Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

Xin thông báo tin buồn

Chúng tôi vừa nhận được tin:  
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, 
nguyên Trưởng Ban Dân y tỉnh Bình Dương, nguyên trưởng ty y tế kiêm Giám đốc BV tỉnh Bình Dương 
thời điểm 30/4/1975.
Đã từ trần vào lúc 7.30 giờ sáng nay ngày 29/4/2017 tại Bến Tre, hưởng thọ 90 tuồi.
Xin thông báo và xin chia buồn cùng gia đình


TRANG GHI CHÉP VÀI HÌNH ẢNH VỀ Y TẾ BÌNH DƯƠNG

Cách nay vừa đúng 42 năm:
Tháng 4 -1975, Lãnh đạo Ban Dân y tỉnh Bình Dương gồm Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - Trưởng Ban; Bác sĩ Lê Minh Hoàng - Phó ban; Phạm Ngọc Ẩn - chính trị viên tổ chức thành lập một bệnh xá tại xã Tam Lập huyện Phú Giáo, bên bờ Sông Bé. Văn phòng Ban và bệnh xá trên 45 cán bộ nhân viên.
Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của chiến dịch, Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong triệu tập khẩn cấp đơn vị bàn kế hoạch chuẩn bị phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ngay sau đó, Đội phẫu tiền phương được thành lập do Bác sĩ Lê Minh Hoàng phụ trách. Một tổ y tế tiền phương do Bác sĩ Trần Hoài Đức phụ trách, có Y sĩ Phạm Văn Sen bệnh xá phó, đi cùng đoàn chính trị của tỉnh để tiếp quản theo ngành. Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong đi cùng Ban Chỉ huy chiến dịch do Bí thư tỉnh ủy chỉ đạo.
Sáng ngày 29/ 4 /1975, đội phẫu tiền phương có mặt tại Sở cao su Phú Chánh triển khai đội hình chuẩn bị tiếp nhận thương binh. Chiều 29/4/1975, cả đội trực tiếp xuống bám tại trường Tiểu học xã Phú Chánh...
Trưa ngày 30/4/1975 Bác sĩ Trần Hoài Đức và Y sĩ Phạm Văn Sen trong tổ y tế Tiền phương theo chân các lực lượng vũ trang tiến vào Thị xã. Hai anh đến ngay Bệnh viện tỉnh (số 211 đường Yersin Thị xã Thủ Dầu Một), tấm biển ngoài cổng vào đề tên “Bệnh viện Phú Cường“. Tại đây, Bác sĩ Trần Văn Phú - Trưởng Ty Y tế kiêm Bệnh viện trưởng và Bác sĩ Nguyễn Hữu Hội - Phó Ty y tế cùng toàn bộ nhân viên của Bệnh viện ra đón tiếp. Một vài giờ sau, Bác sĩ Lê Minh Hoàng đến, các anh tập hợp toàn thể cán bộ, nhân viên của Ty y tế và bệnh viện, nói rõ chủ trương chính sách của chính phủ Cách mạng Miền Nam là hoà hợp hoà giải dân tộc, kêu gọi mọi người yên tâm trở lại làm việc bình thường không bỏ nhiệm Sở. Các anh được bác sĩ Phú và Hội dẫn đi xem toàn bộ Bệnh viện, các khoa phòng, trang thiết bị. Toàn bộ cơ sở vật chất, dụng cụ, máy móc đều nguyên vẹn. Toàn bộ nhân viên khoảng 200 người trong đó bác sĩ và dược sĩ khoảng 10 người.
Ông Võ Văn Bình y tá trưởng của Bệnh viện sau đó thổ lộ tâm tình: “ Ban đầu tôi rất lo sợ, không biết chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng tôi yên tâm ngay khi nghe lời giải thích của các anh về chính sách hoà hợp dân tộc của Cách mạng và chính sách sử dụng nhân viên chế độ cũ, tôi và vợ tôi yên tâm trở lại làm việc ngay”
Bệnh viện Phú Cường có lịch sử lâu đời, được người Pháp xây dựng vào năm 1898, cách nay gần 80 năm. Nhiều hạng mục khoa phòng đã xuống cấp, trang thiết bị cũ kỹ và không nhiều, năng lực thu dụng khoảng 300 giường bệnh. Bệnh viện có 6 khoa và một khu ngoại chẩn khám bệnh thường ngày; ngoaị khoa có phòng cấp cứu và phòng giải phẩu; khoa sản còn có bên cạnh là trường cô đỡ hương thôn đào tạo mỗi khoá 20 người; khoa Nhi, khoa Lây và khoa Lao. Các khoa khác là khoa Dược, khoa xét nghiệm, khoa X quang, nhà giặt giũ, nhà bếp, nhà xe. Ty Y tế ngoài Bệnh viện còn có Phòng y tế công cộng đồng chỉ đạo công tác các Chi y tế huyện. Trưởng phòng y tế công cộng là cán sự y tế Nguyễn Nghiệp Triệu. Trong phòng y tế cộng đồng có Ban diệt trừ sốt rét, Trưởng ban y tế chống sốt rét là cán sự y tế Sương.
Số Bác sĩ hiện có: Khoa Nội có Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Châu; Khoa sản -Bác sĩ Huỳnh thị Thương; Khoa Ngoại - Bác sĩ Lê Mộng Hùng, Bác sĩ Lê Hữu Toàn và Bác sĩ Nguyễn Thị Minh; Khoa Dược: có dược sĩ Đỗ Hoà Bình; Khoa xét nghiệm có Dược sĩ Trần Văn Đáng và Dược sĩ Trần Đắc Dung; Phòng Dược: có Dược sĩ Hà Thanh Thu; Khoa lao: có Bác sĩ Lê Duy Minh. Hệ thống huyện gồm có Chi y tế các huyện Châu Thành, Lái Thiêu, Bến Cát, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Phú Hoà (Củ Chi). Trưởng chi là 1 cán sự y tế với 2- 3 nhân viên.
Cũng trong ngày 30/4/1975, lúc 16 giờ chiều, 3 xe ô tô Scow vào Trường Tiểu học Phú Chánh rước toàn bộ Ban và Bệnh xá về Bệnh viện tỉnh. Số cán bộ kháng chiến cùng hoà nhập vào số cán bộ nhân viên mới tiếp quản, tiếp tục đưa hoạt động Bệnh viện trở lại bình thường, sẵn sàng phục vụ thương bệnh binh và nhân dân.
Sau khi các huyện Dầu Tiếng, Bến Cát, Phú Giáo,Tân Uyên được giải phóng vào ngày 29/4/1975. Các huyện phía Nam Dĩ An, Lái Thiêu, Châu Thành, Thị xã được giải phóng vào ngày 30/4/1975. Các đồng chí dân y ở các huyện tiếp quản ngay các cơ sở y tế. Huyện Lái Thiêu do Y sĩ Trần Mạnh Tường, Dĩ An do Y sĩ Út Hoà, ở Tân Uyên do Y sĩ Bảy Bình (Trần Trung Cận) tiếp quản và tổ chức lại cơ sở đi vào hoạt động bình thường. Nhìn chung, những cơ sở hầu hết cũ kỹ, chật hẹp, trang thiết bị đơn sơ .
Theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ và Ủy Ban Quân quản về việc tổ chức học tập cải tạo cán bộ nhân viên y tế chế độ cũ, các cán bộ Trưởng phó Ty, Trưởng phó phòng, Trưởng phó khoa được gọi đến Ủy Ban quân quản trình diện và đăng ký học tập cải tạo, địa điểm tại Trường Nữ Trung học Trịnh Hoài Đức, thời gian khoảng 60 ngày. Còn lại tất cả nhân viên khác đều được học tập taị Bệnh viện thời gian khoảng 13 ngày. Sau đợt học cải tạo, Bệnh viện thường xuyên tổ chức những buổi học chính trị để nâng cao nhận thức của cán bộ nhân viên, đồng thời tổ chức những buổi biểu diễnvăn nghệ tự biên tự diễn để khuyến khích mọi người hăng hái lao động và công tác trong thời kỳ hoà bình xây dựng đất nuớc.
Nhằm ổn định, củng cố xây dựng bộ máy của ngành phù hợp với tình hình mới, công tác tổ chức cũng được sắp xếp lại:
Trưởng ty: Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - phụ trách chung.
Phó Ty: Bác sĩ Lê Minh Hoàng - phụ trách mạng lưới y tế huyện và xã.
Bệnh viện trưởng: Bác sĩ Trần Hoài Đức Phụ trách hệ điều trị
Nguồn: http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:76zz43d7Rm4J:soyte.binhduong.gov.vn/soyte/index.php/download/category/2-van-ban-cua-so%3Fdownload%3D1749:toan-van-lich-su-nganh-y-te-binh-duong-giai-doan-1975-2005+&cd=1&hl=vi&ct=clnk&client=firefox-b


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét