Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2023

Bà Giáo Sư Racoto Féringa và lớp APM

 Phạm Quốc Bảo

Hình GS Racoto Féringa và lớp APM 1962 (Hình do QYHD16 Nguyễn Dương gởi)
Tôi là kẻ vốn có nhiều người bạn quen qua những thân hữu khác. Hiện tượng này không hẳn là một điều gì lạ lùng lắm đâu, nhất là đối với hầu hết những ai cùng thời, cùng lớp tuổi với tôi.Tôi nghĩ thế.
Và một trong những bạn như vậy đã có dịp tôi gặp gỡ đôi ba lần mỗi năm trong vòng vài năm nay. Cách đây mấy tháng, một buổi chiều tôi ngồi quán uống cà phê với một người bạn thân khác thì tình cờ anh bạn quen kia đến và cho biết anh vừa từ bệnh viện ra sau khi được biết vợ anh đã ổn định sức khỏe qua một cuộc giải phẫu thay thận. Trên đường trở về nhà anh tạt qua đây uống giải khát bằng ly cà phê đá, và anh gặp hai chúng tôi.
Ngỏ lời mừng cho anh, tôi giới thiệu hai người với nhau. Và ba chúng tôi mào đầu trao đổi vài ba câu chuyện làm quà, chi tiết sao đó tôi cũng chẳng nhớ nữa. Nhưng đến khi anh kia nghe giới thiệu người bạn đang ngồi uống cà phê với tôi là một y sĩ, anh bảo niên học 1961- 62 anh có học lớp P.C.B. (viết tắt của Physique-Chimie-Biologie animale, chứng chỉ Lý-Hóa-Sinh mà cũng là lớp Dự bị Y Khoa hồi đó) nhưng mà anh đã không qua khỏi kỳ thi tuyển vào cuối năm. Người bạn của tôi hiện là y sĩ liền cho biết rằng hai chúng tôi (tôi và anh ấy) cũng đều học lớp đó, năm đó, cũng tại trường Khoa Học Sàigòn; và anh nói rõ thêm nữa là tôi đậu nhưng lại bỏ sang học Văn Khoa, còn chính anh trượt rồi chỉ vì “tức khí” nên anh đã “đúp” lại lớp Dự bị Y khoa này ở năm sau (niên học 1962-63, lớp này bắt đầu có tên riêng là A.P.M., viết tắt của Année Préparatoire de Médecine). Chính vì thế, “mới mang cái nghiệp bác sĩ cho đến tận bây giờ đấy,” anh nói vậy.

Tự nhiên chúng tôi ba người thấy thân thiết hẳn lại với nhau. Giữa câu chuyện rôm rả vì hứng khởi bất ngờ, chúng tôi cứ thế sẵn dịp nối tiếp nhắc nhớ nhau đến những gì rất ư là lộn xộn vừa hiện ra trong tiềm thức. Đấy là những chi tiết mới bắt được một cách vô cùng mù mờ nhưng trái lại, khi được gợi nhớ và hiện ra, chúng đột nhiên chiếu sáng rõ dần cái khung cảnh học hành hồi ấy của từng người trong ba chúng tôi:

Nào là Phòng Thí Nghiệm Vật Lý vẫn hay trống vắng và là nơi chúng tôi thường tụ tập vào buổi trưa ở lại để tiện thể học luôn các lớp buổi chiều.

Nào là lớp học hầu hết đã diễn ra ở Giảng đường I, giảng đường lớn nhất của khuôn viên viện đại học Khoa Học Sàigòn bấy giờ.

Nào là những chen lấn chúng tôi thường xuyên vào lớp... Và cành cây phượng che mái quán ăn-giải khát, cái đầu hồi của quán này ngay sát cạnh cổng sắt phụ (bên phải của cổng chính lớn) dẫn vào khuôn viên trường Khoa Học, còn đáy của căn quán kéo dài theo bờ tường ngăn hai khuôn viên trường của Khoa Học với Trung học Pétrus Ký...

Nào là những bạn cùng học lớp thời đó có Nguyễn Minh Diễm, Bùi Ngọc Tô, Vũ Ngự Chiêu, Phan Xuân Hiệp, Chu Vị Sơn.., Lý Văn Quang nhớ Phan Khắc Luân là một sinh viên chuyên quay cours bán; nhưng Phạm Gia Cổn còn bảo rằng Luân cùng học với anh ở Pétrus Ký, con cụ Phan Khắc Sửu và là tay vô địch bóng bàn sinh viên-học sinh lúc bấy giờ. Không những thế, Cổn lại bổ túc thêm những tên khác cùng lớp nhưng thuộc cả trong vòng ba niên học trước sau đó nữa như Mai Thanh Truyết, Trần Quốc Đông, Nguyễn Thế Tuấn, Lê Đức Bảo, Phạm Đức Vượng...

Nào là giáo sư thời ấy ở Khoa Học nói chung, ba chúng tôi nhớ được rất ít: Chẳng hạn anh Cổn nhắc được ông Nguyễn Đình Hưng (lúc ấy dường như đang làm Đổng Lý Văn Phòng bộ Giáo Dục, hay một thời đã làm giám đốc Hải Học Viện Nha Trang?) dạy Vật Lý (Physics). Còn anh Truyết khi gặp sau này thì nhớ nhiều hơn: Những ông Nguyễn Văn Huyến dạy môn Khoa học tổng quát…, thêm cả vị nữ phụ khảo họ là gì thì không còn nhớ nhưng tên là cô Đồng (dạy bên chứng chỉ S.P.C.N, chị ruột của y sĩ Hồ sau này?). Trong lá thư đề ngày mùng 4 tháng bẩy-2005 từ San Jose gửi xuống, anh Bùi Ngọc Tô còn nhắc thêm cho tôi nhiều tên giáo sư người Pháp hồi đó ở Khoa Học. Chẳng hạn các ông Proulle, Monavon dậy chứng chỉ Toán đại cương (thời ấy thường gọi tắt “ mát dê”, viết là Math. Gé.), hay De Chapouillez (?) dậy S.P.C.N... nữa! Ôi, chúng tôi thực sự phục sát đất cái ký ức của anh Tô...

Và cuối cùng, bà giáo sư Racoto Féringa (anh Tô lại viết là Rakkoto Féringa).

Tôi, cũng như hai người bạn vừa nêu trên, chỉ nhớ đại khái tên bà là Racoto Féringa. Dường như còn một dọc chữ chỉ cái họ sau cùng nữa mới trọn đầy đủ tên bà, tôi mang máng vậy.Và quả thật,sau đó khi từ Washington D.C. xuống gặp, Nguyễn Minh Diễm lại khẳng định rằng chữ sau cùng trong tên của bà là Félécie. Đã thế, chúng tôi lại thả lỏng cho mình tha hồ tưởng tượng: Chúng tôi đoán có lẽ đây là họ chồng của bà đã được ghép vào sau cùng. (Ai còn nhớ, xin làm ơn nhắc dùm vậy. Tôi cảm ơn trước).

Hơn nữa, cho đến bây giờ, trí nhớ của chúng tôi về nhân dáng bà chỉ loáng thoáng một số đặc điểm như: Bà người da đen nhờ nhờ, vóc hơi tròn trịa nhưng trông thoáng lại không có vẻ to lớn gì, thường xuyên mặc đầm (áo liền quần) với những mầu sắc không bao giờ sặc sỡ lắm mà lại ít khi dùng mầu nóng (mầu đen hay đỏ hẳn)...Tóm lại về vóc dáng, cách ăn mặc và khuôn mặt lẫn vẻ người, bà không có gì để được gọi là một phụ nữ ngoại quốc trung niên da đen làm giáo sư mà đáng hấp dẫn cả. Anh bạn kia cũng vừa mới cho biết rõ thêm rằng bà người gốc đảo Madagasca và là vợ một viên chức (có thể là đại sứ) của tòa đại sứ Ấn Độ tại Sàigòn lúc ấy.

Nhưng chắc chắn bà Racoto Féringa là một vị giáo sư chuyên khoa môn Biologie animale đúng nghĩa của chúng tôi thời ấy: Luôn luôn nghiêm túc và tận tình trong công tác giảng dạy. Với lối phát âm của người ngoại quốc nói tiếng Pháp, bà giảng bài đều đều, hơi nhanh và thường đánh lưỡi khi phát âm. Trong một lớp học lúc nào cũng luôn luôn đầy những sinh viên ngồi chen chúc nhau và bầu không khí hết sức nóng nực, bà thường lấy khăn mùi xoa lau mồ hôi trên mặt nhưng chưa bao giờ chúng tôi bắt gặp bà có sắc giận lộ trên nét mặt...

Nói chung, bà Raccoto Féringa đã là một nữ giáo sư ngoại quốc hiền hòa nhất, và xem ra bà thường xuất hiện trong lớp học rất tự nhiên, thân ái với bọn “nhô” sinh viên chúng tôi hơn bất cứ ai trong số các giáo sư của lớp P.C.B. hồi ấy. Tuy nhiên, và đồng thời, có lẽ chính cái dáng vẻ bình thường tự nhiên ấy lại khiến cho bà đã trở thành nhân vật chúng tôi nhớ ngay đến một cách rõ nét nhất, sau trên bốn mươi năm dài những biến đổi lớn lao trong đời người của chúng tôi.

Tóm lại, tôi nhận ra rằng cá nhân mình ký ức bết hơn bạn hữu nhiều quá, chỉ dám nhận lãnh sự gợi nhớ của bạn hơn làø moi được trong tiềm thức của chính mình. Nói một cách khác,tôi vẫn là một tên có ký ức mù mờ nhất về niên học 61-62 ấy, thua bất cứ ai trong số bạn hữu vừa nêu tên ở trên.Sao lại vậy nhỉ?
*
Cho đến giờ phút đang viết ra đây, tôi cũng chưa hiểu rõ nguyên nhân. Thôi thì xin các bạn hãy chịu khó kiên nhẫn nghe tôi kể lại hoàn ảnh của tôi thời đó một chút, may ra tìm được nguyên ủy.

Ba năm đệ nhị cấp trung học, tôi học ban C, tức ban Văn Chương. Cái việc chọn học ban C là hoàn toàn do tự ý tôi, chẳng một người nào trong gia đình tôi dính dáng đến, và thậm chí biết đến sự kiện này. Lý do đơn giản là tôi vốn dốt toán, cũng như không chịu học Lý-Hóa, từ mấy năm đệ nhất cấp trung học rồi: Thi Trung học đệ nhất cấp, tối hôm trước tôi cầm cuốn toán đệ Tứ, giở đại ra trúng phần nói về Tổng-Tích, tôi đọc cho thuộc, hôm sau đề thi ra đúng Tổng-Tích, tôi mới may mắn không bị trượt.

Và một chuỗi may mắn cứ thế theo tôi tiếp tục: Tú tài I, tú tài II tôi đều đậu ngay kỳ đầu, mặc dù chỉ hạng thứ. Vừa qua được cửa ải Tú tài II, tôi khấp khởi mừng rằng mình sẽ được rảnh rang đến ít nhất hai tháng rong chơi. Ai ngờ khi về “báo cáo” kết quả thi đậu, ông cụ thân sinh ra tôi “phán”:

-Trong nhà ta thế nào cũng phải có một người học ngành Y. Anh biết không?
-Dạ.
-Bây giờ đến lượt anh rồi đấy.
-Cậu bảo sao?
-Anh sửa soạn ghi danh học Y đi là vừa!

Tôi choáng cả người: Tôi tú tài ban C thì làm sao sang học Y cho nổi! Cái học ngày nay khác xưa quá rồi, nhưng ông cụ chẳng cần tìm hiểu gì. Và cái nếp nhà tôi xưa nay là người trên chỉ “ phán” ra, người dưới cứ thế mà tuân theo, chưa một ai dám có ý kiến ngược lại bao giờ cả.

Tôi bất đắc dĩ lên cầu cứu ông bác đang hành nghề y sĩ. Mặc dù thương cháu lắm nhưng ông bác cũng lắc đầu: “Trong anh chị em,bố cháu vốn là người nghiêm khắc và nóng tính nhất.Đến bác trước giờ vẫn phải e dè... Chỉ còn có một cách là cháu phải tuân theo lời ông ấy trước đi đã, rồi sau đó thủng thẳng bác tìm dịp lựa lời nói vào cho, được phần nào hay phần nấy. Chứ bác cũng không dám hứa chắc đâu!”

