi Bệnh viện Chợ Rẫy và tên này được dùng chính thức từ năm 1957 đến nay. Năm 1971 đến 6/1974, nơi này tái xây dựng với tòa nhà 11 tầng, trở thành một trong những bệnh viện lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ.

Hiện, Chợ Rẫy là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế, một trong những bệnh viện tuyến cuối lớn nhất Việt Nam, tiếp nhận hàng nghìn lượt khám chữa bệnh mỗi ngày, quy mô 1.800 giường.

Bấm để lật ảnh sau/trước

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (122 năm)

Ra đời năm 1903, nơi đây ban đầu là trạm y tế nhỏ chuyên chữa trị miễn phí cho cộng đồng người Hoa thuộc bang Quảng Đông. Năm 1919 trạm được xây dựng quy mô lớn hơn với tên mới Y viện Quảng Đông, hoạt động theo mô hình bệnh viện tư nhân cho đến sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Năm 1978, y viện được công lập hóa, một thời gian sau được đổi tên thành Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, hiện là bệnh viện đa khoa hạng một của Sở Y tế TP HCM.

Bấm để lật ảnh sau/trước

Bệnh viện Hùng Vương

Từng là một phần của Hospital Municipal de Cholon (Bệnh viện Chợ Rẫy), đến năm 1938 khu chuyên khoa sản được tách riêng thành Bảo sanh Chợ Lớn, chủ yếu để sinh thường và làm trường đào tạo nữ hộ sinh bản xứ. Sau khi xây cất xong Bảo sanh viện Từ Dũ (1940), nơi đây được sử dụng một phần làm Viện Dưỡng nhi nuôi trẻ mồ côi. Viện từng bị Nhật trưng dụng làm doanh trại khi chiếm Việt Nam và Pháp làm đồn công an (trại Polo Chợ lớn) chuyên bắt giam, tra tấn tù chính trị.

Sau khi sửa chữa, nâng cấp, ngày 23/3/1958 Bảo sanh Chợ Lớn được khánh thành và đổi thành Bảo sanh viện Hùng Vương, đến năm 1968 mang tên Bệnh viện Hùng Vương - tuyến cuối về sản phụ khoa của phía Nam. Năm 2024, nơi này là bệnh viện công đầu tiên Việt Nam được chứng nhận chất lượng bệnh viện quốc tế ACHS của Australia.

Bấm để lật ảnh sau/trước

Bệnh viện Từ Dũ

Tiền thân cũng là một khu chuyên khoa sản thuộc Bệnh viện Lalung Bonnaire (nay là Bệnh viện Chợ Rẫy) ra đời năm 1923. Đến năm 1937, thương gia người Hoa là Hui Bon Hoa (tức chú Hỏa) hiến mảnh đất trên đường Arras (nay là đường Cống Quỳnh) để xây bảo sanh viện mang tên Maternité Indochinoise (Bảo sanh viện Đông Dương) do giáo sư George Cartoux người Pháp làm giám đốc.

Do chiến tranh nên khi xây xong, bảo sanh viện bị quân đội Pháp, sau đó là Nhật trưng dụng làm nơi đóng quân. Đến tháng 9/1943, bảo sanh viện hoạt động với khoảng 100 giường và trải qua nhiều lần đổi tên, song thường được người dân gọi "Nhà sanh Chú Hỏa". Năm 1948, bệnh viện đổi thành Bảo sanh viện Từ Dũ.

Ngày 8/4/2004, nơi đây trở thành Bệnh viện Từ Dữ, là trung tâm sản phụ khoa lớn nhất khu vực phía Nam, tiên phong triển khai thành công nhiều thành tựu mới trong lĩnh vực này.

Bấm để lật ảnh sau/trước

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (119 năm)

Thành lập năm 1906, ban đầu là bệnh viện tư mang tên Drouhet, sau đó đổi thành Nguyễn Văn Thinh, Hồng Bàng. Trước 1975, đây là cơ sở duy nhất miền Nam điều trị nội trú bệnh nhân lao. Sau khi tiếp quản năm 1975 được đổi tên Viện chống lao miền Nam thuộc Bộ Y tế.

Năm 1987, nơi này trở thành Trung tâm lao và bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch thuộc Sở Y Tế TP HCM và sau đó đổi thành Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Hiện đây là bệnh viện hạng một, đầu ngành trong điều trị lao và bệnh phổi của phía Nam.

Bấm để lật ảnh sau/trước

Bệnh viện Nhân dân Gia Định - 109 năm

Tiền thân là Hôpital de Gia Dinh do người Pháp xây dựng năm 1916, trải qua nhiều lần đổi tên như Bệnh viện Nguyễn Văn Học, Trung tâm thực tập Y khoa. Từ năm 1975 đến nay, nơi này mang tên Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Đây là một trong những bệnh viện đa khoa loại một trực thuộc Sở Y tế TP HCM, với đủ các chuyên khoa lớn, quy mô 1.500 giường.

Lê Phương

Ảnh do các bệnh viện cung cấp và tư liệu xưa tổng hợp từ nhiều nguồn