Thôi thế là kỳ nghỉ hè năm 1961, thay vì thoải mái vui chơi, tôi phải ngày đêm bù đầu học lại cho thông các chương trình toán-lý-hóa ba năm đệ nhị cấp trung học. Ghi vào P.C.B., luôn luôn lúc nào cũng đông nghẹt cả mấy trăm người chen lấn nhau học, thầy cô giảng toàn bằng Pháp ngữ: Ban đầu nghe như vịt nghe sấm! Phải tìm cours (cũng đa số bằng pháp văn) rồi chúi mũi tra tự điển, đọc ngày đọc đêm. Cũng may thêm nữa là ba năm đệ nhị cấp, năm nào học trò chúng tôi đã giao hẹn nhau mua ít nhất mỗi đứa hai quyển sách ngoại ngữ (nhất là sách truyện pháp văn) rồi chuyền tay nhau mà xem, nên khi qua được ngưỡng cửa tú tài thì khả năng đọc anh văn-pháp văn của bọn chúng tôi cũng tạm khá.

Nhờ đọc cours bổ túc và chăm đi nghe giảng, vài tháng sau tôi chật vật lắm mới theo kịp, ít nhất là hiểu được đại cương dàn bài của từng môn. Cuối năm thi tuyển, tôi đứng hạng chót được vào năm thứ nhất, tôi liền nài nỉ ông bác nói khó với bố tôi cho tôi khỏi phải học tiếp ngành Y. Nghe ông bác tỉ tê: Thực sự cố công học Y nhưng tôi lại có khiếu văn chương(!).., bố tôi ngoài mặt vẫn còn sắc giận nhưng có lẽ một phần vị nể ông anh, một phần cũng thấy tôi quần quật học lấy học để thật sự, nên ông cụ im lặng lờ đi luôn, chứ không gắt ầm lên như thường lệ. Thoát nợ, tôi mới dám hớn hở sang Văn Khoa bắt đầu từ niên học 62- 63.

Như thế, rõ rệt năm 61-62 là năm tôi khốn khổ nhất trong suốt thời kỳ học hành của tôi: Năm đó tôi bắt buộc phải chúi đầu vào một vùng không gian hoàn toàn tối đen những môn học tôi chán ghét nhất, trong một tâm trạng luôn luôn u uất chưa từng có trong đời. Sau khi vứt bỏ được năm học đó ra khỏi ký ức, tôi đã quên bẵng hẳn đi ngay cái niên khóa ấy, như đục bỏ đi một thứ gì mà mình không hề muốn hiện diện trong đời sống của chính mình!

Nhưng bây giờ thì vị giáo sư người da đen Racoto Féringa đang thực sự là đại diện cho cái năm học 61-62 “đau đớn” nhất của tôi: Bà vốn là hình ảnh hiền hòa đáng yêu mến mà tôi muốn nhớ đến nhất, cho cái thời học hành xa xưa đó.

Thế thì người bạn tôi vẫn còn quên tên kia,người bạn mà nhờ anh chúng tôi mới có dịp gợi nhớ lại bà giáo sư Racoto ấy, gợi nhớ cả một thời lận đận quá khứ, tôi hiện giờ rất muốn được gặp lại người bạn này./.


(Trích tuyển tập HỐT MỘT THANG, Việt Hưng xuất bản 2006).

Thứ Năm, 12 tháng 10, 2023

Khi nhà giàu cho tiền / Tỉ phú trao hết 8 tỉ USD làm từ thiện Chuck Feeney qua đời

 

- Kỳ 1: Chuck Feeney với triết lý 'cho đi khi còn sống'

DẠ THẢO
DẠ THẢO

TTO - Những tỉ phú đôla như Chuck Feeney hay MacKenzie Scott... đem phần lớn tài sản làm từ thiện giúp người và không muốn nêu danh tính.

Khi nhà giàu cho tiền - Kỳ 1: Chuck Feeney với triết lý cho đi khi còn sống - Ảnh 1.

Ông Chuck Feeney (giữa), vợ ông và ông Christopher Oechsli - Ảnh: news.cornell.edu

Ngược lại, cũng có những tỉ phú bỏ tiền ra tài trợ vì thích người khác làm theo ý mình hoặc muốn đánh bóng tên tuổi. Đồng tiền từ thiện không chỉ có mặt phải tốt đẹp...

Khiêm tốn, có đầu óc chiến lược, thương người, có sức lôi cuốn, phức tạp... là những từ ngữ được dùng để mô tả ông Charles F. Feeney (Chuck Feeney) - người sáng lập quỹ từ thiện Atlantic và là người luôn tin rằng cách sử dụng tài sản tốt nhất là mang phần lớn tài sản giúp đỡ người khác.

Nếu bạn muốn cho đi, hãy cho đi ngay từ bây giờ. Điều đó thú vị hơn nhiều so với khi bạn đã qua đời.

CHUCK FEENEY

Làm từ thiện không phô trương

Chuck Feeney sinh năm 1931 tại Elizabeth (bang New Jersey) trong một gia đình Mỹ gốc Ireland. Mẹ ông làm y tá, còn cha ông là nhân viên thẩm định bảo hiểm. Từ nhỏ, ông đã xúc tuyết và bán thiệp Giáng sinh tận nhà để kiếm tiền. 

Lớn lên trong thời kỳ Đại suy thoái ở Mỹ (năm 1929 - 1933), hình ảnh những người đói khát đã tác động đến quyết tâm làm từ thiện của ông sau này.

Năm 17 tuổi, ông tình nguyện nhập ngũ. Sau bốn năm làm lính thông tin vô tuyến điện cho lực lượng tình báo không quân Mỹ tại Nhật, ông theo học Đại học Cornell bằng tiền trợ cấp cựu quân nhân. 

Nhiều sinh viên đã gọi ông là "anh bán bánh mì kẹp thịt", vì ngay năm học đầu tiên ông đã kiếm tiền bằng cách bán bánh mì bologna (bánh mì kẹp nướng ăn với giò xắt lát) cho các bạn học. Trong số người mua bánh mì có người bạn cùng lớp Robert W. Miller.

Năm 1958, Feeney hợp tác với Miller thành lập Công ty kinh doanh hàng miễn thuế Duty Free Shoppers (DFS). 

Từ các cửa hàng miễn thuế ở Honolulu và Hong Kong, dần dà DFS trở thành nhà kinh doanh hàng cao cấp, xì gà và rượu lớn nhất thế giới và đưa Feeney và Miller lên hàng tỉ phú. 

Theo tạp chí Forbes, năm 1967 DFS đã chia cho Feeney cổ tức trị giá 12.000 USD. 10 năm sau, con số này tăng lên 12 triệu USD mỗi năm.

Dù kinh doanh thành công, Feeney lại cảm thấy không thoải mái với khối tài sản kếch xù. Noi gương tính hay giúp người khó khăn của mẹ, ảnh hưởng lòng bác ái trong thời gian học tại trường trung học Đức mẹ lên trời tại Elizabeth và say mê bài "Phúc âm của sự giàu có" của doanh nhân Andrew Carnegie (nêu trách nhiệm làm từ thiện của tầng lớp nhà giàu tự lập thân), năm 1982 ông thành lập quỹ từ thiện Atlantic.

Sau những bước đi đầu tiên trong hoạt động từ thiện và sau khi cân nhắc nhu cầu của bản thân và gia đình, Feeney quyết tâm dành hầu hết tài sản để làm từ thiện. 

Năm 1984, ông bí mật chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong DFS (được định giá lên tới hàng trăm triệu USD) cho quỹ Atlantic với hình thức không thể thu hồi. Tài sản riêng của ông giảm xuống còn chưa tới 5 triệu USD.

Điều đặc biệt nơi Feeney là ông mong muốn nguồn tài trợ từ quỹ Atlantic phải mang tính chất ẩn danh. Trong hơn 10 năm, quỹ Atlantic đã bí mật nắm giữ 38,75% cổ phần của DFS. 

Danh tính của ông và quỹ Atlantic không bao giờ xuất hiện trên các tấm biển trước các tòa nhà hay trong các chương trình từ thiện. Rất nhiều tổ chức nhận tiền tài trợ của quỹ Atlantic nhưng không biết đến từ đâu. Một số người có biết cũng thề giữ bí mật.

Ông Christopher G. Oechsli - nguyên chủ tịch kiêm giám đốc điều hành quỹ Atlantic từ năm 2011 - nhận xét: "Mong muốn ẩn danh là sự kết hợp giữa tính khiêm tốn của Chuck với ước muốn làm việc thầm lặng và khôn khéo. Ông ấy muốn gặp gỡ mọi người, trò chuyện, học hỏi và hành động mà không cần thu hút nhiều chú ý hay được mọi người công nhận".

Khi nhà giàu cho tiền - Kỳ 1: Chuck Feeney với triết lý cho đi khi còn sống - Ảnh 3.

Ông Feeney, 90 tuổi, trong căn hộ thuê tại San Francisco - Ảnh: Instagram

Triết lý "Cho đi khi còn sống"

Tương tự cách làm ăn của các doanh nghiệp, Chuck Feeney luôn tìm kiếm cơ hội đầu tư tiền tài trợ vào các địa phương có tiềm năng ngầm và các nhà lãnh đạo mong muốn thay đổi (như một trường đại học hoặc một khoa điều trị tim mới mở). Ông chọn địa điểm và quyết định cần tài trợ những gì.

Trong 8 vùng nhận tài trợ lớn từ quỹ Atlantic, ông đều có mối quan hệ hoặc mong muốn tạo khác biệt. Ông chú trọng đầu tư cho giáo dục vì tin rằng giáo dục là động lực cần thiết để cá nhân và xã hội phát triển. 

Năm 2015, quỹ Atlantic thành lập chương trình quản trị giáo dục Atlantic Fellows với cam kết tài trợ hơn 600 triệu USD hỗ trợ cho hàng ngàn nghiên cứu sinh trên toàn cầu trong hai thập niên tới và sau đó.

Năm 1996, Feeney muốn chuyển nhượng cổ phần trong chuỗi cửa hàng miễn thuế DFS cho Công ty thời trang cao cấp Louis Vuitton Moët Hennessy (LVMH) ở Pháp. Người bạn Robert W. Miller - đối tác của ông - phản đối. 

Sự việc được đưa ra tòa, nghĩa là tính ẩn danh trong hoạt động từ thiện của Feeney sẽ sớm được tiết lộ. Feeney bèn gọi cho báo The New York Times. Số báo ra ngày 23-1-1997 đã đăng bài viết với tựa đề "Ông ấy đã chi 600 triệu USD không ai hay biết". 

Từ đó, bí mật ẩn danh của quỹ Atlantic không còn nữa và mọi người đã gọi Feeney là "James Bond từ thiện".

Năm 2002, quỹ Atlantic thông báo kết thúc tài trợ vào năm 2016 và giải thể vào năm 2020. Vào thời điểm ngừng hoạt động hoàn toàn, tính ra quỹ Atlantic đã tài trợ hơn 8 tỉ USD, góp phần thực hiện nhiều thay đổi mang tính lịch sử như tạo thuận lợi cho tiến trình hòa bình ở Bắc Ireland, thúc đẩy hình thành kinh tế tri thức ở Ireland và Úc, thúc đẩy xóa bỏ án tử hình đối với người chưa thành niên và kéo giảm số trẻ em không có bảo hiểm y tế ở Mỹ, bảo đảm thuốc điều trị cứu sống nhiều triệu người nhiễm HIV/AIDS ở Nam Phi, giúp Việt Nam phát triển các dự án giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Do không còn ẩn danh nữa, Feeney đã tích cực quảng bá triết lý "Cho đi khi còn sống". Bản thân ông chỉ để dành lại khoảng 2 triệu USD cho cuộc sống hưu trí của vợ chồng ông. 

Ông khuyến khích các tỉ phú như Jeff Bezos (người sáng lập Công ty công nghệ Amazon): "Hãy chọn một vấn đề thế giới mà bạn quan tâm rồi đầu tư tài sản vào đó".

Ông luôn kêu gọi: "Hãy sử dụng tài sản giàu có của bạn để giúp đỡ mọi người. Hãy sử dụng tài sản giàu có của bạn để lập ra các tổ chức giúp đỡ mọi người". Ông tóm tắt động lực thúc đẩy ông làm từ thiện bằng một câu đơn giản: "Cuối cùng, đó luôn là con người".

Sống đạm bạc không nhà cửa, xe sang

Ông Chuck Feeney có năm người con (bốn gái, một trai) với người vợ đầu Danielle. Mùa hè, các con ông đều phải làm thêm công việc phục vụ bàn hoặc phục vụ phòng. Năm năm sau ly hôn, ông đi bước nữa với bà Helga - nguyên là thư ký của ông vào năm 1995.

Ông Oechsli kể Feeney đã từng cố sống như đại gia nhưng nhận thấy không hợp: "Ông ấy không sở hữu nhà cửa, không có xe hơi. Chuyện ông ấy sống tiết kiệm là có thật. Ông ấy có cái đồng hồ Casio giá 10 USD và thường đựng giấy tờ trong túi nhựa.

Đó là điều ông ấy cảm thấy thoải mái và đó thực sự là con người của Chuck". Feeney thường đi máy bay với hạng vé phổ thông dù người trong gia đình và đồng nghiệp ngồi ghế hạng thương gia trên cùng chuyến bay.

Mặc dù từ chối mọi thừa nhận công khai đối với hoạt động từ thiện của mình và quỹ Atlantic, ông vẫn nhận được nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có bằng tiến sĩ danh dự đầu tiên và duy nhất từ chín trường đại học của Ireland vào năm 2012.

- Kỳ 2: 'Cam kết cho đi' của tỉ phú đôla

DẠ THẢO
DẠ THẢO

TTO - Các nhà tài trợ tham gia sáng kiến 'Cam kết cho đi' chủ yếu là nam giới, người da trắng và cư trú tại Mỹ. Đến cuối năm 2021, sáng kiến 'Cam kết cho đi' đã quy tụ 231 nhà tài trợ từ 34-98 tuổi ở 28 quốc gia.

Khi nhà giàu cho tiền - Kỳ 2: Cam kết cho đi của tỉ phú đôla - Ảnh 1.

Jeff Green tham gia sáng kiến "Cam kết cho đi" ngày 16-11-2021- Ảnh: CNBC

Năm 17 tuổi, cậu thanh niên Jeff Green muốn giả làm người vô gia cư trong ngày cuối tuần để quan sát cuộc sống từ một góc nhìn khác. Green không tắm bốn ngày, khoác vào người bộ quần áo xấu xí rồi đến khu Five Points tồi tàn ở trung tâm thành phố Denver thuộc bang Colorado (Mỹ).

Tiền không thể mua được hạnh phúc. Tiền có thể mua những thứ có thể làm cho cuộc sống dễ chịu hơn. Nhưng những thứ đó và cuộc sống dễ chịu chỉ là phù du.

Thư cam kết của JEFF GREEN

Sáng kiến "Cam kết cho đi" phần lớn tài sản

Jeff Green đã làm quen với một người đàn ông tên James và dành nhiều giờ nghe James kể về cuộc sống đầu đường xó chợ. Khoảng 2h sáng, Green theo James tìm nơi kín gió để ngủ. Bất chợt tiếng còi hụ vang lên, cảnh sát ập đến đối xử khá thô bạo với những người không nhà. 

Green kéo một sĩ quan cảnh sát sang bên và giải thích lý do vì sao mình có mặt ở đó. Viên cảnh sát bảo: "Cậu vào xe rồi đừng quay lại nữa". Trên đường về nhà, Green đã rơi nước mắt tự hỏi: "Tại sao anh ấy lại sống bụi đời ở đó trong cái lạnh tháng 12 trong khi tôi sống cuộc sống tiện nghi hơn?".

Jeff Green (sinh năm 1977) sau này trở thành giám đốc kiêm người sáng lập Công ty công nghệ quảng cáo The Trade Desk ở Ventura (bang California). Nhờ công ty ăn nên làm ra, anh đã trở thành tỉ phú. 

Công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq năm 2016 với giá 18 USD một cổ phiếu. Nay giá cổ phiếu đã tăng lên 700 USD và vốn hóa thị trường của công ty lên đến trên 30 tỉ USD.

Ngày 16-11-2021, Green đã tham gia sáng kiến từ thiện "Cam kết cho đi" (Giving Pledge). Trong thư cam kết tham gia, anh nhắc lại câu chuyện trải nghiệm làm người vô gia cư năm 17 tuổi để giải thích lý do vì sao tham gia sáng kiến. Song song đó, anh cam kết sẽ cho đi 90% tài sản ước tính 5 tỉ USD để làm từ thiện. 

Sáng kiến "Cam kết cho đi" là nỗ lực lớn nhất trên thế giới nhằm khuyến khích nhà giàu làm từ thiện. Sáng kiến do các tỉ phú Warren Buffett, Bill Gates và bà Melinda (vợ cũ) hợp tác thành lập.

Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, ba nhân vật kể trên đã tổ chức một số cuộc gặp không chính thức với một nhóm nhỏ các nhà tỉ phú để tìm cách khuyến khích họ làm từ thiện. Những người dự họp hiến kế hàng loạt ý tưởng nhưng từ đó nảy sinh vấn đề nhiều nhà giàu chỉ thích làm từ thiện riêng chứ không muốn tham gia hoạt động nào mang tính chất tập thể. 

Cuối cùng vào tháng 8-2010, ba nhà sáng lập đưa ra sáng kiến "Cam kết cho đi". Ban đầu có 40 người giàu nhất nước Mỹ cam kết tham gia. Đến năm 2013, sáng kiến đã mở cho các đối tác quốc tế ký kết.

Sáng kiến "Cam kết cho đi" mời gọi các nhà tỉ phú (tài sản ròng từ 1 tỉ USD trở lên) cam kết dành phần lớn tài sản cho hoạt động từ thiện lúc họ còn sống hoặc khi đã qua đời (thể hiện trong di chúc). 

Sáng kiến cũng mở rộng cho người mà nếu không bỏ tiền làm từ thiện thì có thể đã trở thành tỉ phú, ví dụ như ông Chuck Feeney đã tham gia sáng kiến "Cam kết cho đi" ngày 3-2-2011 sau khi đã chuyển giao gần hết tài sản cho Quỹ từ thiện Atlantic. 

Người tham gia sáng kiến viết một thư cam kết. Họ không cần cung cấp bằng chứng làm từ thiện mới được tham gia mà chỉ cần bảo đảm thực hiện thư cam kết bằng cách chuyển tiền cho quỹ từ thiện hoặc một tổ chức nào đó phân phối tiền từ thiện lúc còn sống.

Chuck Feeney là một trong số những người truyền cảm hứng chủ yếu thúc đẩy sáng kiến "Cam kết cho đi" ra đời như Bill Gates đã từng bộc bạch: "Cam kết lâu dài của Chuck trong hoạt động "Cho đi khi còn sống" là kim chỉ nam cho Melinda và tôi. Chuck đã trở thành ngọn đèn hướng dẫn chúng tôi trong nhiều năm. Ông ấy đã sống như sáng kiến "Cam kết cho đi" rất lâu trước khi chúng tôi thành lập". 

Tỉ phú Warren Buffett nhận xét: "Chuck đã nêu gương... Anh ấy là anh hùng của tôi và anh hùng của Bill Gates. Anh ấy nên là anh hùng của tất cả mọi người".

Khi nhà giàu cho tiền - Kỳ 2: Cam kết cho đi của tỉ phú đôla - Ảnh 3.

Sara Blakely là nữ tỉ phú đầu tiên tham gia sáng kiến "Cam kết cho đi" năm 2012 - Ảnh: Getty Images

Ai là người đã tham gia sáng kiến?

Sáng kiến "Cam kết cho đi" hướng tới mục đích tự nguyện "cho đi nhiều hơn, cho đi sớm hơn và cho đi thông minh hơn". Sáng kiến còn nhằm tập hợp các nhà tài trợ để "trao đổi kiến thức về cách làm từ thiện theo cách tốt nhất có thể". Hằng năm họ tập trung tại một địa điểm yên tĩnh để chia sẻ kinh nghiệm làm từ thiện.

TS Hans Peter Schmitz và TS Elena M. McCollim ở Đại học San Diego (Mỹ) đã nghiên cứu 196 thư cam kết của các nhà tài trợ tham gia sáng kiến "Cam kết cho đi" tính đến tháng 3-2021. Kết quả nghiên cứu xã hội học đã được công bố trên tạp chí Society tháng 5-2021. 

Theo nghiên cứu, phần lớn các nhà tài trợ đều là tỉ phú tự lập thân. 184 người (84%) tự thân thành đạt trong khi chỉ 36 người (16%) giàu có nhờ thừa kế di sản. Trong 10 phụ nữ tham gia với tư cách cá nhân có 6 người là tỉ phú tự lập thân, 3 người được thừa kế tài sản sau khi chồng qua đời và 2 người sở hữu tài sản sau ly hôn.

Các nhà tài trợ làm giàu từ ba nguồn gồm công nghệ, tài chính và doanh nghiệp bán trực tiếp sản phẩm hay dịch vụ (đa số là các ngành công nghiệp truyền thống như năng lượng, bán lẻ, bất động sản, chăm sóc sức khỏe). Độ tuổi trung bình thấp nhất là nhóm công nghệ (53,3 tuổi), kế đến là nhóm tài chính (63,9 tuổi) và cuối cùng là nhóm bán hàng trực tiếp (68,3 tuổi). 

Giá trị tài sản vào thời điểm cam kết có khác nhau đáng kể giữa ba nhóm. Nhóm công nghệ có tài sản trung bình là 6,91 tỉ USD/người, nhóm tài chính 5,15 tỉ USD/người và nhóm bán hàng trực tiếp 3,73 tỉ USD/người. Tóm lại, nhóm công nghệ làm từ thiện gồm các nhà tài trợ trẻ tuổi hơn và giàu hơn so với hai nhóm còn lại.

Các nhà tài trợ cam kết tài trợ cho ba lĩnh vực chủ yếu gồm giáo dục (45,91%), y tế (32,65%), quốc tế (23,46% gồm phát triển, hòa bình và giải quyết xung đột, nhân đạo...). 

Các mục tiêu còn lại gồm môi trường và phúc lợi động vật, phúc lợi xã hội và công cộng (nghiên cứu ngoài y tế, phát triển cộng đồng, quyền con người...), phúc lợi con người (phụ nữ, trẻ em, quân nhân, người vô gia cư, an ninh lương thực, cơ hội kinh tế), văn hóa, nghệ thuật, khoa học nhân văn, chính sách công, tôn giáo...

Theo hai nhà nghiên cứu Schmitz và McCollim, nói chung các nhà tài trợ tham gia sáng kiến "Cam kết cho đi" chú trọng đến giáo dục và y tế nhưng ít khi đề cập đến các trở ngại lớn ảnh hưởng đến thành công cá nhân như vấn đề thiếu nhà ở, tình trạng phân biệt đối xử có hệ thống. 

Các chủ đề như công bằng chủng tộc, tính đa dạng hoặc phát triển cộng đồng rất hiếm khi hoặc không bao giờ được đề cập trong các thư cam kết.

Đã có 231 người cam kết cho đi

Các nhà tài trợ tham gia sáng kiến "Cam kết cho đi" chủ yếu là nam giới, người da trắng và cư trú tại Mỹ. Đến cuối năm 2021, sáng kiến "Cam kết cho đi" đã quy tụ 231 nhà tài trợ từ 34-98 tuổi ở 28 quốc gia.

Các nước này gồm Úc, Mỹ, Canada, Brazil, Colombia, Peru, Anh, Đức, Hà Lan, Na Uy, Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha, Cyprus, Monaco, Nga, Ukraine, Slovenia, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Nam Phi, Tanzania, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Số nhà tài trợ tham gia mỗi năm bình quân gần 16 người từ năm 2011-2020 và 76% là công dân Mỹ. Năm 2021 có 14 nhà tài trợ tham gia.

 - Kỳ 3: Nữ tỉ phú MacKenzie Scott cho đi thật nhiều và thật nhanh

DẠ THẢO
DẠ THẢO

TTO - Vài ngày trước lễ Giáng sinh năm 2020, một "cơn mưa" tiền tài trợ lên đến hơn 4 tỉ USD được gửi đến 384 tổ chức ở Mỹ vào thời điểm đại dịch COVID-19 hoành hành.

Khi nhà giàu cho tiền - Kỳ 3: Nữ tỉ phú MacKenzie Scott cho đi thật nhiều và thật nhanh - Ảnh 1.

Bà MacKenzie Scott - Ảnh: Getty images

Số tiền từ thiện lớn như thế nhưng đặc biệt không có lễ công bố trao tiền tài trợ, không có ai lên bục phát biểu và cũng không có thông tin quảng bá làm từ thiện rùm beng trên báo chí.

Tôi đang giữ khoản tiền không tương xứng cần chia sẻ.

Bà MACKENZIE SCOTT

Tài trợ 8,6 tỉ USD cho 780 tổ chức

Hơn 4 tỉ USD đó của nữ tỉ phú MacKenzie Scott (sinh năm 1970). Bà là nhà văn viết tiểu thuyết, mẹ của bốn người con, người sáng lập tổ chức chống bắt nạt Bystander Revolution vào năm 2014 và là người trong những năm 1990 đã giúp phu quân - doanh nhân Jeff Bezos xây dựng Công ty công nghệ Amazon trở thành một trong những công ty quyền lực nhất thế giới.

Đợt rót tiền tài trợ kể trên là một cuộc làm từ thiện lớn chớp nhoáng mà bà Scott thực hiện theo cách riêng của bà. Các cố vấn của bà chỉ gửi email báo tin đã gửi tiền tài trợ rồi gọi điện thoại xác nhận lần nữa với các hiệp hội, các tổ chức từ thiện, các trường trung học và đại học. 

Nhiều cá nhân nhận tiền tài trợ ngạc nhiên không nói nên lời. Có người đã bật khóc vì tổ chức của họ đã chạy vạy tìm nguồn tài trợ trong nhiều năm và rất nhiều lần xôi hỏng bỏng không bởi họ không phải là tổ chức nổi tiếng.

Bà Scott sống rất kín đáo, thi thoảng mới xuất hiện tại vài sự kiện và rất ít khi trả lời phỏng vấn báo chí. Sau khi ly hôn với chồng năm 2019 sau 25 năm chung sống, tài sản cá nhân của bà dựa trên 1/4 số cổ phiếu Amazon (trị giá ban đầu 36 tỉ USD) mà bà nhận được. Ngay sau đó, bà bắt đầu làm từ thiện. 

Tháng 5-2019, bà tham gia sáng kiến "Cam kết cho đi" (Giving Pledge). Thư cam kết của bà có đoạn: "Tôi đang giữ khoản tiền không tương xứng cần chia sẻ... Cách tiếp cận hoạt động từ thiện của tôi sẽ tiếp tục được cân nhắc kỹ lưỡng. Phải cần nhiều thời gian, công sức và thái độ quan tâm, nhưng tôi sẽ không chờ đợi và sẽ tiếp tục cho đến khi két tiền hết sạch".

Cách thức làm từ thiện của bà khác xa cách làm từ thiện truyền thống. Bà sẵn sàng tiết lộ danh tính những người nhận tiền tài trợ nhưng không tiết lộ số tiền làm từ thiện. Bà không hài lòng với việc đưa tin các khoản tài trợ của bà và cho rằng "nhiều người cứ bị các con số ám ảnh thay vì tập trung vào các tổ chức nhận tài trợ". 

Phải đến ngày 9-12-2021, cuối cùng bà mới chịu công bố số tiền làm từ thiện. Theo tạp chí Forbes, chỉ trong thời gian hơn hai năm từ năm 2019 - 2021, người phụ nữ có tài sản trị giá 57 tỉ USD này đã gửi 8,6 tỉ USD cho 780 tổ chức.

Trong thời gian 5 tháng trong năm 2020, bà đã tổ chức hai chiến dịch lớn vào tháng 7 và tháng 12 với số tiền tài trợ gần 6 tỉ USD cho hàng trăm tổ chức chuyên thúc đẩy các vấn đề như bình đẳng giới, công bằng chủng tộc, sức khỏe cộng đồng. 

Các chuyên gia về hoạt động từ thiện ở Mỹ đánh giá đây là số tiền từ thiện lớn nhất được một nhà tài trợ còn sống trực tiếp trao cho các tổ chức từ thiện trong vòng một năm. Cứ so sánh quỹ từ thiện của Bill Gates với gần 1.800 nhân viên đã tài trợ 5,8 tỉ USD trong năm 2020 sẽ thấy cá nhân bà làm từ thiện thế nào.

Quỹ từ thiện của Bill Gates thường tài trợ cho các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới. Ngược lại, phần lớn tiền tài trợ của bà Scott được trao cho các tổ chức trong nước. Thông thường đó là các tổ chức nhỏ, khó vận động tiền từ thiện. 

Đặc biệt bà chú trọng các tổ chức do những người có kinh nghiệm sống lãnh đạo, các tổ chức do người da màu và các nhà lãnh đạo phi truyền thống phụ trách, ví dụ các tổ chức phụ nữ do phụ nữ lãnh đạo hay các nhóm bình đẳng chủng tộc do người da màu phụ trách. 

Bà giải thích các tổ chức phi lợi nhuận nhỏ không chỉ thường xuyên thiếu hụt tiền tài trợ mà thậm chí còn bị gạt ra rìa trong các chiến dịch gây quỹ.

Khi nhà giàu cho tiền - Kỳ 3: Nữ tỉ phú MacKenzie Scott cho đi thật nhiều và thật nhanh - Ảnh 3.

Ngân hàng lương thực San Antonio là một trong các tổ chức đã nhận tài trợ của bà Scott - Ảnh: mysanantonio.com

Không kèm theo điều kiện ràng buộc

Theo truyền thống, lâu nay các nhà từ thiện thường làm từ thiện theo phong cách kỹ trị. Họ lập ra quỹ từ thiện, đề ra nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt để chọn lọc các cá nhân và tổ chức thụ hưởng tiền tài trợ, vạch ra nhiều kế hoạch làm từ thiện rất rườm rà rồi giám sát chặt chẽ theo kiểu gia trưởng. 

Trong khi đó, cách làm từ thiện của nữ tỉ phú MacKenzie Scott được xem là vô tiền khoáng hậu.

Chuyên gia Benjamin Soskis ở Trung tâm về các tổ chức phi lợi nhuận và hoạt động từ thiện thuộc Viện Đô thị ở Washington nhận xét cách làm từ thiện của bà Scott là "chống chủ nghĩa gia trưởng". 

Bà đã làm đảo lộn mô hình hoạt động từ thiện truyền thống vì các yếu tố: số tiền làm từ thiện quá lớn đối với một cá nhân, phương thức hoạt động từ thiện khác biệt và tốc độ làm từ thiện rất nhanh chóng. Bà chủ trương phân phối nhanh số tiền lớn cho nhiều tổ chức thay vì thông qua các quỹ từ thiện hoặc các phương pháp truyền thống khác.

Bà giải thích triết lý của bà là làm từ thiện "không theo yêu cầu, mang tính bất ngờ, được trao với niềm tin và không kèm điều kiện ràng buộc". 

Các tổ chức tùy nghi sử dụng tiền tài trợ theo cách thích hợp nhất và chỉ cần gửi một báo cáo ngắn hằng năm. Bà không lập quỹ từ thiện mang tên mình, không lập trang web quảng bá rầm rộ kết quả từ thiện, không hề có văn phòng từ thiện, thậm chí không có cả địa chỉ nhận thư.

Thay vào đó bà có đội ngũ cố vấn giúp sức và thường xuyên trao đổi công việc từ thiện với tổ chức phi lợi nhuận Bridgespan Group ở Boston (chuyên tư vấn cho các tổ chức từ thiện). Bà cho biết bà không muốn được nhận dạng với cái mác "từ thiện". Bà cũng không muốn hợp tác với "những người giàu có luôn tin rằng họ biết cách giải quyết vấn đề của người khác tốt nhất".

Theo báo The Economist, đến nay bà Scott chỉ nói đến hoạt động từ thiện của mình qua ba bài viết ngắn đăng trên blog. Ví dụ trong bài đăng ngày 15-12-2020, bà giải thích trong đợt tài trợ cuối năm 2020, êkip của bà đã sàng lọc hàng ngàn trang dữ liệu để chọn 6.490 người, sau đó tiếp xúc với họ, nghiên cứu sâu 822 trường hợp rồi cuối cùng chốt lại 384 tổ chức nhận tài trợ.

Trong đại dịch COVID-19, bà đã trở thành một trong các nhà từ thiện rộng rãi nhất. Bà đánh giá: "Đại dịch COVID-19 là phát súng thần công bắn vào cuộc sống của những người Mỹ vốn đã khó khăn. 

Thiệt hại về kinh tế và sức khỏe còn tồi tệ hơn đối với tầng lớp phụ nữ, người da màu và người sống trong cảnh nghèo đói. Trong khi đó, đại dịch đã làm gia tăng đáng kể tài sản của các nhà tỉ phú". Tạp chí Forbes đã vinh danh bà là người phụ nữ quyền lực nhất năm 2021.

Tạp chí The Economist đánh giá do chọn cách làm từ thiện kín đáo, nữ tỉ phú MacKenzie Scott đã bỏ qua vấn đề minh bạch.

Bà làm từ thiện với tư cách cá nhân chứ không thông qua một quỹ từ thiện nào, do đó bà không phải báo cáo tiền bạc như quỹ từ thiện. GS Rob Reich tại Đại học Stanford ghi nhận tình trạng làm từ thiện thiếu minh bạch như thế rất hiếm xảy ra ở các nhà tài trợ lớn và điều đó không tốt.

Sau khi bị chỉ trích, bà Scott cho biết êkip của bà đang chia sẻ thông tin chi tiết về hai năm làm từ thiện và bà dự kiến lập một cơ sở dữ liệu về hoạt động từ thiện để mọi người cùng tham khảo.

- Kỳ 4: Vì sao nhà giàu làm từ thiện?

DẠ THẢO
DẠ THẢO

TTO - Đại học California ở Santa Barbara (Mỹ) nhận tài trợ 200 triệu USD từ tỉ phú Charles Munger - 97 tuổi, phó chủ tịch Quỹ đầu tư Berkshire Hathaway.

Khi nhà giàu cho tiền - Kỳ 4: Vì sao nhà giàu làm từ thiện? - Ảnh 1.

Tỉ phú Charles Munger và ký túc xá Munger Hall - Ảnh: therealdeal.com

Đại học California ở Santa Barbara (Mỹ) đang thiếu phòng ốc cho sinh viên lưu trú, vì vậy nhà trường mừng như bắt được vàng khi tỉ phú Charles Munger - 97 tuổi, phó chủ tịch Quỹ đầu tư Berkshire Hathaway cam kết tài trợ 200 triệu USD đóng góp xây dựng ký túc xá mới Munger Hall.

Tôi sớm nhận ra tài sản của tôi không phải do tính cách cá nhân hay sáng kiến vượt trội, mà chỉ do may mắn mà có.

Chủ ngân hàng GEORGE KAISER

Tiền từ thiện đi về đâu?

Theo thiết kế, ký túc xá cao 11 tầng, rộng 156.000m2, có sức chứa 4.500 sinh viên ở phòng đơn với dự toán 1,5 tỉ USD. Chỉ có điều, 94% phòng ngủ không có cửa sổ mà phụ thuộc vào ánh sáng nhân tạo và hệ thống thông gió cơ học. Điều đáng nói là tỉ phú Munger lại đưa ra điều kiện không được thay đổi thiết kế của ông.

Kiến trúc sư Dennis McFadden đã gửi thư từ chức để phản đối dự án Munger Hall và quá trình phê duyệt dự án. Trong thư đề ngày 24-10-2021, McFadden viết: "Trong gần 15 năm tôi làm kiến trúc sư tư vấn trong Ủy ban đánh giá thiết kế của Đại học California, chưa có dự án nào được đưa ra trước ủy ban có quy mô lớn hơn, biến tính hơn và có thể phá hủy khuôn viên nhà trường hơn dự án Munger Hall".

Ông nhấn mạnh một tòa nhà phải tăng cường khả năng tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên và thiên nhiên để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Ông lưu ý nhà trường đã cố phê duyệt dự án để làm hài lòng nhà tài trợ Charles Munger: "Rõ ràng (Ủy ban đánh giá thiết kế) chỉ là hình thức... Thiết kế đã hoàn chỉnh 100% mà không cần phê duyệt, không qua bỏ phiếu và không có yêu cầu nào được bổ sung thêm".

Nhiều sinh viên, phụ huynh, giảng viên và báo chí đã lên tiếng phản đối dự án Munger Hall. Họ nhận xét dự án có mật độ lưu trú cao nhất thế giới, thiết kế dự án là "một trò đùa kỳ cục, bệnh hoạn, một nhà tù giả dạng ký túc xá", dự án là "lồng ấp COVID-19". Một số người so sánh ký túc xá Munger Hall giống mô hình nhà tù xây tròn với tháp kiểm soát ở giữa đã được nói đến trong thế kỷ 18, phòng ngủ chẳng khác gì phòng biệt giam và sinh viên sẽ có nguy cơ trầm cảm rất cao.

Trả lời báo The New York Times về chuyện ký túc xá không có cửa sổ, tỉ phú Munger giải thích hoàn toàn không chút khôi hài: "Nếu bạn muốn nó lãng mạn và mờ ảo, bạn có thể làm cho nó lãng mạn và mờ ảo... Có khi nào trong cuộc đời bạn có thể thay đổi ánh nắng mặt trời? Ở ký túc xá này, bạn có thể làm điều đó". Điều đáng nói là Munger không phải là kiến trúc sư chuyên nghiệp, chưa từng học qua trường lớp kiến trúc và chưa bao giờ được cấp phép hành nghề kiến trúc. Thậm chí ông còn khoe chưa bao giờ đọc sách kiến trúc.

Dự án đang trong giai đoạn đánh giá tác động môi trường và dự kiến sẽ mở cửa sớm nhất vào mùa thu năm 2025. Munger không phải là tỉ phú đầu tiên sử dụng đồng tiền từ thiện để thỏa mãn sở thích cá nhân. Không ít tỉ phú còn lợi dụng hoạt động từ thiện để nhắm tới các mục tiêu cá nhân sai trái như lót đường giữ chỗ cho con cái học tại các trường đại học uy tín.

Theo điều tra của báo The Guardian (Anh), các khoản tài trợ lớn nhất cho giáo dục trong năm 2019 ở Anh đều tập trung cho các trường đại học và trung học có con em nhà giàu hay theo học. Trong 10 năm đến năm 2017, hơn 2/3 tiền tài trợ của các nhà giàu (4,79 tỉ bảng Anh) được cấp cho các trường cao đẳng và đại học, trong đó 50% dồn cho hai trường đại học Oxford và Cambridge. Cùng thời gian này, nhà giàu ở Anh tài trợ 1,04 tỉ bảng cho lĩnh vực nghệ thuật, trong khi chỉ có 222 triệu bảng được tài trợ cho các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo.

Các tổ chức bảo vệ quyền lợi người da màu ở Mỹ than phiền nhiều nhà giàu tự xưng là người chống phân biệt chủng tộc nhưng trên thực tế lại khác. Khi con cái các gia đình giàu có (gần như là người da trắng) được vào học tại các trường đại học ưu tú thông qua con đường từ thiện, đương nhiên chúng đã chiếm chỗ của nhiều ứng viên khác xứng đáng hơn.

Khi nhà giàu cho tiền - Kỳ 4: Vì sao nhà giàu làm từ thiện? - Ảnh 3.

Patrice Motsepe - tỉ phú da đen đầu tiên của châu Phi tham gia sáng kiến "Cam kết cho đi" vào cuối tháng 1-2013 - Ảnh: BackpagePix

Làm từ thiện vì động cơ gì?

Để trả lời câu hỏi này, TS Hans Peter Schmitz và TS Elena M. McCollim ở Đại học San Diego (Mỹ) đã nghiên cứu thư cam kết của các nhà tài trợ tham gia sáng kiến "Cam kết cho đi" do các tỉ phú Warren Buffett, Bill Gates và bà Melinda (vợ cũ) sáng lập. Kết quả nghiên cứu xác định có bốn động cơ làm từ thiện chính:

* Muốn tạo khác biệt (40,82% số thư cam kết): Các nhà tài trợ tin rằng họ có nghĩa vụ cải thiện cuộc sống người khác bằng tài năng và tài sản của họ. Họ đánh giá cao nỗ lực bản thân và thường chỉ trích nhà nước làm việc chậm chạp, kém hiệu quả. Nhiều nghiên cứu đánh giá động cơ nêu trên thường mang tính chất thái quá.

* Tri ân cộng đồng, mong muốn đền đáp (39,80%): Động cơ mong muốn đền đáp có thể xuất phát từ nhiều nhận thức khác nhau như càng giàu càng phải đóng góp nhiều hơn cho xã hội, cần phải tri ân cộng đồng vì nhờ may mắn mình mới giàu có. Thư của vợ chồng tỉ phú Seth A. Klarman viết: "Hệ thống tự do kinh doanh của Mỹ đã giúp chúng tôi thành công ngoài sức tưởng tượng. Chúng tôi tin rằng phải có nghĩa vụ cho đi để cải thiện cuộc sống người khác".

* Thỏa mãn cá nhân qua trải nghiệm (28,57%): Các nhà tài trợ cho rằng hoạt động từ thiện mang đến cho họ nhiều lợi ích về tình cảm và tâm lý. Tỉ phú John Caudwell (người Anh) nhận xét hoạt động từ thiện đã "trở thành liều thuốc mang lại niềm vui nhiều hơn cả làm giàu". Nữ tỉ phú Sara Blakely cảm thấy vui "khi bất ngờ đến thăm các tổ chức với tấm séc trong tay và tận mắt chứng kiến những giọt nước mắt".

* Gắn kết gia đình với xã hội (25,51%): Một số nhà tài trợ cho rằng nhờ giáo dục của gia đình họ mới có được ý thức kinh doanh và lòng từ thiện. Thư của tỉ phú John Paul DeJoria kể: "Mẹ tôi đã cho anh tôi và tôi một xu. Bà bảo hai chúng tôi giữ lại để bỏ tiền vào cái chậu cạnh một người đàn ông lắc chuông". Tỉ phú Patrice Motsepe (người Nam Phi) viết: "Cha mẹ tôi là những người đã dạy cho tôi kinh doanh và tinh thần kinh doanh cũng như nghĩa vụ cho đi và chăm sóc người nghèo, người thiệt thòi".

Ngoài bốn động cơ chính nêu trên, còn có năm động cơ thứ yếu gồm ý thức về trách nhiệm quản lý của cải (13,27%), của cải dư thừa là phù du sau khi chết (10,71%), không muốn con cái mang gánh nặng thừa kế (10,20%), mong muốn để lại di sản cho đời (7,65%), làm từ thiện vì niềm tin tôn giáo (7,65%). Phía sau đồng tiền cho đi cũng có nhiều câu chuyện...

Một số nhà từ thiện cho biết họ đã nhìn thấy con cái nhiều gia đình giàu có đã sa ngã, vì vậy họ mong muốn con cái của họ phải sống tự lập thân như cha mẹ và họ cho rằng để lại tài sản thừa kế quá nhiều có thể làm tổn hại đến tính cách con cái. Đặc biệt, các nhà giàu tự lập thân xem kinh nghiệm đi lên từ nghèo khổ trở thành giàu có của bản thân mình là điều có lợi cho con.

Tỉ phú Gerry Lenfest viết: "Theo quan điểm của chúng tôi, mang giàu có đến cho con cái khi chúng còn nhỏ hoặc chưa chào đời sẽ làm giảm bớt hoặc loại bỏ những thách thức xây dựng nhân cách chờ đợi chúng trong cuộc sống mà chúng sẽ phải đối mặt".

- Kỳ 5: Nhà giàu đánh bóng tên tuổi

DẠ THẢO
DẠ THẢO

TTO - Cuối năm 2021, Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan ở New York (Mỹ) thông báo đã đạt được thỏa thuận với gia đình Sackler về việc rút tên gia đình này khỏi bảy phòng trưng bày.

Khi nhà giàu cho tiền - Kỳ 5: Nhà giàu đánh bóng tên tuổi - Ảnh 1.

Các nạn nhân phản đối thuốc OxyContin trước Bộ Tư pháp Mỹ ngày 3-12-2021 - Ảnh: AP

Trước đó, bảo tàng này và nhiều bảo tàng khác như Tate Modern ở Anh, Guggenheim ở New York, Louvre ở Pháp đã thông báo ngừng nhận mọi khoản tài trợ từ gia đình này.

Chạy đua đánh bóng tên tuổi

Gia đình Sackler thuộc giới thượng lưu New York, là một trong những gia đình làm từ thiện nổi tiếng suốt nửa thế kỷ qua ở Mỹ. Trong thập niên 1950, họ mua lại Công ty dược phẩm Purdue Pharma rồi ngày càng giàu thêm nhờ sản xuất OxyContin, một loại thuốc giảm đau cực mạnh thuộc nhóm opioid. Với lợi nhuận thu được từ kinh doanh dược phẩm, họ đã tài trợ nhiều triệu USD cho các bảo tàng nghệ thuật và các bảo tàng đã đặt tên của gia đình này cho một số phòng trưng bày.

Đồng tiền từ thiện không hẳn là đồng tiền sạch. OxyContin là thuốc gây nghiện cao nhưng trong những năm 1990 lại được kê đơn vô tội vạ. Gia đình Sackler bị cáo buộc đã đưa phong bì cho các bác sĩ để kê đơn OxyContin vô tội vạ, từ đó phát sinh thị trường kinh doanh trái phép dẫn đến hơn 500.000 ca tử vong do sử dụng OxyContin quá liều trong 20 năm qua ở Mỹ. 

Gia đình Sackler đã lập kế hoạch phá sản nhưng ngày 16-12-2021, tòa án không chấp thuận kế hoạch. Sắp tới họ sẽ vướng vào nhiều vụ kiện đòi bồi thường với số tiền lên đến 4,5 tỉ USD.

Lịch sử hoạt động từ thiện quy mô lớn cho thấy bên cạnh nhiều nhà tài trợ có lòng vị tha như ông Chuck Feeney với triết lý "Cho đi khi còn sống" hoặc nữ tỉ phú MacKenzie Scott làm từ thiện theo cách ẩn danh, ngược lại vẫn có một số nhà tài trợ làm từ thiện chỉ để lấy tiếng chơi trội.

Nhà báo Anand Gridharas, nguyên cây bút bình luận của báo Time (Mỹ), đánh giá cuộc đua cạnh tranh từ thiện dẫn đến nhiều khoản tài trợ phô trương chỉ nhằm đánh bóng cá nhân. Rõ nét nhất là cuộc đua vào vũ trụ của ba tỉ phú Jeff Bezos (Công ty Blue Origin), tỉ phú Richard Branson (Công ty Virgin Atlantic) và tỉ phú Elon Musk (Công ty SpaceX). Họ vẫn thường dùng từ ngữ đao to búa lớn để mô tả nỗ lực thúc đẩy kinh doanh du lịch vũ trụ.

Sau khi trở thành tỉ phú đầu tiên bay lên vũ trụ hôm 11-7-2021, Branson đã tán dương chủ nghĩa bình đẳng: "Hãy tưởng tượng một thế giới nơi mọi người thuộc mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh, ở mọi nơi, mọi giới tính, mọi sắc tộc đều có quyền bình đẳng tiếp cận không gian. Theo tôi, rồi sẽ đến lượt họ truyền cảm hứng cho chúng ta khi họ trở về trái đất". 

Song như tạp chí Town & Country (Mỹ) nhận xét, các tỉ phú Mỹ không thể che giấu ý định mong muốn trở thành người đầu tiên và là người đi xa nhất trên vũ trụ nhiều hơn là hành động vì lý tưởng nhân đạo hay bình đẳng.

Ngay sau khi Jeff Bezos trở về trái đất ngày 20-7-2021 sau chuyến bay vào vũ trụ dài 11 phút, ông đưa ra thông báo bất ngờ: ông đã thành lập giải thưởng "Dũng cảm và Văn minh" và những người đoạt giải đầu tiên là đầu bếp nổi tiếng José Andrés cùng nhà phân tích tin tức truyền hình Van Jones. Mỗi người nhận được 100 triệu USD tiền thưởng.

Vì sao giải thưởng này được thông báo ngay sau chuyến bay lên vũ trụ của Bezos? Các nhà phân tích hoạt động từ thiện đánh giá đây là động thái quan hệ công chúng vội vàng nhằm đáp trả những lời phàn nàn cho rằng tỉ phú Bezos không tập trung tiền từ thiện vào các vấn đề mà thế giới đang đối phó. 

Ngoài ra, cách làm của Bezos dường như muốn cạnh tranh với người vợ cũ MacKenzie Scott khi Bezos tuyên bố tiền thưởng 200 triệu USD không kèm theo bất kỳ điều kiện gì. Trước đó vào cuối năm 2020, báo New York Daily News đã từng viết: "Tính hào phóng của bà MacKenzie Scott đã làm hổ thẹn nhiều tỉ bạc của Jeff Bezos".

Nhiều tỉ phú đã sử dụng chiến lợi phẩm giàu có đáng ngờ để tẩy rửa danh tiếng và tạo cơ hội tiếp tục thực hiện những gì họ đang làm.

ANAND GRIDHARAS

Khi nhà giàu cho tiền - Kỳ 5: Nhà giàu đánh bóng tên tuổi - Ảnh 3.

Tỉ phú Jeff Bezos khui sâm banh sau chuyến bay lên vũ trụ ngày 20-7-2021 - Ảnh: Blue Origin

Giới siêu giàu mua ảnh hưởng

Những năm gần đây, nhà giàu ở Mỹ không tài trợ nhiều cho lĩnh vực văn hóa như trước mà chú trọng tài trợ cho các dự án công vốn thuộc trách nhiệm của nhà nước. Nhiều ý kiến chỉ trích đây có thể là kịch bản tạo tiền đề cho giới siêu giàu kiểm soát đời sống công cộng. Báo Time đã lấy thành phố Kalamazoo với 74.000 dân ở bang Michigan làm ca điển hình.

Cuối tháng 7-2021, tại cuộc họp báo trước tòa thị chính Kalamazoo, ông thị trưởng David Anderson đã vung tay lên trời hét lên: "Oa! bốn! trăm! triệu! USD!" khi thông báo Quỹ xuất sắc Kalamazoo đã nhận được khoản tài trợ ẩn danh 400 triệu USD. Quỹ này được sử dụng nhằm bù đắp cho các khoản thiếu hụt ngân sách, giảm thuế và tài trợ cho các dự án công. Tuy nhiên, đã có nhiều tai tiếng liên quan đến quỹ này.

Khi các nhà tài trợ William Parfet và William Johnston - hai trong số những người giàu nhất Kalamazoo - cam kết tặng 70 triệu USD cho thành phố làm cơ sở để Quỹ xuất sắc Kalamazoo ra đời năm 2017, họ đã yêu cầu thành phố phải hủy bỏ thuế thu nhập đã đề xuất và giảm thuế tài sản. Ngoài ra, tiền tài trợ không được chuyển một lần mà sẽ được chi nhiều năm. 

Các ý kiến chỉ trích cho rằng hóa ra thành phố Kalamazoo đã trở thành con tin cho những bốc đồng của các nhà tài trợ giàu có. Johnston và Parfet cam kết huy động đủ tiền để duy trì Quỹ xuất sắc Kalamazoo hoạt động lâu dài, thế nhưng nếu họ không giữ lời thì thành phố có nguy cơ mất khả năng thanh toán.

Đặc biệt chỉ một số ít người biết khoản tài trợ 400 triệu USD được công bố vào mùa hè năm 2021 có nguồn gốc từ đâu. Quỹ xuất sắc Kalamazoo không tiết lộ các nhà tài trợ ẩn danh vì bị ràng buộc vào điều kiện quy định khoản tài trợ 400 triệu USD sẽ bị thu hồi nếu danh tính các nhà tài trợ bị lộ. 

Ông Shannon Sykes-Nehring, nguyên ủy viên thành phố Kalamazoo, nhận xét: "Tôi sợ nhất là giờ đây họ có thể mua được ảnh hưởng của chính quyền thành phố... Vấn đề cần cân nhắc là liệu chúng ta có giữ vững thành phố nếu chúng ta làm phiền những người chi trả hóa đơn hay không?".

David Callahan - chủ biên chuyên trang từ thiện Inside Philanthropy, tác giả cuốn Các nhà tài trợ: Giàu có, quyền lực và lòng từ thiện trong kỷ nguyên vàng mới - nhận định các giao dịch như ở Kalamazoo có thể tạo ra tiền lệ hết sức nguy hiểm. 

Ông giải thích: "Điều tệ hại có thể xảy ra nếu các tỉ phú không thích những gì thành phố làm và nói: chúng tôi sẽ không tiếp tục tài trợ trừ phi mấy ông làm khác đi. Trong một thành phố nhỏ không nhiều tài nguyên như Kalamazoo, quyền lực của các nhà tài trợ lớn cho hàng chục triệu USD lớn hơn rất nhiều".

Để đánh giá mức độ hoạt động từ thiện của các tỉ phú, tạp chí Forbes đã sử dụng thang điểm gồm năm mức: điểm 1 dành cho người làm từ thiện ít hơn 1% tài sản, điểm 2 từ 1% đến 4,99% tài sản, điểm 3 từ 5% đến 9,99% tài sản, điểm 4 từ 10% đến 19,99% tài sản và điểm 5 từ 20% tài sản trở lên.

Đối chiếu danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ năm 2021 với năm trước đó, kết quả cho thấy chỉ có 8 tỉ phú đạt được điểm 5 so với 10 người năm 2020, điểm 4 từ 19 người giảm còn 11 người, điểm 3 từ 56 người giảm còn 44 người, điểm 2 từ 120 người giảm còn 44 người. Ở điểm 1, con số 127 người của năm 2020 đã tăng lên 156 người trong năm 2021. Trong danh sách điểm 1 có hai tỉ phú Jeff Bezos và Elon Musk đã vung tiền chạy đua lên vũ trụ.

 - Kỳ 6: Còn kêu gọi quyên góp, còn có lừa đảo

DẠ THẢO
DẠ THẢO

TTO - GS luật Lloyd Hitoshi Mayer tại Đại học Notre Dame (Mỹ) nhận định sau khi thảm họa xảy ra, mọi người đều muốn tìm cách giúp đỡ các nạn nhân nhanh nhất, và đây chính là cơ hội cho bọn lừa đảo ra tay.

Khi nhà giàu cho tiền - Kỳ 6: Còn kêu gọi quyên góp, còn có lừa đảo - Ảnh 1.

Nữ diễn viên Celeste Barber tham gia buổi hòa nhạc cứu trợ cháy rừng tại sân vận động ANZ ở Sydney ngày 16-2-2020 - Ảnh: AAP

Trong vòng 24 tiếng sau khi lốc xoáy kinh hoàng tấn công sáu bang nước Mỹ vào tháng cuối năm 2021, ông Andy Beshear - thống đốc bang Kentucky - đã thành lập Quỹ cứu trợ lốc xoáy đội Tây Kentucky.

Chừng nào còn chuyện gây quỹ từ thiện thì vẫn còn khả năng xảy ra lừa đảo.

GS LLOYD HITOSHI MAYER

Còn quyên góp từ thiện là còn lừa đảo

Lâu nay các khoản quyên góp huy động từ cộng đồng đã trở thành nguồn cứu trợ thiên tai chủ yếu và thường quyên được khoản tiền cứu trợ đáng kể.

Năm 2017 ở Mỹ, ngôi sao bóng bầu dục J.J. Watt đã nhanh chóng quyên góp hơn 40 triệu USD giúp đỡ các nạn nhân bão Harvey. Năm 2020, sau hàng loạt vụ cháy rừng ở Úc, nữ nghệ sĩ hài Celeste Barber đã kêu gọi quyên góp, cuối cùng thu được hơn 50 triệu đôla Úc và chuyển tiền cho quỹ quyên góp của lực lượng cứu hỏa nông thôn bang New South Wales.

Đến nay, Quỹ CDC (Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ) đã quyên góp được hơn 51 triệu USD trong chiến dịch "Nghiền nát COVID".

GS luật Lloyd Hitoshi Mayer tại Đại học Notre Dame (Mỹ) nhận định sau khi thảm họa xảy ra, mọi người đều muốn tìm cách giúp đỡ các nạn nhân nhanh nhất, và đây chính là cơ hội cho bọn lừa đảo ra tay.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi thống đốc bang Kentucky lập ngay quỹ từ thiện cộng đồng (gây quỹ trực tiếp từ người dân) để bổ sung cho nguồn cứu trợ nhà nước.

GS Mayer phân tích, có hai yếu tố trong quá trình quyên góp từ thiện cộng đồng rất dễ dẫn đến lừa đảo. Một là từ thiện liên quan đến đám đông.

Cuối năm 2017, cặp đôi Katelyn McClure và Mark D'Amico ở hạt Burlington (bang New Jersey) đã đăng trên trang web GoFundMe (trang chuyên kêu gọi từ thiện) một câu chuyện đầy ắp tình người. Vào một đêm giá lạnh tháng 10-2017, ôtô của cô McClure hết xăng ở Philadelphia và một cựu binh hải quân vô gia cư tên Johnny Bobbitt Jr. đã móc túi đưa cho cô 20 USD cuối cùng để cô đổ xăng về nhà.

Cặp đôi nêu trên đã mở chiến dịch "Đáp đền tiếp nối" (Paying it Forward) kêu gọi giúp đỡ Bobbitt. Khoảng 14.000 người hảo tâm ở Mỹ và các nước đã đóng góp hơn 400.000 USD. Cặp đôi McClure và D'Amico cùng cựu binh Bobbitt vui vẻ chụp ảnh lưu niệm tại nơi xảy ra câu chuyện. Ba người còn xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia, thậm chí tính chuyện ký hợp đồng viết sách và làm phim.

Cuối cùng câu chuyện cảm động nêu trên chỉ là trò bịp bợm. Cặp đôi nọ mua một chiếc xe-nhà di động cho Bobbitt và chuyển khoản cho 25.000 USD rồi dùng số tiền còn lại đi nghỉ mát, mua xe sang, ăn chơi vung vít như ở Las Vegas.

Sau đó, Bobbitt tiếp tục cuộc sống vô gia cư, nghiện ma túy, đi ăn xin rồi khai ra hết với cảnh sát và báo chí. Ba người bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. McClure và Bobbitt nhận tội vào năm 2019 và chờ ngày ra tòa. Đến cuối tháng 11-2021 D'Amico mới nhận tội.

Hai là kẻ lừa đảo có thể kêu gọi quyên góp từ cộng đồng bằng cách khai thác tình cảm chính trị hơn là tình người. Năm 2020, các công tố viên liên bang đã buộc tội Steve Bannon - cựu cố vấn cấp cao của tổng thống Trump và ba người khác vì đã lừa đảo hàng ngàn người đóng góp tiền cho chiến dịch xây dựng bức tường dọc biên giới Mỹ - Mexico. Bốn người này đã xà xẻo tiền quyên góp để chi trả cho các chi phí cá nhân.

Các chiến dịch quyên góp cộng đồng theo kiểu truyền thống trước đây thường gửi thư và gọi điện thoại nên tốn rất nhiều thời gian. Còn hiện nay, quyên góp từ thiện rất nhanh chóng, rẻ tiền và không cần phải tạo trang web riêng. Chỉ cần mở chiến dịch quyên góp trên nền tảng GoFundMe, chỉ trong vài phút ai cũng biết. Nền tảng GoFundMe còn cho phép mọi người kêu gọi quyên góp cho nhu cầu cá nhân như trả tiền viện phí cho bản thân.

Từ năm 2015 - 2020, khoảng 45 triệu người ở Mỹ đã sử dụng Facebook để quyên góp hoặc gây quỹ từ thiện với số tiền hơn 3 tỉ USD.

Khi nhà giàu cho tiền - Kỳ 6: Còn kêu gọi quyên góp, còn có lừa đảo - Ảnh 3.

Cựu binh Johnny Bobbitt Jr. (trái) cùng cặp đôi Kate McClure và Mark D'Amico tại trạm xăng ở Philadelphia ngày 17-11-2017 - Ảnh: AP

Mỹ chưa có luật về quyên góp từ thiện ở cấp liên bang

Theo GS Lloyd Hitoshi Mayer, đến nay Mỹ chưa ban hành các quy định điều chỉnh các cá nhân mở chiến dịch quyên góp và các nền tảng huy động tiền quyên góp từ cộng đồng.

Nguyên do từ nhiều thập niên trước, các bang đã ban hành quy định pháp luật về từ thiện trong giai đoạn các tổ chức từ thiện thường quyên tiền trực tiếp hoặc thông qua luật sư. Vì vậy luật không nói gì đến cá nhân quyên tiền cho bản thân hoặc quyên tiền cho tổ chức từ thiện, cũng như bỏ qua các nền tảng kêu gọi từ thiện mới xuất hiện gần đây.

Đến cuối năm 2021, Mỹ chưa có quy định pháp luật nào điều chỉnh vấn đề quyên góp từ thiện ở cấp liên bang. Bang California đã trở thành bang đầu tiên thông qua luật điều chỉnh vấn đề quyên góp tiền từ thiện từ cộng đồng sau khi Thống đốc Gavin Newson ký dự luật Quốc hội bang số 488 vào tháng 10-2021 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2023). Luật mới yêu cầu ba điều:

*Các tổ chức từ thiện quyên góp trực tuyến và các nền tảng tổ chức quyên góp cho các tổ chức từ thiện phải đăng ký và gửi báo cáo thường xuyên với Cơ quan Đăng ký quỹ từ thiện của bang.

* Các tổ chức từ thiện và các nền tảng quyên góp từ thiện phải công khai thông tin tài chính và biên nhận sao kê nếu có yêu cầu.

* Các nền tảng quyên góp từ thiện phải nhanh chóng phân phát các khoản quyên góp được cho các tổ chức từ thiện theo chỉ định và phải được tổ chức từ thiện đồng ý bằng văn bản trước khi mở chiến dịch quyên góp cho tổ chức đó.

GS Mayer đánh giá các nhà làm luật của bang California mong muốn điều chỉnh vấn đề quyên góp từ thiện để bảo đảm mọi khoản quyên góp được chuyển đến các cá nhân và tổ chức từ thiện mà người quyên góp mong muốn.

Ngoài ra, họ không muốn luật hóa quá đáng công việc quyên góp từ thiện đến mức các cá nhân hảo tâm và các tổ chức từ thiện hợp pháp ngần ngại kêu gọi quyên góp, bởi phải lo đối phó với gánh nặng pháp lý.

Nói cách khác, mọi đạo luật và quy định mới không chỉ nhằm ngăn chặn gian lận trong quyên góp tiền từ thiện từ cộng đồng mà còn phải khuyến khích mọi người mở lòng ra đóng góp từ thiện. Song cần phải có thời gian để xem liệu ngăn chặn lừa đảo từ thiện bằng các công việc đăng ký, báo cáo, cung cấp thông tin và nhiều yêu cầu khác nữa đã đủ sức xây dựng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình mà không tạo thêm gánh nặng cho các tổ chức từ thiện và các nền tảng quyên góp hợp pháp hay không.

Các vụ trừng phạt tổ chức từ thiện lừa đảo ở Mỹ rất ít. Trường hợp ngoại lệ xảy ra vào năm 2015. Ủy ban Thương mại liên bang (cơ quan phụ trách giám sát và bảo vệ người tiêu dùng đối với các hành vi kinh doanh chống cạnh tranh, lừa đảo hoặc không công bằng) đã xử lý bốn tổ chức từ thiện gồm Quỹ ung thư Mỹ, Dịch vụ hỗ trợ bệnh nhân ung thư, Quỹ ung thư trẻ em Mỹ và Hội Ung thư vú.

Theo điều tra, bốn tổ chức phi lợi nhuận hoạt động từ thiện nêu trên do James Reynolds Sr., vợ cũ, con trai và một số bạn bè lập ra. Thay vì sử dụng 187 triệu USD tiền quyên góp để giúp đỡ những người mắc bệnh ung thư, nhóm này đã dùng tiền mua xe hơi, đi du lịch hạng sang, đi du thuyền, trả học phí...

Cuối cùng, bốn kẻ lừa đảo tiền từ thiện đạt thỏa thuận ngừng hoạt động từ thiện và phải nộp một khoản tiền phạt cao.

- Kỳ cuối: Cho đi nhưng vẫn càng giàu thêm

DẠ THẢO
DẠ THẢO

TTO - Ngày 7-4-2020, tức chỉ mấy tháng sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới, tỉ phú Mỹ Jack Dorsey (sinh năm 1976) - người sáng lập Twitter - đã công bố một thông tin gây chấn động giới hoạt động từ thiện.

Khi nhà giàu cho tiền - Kỳ cuối: Cho đi nhưng vẫn càng giàu thêm - Ảnh 1.

Tỉ phú Jack Dorsey - Ảnh: AFP

Ông quyết định trao tặng 1 tỉ USD cho công cuộc chống đại dịch COVID-19.

Cuộc sống quá ngắn ngủi, vì vậy chúng ta hãy làm mọi thứ có thể để giúp đỡ mọi người ngay bây giờ.

Tỉ phú JACK DORSEY

Tiền từ thiện tác động trực tiếp đến cuộc sống người nghèo

Số tiền 1 tỉ USD của tỉ phú Jack Dorsey gây ấn tượng ở chỗ trước đó năm ngày, tỉ phú Jeff Bezos (người sáng lập Công ty công nghệ Amazon) thông báo trao 100 triệu USD cho các ngân hàng lương thực Mỹ và tỉ phú Mark Zuckerberg (người đồng sáng lập Facebook) cùng phu nhân thông báo tài trợ 25 triệu USD cho hoạt động nghiên cứu các liệu pháp điều trị COVID-19.

Để chứng minh hoạt động từ thiện minh bạch, ông Dorsey giải thích số tiền trao tặng có được nhờ chuyển nhượng dần số cổ phần do ông nắm giữ trong Công ty Square (hiện đổi tên là Block), công ty chuyên về thanh toán kỹ thuật số mà ông là người đồng sáng lập. Các khoản tiền được phân bổ một cách minh bạch thông qua quỹ Start Small.

Trong quá khứ Dorsey là người luôn kín đáo về hành động từ thiện của mình, tuy nhiên nhân sự kiện trao tặng 1 tỉ USD, ông đã bộc bạch trên mạng xã hội: "Điều này (vấn đề minh bạch) là điều quan trọng để những người khác và bản thân tôi có thể học hỏi từ điều đó". 

Ông tin rằng ông cần phải hành động ngay "vì nhu cầu cấp bách và tôi muốn thấy ảnh hưởng (của hoạt động từ thiện) trong cuộc sống của tôi".

Ông giải thích: "Tôi hy vọng điều này sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người khác. Cuộc sống quá ngắn ngủi, vì vậy chúng ta hãy làm mọi thứ có thể để giúp đỡ mọi người ngay bây giờ". 

Ông tính toán số tiền tài trợ sẽ được chăm lo cho lĩnh vực y tế và sau khi đại dịch suy yếu sẽ chăm lo vấn đề giáo dục cho các trẻ em gái cũng như tăng thu nhập tối thiểu cho nhiều triệu người thất nghiệp trong đại dịch.

Trong bài viết đăng trên trang web tài chính MarketWatch (Mỹ) vào cuối năm 2021, bà Jennifer Openshaw - người sáng lập và giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Girls With Impact - phân tích trong hai năm đại dịch, tương tự nữ tỉ phú MacKenzie Scott, tỉ phú Jack Dorsey đã phát triển ý tưởng rằng đồng tiền từ thiện của ông phải đến tay người nhận theo cách thức tốt hơn, nhanh hơn và rẻ hơn.

Thông thường các nhà giàu chọn các tổ chức từ thiện lâu đời và có quan hệ cá nhân thân thiết để trao số tiền từ thiện lớn. Song song đó, muốn nhận tiền phải qua một quá trình xem xét và nộp đơn kéo dài có thể mất nhiều năm với kết quả không có gì chắc chắn. 

Trong khi đó, Dorsey mong muốn tiền từ thiện tác động trực tiếp đến cuộc sống những người cần giúp đỡ. Ông muốn loại bỏ căn bệnh hành chính quan liêu. Các cuộc phỏng vấn chỉ giới hạn trong 30 phút và tiền được trao gần như ngay lập tức. Các nhân viên làm việc cho ông đều trẻ tuổi và không nhất thiết phải kết nối mạng mới có thể giải quyết công việc.

Vào thời điểm tỉ phú Dorsey cam kết tài trợ 1 tỉ USD, số tiền này tương đương 28% tổng số tài sản trị giá 3,9 tỉ USD của ông. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2021, tài sản của ông đã tăng lên hơn 14 tỉ USD nhờ giá cổ phiếu của Công ty Square tăng 259% (Dorsey sở hữu 13% cổ phần trong Square). 

Tạp chí Forbes ghi nhận trong vòng một năm tính từ tháng 3-2020 (đầu đại dịch) đến 3-2021, số tỉ phú đôla đã tăng từ 660 người lên 2.755 người. Số tỉ phú này sở hữu 3,5% tài sản hộ gia đình so với mức hơn 2% vào đầu đại dịch năm 2020.

Khi nhà giàu cho tiền - Kỳ cuối: Cho đi nhưng vẫn càng giàu thêm - Ảnh 3.

Phân phát đồ ăn cho người vô gia cư ở Pensacola (bang Florida) cuối năm 2021 - Ảnh: wkrg.com

Tầng lớp siêu giàu vẫn giàu thêm

Dù cho đi nhiều nhưng Forbes ghi nhận trong năm 2021 giá trị tài sản của 10 người giàu nhất thế giới vẫn tăng thêm 402 tỉ USD. 

Elon Musk là người có mức tăng tài sản nhiều nhất với 121 tỉ USD (tài sản trị giá 277 tỉ USD) và người thứ hai là Bernard Arnault (người Pháp) với mức tăng 61 tỉ USD (tài sản 176 tỉ USD). Trong hai năm đại dịch, tài sản của Elon Musk đã tăng 1.631% vì tài sản của ông vào cuối năm 2019 chỉ mới 16 tỉ USD.

Năm 2021 là năm đại dịch COVID-19 thứ hai, năm chết chóc hàng loạt và gây đau khổ cho nhiều tỉ người. Nhiều người sẽ mãi nhớ đến năm 2021 vì họ đã mất người thân mắc COVID-19, vì họ không đủ tiền trả tiền thuê nhà hoặc không còn tiền mua hàng hóa thiết yếu để sống. Dù vậy, tầng lớp siêu giàu vẫn càng giàu thêm trong đại dịch vì nhiều lý do. 

Một số hưởng lợi khi phần lớn nền kinh tế thế giới chuyển sang làm việc trực tuyến trong thời kỳ phong tỏa. Một số khác giàu thêm vì giá trị tài sản như cổ phiếu tăng lên bởi thị trường tài chính tăng tốc trong quá trình hồi phục kinh tế toàn cầu.

Trung tuần tháng 12-2021, Phòng thí nghiệm về bất bình đẳng toàn cầu tại Paris (Pháp) đã công bố báo cáo dày 228 trang với đầu đề "Báo cáo về bất bình đẳng thế giới năm 2022". TS kinh tế Lucas Chancel - tác giả chính của báo cáo - nhận xét: "Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm trầm trọng thêm vấn đề bất bình đẳng giữa những người rất giàu và phần còn lại của thế giới".

Báo cáo nêu trên được công bố bốn năm một lần là kết quả quá trình hợp tác của hàng trăm nhà nghiên cứu trên thế giới. 

Lời tựa báo cáo do hai nhà kinh tế Mỹ Abhijit Banerjee và Esther Duflo (hai trong ba người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2019 về giải pháp giảm nghèo) chấp bút nhận định bất bình đẳng xã hội đang gia tăng do "tình trạng tập trung cực độ quyền lực kinh tế vào tay một thiểu số rất nhỏ những người siêu giàu".

Các báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Candid và Trung tâm Vì từ thiện trong thảm họa (CDP) được công bố trước đó đều ghi nhận phản ứng mờ nhạt đối với đại dịch COVID-19 của hầu hết các tỉ phú. 

Trừ số ít như bà MacKenzie Scott và ông Jack Dorsey, tiền từ thiện dành cho đại dịch COVID-19 của đại đa số người siêu giàu ở Mỹ dao động ở mức bằng hoặc dưới 1% giá trị tài sản ròng và thường thấp đáng kể.

Trong báo cáo công bố ngày 17-1-2022, Tổ chức Oxfam ở Anh nhận định tình trạng bất bình đẳng đã góp phần gây ra cái chết của ít nhất 21.000 người mỗi ngày, hoặc cứ bốn giây lại có một người chết. 

Đây là kết luận thận trọng dựa trên các trường hợp tử vong trên thế giới do không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế, bạo lực giới tính, nạn đói và suy thoái khí hậu.

TS kinh tế Thomas Piketty - đồng tác giả "Báo cáo về bất bình đẳng thế giới năm 2022" - đã đề nghị cần đánh thuế đối với các bất động sản có giá trị nhất và cải cách thuế tài sản để giảm bớt khoảng cách giữa người giàu và người nghèo.

Đánh thêm thuế tài sản người giàu?

Tại Mỹ, lý do phổ biến để nhà giàu hoạt động từ thiện là được khấu trừ thuế và tránh bị tăng thuế.

Điều trớ trêu là chính hành động này đã tạo ra bất bình đẳng. Một khi nguồn thu thuế ít hơn, nhà nước phải giảm chi đối với các chương trình cứu đói, giúp đỡ người vô gia cư hay chăm sóc y tế. Từ đó các chương trình này cần nhiều tiền từ thiện hơn, rốt cuộc các vấn đề bất bình đẳng xã hội mà các tổ chức từ thiện đang cố giải quyết vẫn tiếp tục kéo dài.

Cuối tháng 10-2021, sau nhiều lần trì hoãn, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã đưa ra thông báo sẽ đánh thuế đối với "các cá nhân giàu có đặc biệt" và đưa vào ngân sách năm 2022.

Dự kiến các khoản sẽ phải chịu thuế được gọi là "giá trị thặng dư tiềm tàng", gồm các khoản lợi nhuận chưa thực hiện (lợi nhuận trên giấy, ví dụ như cổ phiếu tăng nhưng nhà đầu tư giữ chứ chưa bán).

Ngân hàng Goldman Sachs đánh giá các hộ gia đình giàu có nhất ở Mỹ đang sở hữu khoảng 1.000 tỉ USD "giá trị thặng dư tiềm tàng", tương đương 3% vốn hóa thị trường chứng khoán Mỹ.

Tỉ phú trao hết 8 tỉ USD làm từ thiện Chuck Feeney qua đời5

Nghe đọc bài
2:36
1x

Tỉ phú người Mỹ Chuck Feeney - người đã tích lũy khối tài sản hàng tỉ USD và cho đi tất cả - đã qua đời thanh thản ở tuổi 92 tại San Francisco (Mỹ).

Tỉ phú người Mỹ Chuck Feeney - Ảnh: medalofphilanthropy.org

Tỉ phú người Mỹ Chuck Feeney - Ảnh: medalofphilanthropy.org

Thông tin trên được Quỹ từ thiện Atlantic Philanthropies của ông Chuck Feeney thông báo vào hôm 9-10 giờ địa phương.

Charles Francis "Chuck" Feeney sinh năm 1931 tại Elizabeth (bang New Jersey, Mỹ) trong một gia đình người Mỹ gốc Ireland thuộc tầng lớp lao động. Ông tốt nghiệp Trường Quản trị khách sạn thuộc Đại học Cornell (Mỹ) và cũng là người đầu tiên trong gia đình vào đại học.

Ông đã kiếm được phần lớn tài sản của mình khi đồng sáng lập Công ty kinh doanh hàng miễn thuế Duty Free Shoppers (DFS) vào năm 1960. Đến năm 1996, ông đã bán cổ phần trong DFS cho Tập đoàn LVMH của Pháp.

Theo Quỹ Atlantic Philanthropies, ông Feeney là người khởi xướng triết lý "Cho đi khi còn sống" (Giving While Living). Ông tin rằng bản thân có thể tạo ra nhiều sự khác biệt cho những mục tiêu mà ông quan tâm khi còn sống, thay vì thành lập một quỹ sau khi ông qua đời.

Ông thành lập quỹ từ thiện này vào năm 1982 và bí mật chuyển toàn bộ tài sản kinh doanh của mình cho quỹ hai năm sau đó. Vào năm 2020, quỹ này đã đóng cửa sau khi tuyên bố họ đã cho đi toàn bộ 8 tỉ USD của mình.

Atlantic Philanthropies đã thực hiện các khoản tài trợ, đa số là ẩn danh, trên khắp các châu lục nhằm hỗ trợ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nhân quyền và nhiều mục tiêu khác.

Theo trang web của quỹ này, họ đã từng thực hiện tài trợ cho cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, các trường đại học ở Ireland và các trung tâm y tế nhằm tìm kiếm phương pháp chữa trị bệnh ung thư và tim mạch.

Ông Feeney cũng được coi là người sáng lập thứ ba của Đại học Cornell vì ông đã tài trợ gần 1 tỉ USD cho trường cũ thông qua Quỹ Atlantic Philanthropies.

Tạp chí Forbes đã không tiếc lời ngợi ca và gọi ông Chuck Feeney là "James Bond của giới từ thiện". Vào năm 2011, ông đã ký "Cam kết cho đi" (Giving Pledge) - một cam kết do tỉ phú Bill Gates cùng vợ cũ Melinda và nhà đầu tư Warren Buffett khởi xướng, nhằm khuyến khích các cá nhân giàu có nhất nước Mỹ cống hiến tài sản của họ làm từ thiện.

"Tôi không thể nghĩ ra cách sử dụng tài sản nào xứng đáng và phù hợp hơn là cho đi khi một người còn sống, để cống hiến hết mình cho những nỗ lực có ý nghĩa nhằm cải thiện tình trạng con người", tỉ phú Feeney viết trong lá thư cam kết.

Chia sẻ về vị tỉ phú Feeney, nhà đầu tư Warren Buffett ca ngợi: "Chuck đã làm gương, ông ấy là người hùng của tôi và Bill Gates. Ông nên là người hùng của tất cả mọi người".

Trước khi qua đời, ông Feeney sống trong một ngôi nhà thuê nhỏ ở San Francisco và không sở hữu bất cứ chiếc ô tô hay một ngôi nhà nào.

Khi nhà giàu cho tiền - Kỳ 1: Chuck Feeney với triết lý "cho đi khi còn sống"Khi nhà giàu cho tiền - Kỳ 1: Chuck Feeney với triết lý 'cho đi khi còn sống'

TTO - Những tỉ phú đôla như Chuck Feeney hay MacKenzie Scott... đem phần lớn tài sản làm từ thiện giúp người và không muốn nêu danh tính.

Tỉ phú Mỹ Chuck Feeney qua đời, bác sĩ ở Huế tiếc thương

Nghe đọc bài
2:30
1x

Hay tin vị tỉ phú người Mỹ Chuck Feeney qua đời, các bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế đã bày tỏ lòng tiếc thương, gửi thư chia buồn cùng gia đình ông.

Tỉ phú Chuck Feeney cùng vợ trong một lần thăm những khoa, trung tâm do mình tài trợ xây dựng ở Bệnh viện Trung ương Huế - Ảnh: tư liệu của Bệnh viện Trung ương Huế

Tỉ phú Chuck Feeney cùng vợ trong một lần thăm những khoa, trung tâm do mình tài trợ xây dựng ở Bệnh viện Trung ương Huế - Ảnh: tư liệu của Bệnh viện Trung ương Huế

Ngày 12-10, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết GS Phạm Như Hiệp (giám đốc bệnh viện) đã đại diện cho toàn bộ nhân viên, y bác sĩ gửi thư chia buồn tới gia đình vị tỉ phú người Mỹ Chuck Feeney.

Theo ông Hiệp, tỉ phú Chuck Feeney là một người "rộng lượng và tốt bụng". Lần đầu tiên ông Chuck Feeney đến thăm Bệnh viện Trung ương Huế là vào năm 1998.

"Lúc đó ông đi cùng với đoàn công tác của tổ chức Đông Tây Hội Ngộ - Hoa Kỳ đến thăm khoa nhi và nói với chúng tôi rằng phái đoàn quan tâm đến việc giúp chúng tôi chăm sóc những trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. Chúng tôi thậm chí còn không biết ông ấy là ai", ông Hiệp nói.

Với những bác sĩ ở Huế, trong mắt họ, vị tỉ phú người Mỹ Chuck Feeney là một người đàn ông "hào hiệp và tốt bụng" - Ảnh: tư liệu của Bệnh viện Trung ương Huế

Với những bác sĩ ở Huế, trong mắt họ, vị tỉ phú người Mỹ Chuck Feeney là một người đàn ông "hào hiệp và tốt bụng" - Ảnh: tư liệu của Bệnh viện Trung ương Huế

Sau khi tham quan, vị tỉ phú người Mỹ đã thấy được nỗ lực của các bác sĩ Huế khi cố gắng giữ gìn một công trình kiến trúc hơn 50 năm tuổi đang xuống cấp. Và trong cuộc trao đổi với lãnh đạo bệnh viện lúc đó, ông Chuck đã hỏi ngay rằng bệnh viện cần gì?

Ngay lập tức, các bác sĩ ở Huế đã nói rằng cần xây dựng mới khoa nhi để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho các em nhỏ. Đáp lại, vị tỉ phú người Mỹ đã gật đầu.

Với sự nỗ lực và cam kết, bệnh viện đã hoàn thành xây dựng công trình khoa nhi mới 4 tầng đúng theo kế hoạch.

Đó là sự khởi đầu của một mối quan hệ 15 năm (2000-2015) giữa vị tỉ phú Mỹ tốt bụng và những người bạn ở Huế.

Những dự án lớn tiếp theo đã được tiếp nối triển khai với tổng trị giá trên 16 triệu USD như xây dựng trung tâm tim mạch 6 tầng với trang thiết bị hiện đại, trung tâm mắt, trung tâm đào tạo và nâng cấp bể xử lý nước thải…

Những sự tài trợ này từ vị tỉ phú đã góp phần xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế trở thành trung tâm y tế hàng đầu miền Trung nói riêng và ở Việt Nam nói chung.

Trong những năm tháng hợp tác và làm việc với tổ chức The Atlantic Philanthropies - Mỹ (do ông Chuck Feeney sáng lập và điều hành), tập thể Bệnh viện Trung ương Huế đã thấy được ở ông một nhân cách tuyệt vời.

Triết lý "Cho đi khi còn sống" (Giving While Living) của ông đã định hướng hoạt động tiếp tục truyền cảm hứng cho các nhà từ thiện và các tổ chức từ thiện trên khắp thế giới.

"Sự ra đi của ông là một mất mát lớn với tất cả người thân yêu, với tổ chức The Atlantic Philanthropies, với chúng tôi và với hàng triệu con người đã được ông giúp đỡ trong suốt mấy chục năm qua. Hình ảnh vị tỉ phú tốt bụng sẽ còn mãi trong tâm trí của chúng tôi", ông Hiệp chia sẻ.

Ông Hiệp cũng nói rằng ban lãnh đạo cùng toàn thể nhân viên Bệnh viện Trung ương Huế xin tri ân, trân quý những món quà mà ông Chuck Feeney đã trao tặng, giữ gìn và sử dụng tốt nhất cho người bệnh để nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân.