Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

TẬP SAN LƯU HÀNH NỘI BỘ BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH BÌNH DƯƠNG, Số 7, Quý IV 12/2007

LỜI TRI ÂN
(Kính tặng Thầy - BS Đinh Văn Khai)
Các học trò, đàn em của Thầy : Bs. Trần Thị Minh Nguyệt,
Bs.Hoàng Thị Kim Trâm,Bs.Huỳnh Thị Vân.
(Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương)



Text Box: Bs Đinh Văn Khai truyền đạt, căn dặn lớp đàn em cùng các đồng nghiệpThời gian trôi, vạn vật quay vần, con người chịu nhiều thay đổi. Tràn trề sức sống, đầy nhiệt huyết, lúc mới rời ghế đại học Y Khoa. Tự hào khoác áo blouse trắng những tưởng mình là một thiên thần, làm việc cật lực với công việc khám chữa bệnh đầy stress, sức khỏe tàn tạ dần theo những đêm trực thức trắng, như những đóa hoa tươi ngày nào nay héo dần từng ngày. Mong đợi đến ngày được gác bút, thảnh thơi tuổi già và lòng thanh thản vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ. Ai cũng vậy mà hình như Thầy không như thế. Thầy còn nhiều bức xúc, nhiều trăn trở vì có nhiều điều chưa kịp làm được cho bệnh nhân. Chúng em, các bác sĩ đàn em, các đồng nghiệp, các học trò của Thầy thực hiện bài viết này như lời tri ân gửi đến Thầy - Bác sĩ Đinh Văn Khai, người Thủ trưởng đáng kính đã đồng hành cùng chúng em với những tháng ngày gian khổ của nghiệp làm bác sĩ.
Trực đêm gặp một ca sốt xuất huyết nặng lại nhớ đến Thầy. Tối đó, ca sốt xuất huyết diễn biến nặng quá, mời Thầy rồi mời cả hội chẩn toàn viện. Hội chẩn xong, tưởng Thầy về luôn, bất chợt Thầy trở lại một lần nữa với nụ cười thật tươi kèm một gói to những chiếc bánh bao nóng hổi Thầy nói : “ tụi em ăn đi để lấy sức mà trực đêm, cố gắng cứu bé ”. Nhớ Thầy, nhớ bánh bao Thầy cho, chúng em cảm nhận được. Thầy thương các bác sĩ, điều dưỡng như những cô con gái của mình thức trực suốt đêm cạn mòn sức lực.Thầy thương cháu bệnh nhân bé bỏng đang từng phút chiến đấu với tử thần. Dạo này bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng nhiều hơn trước, các tua trực hầu như thức trắng đêm. Về khuya, có lúc vừa mệt vừa đói, thèm sao cái bánh bao Thầy cho ngày nào. Nhớ năm nào bé đầu lòng của em đã sáu tuổi mà còn bị sốt cao co giật tại nhà trẻ, được cô giáo đưa vào bệnh viện, thằng bé lúc đó đang điều trị viêm tai giữa cấp, em lo lắng phát khóc, vì sợ không phải sốt cao co giật lành tính mà là nguyên nhân khác. Các đồng nghiệp trong khoa cùng đến chia sẻ. Đưa bé vào phòng CT,  Thầy vẫn ngồi đợi cho đến khi chụp xong, có kết quả bình thường Thầy mới yên tâm trở về. Em cảm nhận được thâm tình như những người bà con ruột thịt mà Thầy dành cho nhân viên của mình.
Nhớ khi cùng Thầy và một số đồng nghiệp trong bệnh viện đi dự Hội nghị sốt xuất huỵết các tỉnh phía nam tổ chức tại tỉnh Bình Thuận, em đã thấy rõ hơn sự nghiêm túc của Thầy trong công việc. Thầy ngồi dự, nghe chăm chú, ghi chép tỉ mỉ từ đầu đến cuối chương trình trong khi có một số người chỉ dự một chút rồi vắng luôn. Thầy ghi chú vào một cuốn sổ tay riêng, ý Thầy giữ tài liệu photo mà Hội nghị phát cho người tham dự sạch đẹp để khi về nhà photo lại cho anh em không có điều kiện tham dự Hội nghị cùng đọc. Thầy luôn chia xẻ với anh em, học trò những gì Thầy có được. Thầy đã quan tâm giúp đỡ khoa Nhi rất nhiều bằng sự am hiểu sâu về kiến thức và tính chất công việc Nhi khoa vì Thầy đã từng là Trưởng khoa Nhi. Thầy đã truyền lại cho đàn em kinh nghiệm của một người Thầy, người anh đi trước với mong muốn  sẽ thay Thầy tiếp tục chăm sóc và điều trị bệnh nhân tốt hơn.
Nay Thầy đã về hưu, chúng em mong Thầy luôn có sức khỏe tốt và sống vui, Thầy nhé !
BS. Trần Thị Minh Nguyệt  -
Khoa Nhi
***
Text Box:  
Bác sĩ  Khai cùng các Bác sĩ của Bệnh viện chụp ảnh với Đoàn Bác sĩ của Mỹ, nhân dịp Đoàn đến thăm BV  năm  2006
Nhớ buổi giao ban viện Thầy giận chúng em vì mấy viên gạch ở gầm cầu thang cạnh hồ cá bị vỡ, làm mặt tiền của bệnh viện xấu đi mà chẳng ai quan tâm, mấy cái máy ở khoa X Quang hư để bụi bám mà chưa có kế hoạch sửa chữa. Nghe Thầy la, trên đường về khoa, nhìn qua chỗ cạnh hồ nước đúng là gạch vỡ xấu thật, mà hình như nếu Thầy không nhắc nhở, chúng em chẳng nhận thấy nó làm cho bệnh viện xấu hơn một chút ! Thầy ơi, chúng em tồn tại như một cái máy, nghĩa là được lập trình sẵn, ăn và làm việc từ sáu giờ sáng đến chín giờ đêm. Ăn qua loa, vừa làm vừa ăn, tranh thủ ăn gian tí giờ hành chánh để ăn sáng vội vàng ở căn tin bệnh viện hay tại khoa, có lúc ăn trưa vào lúc một hai giờ chiều, ăn để nạp năng lượng, để có sức mà sống. Làm vì nhiệm vụ ở bệnh viện, làm thêm ở nhà để cân bằng  ngân sách gia đình, để tồn tại với đời. Hầu như không còn sức để quan tâm cái gì khác ngoài công việc. Sáng tới chiều tối, chương trình cài đặt trong đầu chỉ toàn bệnh nhân, bệnh tật thôi, thậm chí trong giấc mơ đôi lúc còn ray rức những gì mà mình chưa làm được tốt hơn cho bệnh nhân. Chính sách giảm viện phí cho trẻ em dưới sáu tuổi, kể cả trẻ em nhập cư từ các địa phương khác đến được nhân dân, nhất là những công nhân nghèo phấn khởi, khoa Nhi quá tải, phòng khám nhi quá tải. Các khu công nghiệp thi nhau mọc lên, công nhân từ mọi miền đất nước ùa về, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người dân, các quan chức phấn khởi, khoa Cấp cứu hồi sức quá tải vì tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp nhiều hơn. Năm heo vàng, sáu mươi năm có một, mọi người cùng mong có quí tử. Khoa Sản quá tải, Dưỡng nhi quá tải. Dân số tỉnh Bình Dương tăng, bệnh nhân cũng tăng theo, hầu như khoa nào của bệnh viện cũng quá tải. Giao ban viện Thầy nhắc nhở chúng em phải khám kỹ hơn, giải thích cho người bệnh nhiều hơn. Một bác sĩ ở phòng khám đã được lập trình vài phút trọn gói cho một bệnh nhân thì làm sao dăn dò kỹ càng hơn được nữa. Một bác sĩ khoa Nhi tâm sự : tụi em giờ chỉ bơi, lết chứ không thể đi nổi, một đêm trực có khi ngủ ngồi được vài ba chục phút. Nghe sao quá nao lòng, còn đâu sức lực để tiếp tục đi tiếp khoảng đường còn lại. Bệnh nhân quá tải, Thầy thuốc quá sức, phòng bệnh quá chật chội, bệnh nhân quá nhiều than vãn, Thầy càng nhiều bức xúc hơn những tưởng như mình chưa lo tròn trách nhiệm đối với bệnh nhân, đối với đồng nghiệp. Nghề Y, kiến thức mênh mông, phải đọc nhiều tài liệu, Thầy biết chúng em không có đủ thời gian tìm tòi, Thầy sợ chúng em tụt hậu nên Thầy gửi tài liệu về cho chúng em theo địa chỉ email. Vài ngày mở email một lần, chỉ nhận toàn bài của Thầy gởi thôi. Không đọc sợ Thầy biết chuyện thì buồn nên ráng đọc hết tựa đề và chọn một vài bài, vừa đọc vừa chống chọi với cơn mệt nhọc và buồn ngủ vì cả ngày làm việc quá vất vả. Ngần ngại không dám delete vì cảm thấy có lỗi như người con, người em làm biếng học, phụ lòng mong đợi của ba mẹ, của người thân. Bệnh nhân ngày càng quá tải, sai sót của chúng em tất yếu nhiều hơn, Thầy càng gửi bài nhiều hơn nữa.
Nay giao ban viện không có Thầy, chúng em thèm được nghe Thầy nhắc nhở : “nhớ khám kỹ hơn, dặn dò bệnh nhân kỹ hơn” để được cảm giác mình còn có được người lớn quan tâm, động viên khi sức lực ngày càng giảm sút, để tự đánh giá lại công việc của mình phải hoàn thiện, những gì mình chưa làm tốt cho bệnh nhân. Ngành Y quá vất vả, chúng em chấp nhận được điều đó một cách tự nguyện mỗi khi còn khoác trên người chiếc áo bluese trắng.
Thầy ơi, xin Thầy cứ an lòng, chúng em sẽ thực hiện tốt thiên sứ cao quí của mình để làm tốt những điều Thầy còn ray rức chưa làm được cho bệnh nhân.
BS Hoàng Thị Kim Trâm –
Khoa Dinh Dưỡng

***

Nhớ lại một ngày, đang ngồi phòng khám khám bệnh thì được mời đích danh xuống hội chẩn ở cấp cứu, vừa hơi ngạc nhịên, cũng vừa hồi hộp không biết có cas nào nặng mà mời Tai Mũi Họng, lại đích danh mình, liền vội vàng đi xuống cấp cứu thì gặp ngay Thầy. Thầy cũng có mặt trước nhiều bác sĩ được mời hội chẩn. Thầy Khai đưa cuốn sổ khám bệnh màu xanh của bệnh nhân thì tôi thấy đúng là chính mình đã khám và kê toa thuốc cách đó vài ngày : bệnh nhân nữ bị nhức đầu vào khám Tai Mũi Họng và cho chụp film Hirtz, Blondeau và được chẩn đoán là theo dõi viêm xoang trán. Hôm nay bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê bất tỉnh. Nhìn lại toa thuốc tôi thấy mình cũng cho kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, kháng histamin như một toa viêm xoang thông thường. Nhưng tại sao vậy ? Bệnh nhân không đỡ mà còn dẫn đến nặng hơn … Mọi người hội chẩn và cuối cùng Thầy Khai quyết định đề nghị cho chụp CT Scanner vùng sọ não… Tinh thần hội chẩn được thực hiện, do công việc của bác sĩ phòng khám nên tôi lại trở về khám bệnh. Khoảng một giờ sau, hỏi lại ca hội chẩn đó thì được biết là bị một khối u rất lớn vùng sọ trán, nên che mờ cả xoang trán khi chụp XQ thông thường. Đây là một cas bệnh nặng, nếu không có kết quả chụp CT thì không thể chẩn đoán ra, nhất là khi bệnh nhân còn tỉnh táo, chỉ có triệu chứng nhức đầu. Kết quả chụp CT như là một bản án tử hình đối với bệnh nhân, tôi rất xót xa vì bệnh nhân còn trẻ quá, số phận của bệnh nhân này sao nghiệt ngã quá.
Câu chuyện này xảy ra khá lâu, nhưng vẫn đọng lại trong tôi sự tận tình đối với bệnh nhân của Thầy, người Giám đốc bận rộn với bao công việc mà khi tôi hội chẩn Thầy có mặt rất sớm và theo cả bệnh nhân vào phòng chụp CT Scanner để tìm hiểu nguyên nhân. Mặc dù bệnh nhân này không quen biết hay là người nhà, là người quen của Thầy. Thầy còn ghi lại hình ảnh chụp CT Scanner vào máy quay phim của mình. Hôm nay, Thầy đã về hưu không còn làm Giám đốc bệnh viện nữa nhưng  tấm lòng của Thầy đối với bệnh nhân, đối với đồng nghiệp, học trò đàn em thì luôn khắc ghi trong tôi cũng như tất cả mọi người. Một người Thầy thuốc như mẹ hiền, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “ Lương y phải như từ mẫu”. Tận tình với bệnh nhân, coi nỗi đau đớn của họ như nỗi đau của chính mình. Thầy luôn là tấm gương cho thế hệ bác sĩ trẻ chúng tôi học tập và noi theo.
BS Huỳnh Thị Vân –
Khoa Tai Mũi Họng


NHÂN VẬT :


CHUYỆN VỀ CÁC NHÀ KHOA HỌC TÌM RA TIA X VÀ TIA XẠ
Phạm Tiếp


Phát minh nhờ lao động miệt mài
May mắn xảy ra vào tối ngày 8/11/1895, sau khi rời phòng thí nghiệm một quãng, sực nhớ quên chưa ngắt cầu dao điện cao thế dẫn vào ống tia catod, Wilhelm Conrad Roentgen (1845-1923) quay lại phòng và nhận thấy một vệt sáng màu xanh lục trên bàn tuy phòng tối om.
Với đầu óc nhạy bén, đầy kinh nghiệm của một nhà vật lý học, việc này đã lôi cuốn ông và 49 ngày sau ông liên tục ở lỳ trong phòng thí nghiệm, cơm nước do bà vợ tiếp tế, mỗi ngày ông chỉ ngừng công việc nghiên cứu ít phút để ăn uống, vệ sinh và chợp mắt nghỉ ngơi vài giờ. Nhờ thế, ông đã tìm ra tính chất của thứ tia bí mật mà ông tạm đặt tên là tia X và mang lại cho ông giải Nobel về vật lý đầu tiên vào năm 1901.
Tương tự, Pierre Curie (1859-1906) và vợ là Marie Curie (1867-1934) theo sự gợi ý của Henri Becquerel (1852-1908) về việc tìm xem có chất lạ nào đóng vai trò quan trọng trong các chất bức xạ, đã tiến hành đề tài nghiên cứu (luận văn tiến sĩ của Marie Curie): "Bản chất và đặc tính của tia xạ" (tia Becquerel). Và khi đã tìm ra chất phóng xạ mới: radi, nhưng khi trình bày ở Viện Hàn lâm khoa học Paris, có ý kiến: "Các vị nói rằng đã tìm ra một nguyên tố mới. Xin đưa nó ra đây cho chúng tôi xem, lúc đó chúng tôi mới tin các vị nói đúng". Chấp nhận lời thách thức đó, hai ông bà Curie đã phải lao động cả trí óc lẫn chân tay (khuân vác, bốc dỡ các bao tải quặng radi). Với tỷ lệ quá nhỏ radi có trong quặng: 1/100.000, ông bà Curie sau 48 tháng vất vả mới thu được 0,1g radi, lượng này vừa đủ để nói lên tính phóng xạ của radi, mạnh gấp một triệu lần urani và xác định được nguyên tử lượng của nó: 225, đủ để thuyết phục những người còn nghi ngờ.
Tất nhiên ông bà Curie và nhà khoa học Becquerel (người tìm ra tia xạ) đã được tưởng thưởng xứng đáng: Giải Nobel về vật lý, năm 2003 cho 3 người. Số tiền thưởng được chia đã giúp ông bà Curie giảm bớt khó khăn đang gặp túng thiếu sau những năm tháng nghiên cứu trên cơ sở tự túc.
Không màng danh lợi, tiền bạc
Sau khi nhà khoa học Roentgen chụp được bàn tay vợ bằng tia X, khi tráng ảnh đã thấy rất rõ từng đốt xương và cả chiếc nhẫn cưới trên ngón tay bà. Ảnh này đã được đưa ra trong hội nghị của Hội vật lý học thành phố Wurtzbourg (Đức) có sự tham dự đông đảo của các nhà khoa học nhiều nước nhằm chứng minh khả năng đâm xuyên của tia X qua cơ thể con người, tiến hành vào ngày 23/11/1896.
Trước thành tựu tuyệt vời đó, chủ tịch hội đã đề nghị gọi tia X là tia Roentgen và gọi năm 1896 là năm của tia Roentgen.
Nhưng suốt đời Roentgen vẫn gọi những tia đó là tia X và có giai thoại sau:
Một nhà vật lý học đồng hương với ông tên là Lêna, trước những vinh quang đó đã tìm cách tranh công với ông và đề nghị phải gọi tên trên là tia Roentgen Lêna. Ông bình thản trả lời: "Tia X được gọi bằng tên ai, tôi không hề quan tâm. Tôi chưa bao giờ gọi những tia đó bằng tên mình. Mong ông hãy trao đổi với những ai gọi như vậy". Có người của Cục Hải quân Đức đến gặp ông và nói: sẵn sàng chi một số tiền lớn và cung cấp đủ mọi phương tiện cần thiết nếu ông đồng ý đưa những tia X vào sử dụng trong tàu ngầm và đề nghị ông đăng ký phát minh để giữ độc quyền về tia này, không cho nước ngoài sử dụng.
Ông kiên quyết từ chối không tham gia công việc nhà binh và việc đăng ký. Ông muốn tia X được dùng vào việc chăm sóc sức khỏe con người, nó thuộc về toàn thể nhân loại, còn dùng làm phương tiện phục vụ chiến tranh không bao giờ có trong ý định của ông. Việc phát minh ra tia X đã mang lại nguồn thu nhập cho rất nhiều công ty lợi dụng nhưng vợ chồng Roentgen vẫn sống trong thiếu thốn và thường phải có sự trợ giúp của họ hàng, bè bạn, điều này do tính khảng khái và ý chí kiên quyết phản đối chiến tranh. Có lẽ, giống như phát minh tia X, sau khi phát hiện ra radi đã bị những nhà kinh doanh lợi dụng chất này để làm giàu qua việc bán trên thị trường các sản phẩm có chứa radi từ nước uống, vòng đeo tay, savon, sữa, ngũ cốc, thức ăn gia súc với các lời quảng cáo: bổ dưỡng, chữa thấp khớp, diệt khuẩn... Trong cuộc cạnh tranh đó, nhiều người đã tìm đến ông bà Curie khuyên ông bà nên đăng ký phát minh độc quyền để có thể làm giàu chính đáng vì 1g radi lúc đó có giá 75 vạn franc. Nhưng cũng như Roentgen, ông bà Curie đã từ bỏ quyền phát minh của mình để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp phóng xạ non trẻ đầy hứa hẹn phát triển.
Điều an ủi cho ông bà Curie là sự nghiệp khoa học của hai người đã được tiếp tục thực hiện do người con gái Irène Julio Curie và người con rể là Frederich Julio Curie. Đôi vợ chồng này đã phát hiện ra các chất phóng xạ nhân tạo và được giải thưởng Nobel vào năm 1935.
Hy sinh vì phóng xạ
Tính đến năm 1936, năm ở Đức có dựng một tượng đài để tưởng niệm các nhà khoa học đã hy sinh vì tia X và phóng xạ, con số đã là 110 người (!). Người được coi là đầu tiên: Antoine Henri Becquerel (Đức), người đã phát hiện ra tia xạ, qua sự gợi ý của nhà toán học lừng danh Henri Poincaré.
Trong một buổi lên lớp ở Đại học Khoa học Paris, ông bỏ vào trong túi áo khoác của mình một lọ chứa radi có đóng gói cẩn thận trong một hộp giấy nhỏ, nhằm minh họa cho bài giảng. Ai ngờ, 10 ngày sau trên ngực, nơi túi áo đựng lọ radi, xuất hiện một vết đỏ nho nhỏ và nó tiếp tục ran rộng và chỉ dừng lại khi đạt kích thước vừa đúng bằng cái lọ đựng radi. Chuyện xảy ra vào tháng 4/1901. Không để ý đến vết đỏ, ông tiếp tục nghiên cứu nhưng dần dần ông cảm thấy mệt mỏi, suy nhược, đau đớn ngày càng tăng, da tay bị nứt nẻ tạo những vết loét rộng. Và đến năm 1908, ở tuổi 56, ông đã từ giã cõi đời sau những tháng năm mòn mỏi, suy kiệt, đau đớn.
Người tiếp theo là Pierre Curie (Pháp), người góp sức vào việc tìm hiểu bản chất của phóng xạ. Thấy Becquerel bị radi gây bỏng, ông muốn thử nghiệm trên mình xem có chính xác không? Ông đã từng buộc vào cánh tay mình trong 10 giờ một chế phẩm phóng xạ và bỏ một mảnh radi trong vòng nửa giờ vào túi quần và như Becquerel, ở tay và ở đùi, ít ngày sau đều có một vết bỏng. Không may ông mất sớm vì một tai nạn ô tô nhưng cũng may là chưa phải chịu đựng những tác hại toàn thân do chất phóng xạ. Người thứ ba là Marie Curie (Pháp gốc Ba Lan) người đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về bản chất và đặc tính của tia xạ. Do công tác nghiên cứu, bà thường xuyên phải tiếp xúc với các chất phóng xạ mà lúc đó chưa có các biện pháp phòng ngừa vì hiểu biết về phóng xạ còn hạn chế. Bà thường bỏ trong túi xách một lọ chứa radi và đêm ngủ thường để ở đầu giường để ngắm ánh dạ quang phát ra từ chiếc túi.
Vào tuổi 65, sức khỏe của bà suy giảm rõ rệt và bước sang tuổi 66 bà phải nằm liệt giường để rồi đến gân cuối năm bà qua đời (!)

3 NHÀ KHOA HỌC ĐOẠT GIẢI NOBEL Y HỌC 2007
Hai nhà khoa học Mỹ và 1 nhà khoa học Anh đã đoạt giải Nobel Y học năm nay nhờ công trình nghiên cứu về tế bào phôi gốc.
Giải Nobel Y học trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 1,53 triệu USD) đã được trao cho hai nhà khoa học Mỹ là Mario Capecchi, 70 tuổi và Oliver Smithies, 82 tuổi và nhà khoa học người Anh Martin Evans, 66 tuổi.
Theo Uỷ ban Nobel tại Học viện Karolinska của Thuỵ Điển, 3 nhà khoa học rất xứng đáng nhận được giải thưởng danh giá trên nhờ “những phát hiện quan trọng liên quan tới tế bào gốc phôi thai và sự tái tổ hợp AND trong động vật có vú”.
Nhóm nghiên cứu quốc tế đã tìm ra cách thức thay đổi gen từ trong phôi thai ở loài chuột. Từ đó họ có thể tạo ra những con chuột "mẫu", bị mắc những căn bệnh của con người và sử dụng rộng rãi chúng để nghiên cứu chức năng của gen trong bệnh tật và trong sinh vật học thông thường. Đó cũng là nền tảng cho liệu pháp điều trị gen - sửa đổi những gen khiếm khuyết để điều trị bệnh tật.
Kỹ thuật trên được cho là có ý nghĩa rất quan trọng, giúp các nhà khoa học nghiên cứu về chức năng của gen, đặc biệt là ảnh hưởng của gen tới sức khoẻ và bệnh tật bằng cách sử dụng các phôi tế bào gốc.
Ba nhà khoa học Mario Capecchi, Oliver Smithies và Martin Evans sẽ chia nhau giải thưởng trị giá 1,54 triệu USD và sẽ chính thức được vinh danh tại buổi lễ trao giải chính thức được tổ chức tại thủ đô Stockholm, Thuỵ Điển vào ngày 10/12.
Giải Nobel Y học là giải thưởng đầu tiên của mùa giải Nobel 2007. Tiếp theo đó, các giải Nobel Vật lý, Hoá học, Văn học, Hoà bình và Kinh tế sẽ được công bố lần lượt từ nay cho tới thứ 2 tuần sau.
Năm ngoái, giải Nobel Y học đã được trao cho 2 nhà khoa học Mỹ là Andrew Fire và Craig Mello nhờ công trình kiểm soát chuỗi thông tin di truyền.
Theo Dân Trí

TIN HOẠT ĐỘNG BỆNH VIỆN

NHÌN LẠI 10 NĂM TRƯỞNG THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA KHOA NHI - BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH BÌNH DƯƠNG (1997-2007)
Mười năm qua dưới sự quan tâm và chỉ đạo trực tiếp của Bác sĩ Huỳngh Văn Nhị, nguyên Giám đốc bệnh viện, nay đang là Giám đốc Sở Y tế Bình Dương; Bác sĩ Đinh Văn Khai, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương; với sự quản lý của Bs Trần Thị Ngọc, Trưởng khoa nhi BVĐK Tỉnh Bình Dương cùng với sự đoàn kết nhất trí cùng vượt qua khó khăn của anh chị em trong khoa, khoa Nhi đã có một số bước tiến đáng kể.
Số bệnh nhân điều trị nội trú tăng gấp 3,92  lần ( Năm 1997: 4057 bn, năm 2007: 15.920 bn), số lượt bệnh khám tại phòng khám nhi tăng gấp 5,75 lần ( năm 1997: 7155, năm 2007: 41.203), với chỉ tiêu giường bệnh tăng gấp 3 lần ( Năm 1997: 50 giường, năm 2007: 150 giường ) Bình Dương, biên chế của khoa cũng tăng gấp 2,7 lần ( từ 20 nhân viên vào năm 1997 lên đến 54 nhân viên năm 2007) và tỷ lệ  tử
vong cũng giảm từ 0.18% còn 0.03%(nhi ), từ 8.45% còn 1.30% (dưỡng nhi)
Với số bệnh nhân gia tăng nhanh chóng  nên cơ sở vật chất của khoa cũng được nâng cấp và mở rộng, từ 2 đơn nguyên vào năm 1997 hiện khoa nhi đã có 4 đơn nguyên. Từ 1 phòng khám nhi, một phòng khám trẻ em lành mạnh nay đã có 3 bàn khám nhi, một phòng khám trẻ em lành mạnh. Cùng với việc luôn luôn cập nhật kiến thức mới, áp dụng phác đồ điều trị mới ra mỗi 1-2 năm của bệnh viện Nhi đồng 1, một số kỹ thuật mới đã được khoa áp dụng để đạt hiệu quả cao hơn. Năm 2002 kỹ thuật đo CVP trẻ em ( Đo áp lực tĩnh mạch trung ương) đã được áp dụng là một chỉ số cận lâm sàng hữu ích đã giúp chúng tôi điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tự tin hơn, hiệu quả hơn. Đối với trẻ em bị suy hô hấp đặc biệt là trẻ sơ sinh non tháng thì máy thở áp lực dương liên tục qua mũi  (NCPAP) được bệnh viện trang bị từ năm 2000 đã có hiệu quả cao, cứu sống được nhiều bệnh nhi, giảm bớt tỷ lệ chuyển viện và chuyển viện do trước năm 2000 chúng tôi chỉ có một phương tiện hỗ trợ duy nhất là thở oxy qua canulla. Hiện nay với 12 đầu NCPAP hoạt động hết công suất mỗi ngày nhưng chúng tôi vẫn không đủ CPAP để dùng cho bệnh nhân. Với bệnh nhi bị suy hô hấp nặêng thì  có yêu cầu phải lấy khí máu động mạch nhiều lần, kỹ thuật chọc động mạch quay nhiều lần rất khó khăn đối với trẻ nhi, gây đau đớn cho bệnh nhi và tăng nguy cơ nhiễm trùng, việc áp dụng kỹ thuật lưu Catheter động mạch quay để lấy khí máu động mạch  từ năm 2005 đã giúp cho chúng tôi dễ dàng lấy khí máu động mạch nhiều lần, giảm nguy cơ nhiễm trùng. Năm 2006, việc áp dụng siêu âm tim trẻ em đặc biệt là trẻ sơ sinh đã góp phần giúp chúng tôi trong việc điều trị nội khoa các bệnh tim bẩm sinh và giảm được chuyển viện khẩn (Trước kia bất kỳ trường hợp nào nghi nhờ tim bẩm sinh chúng tôi đều chuyển gấp). Kỹ thuật thở máy cho trẻ sơ sinh và trẻ lớn từ năm 2006 cũng đã giảm được nguy cơ chuyển viện và giảm tỷ lệ tử vong.
Khi nhà nước đưa ra chính sách miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi thì tỉnh Bình Dương là một trong những tỉnh thực hiện tiên phong đầu tiên. Trong khi các bệnh viện nhi thành phố Hồ Chí Minh còn đang lúng túng với các qui định phân tuyến điều trị miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi ở từng bệnh viện nhi thì Ngành y trong tỉnh Bình Dương đã thực hiện miễn phí cho tất cả trẻ em dưới 6 tuổi ở các địa bàn trong tỉnh và ngoài tỉnh, chỉ cần khi đến khám trẻ mang theo 1 trong các giấy tờ sau: Thẻ khám chữa bệnh miễn phí, hoặc giấy khai sinh, hoặc giấy tạm trú, hoặc hộ khẩu. Đó là một chính sách hợp lòng dân đã được người dân hồ hởi đón nhận, giảm bớt đi nỗi lo viện phí cho dân nghèo, đã thể hiện một sự nhanh nhạy, một cơ chế thoáng, một quyết đoán của Uỷ ban nhân dân tỉnh  và Ban lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương – một tỉnh đang trên đường công nghiệp hoá với số dân nhập cư tăng cao mỗi ngày
Năm 2005 với chính sách khám bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, với sự tăng nhanh về dân số, sự chênh lệnh về chất lượng điều trị giữa bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện, tuyến cơ sở, sự nâng cao chất lượng điều trị của tuyến tỉnh khiến người dân tin tưởng… đã dẫn đến tình trạng quá tải. Phòng khám nhi quá tải, khoa nhi quá tải. Số bệnh nhân nằm điều trị nội trú luôn vượt gấp 1,5-2 lần (Trước kia chỉ khoảng 50-60 bệnh nhân thì hiện nay là 250-280, 300 bệnh nhân mỗi ngày). Phòng khám nhi với số lượt khám bệnh mồi ngày tăng gấp 3-4 lần (trước  khoảng 60-80 lượt bệnh  nay là 280 đến trên 300 lượt bệnh mỗi ngày). Tuy ban lãnh đạo bệnh viện đã nâng cấp và mở rông cơ sở vật chất khoa nhi nhưng vẫn chưa đáp ứng hết tình trạng quá tải đang diễn ra mỗi ngày - một bệnh nhân nằm 2-3 giường, bệnh nhân nằm cả ngoài hành lang – bệnh nhân không hài lòng, nhân viên y tế mệt mỏi.
Trong tình trạng hiện tại, biện pháp cấp thiết đã được ban lãnh đạo bệnh viện giải quyết là mở phòng lưu bệnh trong vòng 24h tại khoa Nhi, phòng lưu giải quyết được các tình trạng nằm viện chưa cần thiết. Việc tách riêng sơ sinh sạch và sơ sinh bệnh lý, dồn sức tập trung vào việc chăm sóc và điều trị sơ sinh bệnh lý sẽ giảm được quá tải tại buồng dưỡng nhi và giảm nguy cơ lây chéo. Hướng tới sẽ là việc triển khai đơn nguyên cấp cứu nhi để nâng cao hơn chất lượng cấp cứu và hiệu quả điều trị trẻ nhi.
Mười năm phát triển và trưởng thành của khoa nhi là sự đóng góp thầm lặng của toàn thể anh chị em trong khoa –luôn đoàn kết, làm việc bằng sự nhiệt tâm , không ngừng học tập và cập nhật kiến thức mới; là sự lãnh đạo khéo léo của bác sĩ Trưởng khoa nhi;  là sự quan tâm của ban Lãnh đạo Sở Y tế, sự giúp đỡ và hỗ trợ tận tình của Ban Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Ngoài nhiều bằng khen của Uỷ ban nhân dân Tỉnh Bình Dương dành cho khoa nhi thì một phần thưởng cao quí nhất là Bằng khen của Thủ tướng chính phủ  năm 2004 về thành tích công tác xuất sắc của khoa, là sự ghi nhận sự trưởng thành và những nỗ lực không ngừng của tập thể khoa Nhi.
Điều trăn trở hiện nay là làm sao giảm bớt tình trạng quá tải để người bệnh cảm thấy thoải mái khi điều trị tại bệnh viện, anh chị em trong khoa được làm việc trong điều kiện tốt hơn, tâm lý bớt căng thẳng hơn do tình trạng quá tải bệnh nhân, công tác phục vụ bệnh nhân được cải thiện tốt hơn, hiệu quả điều trị cao hơn, trang thiết bị cấp cứu nhi khoa được bổ sung nhiều hơn để nâng cao chất lượng điều trị. Sự giúp đỡ nhiều hơn nữa từ Ủy ban nhân dân dân tỉnh Bình Dương, của các ban ngành trong tỉnh về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, trang thiết bị y tế là nguồn động viên lớn đối với chúng tôi để chúng tôi làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân tỉnh nhà.
Bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt
Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH - ĐOÀN CƠ SỞ BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH BÌNH DƯƠNG
ng ngày 15/12/2007, Đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đã tiến hành Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2007 - 2010 tại Hội trường C - Bệnh viện.
Đến dự Đại hội có Đ/c Hoàng Sỹ Quỳnh - Bí thư Đảng ủy Bệnh viện, Đ/c Đặng Xuân Văn - Bí thư Đoàn ủy khối Dân chính đảng tỉnh Bình Dương, Đ/c Ngô Dũng Nghĩa - Giám đốc bệnh viện, Phó BT Đảng ủy, Đ/c Hàn Khởi Quang - Phó Giám đốc Bệnh viện. Đại hội cũng rất vui mừng được đón tiếp sự hiện diện của các đồng chí là Bí thư các Chi bộ Đảng, các Trưởng, phó các phòng chức năng trong bệnh viện. Ngoài ra, Đại hội rất vui mừng được tiếp đón các đồng chí là Bí thư, Phó bí thư của các Đoàn, Chi đoàn : Đoàn cơ sở Bệnh viện 4 - Quân Đoàn 4, Đoàn cơ sở Đài PT-TH tỉnh Bình Dương, Đoàn cơ sở Công ty Cấp thoát nước Bình Dương, Đoàn cơ sở Công ty XSKT-DV Bình Dương, Chi đoàn cơ quan Tỉnh đoàn, chi đoàn Sở Y tế, Chi đoàn Bệnh viện YHCT … và đặc biệt, 117 đoàn viên ưu tú của Đoàn cơ sở bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng hăng hái về tham dự.
Trong không khí vui mừng và phấn khởi đó, tại Đại hội, Đ/c Huỳnh Trần Dương Giang – Bí thư Đoàn cơ sở BVĐK đã thay mặt BCH nhiệm kỳ 2005-2007 báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2005-2007, cũng như có những tổng hợp, đánh giá những mặt mạnh và những mặt còn hạn chế trong nhiệm kỳ qua, nhằm rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong nhiệm kỳ mới mang tính chiến lược, đạt hiệu quả cao và thiết thực hơn. Đồng thời, nhằm phát huy những kết quả đạt được, BCH Đoàn cơ sở BVĐK tỉnh đã xây dựng phương hướng nhiệm vụ công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ở nhiệm kỳ 2007-2010 với mục tiêu : Chăm lo, bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, đạo đức cách mạng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, tinh thần, thể chất đoàn viên thanh niên, xây dựng đoàn vững mạnh, đảm bảo vai trò hạt nhân, nồng cốt chính trị trong việc đoàn kết, tập hợp thanh niên, xung kích thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh. Khẩu hiệu hành động : “Tuổi trẻ Đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh : Đoàn kết - năng động - xung kích - sáng tạo - tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”.
Đại hội cũng đã tiến hành bầu BCH Đoàn cơ sở nhiệm kỳ 2007-2010 dựa trên đề án nhân sự đã được trình thông qua Đảng ủy bệnh viện và BTV Đoàn khối DCĐ. Danh sách ứng cử viên gồm 13 đồng chí. Đại hội đã thống nhất bầu ra 11 đồng chí vào BCH mới nhiệm kỳ 2007-2010. Đa số các đồng chí trúng cử đều nhận được số phiếu tín nhiệm cao.
Ngay sau khi Thư ký Đại hội thông qua Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2007-2010 là lễ chào cờ bế mạc, kết thúc kỳ Đại hội thành công cùng với khẩu hiệu hành động luôn song hành trong mỗi đoàn viên : “Tuổi trẻ Đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh : Đoàn kết - năng động - xung kích - sáng tạo - tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”.
KTV  Nguyễn Bình Minh


ĐOÀN BÁC SĨ HÀN QUỐC KẾT THÚC ĐỢT PHẪU THUẬT SỨT MÔI HỞ HÀM ẾCH TỪ THIỆN

“Người sinh ra mang những khiếm khuyết trên cơ thể là những người bất hạnh, nhưng những người mang những khiếm khuyết trên khuôn mặt, có lẽ là những người bất hạnh nhất, vì họ luôn mang những mặc cảm suốt cuộc đời. Càng bất hạnh hơn, nếu họ là những người nghèo không có điều kiện chữa trị. Chúng tôi đến đến đây là nhằm đem lại nụ cười cho những con người đó “ – Giáo sư Oh Yong Suk, Trưởng khoa gây mê hồi sức bệnh viện đại học Seoul trầm tư nói.
Đây là lần thứ 12 liên tục Đoàn phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch từ thiện Hàn Quốc đến Bình Dương. Đoàn đã làm việc từ ngày 23 tháng 11 đến 2 tháng 12. Trong một tuần làm việc, đoàn đã khám cho những bệnh nhân phẫu thuật từ những lần trước và những bệnh nhân mới. Đợt này các bác sĩ, giáo sư Hàn quốc đã phẫu thuật miễn phí cho 24 bệnh nhân sứt môi và hở hàm ếch. Kết quả các trường hợp phẫu thuật đều thành công mĩ mãn. Nhân dịp này, đoàn bác sĩ Hàn Quốc đã trao tặng bệnh viện một máy cắt đốt phẫu thuật KLS Martin ME 102 và phụ kiện
Ngày 1 tháng 12 năm 2007, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đã tổ chức Lễ sơ kết đợt phẫu thuật. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã đến dự và phát biểu khen ngợi đoàn phẫu thuật Hàn Quốc, nhân dịp này UBND tỉnh đã tặng giấy khen cho một số bác sĩ trong đoàn. Ngài Lãnh sự Hàn Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh đã phát biểu đề cao tình đoàn kết Việt - Hàn và mối quan hệ đặc biệt của Hàn Quốc tới tỉnh Bình Dương.

Bs Hàn Khởi Quang


ĐOÀN ĐẠI BIỂU HĐND TỈNH LÀM VIỆC VỚI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH BÌNH DƯƠNG

Ngày 14/11/2007, Đoàn đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương do bà Mai Thị Dung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Tiếp Đoàn đại biểu HĐND có Bs Khổng Trọng Khuê - Phó Giám đốc Sở Y tế, Bs Ngô Dũng Nghĩa - Giám đốc bệnh viện, ông Hoàng Sỹ Quỳnh - Bí thư Đảng uỷ, PGĐ bệnh viện cùng tất cả các Trưởng, Phó khoa phòng trong toàn bệnh viện.
Tại buổi làm việc, Bs Ngô Dũng Nghĩa đã đại diện Ban Giám đốc bệnh viện báo cáo với Đoàn về các kết quả thực hiện chức năng nhiệm vụ năm 2007 và một số kiến nghị của bệnh viện đối với HĐND và UBND tỉnh.
Về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ : Trong năm 2007, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu quan trọng như số giường bệnh kế hoạch, công suất sử dụng giường đạt 112%, số lần khám bệnh thực hiện được 654.717 lượt, số người điều trị nội trú là 60.757 người... Tổng số trẻ em dưới 6 tuổi khám và điều trị ngoại trú gần 50.000 cháu; khám và điều trị nội trú cho 10.700 cháu với tổng số tiền trên 7,3 tỷ đồng...
Về một số kiến nghị lên cơ quan quản lý cấp trên : Bệnh viện đề nghị được tăng chỉ tiêu giường bệnh năm 2008 lên 900 giường; tăng chỉ tiêu biên chế tương ứng với chỉ tiêu giường bệnh; đầu tư, mua sắm máy móc, trang thiết bị y tế..v.v...
Mặc dù đạt được kết quả rất khả quan, nhưng Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện nay vẫn đang trong tình trạng quá tải, nhất là Khoa Nhi, Khoa Sản; máy móc, trang thiết bị còn chưa đáp ứng kịp so với nhu cầu, nguồn nhân lực còn thiếu, nhất là đội ngũ bác sĩ, gây khó khăn trong công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

KTV Nguyễn Bình Minh



ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH
Ngày 15/11/2007, Tại Hội trường C - Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiến hành Đại hội Công đoàn cơ sở nhiệm kỳ 2007-2010. Đến dự Đại hội có Bs Khổng Trọng Khuê - Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Sở Y tế, Bs Triệu Thị Liến - Chủ tịch Công đoàn ngành y tế. Về phía lãnh đạo bệnh viện có Bs Ngô Dũng Nghĩa - Giám đốc bệnh viện, ông Hoàng Sỹ Quỳnh - Bí thư đảng uỷ, Phó giám đốc BV, Bs Nguyễn Quốc Long, Chủ tịch CĐCS bệnh viện cùng với 149 đoàn viên công đoàn ưu tú của bệnh viện tham dự.
Tại Đại hội, Bs Nguyễn Quốc Long - Chủ tịch CĐCS đã thay mặt BCH CĐCS nhiệm kỳ 2005 - 2007 báo cáo hoạt động công đoàn trong nhiệm kỳ và đưa ra những đánh giá về mặt mạnh, mặt cần khắc phục cũng như đề ra phương hướng nhiệm vụ công tác Công đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhiệm kỳ 2007-2010. Sau đó Đại hội đã tiến hành bầu BCH CĐCS nhiệm kỳ 2007-2010 với 13 đồng chí trong danh sách 16 đồng chí được ứng cử. Các đồng chí trong BCH mới đã nhận được số phiếu tín nhiệm cao. Đồng thời, Đại hội cũng đã bầu ra những đại biểu ưu tú nhất tham dự Đại hội Công đoàn cấp trên.
Ngay sau khi có phát biểu của lãnh đạo Công đoàn cấp trên, Đại hội đã thông qua Nghị quyết Đại hội Công đoàn cơ sở nhiệm kỳ 2007-2010.
Ngày 19/11/2007, BCH CĐCS nhiệm kỳ 2007-2010 đã họp bầu ra các chức danh cụ thể để tiếp tục điều hành, triển khai hoạt động Công đoàn bệnh viện trong nhiệm kỳ mới với kết quả: Bs Trần Thị Ngọc được bầu làm Chủ tịch Công đoàn, Bs Đỗ Quốc Thiên Hương được bầu làm Phó chủ tịch, Bs Phạm Anh Tuấn được bầu làm Chủ nhiệm UBKT.

KTV Nguyễn Bình Minh




10 sự kiện y khoa năm 2007



TTO - Tạp chí Time đã chọn 10 sự kiện nổi bật của ngành y hứa hẹn góp những thành tựu làm thay đổi cuộc sống.

1. Cắt da qui đầu có thể phòng ngừa nhiễm HIV:
Tháng 12-2006, Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ (NIH) đã ngưng hai thử nghiệm lâm sàng về cắt da qui đầu ở nam giới sau khi kết quả ban đầu cho thấ\y thủ thuật này làm giảm đáng kể sự lan truyền HIV.
Đầu năm 2007, kết quả chi tiết của những nghiên cứu này đã được đăng trên báo Lancet: Qua hai thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên trên 7.780 nam giới HIV âm tính tại Rakai, Uganda, và Kisumu, Kenya, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nam giới cắt da qui đầu có ít nhất 51% giảm nguy cơ nhiễm HIV hơn nam giới không cắt da qui đầu khi quan hệ tình dục với phụ nữ.
Các biên tập viên báo Lancet gọi khám phá này như là "một kỷ nguyên mới trong việc phòng chống HIV". Các nhà khoa học vẫn chưa biết việc cắt da qui đầu ở nam giới có thể đem lại sự phòng vệ cho bạn tình nữ hay không. Một nghiên cứu mới về giả thuyết này sẽ được tiến hành trong năm sau.
2. Xét nghiệm phát hiện ung thư vú di căn:
Các bác sĩ phẫu thuật ngày nay có thể đánh giá nhanh chóng sự lan tràn ung thư vú nhờ vào Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn cho phép sử dụng xét nghiệm phân tử đầu tiên để phát hiện ung thư vú di căn.
Trong quá trình phẫu thuật cắt bỏ khối u hay cắt bỏ vú, các phẫu thuật viên thông thường kiểm tra dấu hiệu di căn ung thư trên các hạch bạch huyết ở gần vú nhất, hay được gọi là hạch bạch huyết canh gác. Nếu mẫu mô được khảo sát ngay lúc mổ và phát hiện tế bào ung thư, phẫu thuật viên sẽ cắt bỏ thêm hạch bạch huyết. Tuy nhiên, theo thường lệ, cần tiến hành thêm xét nghiệm vi thể qui mô hơn sau đó để xác định sự lan tràn ung thư, thường phải mất đến hai ngày mới biết được kết quả các xét nghiệm này, đặt bệnh nhân vào tình trạng lấp lửng trước nguy cơ có thể phải đối mặt với cuộc phẫu thuật lần thứ hai. 
Nhưng với xét nghiệm mới có tên là thử nghiệm GeneSearch BLN, các bác sĩ có thể kiểm tra chính xác sự di căn đến hạch bạch huyết canh gác trong quá trình phẫu thuật ban đầu bằng cách đo lường các phân tử chỉ điểm ung thư vú. Nếu kết quả xét nghiệm phát hiện ung thư, phẫu thuật viên có thể cắt bỏ hạch di căn ngay khi mổ, tránh cho bệnh nhân sự chờ đợi và nguy cơ có thể phải trải qua cuộc phẫu thuật lần nữa.
3. Văcxin ngừa cúm gà đầu tiên trên người:
Mối đe dọa đại dịch cúm gà trong năm 2007 ít gây kinh hoàng hơn. Căn bệnh tử thần này đã làm chết 207 người trên toàn thế giới và lây nhiễm cho 336 người từ năm 2003. Trong khi chỉ có số lượng nhỏ những ca bệnh được tìm thấy lan truyền từ người sang người, các chuyên gia sức khỏe cộng đồng lo ngại chỉ là vấn đề thời gian trước khi virus đột biến sang dạng dễ truyền nhiễm hơn và phát ra đại dịch toàn cầu.
Với hi vọng tránh được viễn cảnh thảm họa nhất, FDA đã phê chuẩn văcxin ngừa cúm gà đầu tiên trên người trong năm 2007. Văcxin được chế tạo từ chủng virus trên người và được tiêm hai mũi trong bắp thịt. Tuy nhiên, văcxin không được bán trên thị trường mà chỉ được dự trữ bởi chính quyền liên bang phòng khi có nạn dịch quốc gia.
4. Thuốc trợ giúp cho những người ăn kiêng: Alli
Những người lớn thừa cân ngày nay có thêm vũ khí chống lại chất béo: Alli - thuốc giảm cân đầu tiên được FDA phê chuẩn bán trên thị trường thuốc không kê toa. Alli (còn có tên là Orlistat) tác dụng theo cơ chế phỏng theo men lipase, một loại men cơ thể sử dụng để phân hủy và tiêu hóa chất béo trong thức ăn.
Một liều thuốc Alli cùng với bữa ăn ngăn chặn cơ thể hấp thu chất béo 30%. Tuy nhiên, nhà sản xuất thuốc Alli, Hãng GlaxoSmithKline, nhấn mạnh thuốc này không phải là hạt đậu thần kỳ và khuyến cáo chỉ sử dụng cùng với chế độ ăn kiêng giảm béo và tập thể dục. Tuân thủ chế độ ăn giảm béo còn giúp giảm những tác dụng phụ thường gặp của thuốc Alli như đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy và chất tiết nhờn.
5. Phát hiện gen bệnh tiểu đường mới:
Có cha hoặc mẹ bị tiểu đường loại 2 làm tăng nguy cơ phát bệnh tiểu đường cho bạn. Nhưng tại sao một số anh em trong gia đình lại phát bệnh nhưng số khác lại không? Câu trả lời nằm đâu đó trong bộ mã di truyền của bạn, và năm 2007 các nhà khoa học đã tiến đến gần hơn để khám phá ra bí mật.
Nhóm nghiên cứu Mỹ và Phần Lan đã phát hiện bốn biến thể di truyền mới gắn liền với sự tăng nguy cơ bệnh tiểu đường, căn bệnh làm lo âu cho khoảng 170 triệu người trên toàn thế giới. Cùng với sáu biến thể mà các nhà khoa học đã tìm ra trước đây, khám phá lần này nâng tổng số lên 10 biến thể di truyền cho đến nay, giúp cho các chuyên gia định rõ những người có nguy cơ nhất phát bệnh tiểu đường loại 2.
6. Không còn nỗi lo kinh nguyệt nữa:
Phụ nữ muốn tránh khỏi nỗi phiền toái về kinh nguyệt hằng tháng ngày nay có thể nhờ cậy đến Lybrel, thuốc tránh thai sử dụng liên tục đầu tiên được FDA phê chuẩn. Một sản phẩm của Hãng dược phẩm Wyeth, thuốc tránh thai mới này tương tự như viên thuốc ngừa thai thông thường ngoại trừ không có viên thuốc giả dược.
Một tháng thuốc ngừa thai thông thường bao gồm 4-7 ngày viên thuốc giả dược để gây hành kinh. Với Lybrel, những viên thuốc giả dược được thay thế bằng những liều lượng hằng ngày thuốc nội tiết tố, giúp loại trừ hoàn toàn kinh nguyệt. Nhược điểm? Đa số phụ nữ sử dụng Lybrel sẽ có một vài xuất huyết bất thường, nhất là trong năm đầu sử dụng.
7. Thuốc Lyrica giảm đau cho bệnh đau cơ xơ hóa:
Những người bị mệt mỏi mãn tính, đau cơ, cứng cơ do mắc chứng bệnh đau cơ xơ hóa cuối cùng đã có thuốc cho họ. Năm 2007, FDA đã phê chuẩn thuốc chống động kinh Lyrica (pregabalin) của Hãng dược phẩm Pfizer, cho phép sử dụng như là thuốc điều trị chứng đau cơ xơ hóa. Phải mất thời gian khá lâu để có được tin này cho 3-6 triệu người dân Mỹ, đa số là phụ nữ, mắc phải căn bệnh cực kỳ phiền toái này.
Chứng đau trong bệnh đau cơ xơ hóa rất đặc thù, và vì vậy không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường. Qua nghiên cứu, Lyrica không những làm dịu cơn đau của bệnh mà còn cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Lyrica đã từng được FDA chấp thuận trong điều trị động kinh, giảm đau trong bệnh Zona và đau có nguồn gốc thần kinh thường gặp trong bệnh tiểu đường.
8. Xét nghiệm phát hiện sớm ung thư phổi:
Ung thư phổi là căn bệnh ung thư gây chết người hàng đầu tại Mỹ và gây ra số tử vong nhiều hơn tổng số tử vong của ba loại ung thư có số tử vong nhiều tiếp theo (ung thư ruột, ung thư vú, và ung thư tuyến tiền liệt).
Sở dĩ ung thư phổi gây tử vong cao như vậy là do thường được chẩn đoán ở giai đoạn bệnh nhân đã có triệu chứng như ho ra máu, thời điểm mà bệnh đã tiến triển xa và khó điều trị.
Nhưng một xét nghiệm máu mới có thể tăng khả năng phát hiện bệnh sớm tại thời điểm có khả năng chữa trị hơn. Có tên là LC Detect, xét nghiệm này đo lường nồng độ một loại protein trong máu hiện diện trong mọi giai đoạn ung thư phổi nhưng hiếm khi phát hiện trên người khỏe mạnh. Tuy xét nghiệm này không thể đơn độc xác định chẩn đoán ung thư phổi nhưng có thể giúp chẩn đoán khối u thời kỳ sớm nếu phối hợp với X-quang phổi, CT-scan, và các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác.
9. Nguồn tế bào mầm mới:
Năm 2007 là năm quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào mầm. Một tiến bộ mới là sự khám phá tế bào nguồn trong nước ối. Các nhà nghiên cứu tin rằng tế bào nguồn xuất phát từ nước ối, viết tắt là AFS, có tiềm năng biệt hóa thành nhiều loại tế bào, tuy có thể không phải tất cả các loại, trong tổng số 220 loại tế bào chuyên biệt trong cơ thể con người, gợi ra tiềm năng hữu dụng của tế bào AFS ở giai đoạn nào đó trung gian giữa tế bào nguồn phôi thai và tế bào nguồn trưởng thành.
Ưu điểm trên hết là tế bào AFS có thể thu được dễ dàng. Tế bào AFS hiện diện rất nhiều trong dịch phẩm còn thừa lại sau thủ thuật chọc lấy nước ối, một thủ thuật tiền sản thông thường để chẩn đoán các bệnh lý di truyền. Một nguồn sẵn có tế bào AFS khác có thể là bánh nhau sau khi sinh. Hình dung với 4 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra hằng năm tại Mỹ, tế bào AFS chắc chắn sẽ lôi kéo nhiều nghiên cứu trong lai.
10. Lợi ích của vitamin D:
Các nhà nghiên cứu từ lâu đã biết "vitamin ánh nắng mặt trời" làm tăng rắn chắc cho xương bằng cách hỗ trợ cơ thể hấp thu canxi. Nhưng một số lớn nghiên cứu mới công bố năm 2007 gợi ý vitamin D lại có nhiều lợi ích khác: chế độ ăn giàu vitamin D có thể ngăn chặn bệnh tiểu đường, bệnh nướu răng và bệnh đa xơ hóa, và có thể ngăn ngừa cả ung thư.
Mặc dù những phát hiện về lợi ích của vitamin D trong ngăn ngừa ung thư còn bàn cãi, các kết quả tìm thấy trên ung thư ruột lại đầy hứa hẹn. Trong một nghiên cứu qui mô lớn trên các nam nữ nhân viên y tế, những người có nồng độ vitamin D trong máu cao nhất có một nửa nguy cơ mắc phải ung thư ruột so với những đồng nghiệp có nồng độ vitamin D lưu hành trong máu thấp hơn. Để tận hưởng nhiều nhất các lợi ích của vitamin D, nhắm tới bổ sung 1.000 đơn vị vitamin D hằng ngày.

(Theo Catherine Guthrie, Time 12-2007)


THÔNG TIN Y HỌC TỔNG HỢP




ĐIỀU TRỊ CHỨNG NGỪNG THỞ KHI NGỦ SẼ TỐT CHO TIM
Reuters, 28/09/2007
Các nhà nghiên cứu Brazil cho biết việc điều trị rối loạn nhịp thở ban đêm, chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn bằng áp lực đường thở dương liên lục (CPAP) có vẻ tác động tích cực tới các dấu hiệu sớm của xơ mỡ động mạch.
Chứng ngừng thở do tắc nghẽn (OSA) xảy ra khi các mô mềm ở thàng sau họng xẹp xuống nhiều lần trong khi ngủ, làm đường thở bị tắc nghẽn tạm thời. Bệnh có liên quan đến đau tim và đột quị, cả hai mối liên quan này đều có vẻ mạnh thêm do ảnh hưởng của xơ mỡ động mạch. Liệu việc điều trị OSA một cách có hiệu quả có làm giảm mảng bám hay không còn chưa rõ. Các tác giả thuộc trường đại học Y Sao Paolo đã đánh giá những thay đổi trong độ dày của động mạch cảnh và nhiều thông số khác của 24 bệnh nhân bị OSA nặng được cha ngầu nhiên vào nhóm điều trị CPAP hoặc không điều trị trong 4 tháng. Được xem là cách điều trị hiệu quả nhất đối với OSA. Việc điều trị CPAP bao gồm mang một mặt nạ qua đó thiết bị CPAP đưa không khí dưới áp lực để giữ cho đường hô hấp luôn mở thông. Nhóm chứng không thay đổi bất kỳ thông số nào được đo trong quá trình theo dõi. Ngược lại ở nhóm CPAP, các tác giả thấy giảm độ dày của động mạch cảnh và giảm xơ cứng động mạch. Nhóm CPAP cũng giảm CRP (một chỉ báo viêm liên quan tới tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch) và catecholamin (hợp chất gây co mạch) làm tăng nhịp tim và tăng huyết áp.
Mức độ cải thiện các chỉ báo xơ mỡ động mạch sau CPAP trong một số khía chạnh tương đương với dùng stalin ở bệnh nhân rối loạn lipid máu. Tuy nhiên, trái ngược với tác dụng chính của stalin là giảm lipid rõ rệt, không thấy giảm rõ rệt lipid nhưng giảm rõ rệt chỉ báo viêm và hoạt động giao cảm. Tác giả cho rằng cần nghiên cứu thêm để xác định liệu CPAP có làm chậm tiến triển của xơ mỡ động mạch ở bệnh nhân OSA hay không.
Nhật Tảo.
THÔNG TIN VỀ CEFTRIAXON (ROCEPHIN)
Fad, 9/2007
Cảnh báo của FDA nêu bật những sửa đổi quan trọng trong các phần chống chỉ định, cảnh báo, liều dùng và đường dùng của thông tin kê đơn đầy đủ đối với thuốc Rocephin. Thông tin mới này nêu bật sự tương tác của ceftriaxon với các chế phẩm có chứa canxi dựa trên báo cáo các trường hợp tử vong ở trẻ sơ sinh.
Mặc dù không có báo cáo nào về ceftriaxon – canxi kết tủa ở những bệnh nhân khác ngoài trẻ sơ sinh, nhưng vẫn tồn tại nguy cơ tương tác thuốc trên bệnh nhân mọi lứa tuổi.
Nhìn chung, đã có một số ca tử vong có liên quan tới việc dùng đồng thời ceftriaxon và các chế phẩm có chứa canxi. Tuy nhiên, việc dùng 2 chế phẩm này tại các thời điểm khác nhau và qua các đường khác nhau cũng gây tử vong. Vì vậy, không được trộn lẫn ceftriaxon cùng các chế phẩm có chứa canxi và không đựoc dùng ở cùng hoặc khác đường truyền hoặc vị trí trên bất kỳ bệnh nhân nào trong vòng 48 giờ.

PHẪU THUẬT CẮT AMIDAN MỚI ÍT GÂY ĐAU VÀ CHẢY MÁU
Reuter Health, 17/09/2007
Những người cắt Amidan bằng kỹ thuật trong bao (cắt bỏ ít nhất 90% mô amidan, nhưng để lại vỏ bao amidan) có vẻ ít chảy máu và đau sau phẫu thuật hơn so với những người phải phẫu thuật cắt bỏ amidan theo phương pháp truyền thống.
Kết quả thu được từ việc hồi cứu bệnh án 2.944 bệnh nhân cắt amidan có hoặc không kém theo V.A tại một cơ sở y tế từ tháng 1/2002-5/2005 : 1.731 người cắt amidan trong bao và 1.212 người cắt amidan theo phương pháp truyền thống. Kết quả cho thấy trong nhóm cắt amidan theo phương pháp truyền thống : 3,4% bị chảy máu muộn (>24 giờ sau mổ) và 2,1% phải cầm máu trong phòng mổ so với 1,1% và 0,5% ở nhóm cắt amidan trong bao. 3% nhóm cắt amidan trong bao và 5,4% bệnh nhân cắt amidan theo phương pháp truyền thống cần điều trị trong phòng cấp cứu để giảm đau hoặc bù nước, thường xảy ra sau phẫu thuật cắt bỏ amidan do đau khiến bệnh nhân không uống nước. Tuy nhiên, 11 bệnh nhân được cắt amidan trong bao và không bệnh nhân nào trong số cắt amidan theo phương pháp truyền thống phải mổ cắt amidan lại.
Thủ thuật cắt amidan lý tưởng sẽ có rất ít hoặc không có nguy cơ và hoàn toàn hiệu quả. Dù nguy cơ củav cắt amidan trong bao thấp hơn so với cắt amidan theo cách truyền thống, nhưng thủ thuật không phải lúc nào cũng hiệu quả.

PHẪU THUẬT CẮT TÚI MẬT QUA ĐƯỜNG ÂM ĐẠO
Reuter Health, 17/09/2007
Từ nhiều năm nay, phẫu thuật đang dần trở thành thủ thuật ít xâm lấn hơn bất cứ khi nào có thể, bệnh nhân luôn đòi hỏi một cuộc phẫu thuật không để lại sẹo và không đau sau phẫu thuật.
Bệnh nhân (cả nam và nữ, không phụ thuộc vào tuổi và hình thức) không muốn bị sẹo sau phẫu thuật, không chỉ vì lý do thẩm mỹ mà còn vì những vết sẹo cho thấy họ đã phải điều trị vì bệnh tật.
Vì mong muốn này mà phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên (notes) đã được chủ trương, với mục tiêu chung là giảm thiểu tổn thương của bất kỳ quá trình can thiệp nào bằng cách hạn chế cắt rạch qua thành bụng và sử dụng một lỗ tự nhiên.
Các nhà phẫu thuật người Pháp đã sử dụng NOTES để cắt túi mật của một phụ nữ 30 tuổi. Một bác sỹ phẫu thuật trong nhóm nghiên cứu có kinh nghiệm về các thủ thuật qua âm đạo đã rạch và đóng một vết mổ nhỏ ở thành sau âm đạo. Dụng cụ phẫu thuật được đưa vào qua đường rạch này và túi mật được cắt qua âm đạo. Bệnh nhân này không bị chảy máu hoặc bị chảy dịch mật trong quá trình phẫu thuật, đồng thời nhanh chóng bình phục, không đau và không để lại sẹo. Bệnh nhân ra viện sau 2 ngày làm thủ thuật và sau 10 ngày đã có thểc hoạt động bình thường trở lại, không bị chảy mủ hoặc máu và không khó chịu ở tầng sinh môn.
Phương pháp này đã mở ra con đường cắt túi mật không có vết rách, không đau, không phải gây mê, không để lại sẹo và không có nguy cơ.
ĐÃ XÁC ĐỊNH ĐƯỢC YẾU TỐ NGUY CƠ GÂY NHIỄM TRÙNG NGUY HIỂM Ở TRẺ SƠ SINH
Một nghiên cứu mới đây cho thấy ở phụ nữ mang thai, thời gian từ khi vỡ ối tới khi đẻ có liên quan trực tiếp với nguy cơ nhiễm trùng nặng ở trẻ sơ sinh, không phụ thuộc vào thời gian chuyển dạ.
Nhiễm trùng trẻ sơ sinh xảy ra ở khoảng 1% số trẻ sơ sinh và có tỉ lệ tử vong gần 50%. Thời giab kéo dài từ khi vở ối đến khi đẻ là một yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng ở mẹ và trẻ sơ sinh, nhưng vẫn chưa rõ liệu thời gian chuyển dạ có ảnh hưởng tới nguy cơ này hay không. Để làm rõ vấn đề này, các nhà khoa học Thụy Điển đã nghiên cứu hồ sơ của 113.568 trẻ em sinh đủ tháng. Họ thấy rằng tỷ lệ nhiễm trùng sơ sinh tăng tỷ lệ thuận với khoảng thời gian từ khi vở ối đến khi đẻ, từ 0,3% khi khoảng thời gian này <6 giờ lên tới 1,1% khi khoảng thời gian này >24 giờ. Tăng thời gian từ khi vỡ ối tới khi đẻ là yếu tố nguy cơ độc lập quan trọng nhất gây nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh, cứ tăng 6 giờ thì nguy cơ lại tăng 29%. Tuy nhiên, thời gian chuyển dạ lại không có mối liên quan độc lập với nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh.
Trong hầu hết các trường hợp, vỡ ối xảy ra ngay sau khi chuyển dạ bắt đầu. Ở một số phụ nữ, hiện tượng này xảy ra trước khi bắt đầu chuyển dạ. Các bác sĩ khuyên phụ nữ mang thai nên đi khám ngay khi bị vỡ ối.

PHƯƠNG PHÁP GÂY TÊ KHÔNG ĐAU
Reuter, 03/10/2007
Các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Đa khoa Massachusetts cho biết phương pháp mới để gây tê sử dụng một chất chiếc xuất từ ớt mở ra một hướng mới để giảm đau khi phẫu thuật, chữa răng và sinh đẻ.
Các thuốc gây tê tại chỗ hiện nay ức chế tất cả các tế bào thần kinh chứ không chỉ các tế bào cảm giác đau, gây liệt và tê tạm thời. Đây là lý do tại sao các bệnh nhân sau khi nhổ răng bị chảy nước dãi, tê ở miệng và một số cơ bị liệt tạm thời.
Hiện nay các nhà khoa học đã tìm ra cách chỉ tác động vào các tế bào thần kinh chịu trách nhiệm về cử động cơ hoặc cảm giác đau như xúc giác. Họ đã chứng minh phương pháp này ở chuột và tin rằng nó sẽ có tác dụng ở người. Các tắc giả đã tiêm cho chuột  capsaicin (hoạt chất có trong ớt) và một dẫn xuất của lidocain. Phối hợp với nhau, những chất này tác động vào các tế bào thần kinh cảm giác đau; ngăn chặn chúng truyền các tín hiệu đau tới não. Chuột được đặt vào một nguồn nhiệt khó chịu và bị châm kim vào chân, song chuột không hề biểu hiện dấu hiệu bị đau và vẫn cứ hoạt động và hoạt động bình thường. Thuốc tiêm có tác dụng trong nửa giờ và giảm đau kéo dài vài giờ.
Các nhà khoa học cho rằng phương pháp này có thể sử dụng trong các thủ thuật nha khoa như nhổ răng, phẫu thuật gối và các phẫu thuật khớp khác, giảm đau cho phụ nữ khi sinh và điều trị các bệnh đau mạn tính. Có một phương pháp tương tự có thể ngăn chạn ngứa do bệnh eczema, ngộ độc cây thường xuân và các tình trạng khác. Hai chất trong thuốc tim đều lợi dụng một đặc điểm của các tế bào thần kinh cảm nhận đau để ức chế hoạt động của chúng mà không ức chế tín hiệu từ các tế bào thần kinh khác. Lidocain cản trở điện có trong tất cả các tế bào thần kinh. Song dẫn xuất lidocain sử dụng trong nhiều nghiên cứu này (QX-314) không thể tự đi qua màng tế bào để ức chế hoạt động điện của nó và điều này được capsaicin đảm nhiệm.
Capsacin có thể mở các lỗ chỉ có trên màng tế bào của các tế bào thần kinh cảm nhận đau. Với các lỗ được capsacin mở ra này, QX-314 có thể đi qua màng tế bào và ức chế có chọn lọc hoạt động của các tế bào thần kinh cảm nhận cảm giác đau trong khi không ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh khác.



7 BÍ QUYẾT CỦA GIẤC NGỦ TRƯA NƠI CÔNG SỞ


Giấc ngủ trưa không chỉ cần thiết cho các bé mẫu giáo. Một nghiên cứu toàn diện cho thấy việc chợp mắt vào buổi trưa có thể làm tăng năng suất và sự tỉnh táo trong công việc. Giấc ngủ trưa là thứ vũ khí hoàn hảo để chống lại tình trạng uể oải thường xảy ra vào khoảng 2-5 giờ chiều. Vậy ngủ trưa như thế nào, ở đâu và khi nào là tốt nhất?
1. Cặp đôi kỳ lạ. Cà phê và giấc ngủ trưa hóa ra lại không hề xung khắc nhau như nhiều người thường nghĩ, ngược lại, chúng khá ăn ý với nhau. Một nghiên cứu năm 2003 của Nhật thấy rằng có thể làm giảm mất ngủ bằng cách kết hợp một giấc ngủ chợp mắt với một ly cà phê. Nghe có vẻ không hợp lý lắm? Song đây là cơ chế tác dụng: caffein mất khoảng 20 phút đến nửa tiếng để phát huy tác dụng, vừa đủ thời gian để bạn chợp mắt. Theo cách đó, nếu bạn có giấc ngủ trưa được mồi bằng caffein, bạn sẽ nhận được lợi ích kép: vừa được nghỉ ngơi vừa sẵn sàng bắt tay vào việc khi thức giấc. Bộ Giao thông Anh thậm chí còn khuyên các lái xe như sau để chống lại tình trạng mệt mỏi: “Dừng xe, uống hai tách cà phê hoặc một cốc đồ uống chứa nhiều caffein, và sau đó ngủ chợp mắt một lát”.
2. Giờ ngủ trưa tốt nhất. 2 hoặc 3 giờ chiều là giờ ngủ trưa lý tưởng - vừa đủ muộn để rơi đúng vào giờ nghỉ trưa tự nhiên nhưng cũng đủ sớm để không cản trở giấc ngủ đêm. Cũng cần sắp xếp thời gian biểu buổi chiều nếu bạn có ý định ngủ trưa. Nếu có thể, nên chợp mắt một lát vào giữa giờ chiều trước cuộc họp quan trọng. Ngủ một lát ngay trước khi họp sẽ đảm bảo cho bạn không bị ngủ gật trong cuộc họp.
3. Nên ngủ bao lâu. Một giấc ngủ trưa tốt nên kéo dài từ 20 – 30 phút. Thời gian ngủ như vậy giúp bạn lấy lại sinh lực mà không rơi vào tình trạng gà gật thường được gọi là “say ngủ”.
4. Thu xếp chỗ ngủ. Đây có thể là phần khó nhất của giấc ngủ trưa. Nếu nơi làm việc của bạn có phòng y tế hoặc phòng điều dưỡng, thì đó có thể là chỗ khá tốt để chợp mắt. Nếu không có chỗ nào như vậy, bạn có thể biến bàn làm việc thành chỗ ngủ tạm. Một cách khác là ngủ trong xe ô tô - tất nhiên là phải đảm bảo rằng cửa sổ xe mở và động cơ không chạy.
5. Đặt báo thức. Nếu bạn mệt đến mức cần phải ngủ trưa, thì không nên trông chờ vào sự kỳ diệu của ý chí để thức giấc. Vì thế hãy đặt báo thức, vừa để tránh mê mệt trong một giấc ngủ trưa quá dài, vừa đảm bảo là bạn không ngủ thiếp đi và bỏ lỡ những việc quan trọng.
6. Giữ nếp ngủ đều đặn. Nên đưa 20 phút ngủ trưa vào nếp ngủ hằng ngày để biến nó thành một phần trong nhịp sinh học của cơ thể. Cách dễ nhất để làm điều này là sử dụng “nhật ký ngủ” để ghi lại thói quen chợp mắt của bạn.
7. Hãy là “Người ngủ trưa Tỉnh táo”. Nếu bạn luôn thèm được chợp mắt, thì hãy xem xét lại giấc ngủ đêm của mình. Có phải mỗi đêm bạn chỉ ngủ chừng 5 – 6 tiếng? Tuy 20 phút ngủ trưa là một cách tốt để lấy lại sinh lực, song nó không thể bù lại những giờ mất ngủ ban đêm. Ngược lại, nếu bạn ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm mà vẫn cảm thấy thèm ngủ, thì đó có thể là một dấu hiệu của rối loạn giấc ngủ, hoặc của một vấn đề sức khỏe nào đó, và bạn nên đi khám bác sĩ.

(Theo Newsweek)



NÃO CÓ KHẢ NĂNG TỰ PHỤC HỒI


Mới đây, một nghiên cứu đã chứng minh rằng não người hoạt động khá linh hoạt, khi phải chịu ảnh hưởng từ các chấn thương. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Neuroscience (Mỹ).
Nhóm các nhà khoa học, đứng đầu là Daniel Dilks thuộc Đại học kỹ thuật Massachusetts (Hoa Kỳ) đã tiến hành theo dõi 51 nam giới vừa trải qua cơn đột quỵ cách đây 6 tháng. Các mô thần kinh làm nhiệm vụ truyền thông tin từ mắt đến thùy chẩm trên lớp vỏ đại não bị tổn thương khiến thị lực của bệnh nhân giảm sút.
Tuy nhiên kết quả phân tích đã chứng minh rằng các chức năng thị giác đã bình thường trở lại. Quá trình phục hồi gần như diễn ra ngay sau khi thùy chẩm nằm trên vỏ đại não bị tổn thương. Theo bác sĩ Shimon Ullman ở Israel, phát hiện mới này đã chứng minh được khả năng tự phục hồi đặc biệt của não bộ khi bị thương tổn.
Các nhà nghiên cứu nhận định: “Mặc dù chưa được áp dụng như là phương pháp trị liệu nhưng các nghiên cứu này đóng vai trò rất quan trọng trong việc vạch ra các phương pháp hồi phục cho con người sau khi trải qua các cơn đột quỵ tim mạch hay các chấn thương não - hộp sọ”.
(Theo Dân Trí)





GIẢM 60% NGUY CƠ UNG THƯ KHI UỐNG SỮA

Trong 4 năm liên tục, hơn 1 ngàn phụ nữ trong độ tuổi 55 được chia thành 3 nhóm uống các viên bổ sung: canxi và vitamin D; chỉ canxi; giả dược. Kết quả cho thấy khả năng ngăn chặn các khối u ác tính là 60% ở những người uống canxi và vitamin D, 47% ở những người chỉ uống canxi so với những người uống giả dược. Có thể thay thế viên bổ sung bằng các thực phẩm giàu vitamin-D như sữa và các sản phẩm từ sữa bởi sữa thực sự là nguồn canxi và vitamin D tuyệt vời nhất khi nó cùng với ánh nắng đáp ứng 70% nhu cầu của cơ thể về 2 vi chất này.  
Trong 4 năm tiến hành nghiên cứu đã có 50 phụ nữ bị các bệnh ung thư (không phải ung thư da) bao gồm: ung thư vú, ung thư ruột, ung thư phổi và 1 số loại ung thư khác. Trong đó, 13 ca ung thư chẩn đoán ở năm đầu tiên đã từng tham gia 1 nghiên cứu trước đó với kết quả là giảm nguy cơ phát triển khối u tới 77% so với các nhóm uống giả dược khác.  
“Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy việc tăng cường vitamin D có thể ngăn chặn bệnh ung thư”, trưởng nhóm nghiên cứu, TS Joan Lappe, một chuyên gia nghiên cứu về dinh dưỡng của ĐH Creighton (bang Omaha, Mỹ) cho biết.   
Một số nghiên cứu trước đó cũng cho kết quả tương tự rằng canxi và vitamin D có thể giảm nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ tiền mãn kinh và ung thư ruột kết ở phụ nữ mãn kinh.

Dân trí
PHÒNG NGỪA BIẾN CHỨNG ĐÁI THÁO ĐƯỜNG Ở NGƯỜI CAO TUỔI
Đái tháo đường (ĐTĐ) có thể dễ dàng bị bỏ qua, đặc biệt là ở giai đoạn sớm khi cơ thể khỏe mạnh và không biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Bệnh diễn tiến âm thầm nhưng rất nguy hiểm, ảnh hưởng hầu hết đến các cơ quan trong cơ thể, nhất là đối với người cao tuổi... Vậy cần làm gì để phát hiện sớm và dự phòng biến chứng do ĐTĐ?Biến chứng sớm
Hạ đường máu (hypoglycemia): Xảy ra khi nồng độ đường máu dưới 60 mg/dl. Phổ biến ở những người điều trị bằng insulin, nhưng cũng có thể xảy ra khi sử dụng thuốc uống có tác dụng tăng hoạt động của insulin. Đường máu có thể giảm do nhiều nguyên nhân, bao gồm nhịn ăn, hoạt động thể lực căng thẳng hơn mức bình thường hoặc không điều chỉnh thuốc khi đường máu thay đổi. Triệu chứng cơ năng và thực thể sớm bao gồm đổ mồ hôi, run, yếu cơ, đói bụng, choáng váng và nôn ói. Nếu đường máu dưới 40 mg/dl, có thể nói lắp, ngủ gà và lầm lẫn. Nếu có các dấu hiệu kể trên, ăn hoặc uống những chất có thể làm tăng đường máu như kẹo, soda, nước trái cây hoặc viên glucose. Thỉnh thoảng nồng độ glucose trong máu có thể giảm rất thấp và bệnh nhân có thể đi vào hôn mê. Tình trạng này đe dọa mạng sống của bệnh nhân. Điều trị tốt nhất là tiêm glucagon, một loại hormon có chức năng kích thích việc phóng thích glucose vào máu. Gia đình và người thân quen của bệnh nhân nên biết cách tiêm glucagon và luôn mang theo thuốc này bên người. Tăng đường máu (Hội chứng ĐTĐ ưu trương). Tình trạng này gây ra do lượng đường trong máu tăng quá cao – lớn hơn 600 mg/dl – trong máu trở nên “đậm đặc” đường. Chủ yếu xảy ra ở ĐTĐ týp 2, đặc biệt là khi không theo dõi lượng đường trong máu hay không biết có bệnh ĐTĐ. Nó cũng có thể xảy ra khi dùng corticoid liều cao, uống rượu với số lượng lớn, stress, có bệnh lý khác hay nhiễm khuẩn đi kèm. Triệu chứng bao gồm: khát nước và tiểu nhiều, yếu cơ, chuột rút ở chân, lầm lẫn, co giật và có thể đi vào hôn mê. Nếu đường máu tăng trên 600 mg/dl, phải điều trị ngay lập tức. Nếu không điều trị tình trạng này có thể dẫn tới tử vong.
Tăng acid trong máu (ĐTĐ nhiễm ceton). Thỉnh thoảng tế bào đói năng lượng khi cơ thể bắt đầu giảm trọng, tạo ra ngộ độc acid gọi là nhiễm ceton. Điều này thường xảy ra ở ĐTĐ týp1. Triệu chứng cơ năng và thực thể – gồm mất cảm giác thèm ăn, nôn ói, sốt, đau dạ dày, ngửi được mùi ceton trong hơi thở của bệnh nhân – có thể nhầm lẫn với bệnh cúm. Bạn nên kiểm tra lượng ceton dư trong nước tiểu, rất có ý nghĩa khi lượng đường trong máu thường xuyên trên 240 mg/dl. Bạn cũng có thể mua test thử nồng độ ceton ở các hiệu thuốc để thực hiện nó ở nhà. Nếu kết quả cho thấy lượng ceton cao, nên đến khám bác sĩ. Nếu không điều trị tình trạng nhiễm ceton này có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.
Biến chứng lâu dài
Tổn thương thần kinh: Hơn 1/2 số người bị ĐTĐ có biểu hiện tổn thương thần kinh. Các nhà nghiên cứu cho rằng do lượng đường trong máu quá cao đã làm tổn thương các mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh. Triệu chứng tùy thuộc vào thần kinh nào bị ảnh hưởng. Thường gặp nhất là ảnh hưởng đến thần kinh cảm giác ở chân và cánh tay. Triệu chứng thường gặp là cảm giác kiến bò, tê, bỏng rát và đau bắt đầu ở đầu ngón và lan dần lên phía trên. Nếu không điều trị sẽ dẫn đến mất cảm giác và nhiễm khuẩn ở chi. Ngoài ra, tổn thương thần kinh chi phối đường tiêu hóa có thể gây nên buồn nôn, ói, tiêu chảy hoặc táo bón.
Tổn thương thận: Thận có chứa hàng triệu vi mạch có chức năng lọc các chất cặn bã của cơ thể từ máu và thải ra ngoài qua đường nước tiểu. Nhưng bệnh lý ĐTĐ có thể gây nên tổn thương các mạch máu này trước khi có biểu hiện lâm sàng. Triệu chứng lâm sàng thường gặp như phù mắt cá chân, cẳng chân hoặc tay, thiếu máu, hơi thở ngắn và tăng huyết áp... Nặng hơn nữa có thể dẫn đến suy thận không hồi phục, đòi hỏi phải chạy thận nhân tạo hay ghép thận.
Tổn thương mắt (bệnh lý võng mạc): Hầu như tất cả bệnh nhân ĐTĐ týp 1 và hơn 60% bệnh nhân ĐTĐ týp 2 bị tổn thương mạch máu võng mạc vào lúc ĐTĐ đã diễn tiến được 20 năm. Bệnh ĐTĐ cũng gây đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.
Bệnh lý mạch máu và tim: ĐTĐ là yếu tố nguy cơ làm gia tăng các vấn đề bệnh lý tim mạch, gồm bệnh mạch vành tim với đau thắt ngực, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim; đột quỵ; xơ vữa động mạch và tăng huyết áp.
Nhiễm khuẩn: Nồng độ đường máu cao làm giảm khả năng đề kháng cơ thể và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Miệng, nướu răng, phổi, da, chân, thận, bàng quang và vùng sinh dục là những cơ quan dễ bị nhiễm khuẩn.
Nguyên tắc phòng bệnh
Cho dù ĐTĐ là một bệnh trầm trọng, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được bằng cách  tuân thủ các nguyên tắc như: kiên trì theo dõi đường huyết, bảo đảm chế độ ăn uống, tập luyện để duy trì cân nặng lý tưởng, thường xuyên kiểm tra sức khỏe để tầm soát và phát hiện sớm những biến chứng. Chú ý chăm sóc bàn chân. Tuyệt đối không hut thuốc lá và uống rượu.
Sức khoẻ & đời sống
VÌ SAO HEROIN, MORPHIN LẠI GÂY NGHIỆN.
Một nghiên cứu mới được công bố trong cuộc họp thường niên của Hội Khoa học thần kinh Hoa Kỳ đã làm rõ cơ chế gây nghiện của những hóa chất nguy hiểm như heroin, morphin
Morphin vốn được người ta biết đến như loại thuộc giảm đau vô cùng hữu hiệu. Cũng giống như heroin và nhiều loại hoá phẩm khác được chiết xuất từ cây thuốc phiện, bên cạnh tác dụng giảm đau, morphin còn tạo ra mối nguy hiểm khác rất nghiêm trọng là gây nghiện, hay làm cho bệnh nhân muốn được giảm đau thì buộc phải tăng dần liều lượng thuốc.
Trước khi đi vào vấn đề, ta hãy bắt đầu từ glia-một loại tế bào bổ trợ của hệ thống thần kinh. Qua 10 năm theo dõi, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng khi bị tác động, glia có tác dụng làm tăng các chứng đau dây thần kinh (thường gặp nhất là chứng đau dây thần kinh vùng hông), bằng cách kích thích các neuron não phát ra cảm giác đau đớn giả.
Morphin chặn các đầu mối thần kinh, vì vậy người sử dụng ngay lập tức thấy các tổn thương của mình đỡ đau hơn. Nhưng mặt khác morphin còn kích thích các tế bào glia hoạt động, và đến lượt nó, glia lại tác động lên các neuron tạo ra cảm giác đau dây thần kinh lâu dài. Có thể hình dung chuỗi tác động như sau: Vết thương bị đau-dùng morphin để giảm đau, đồng thời bị thêm cảm giác đau dây thần kinh-lại dùng tiếp morphin để giảm đau và lại bị đau dây thần kinh...Quá trình cứ thế tiếp diễn với liều lượng ngày càng tăng và gây nghiện. Điều này cũng lí giải lý do tại sao khi thiếu ma tuý, các con nghiện thưởng thấy đau như có kim châm dưới da.
Sau khi phát hiện cơ chế, để tìm cách hạn chế tác dụng gây nghiện, các nhà nghiên cứu đã bào chế và thử tác dụng của một chất tên là AV411. AV411 có chức năng khoá không cho tế bào glia hoat động.
Thí nghiệm được tiến hành trên chuột, chia thành 2 nhóm, một nhóm chỉ dùng morphin, còn nhóm kia dùng morphin kết hợp với AV411.
Kết quả cho thấy, vì glia không hoạt động được do có AV411, nên tác dụng giảm đau của morphin trên nhóm thứ 2 được tăng lên đáng kể, đồng thời, sau khi dùng thuốc, nhóm thứ hai cũng nhanh chóng thoát khỏi tác dụng phụ (đau giả tạo) so với nhóm thứ nhất.
Khi thí nghiệm, các nhà nghiên cứu cũng chủ ý chỉ cho chuột uống thuốc ở một địa điểm cố định, buộc những con bị nghiện phải quay trở lại đúng địa điểm đó mới được dùng thuốc. Sau một thời gian những con chuột thuộc nhóm thứ nhất có xu hướng quay trở lại địa điểm uống thuốc nhiều hơn đáng kể, chứng tỏ chúng dễ bị nghiện và bị nghiện nặng hơn so với chuột ở nhóm thứ hai.
"Kết quả nghiên cứu ngày đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề đau bệnh lý, mở đường cho quá trình phát triển những loại thuốc giảm đau mới hiệu nghiệm hơn và không gây nghiện", Nora Volkow, Giám đốc Học viện Quốc gia về tình trạng lạm dụng thuốc Hoa Kỳ nói.

SỰ MỆT MỎI CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ LÀM TĂNG NGUY CƠ SAI SÓT
(An exhausted workforce increases the risk of errors)
Nếu bạn công tác trong ngành y, thì hẳn đã có lúc bạn bị mệt đến mức đầu óc mụ mị còn chân tay rã rời khiến bạn khó hoặc không thể tập trung vào công việc trước mắt hoặc giữ được tỉnh táo trước sự an toàn của bệnh nhân.
Giờ làm việc dài và mệt mỏi là mối đe doạ nghiêm trọng đối với sự an toàn của bệnh nhân. ảnh hưởng có hại của mệt mỏi đối với hiệu suất công việc đã được chứng minh.
Trên thực tế, thức quá lâu có thể làm giảm hiệu suất của người cán bộ y tế ngang với nồng độ cồn 0,1% trong máu, trên giới hạn được phép lái xe ở nhiều bang của Mỹ. Khi mệt mỏi, hiệu suất cũng dễ thay đổi. Tốt đấy nhưng lại kém ngay đấy do tri giác bị ngủ thiếp đi trong giây lát. Khi mệt mỏi, nhu cầu ngủ về mặt sinh lý có thể dẫn đến những thoáng mất ý thức kéo dài khoảng vài giây đến vài phút, tuy mắt vẫn mở nhưng không có cảm nhận về xung quanh. Những thoáng ngủ gật này làm giảm hiệu suất, thường dẫn đến những sai sót do không tiếp nhận được thông tin, hoặc thậm chí mất nhận thức về hoàn cảnh.
Trong một nghiên cứu, một bác sĩ gây mê hồi sức bị thiếu nghủ biểu hiện trên băng quay video những hành vi cho thấy những thoáng ngủ gật này chiếm 30% của ca làm việc kéo dài 4 tiếng. Các ngành khác đã có những động thái để chống lại tác động của mệt mỏi; tuy nhiên, ngành y tế nói chung còn coi nhẹ vấn đề này, nhất là trong tình hình thiếu hụt cán bộ có trình độ hiện nay.
Nhiều năm trước, Hội đồng Kiểm định Giáo dục Y khoa bậc Đại học của Mỹ đã hạn chế lịch làm việc của bác sĩ nội trú xuống còn 80 giờ/tuần (Liên minh châu Âu cho phép giới hạn là 56 giờ/tuần), còn Viện Y học khuyên các y tá không làm việc quá 12 giờ/ngày và 60 giờ/tuần, bao gồm cả ca làm việc chính thức, làm thêm giờ bắt buộc và làm thêm giờ tự nguyện. Tuy nhiên, còn cần làm nhiều hơn thế.
Qũy An toàn Bệnh nhân Gây mê Hồi sức (APSF) gần đây đã kêu gọi các thành viên cùng hợp tác để giảm tình trạng mệt mỏi trong ngành gây mê hồi sức.
Bản tin APSF quí 1 năm 2005 đã dành riêng bàn về vấn đề này và đưa ra những khuyến nghị sau đây để phòng chống mệt mỏi, có thể áp dụng cho mọi nhân viên y tế:
Giáo dục : Sử dụng những diễn đàn giáo dục đa dạng, cung cấp cho các nhân viên và cán bộ quản lý những kiến thức về giấc ngủ, những nguy cơ liên quan với mệt mỏi, cơ chế gây rối loạn giấc ngủ và mệt mỏi, rối loạn nhịp sinh học, và những biện pháp để tối ưu hóa hiệu suất công việc. Đánh giá nhận thức của nhân viên về tác động của mệt mỏi đối với an toàn có thể là điểm khởi đầu hữu ích cho công tác giáo dục thường xuyên trong lĩnh vực này.
Xếp lịch công tác : Tiến hành phân tích tình trạng mệt mỏi ở các nhóm nhân viên hiện có, xem xét thời gian nghỉ tối thiểu, thời gian làm việc liên tục, và những cơ hội nghỉ ngơi/hồi phục. Lập lịch làm việc có qui định giờ nghỉ, giới hạn số giờ làm việc mỗi ngày, mỗi tuần, và giới hạn thời gian đối với những công việc đặc biệt có thể gây mỏi mệt về thể xác và tinh thần trong từng ngày làm việc. Phá vỡ nhịp sinh học cũng có thể gây mệt mỏi.
Nếu có thể, hãy cân nhắc các qui luật của nhịp sinh học khi thiết kế lịch làm việc. Cũng có kế hoạch dự phòng cho những nhân viên đã phải làm việc đặc biệt căng thẳng và tự đánh giá là không thể tiếp tục công việc.
Giấc ngủ chợp mắt theo qui định : Có chính sách khuyến khích giấc ngủ chợp mắt theo qui định ở nơi làm việc cho những nhân viên dễ có lịch làm việc căng thẳng cùng những qui định về giờ ngủ và diện đối tượng. Ngay cả những giấc chợp mắt ngắn độ 45 phút cũng cải thiện được sự tỉnh táo mà không gây hiện tượng ngái ngủ khi thức. Bố trí tiện nghi và không gian thích hợp cho những khoảng thời gian nghỉ theo qui định này.
Nghỉ giải lao và nghỉ ăn trưa : Có những khoảng thời gian giải lao định kỳ, 15 - 30 phút nghỉ giải lao ở xa khu vực làm việc sẽ làm giảm tác động của thiếu ngủ. Nếu không thể giải lao, hãy thông báo tình trạng thiếu thời gian nghỉ cho người giám sát. Cần có sẵn bữa ăn chất lượng tốt và đồ ăn nhẹ đủ dinh dưỡng vào bất cứ thời điểm nào cho các nhân viên, kể cả vào ban đêm.
Liệu pháp ánh sáng : Độ chiếu sáng xung quanh cao hơn giúp giảm ảnh hưởng của nhịp ngày đêm bị phá vỡ đối với người làm ca đêm. Tuy nhiên, có thể cần những trang thiết bị đặc biệt để các nhân viên nhận được liệu pháp ánh sáng đúng lúc, vì thời điểm là yếu tố quyết định thành công.
Sử dụng những cách thực hành an toàn dựa trên bằng chứng : Tuy không gì có thể thay thế cho một nhân viên được nghỉ ngơi tốt, song việc sử dụng những cách thực hành và những công nghệ an toàn đã được chứng minh như nhập y lệnh vào máy tính, mã vạch và bơm tiêm thông minh có thể giúp khắc phục một số sai sót do mệt mỏi gây ra.
Sự mệt mỏi chưa bao giờ được khắc phục hoàn toàn trong ngành y, một ngành phải thực hiện công tác chăm sóc người bệnh liên tục 24 giờ trong ngày, nhưng nó có thể được xử lý tốt hơn. Tuy nhiên, những sai sót chủ quan vẫn xảy ra.
Giải pháp tốt nhất là cần có cách tiếp cận toàn diện hạn chế cả nguyên nhân của mệt mỏi ở người lao động và giảm khả năng sai sót do con người.
Cẩm Tú (Institute for Safe Medication Practices)

CÓ CẦN KIỂM TRA SỨC KHỎE HẰNG NĂM KHÔNG?
Trong 20 năm qua, các chỉ dẫn chuyên ngành đều khuyên các bác sỹ rằng không có bằng chứng cho thấy khám sức khỏe hằng năm là cần thiết đối với những người không có bất kỳ một biểu hiện trục trặc sức khỏe rõ rệt nào. Thông điệp này có vẻ chưa được quán triệt.
Một nghiên cứu cho thấy phần lớn các thầy thuốc chăm sóc sức khỏe ban đầu tin vào giá trị của việc khám sức khỏe hằng năm và thực hiện nó bằng mọi cách.
Một điều tra qua thư được gửi tới 1.679 thầy thuốc chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Boston, Denver, San Diego và 783 (47%) đã có phản hồi. 65% số người trả lời nghĩ rằng việc khám sức khỏe hằng năm là cần thiết.
Ngoài ra, 88% nói rằng họ đã thực hiện những lần khám sức khỏe như thế. 55% số bác sỹ không nhất trí với tuyên bố rằng “các tổ chức quốc gia không chủ trương khám sức khỏe hằng năm”. Mặt khác, 63% số bác sỹ cho rằng khám sức khỏe hằng năm là có giá trị và 74% cho rằng những lần khám sức khỏe như vậy sẽ cải thiện việc phát hiện các bệnh chưa có biểu hiện lâm sàng. Cũng hơn 90% số người trả lời tin rằng khám sức khỏe hằng năm là cơ hội để tư vấn cho bệnh nhân về phòng ngừa bệnh tật và cải thiện mối quan hệ giữa bác sỹ với bệnh nhân. 78% cho rằng phần lớn bệnh nhân muốn được khám. Vậy thì tại sao lại có sự khập khiễng giữa hướng dẫn và thực hành như vậy? Có lẽ việc khám sức khỏe hằng năm mang lại nhiều điều mà ta không nhìn thấy.
Thông điệp này có thể dẫn đến những cải thiện trong chăm sóc y tế theo cách mà chúng ta chưa thể hình dung được.
Linh Hà (Reuters)

THUỐC LỢI TIỂU LÀ BƯỚC KHỞI ĐẦU TỐT NHẤT CHO BỆNH NHÂN TIỂU ĐƯỜNG-CAO HUYẾT ÁP - Diuretics best first-step for high BP in diabetics

Một nghiên cứu ở Mỹ mới đây cho thấy, thuốc lợi tiểu có hiệu quả làm hạ huyết áp ở bệnh nhân tiểu đường týp 2 ngang với nhiều loại thuốc mới, đắt tiền hơn.
Các tác giả cho biết trong khi các chất ức chế men chuyển angiotensin (ACE) được khuyến nghị cho bệnh nhân tiểu đường-cao huyết áp và tổn thương thận, thì cách điều trị đầu bảng tốt nhất cho huyết áp cao ở những bệnh nhân tiểu đường không bị tổn thương thận lại chưa được biết một cách chắc chắn.
Để tìm hiểu vấn đề này, các tác giả đã phân tích kết quả từ 31.152 bệnh nhân tham gia trong thử nghiệm ALLHAT, những người này được chọn ngẫu nhiên để điều trị bằng thuốc lợi tiểu thiazid (chlorthalidon), thuốc chẹn kênh calci (amlodipin besylat), hoặc chất ức chế ACE (nisinopril). Trong số những người tham gia có 13.101 bệnh nhân bị tiểu đường týp 2, 1.399 người bị giảm đường huyết lúc đói và 17.012 có mức đường huyết bình thường.
Sau thời gian theo dõi trung bình gần 5 năm, không có sự khác biệt trong 3 nhóm điều trị về tỷ lệ bệnh tim gây tử vong hay đau tim không gây tử vong.
Có một số khác biệt quan trọng trong các kết quả khác, ví dụ bệnh tim gây tử vong và không gây tử vong hay xảy ra hơn 73% ở những người bị giảm đường huyết lúc đói dùng chất ức chế ACE hơn những người dùng thuốc lợi tiểu.
Suy tim cũng phổ biến hơn ở những người bị tiểu đường và những người có mức đường huyết bình thường dùng chất ức chế ACE hay chất chẹn kênh calci so với những người dùng thuốc lợi tiểu.
Kết quả ALLHAT cho thấy rằng thuốc lợi tiểu thiazid nên được xem xét là thuốc khởi đầu trong điều trị những bệnh nhân huyết áp cao và bệnh nhân tiểu đường týp 2 hoặc bị hạ đường huyết lúc đói. Những thuốc này không chỉ có hiệu quả mà còn được đánh giá trong nhiều thử nghiệm và là những thuốc rẻ tiền nhất để kê đơn.

Vân Anh(Archives of Internal Medicin)


Góc ảnh vui :

CHUYỆN TIỀN MẤT... TẬT MANG

Gần đây, ở nước ta các phương tiện thông tin thường hướng những bức xúc về những nguy hiểm tiềm tàng từ các thực phẩm chức năng, thuốc thiên nhiên, phương pháp phòng và chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Những sự kiện từ nền y tế Mỹ dưới đây sẽ giúp chúng ta phần nào nhận thức được: chuyện tiền mất tật mang là khá phổ biến trong điều trị bệnh bằng y học hiện đại và cần phải được cảnh báo.
Vì sao nước Mỹ phải chi tới 2.000 tỷ đô-la cho việc chữa bệnh? Quá nhiều chỉ định chữa bệnh, quá nhiều thuốc men, đặc biệt là các thuốc đắt tiền với hiệu quả và độ an toàn không hơn gì các thuốc rẻ tiền cổ điển và bỏ qua phòng bệnh - đây là kết quả của điều tra thẩm định sẽ được đăng trong tháng 11/2007 của Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng.
Đặc biệt, báo cáo này đã chỉ ra việc sử dụng 10 phương pháp chẩn đoán và điều trị gây tốn kém, lo lắng và có thể cả những tổn thương từ vừa đến nặng cho bệnh nhân mà không mang lại lợi ích đáng kể nào cho sức khỏe, chất lượng cuộc sống cũng như tuổi thọ của người bệnh. Đây là báo cáo thứ hai được đưa ra trong năm 2007 cho thấy sự lo ngại ngày càng gia tăng và sự mất lòng tin ở mức độ cao của dân Mỹ với nền y tế đã bị cơ chế thị trường và vụ lợi lũng đoạn trầm trọng.
Nguyên nhân của vấn nạn y tế tại Mỹ đã được báo cáo trên chỉ ra là do việc đại bộ phận các bác sĩ và bệnh viện được chi trả theo dịch vụ, nghĩa là càng nhiều xét nghiệm, chẩn đoán bằng chụp và các trắc nghiệm thì càng nhiều bệnh tật được bới ra, nhiều phẫu thuật lớn nhỏ được chỉ định... đồng nghĩa với thu nhập của họ sẽ tăng cao. Dưới đây là 10 chỉ định y khoa được dùng quá mức cần thiết vì mục đích lợi nhuận phổ biến nhất ở Mỹ:
1. Phẫu thuật lưng: Không nên xin mổ ngay theo lời khuyên của các bác sĩ nếu bạn bị thoát vị đĩa sụn. Trong hơn 90% trường hợp, hiện tượng đau sẽ tự mất đi trong vòng 6 tuần. Trong những trường hợp dai dẳng nhất, phẫu thuật với giá trung bình là 20.000 đô-la Mỹ có thể cải thiện hiện tượng đau nhanh hơn là vật lý trị liệu và dùng thuốc. Nhưng những nghiên cứu sau 2 năm đã cho thấy: bệnh nhân được mổ và không mổ đều trong tình trạng hoàn toàn tương tự.
2. Phẫu thuật thắt van dạ dày để chữa ợ chua, trào ngược axit thực quản: Thủ thuật này giá khoảng 14.600 đô-la Mỹ nhưng không mang lại một hiệu quả lâu dài nào cho bệnh nhân.
3. Chữa bệnh tiền liệt tuyến (nhiếp hộ tuyến): Phẫu thuật cắt bỏ hoặc thông tiền liệt tuyến không mang lại kết quả lâu dài trong việc giảm tỷ lệ tử vong và tăng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân so với các phương pháp điều trị không cần mổ. Nhưng đại bộ phận bệnh nhân đã không được thông tin thỏa đáng và cảnh báo về khả năng tổn thương rất phổ biến sau phẫu thuật là hiện tượng không kìm được nước tiểu và liệt dương.
4. Đặt máy chống rung tim tự động (Implanted Defibrillators): Phương pháp này có thể mang  lại cho bác sĩ và hãng sản xuất khoảng 90.000 đô-la Mỹ/người bệnh, nhưng lại không có hiệu quả và không cần thiết đối với nhiều bệnh nhân được chỉ định.
5. Nong mạch vành (Coronary Stents): Hàng tỷ đô-la Mỹ đã được chi cho phương pháp đặt các ống nong trong động mạch vành. Thế nhưng, một nghiên cứu rộng lớn và kéo dài đã cho thấy, với đại bộ phận bệnh nhân bị các cơn đại thắt mạch vành trong tình trạng ổn định, đặt stents cùng với điều trị bằng thuốc không mang lại một hiệu quả nào trong việc phòng các cơn đau tim hoặc tăng tuổi thọ cho bệnh nhân so với việc điều trị bằng thuốc đơn phương.
6. Mổ đẻ: Chỉ định mổ đẻ ngày càng tăng và rất nhiều trường hợp chỉ vì động cơ lợi nhuận. Theo ước tính, số trường hợp mổ đẻ không cần thiết (hoàn toàn có thể thúc việc sinh đẻ bằng các phương pháp không cần mổ) ở Mỹ năm 2005 là khoảng hơn 30%.
7. Chụp cắt lớp toàn bộ cơ thể: Các nghiên cứu đã cho thấy với người khỏe mạnh phương pháp này chỉ gây tổn thương, hoang mang chứ không mang lại một lợi ích nào cho việc giảm bệnh tật và tỷ lệ tử vong của họ. Lượng phóng xạ lớn có thể gây các tai họa tiềm tàng cho sức khỏe của con người.
8. Chụp động mạch kỹ thuật cao: Chụp động mạch (scan) để tìm vị trí bị co thắt thường có giá 450 đô-la Mỹ/lần, nhưng trong đại bộ phận các trường hợp nó không có giá trị thay thế được phương pháp chụp bằng cản quang cổ điển trong việc chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân.
9. Chụp vú bằng kỹ thuật cao: Chụp vú xử lý bằng phần mềm (software) để truy tầm ung thư vú đã gây thiệt hại cho y tế Mỹ khoảng 550 triệu đô-la Mỹ/năm. Những phương pháp này không làm tăng tỷ lệ chẩn đoán sớm, giảm tử vong cho phụ nữ mà ngược lại đã gây bao lo sợ cùng với việc chỉ định làm sinh thiết không cần thiết (cũng làm tăng thêm thu nhập cho bác sĩ và bệnh viện).
10. Làm nội soi đại tràng bằng hình ảnh: So với nội soi thông thường, phương pháp này kém nhạy cảm, thiếu chính xác và không mang lại lợi ích về sức khỏe cũng như kinh tế.
Báo cáo của Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng đã nhấn mạnh ở phần kết những cảnh báo về việc ngày càng nhiều dược phẩm mới, đắt tiền được chấp nhận và đưa vào sử dụng. Trong khi chúng không hề tốt hơn các thuốc đã có. Với sức mạnh về tài chính, kỹ năng quảng cáo, xui dại các bác sĩ... (các hãng dược phẩm chi ra khoảng 29,9 tỷ đô-la Mỹ để làm những việc này hằng năm), họ đã thu được lợi tức khổng lồ từ thành công trong việc lôi kéo các bác sĩ kê nhiều thuốc và những thuốc đắt tiền nhất. Đại bộ phận, khoảng 75% các thuốc được FDA chấp thuận trong những năm gần đây không phải là những phát minh mới, mà chỉ tương đương như các thuốc đã có giá với giá cả đắt hơn bội lần.
Trước đây, nhiều nghiên cứu tương tự bởi các khoa y tế cộng đồng tại một số đại học Mỹ cũng đã đưa ra một bức tranh tương tự về nền y tế Mỹ. Các báo cáo này cho thấy có từ hơn 50%-80% thuốc men, chỉ định xét nghiệm, trắc nghiệm và điều trị là không cần thiết (ít nhất là không mang lại lợi ích thực tế nào cho sức khỏe của bệnh nhân), chưa nói tới những tốn kém, tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần không đáng có cho người bệnh.
Trong công cuộc hội nhập để đưa đất nước và xã hội tiến lên, chúng ta cần học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm, chính sách của các nước phát triển. Nhưng chúng ta nên tỉnh táo để hạn chế nhập về những tệ nạn và việc làm có tiềm năng gây thiệt hại cho người dân, nhất là khi họ không may mắn, mắc phải bệnh tật, tai nạn...
TS.BS. Hoàng Xuân Ba


 

GÓC NHÌN CHUYÊN MÔN :

SUY NGHĨ TỪ MỘT CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU ĐA QUỐC GIA 
ĐẾN HÀNH ĐỘNG CỦA CHÚNG TA
                        Bs.Lê Duy Phong, Khoa Nội III - BVĐK tỉnh Bình Dương



“Nghiên cứu 3 trong 4 trường hợp tắc mạch phổi dẫn đến tử vong xảy ra trong môi trường không thuộc ngoại khoa, nhưng việc dự phòng huyết khối cho BN nội khoa lại ít thông dụng hơn so với BN phẫu thuật…”
“ Tần suất thuyên tắc tĩnh mạch sâu ở những dân số BN khác trong trường hợp không dự phòng thuyên tắc:
  • Các bệnh chung chung: 10- 26%
  • Đột quỵ: 56%
  • Nhồi máu cơ tim: 22%
  • Tổn thương tủy sống: 35%
  • Suy tim ứ huyết: 40%
  • Săn sóc tăng cường: 33%
Các trường hợp khác: ung thư, suy hô hấp, nhiễm trùng, nhiễm ceton acid, hội chứng thận, bệnh viêm đường ruột, bệnh tim phổi nặng là một nhóm nguy cơ quan trọng…”
“Các bác sĩ lâm sàng có ít bằng chứng về hiệu quả, tính an toàn của việc phòng ngừa huyết khối trong môi trường bệnh viện để có thể dựa vào đó mà ra các quyết định điều trị”.
Thực tế đáng sợ đến mức đó sao? Động thái của giới y khoa nói chung như thế nào, chẳng lẽ thản nhiên chấp nhận?
Enoxaparin 40mg 1 lấn mỗi ngày trong 6- 14 ngày làm giảm 63% thuyên tắc tĩnh mạch huyết khối và không làm tăng các tác dụng ngoại ý… có tính an toàn tương đương với giả dược
Có thật được như vậy không?Đây là lời khẳng định xuất phát từ đâu vậy, nó có đáng để chúng ta tin cậy để hoạch định chiến lược điều trị toàn diện hơn cho BN không?
MEDENOX ( Prophylaxis in MEDical patients with ENOXaparin) là một nghiên cứu mù đôi đối chứng với giả dược được thiết kế để làm sáng tỏ nguy cơ thuyên tắc huyết khối hiện thời ở quần thể BN nhân nội khoa… đã được ACCP (American College of Chest Americans) và hội Đồng thuận Quốc tế khuyến nghị điều trị dự phòng huyết khối… tổng cộng có 1102 BN được thu nhận ở 60 trung tâm y khoa tại 9 nước”.
Cần nói thêm rằng Enoxaparin sodium là 1 loại Heparin trọng lượng phân tử thấp có hoạt tính anti-Xa cao và kháng thrombin thấp, không làm tăng TS và ít thay đổi aPTT, không ảnh hưởng sự kết tập tiểu cầu; theo dỏi điều trị đơn giản và ít tác dụng phụ hơn so với Heparin cổ điển.
Phần lớn huyết khối tĩnh mạch sâu là  không có triệu chứng cho đến khi nó đủ lớn để thể hiện bệnh ( thì đã muộn! ). Chẩn đoán xác định thuyên tắc huyết khối đã hình thành chủ yếu bằng lâm sàng và xạ hình mạch máu.( nhưng đã điều trị dự phòng thì hà tất phải làm thủ tục này?)
Kính thưa các bậc đồng nghiệp, ở bệnh viện ta hiện nay thì sao:
Các nhóm Bn của cả  3 khoa nội thuộc diện có yếu tố nguy cơ cao như  đã nêu trên là không ít phải không? (đó là chưa kể Số BN ở khối ngoại- sản!)


Thái độ và mức độ quan tâm đến vấn đề nầy như thế nào? Có phải dự phòng thì thụ động và điều trị thì bị động ? Ngoài chỉ định cho Bn bị nhồi máu cơ tim, chạy thận nhân tạo, hầu như hiện nay chúng ta chưa dùng thêm cho đối tượng Bn nào khác cả. Còn nhiều BN bị đói thuốc kháng đông! Có lẽ đã có  nhiều trường hợp thuyên tắc phổi tử vong mà chúng ta chưa đủ điều kiện để xác định chẩn đoán.
Nhưng việc áp dụng điều trị dự phòng thì có khả thi không?
Hoàn toàn có! Vì sao?
Chúng ta dể dàng xác lập được nhóm Bn thuộc diện nguy cơ cao bị thuyên tắc huyết khối (và cũng không khó khăn gì để loại ra khỏi nhóm những Bn có cơ địa dể chảy máu);
Chúng ta đã có đủ thuốc và phương tiện cận lâm sàng thiết yếu để theo dỏi điều trị;
Chúng ta có đủ cơ sở dữ liệu tin cậy của y văn thế giới ( căn cứ khoa học và pháp lý).
Chúng ta không tốn công bao nhiêu nhưng lợi ích cho Bn thì đáng kể biết bao!
Huyết khối tĩnh mạch sâu phần lớn diễn tiến âm thầm đến khi bộc lộ triệu chứng thì đã muộn rồi; lúc này việc điều trị thật lắm nhiêu khê, nhiều tốn kém, không ít di chứng nếu may mắn sống còn ( thuốc kháng đông chỉ ngăn chặn thành lập huyết khối, khi đã có huyết khối thì phải dùng thuốc tiêu sợi huyết với qui trình điều trị phức tạp và chi phí cao hơn rất nhiều). Nó là 1 thứ bom hẹn giờ mà những chiến sĩ áo trắng như chúng ta phải có trách nhiệm sớm phát hiện ra và vô hiệu hóa ngòi nổ…


Rất mong sự phản hồi của các quý đồng nghiệp!




TIỂU PHẨM CƯỜI :

NHỮNG NGƯỜI THÍCH ĐÙA (Aziz Nesin)




Một hôm, cách đây chừng 7, 8 tháng, có người bạn hỏi tôi:
-Tại sao anh không đeo kính?
-Làm sao tôi phải đeo?
-Tuổi anh bây giờ là phải đeo rồi chứ còn sao nữa. Không đeo, đến lúc mắt hỏng nặng, không nhìn thấy gì đâu!
Từ lúc người bạn đó ra về, mắt tôi tự dưng mờ hẳn. Nhìn gần nhìn xa đều không rõ nữa.
Lâu nay tôi vẫn thầm mong cho tóc chóng rụng, cho trán hói đi. Rồi đeo thêm chiếc kính vào cho ra dáng trí thức. Vì tôi cho như thế là dấu hiệu của một anh trí thức. Ngay như anh bán thịt bây giờ mà để trán hói và mang kính vào, tôi cho trông cũng không khác gì giáo sư đại học! Nhưng cái mơ ước ấy của tôi không thực hiện được, vì tóc tôi mỗi ngày một dày thêm. Thế thì ít ra tôi cũng nên sắm cái kính mà đeo vậy. Ai nhìn thấy tôi, người ta phải bảo: bác học đấy!
Vậy là tôi đi khám đốc tờ. Khám xong, ông này bảo tôi:
-Anh bị cận thị! 1, 75 đi-ốp!
Theo đơn ông ta dặn, tôi sắm một cái kính. Nhưng cứ động đeo vào là tôi thấy mặt mày sa sầm, buồn nôn không chịu được. Thậm chí có lần, nói vô phép các bạn, tôi nôn thật! Nôn thốc nôn tháo, nôn ra cả mật xanh mật vàng. Không đeo thì không nhìn thấy gì, mà đeo thì tuy nhìn thấy được, nhưng lại bị cảm giác buồn nôn. Thật đúng là khổ!
Một ông bạn khác thương hại bảo tôi:
-Tôi có thể giới thiệu với anh một ông bác sĩ giỏi. Anh hãy đến ông ta khám xem!
Ông bác sĩ này xem mắt tôi, rồi xem chiếc kính.
-Thằng cha lang băm nào cho anh đơn mưa cái kính này thế? Có phải anh bị cận thị đâu!
-Thế tôi bị làm sao ạ?
-Viễn thị ! 2 đi-ốp!
Tôi lại mua kính mới. Ðeo chiếc kính này tôi không còn thấy chóng mặt buồn nôn nữa, nhưng lúc nào cũng bị chảy nước mắt. Ðâm ra mắt tôi lúc nào cũng đỏ hoe; như khóc ai vậy. Tôi bị cái cảm giác thương xót rất lạ. Cặp kính này chỉ có đeo để đi đưa đám là hợp.
Một ông bạn thân tỏ vẻ ái ngại cho tôi:
 -Thế này thì cậu đến mù mất! Cậu phải đi khám bệnh viện nhà nước xem sao! ở đấy họ khám cẩn thận. Lại có giáo sư nhãn khoa nữa, chứ không như mấy ông bác sĩ tư!
Bệnh viện nhà nước quả là có khác thật : máy móc nhiều, mà dụng cụ cái gì cũng sáng loáng.
Tôi được một giáo sư khám. Tôi kể cho giáo sư nghe cái bất hạnh của tôi:
-Người thì bảo tôi là cận thị, người thì bảo là viễn thị!
Giáo sư giận lắm :
-Quân ngu! Anh không phải cân thị, cũng không phải viễn thị, mà là loạn thị!
Theo đơn của giáo sư, tôi mua đôi kính khác. Cặp kính này tôi đeo vừa lắm, trông cái gì cũng rõ. Phải mỗi tội bây giờ cái gì như cũng lùi hẳn ra xa. Mấy bức tường trong căn buồn tôi sống hàng chục năm nay dường như bị lùi xa đến hàng ba chục thước. Tôi giơ tay chực bắt tay người quen, nhưng không sao với tới được. Ðịnh viết, giấy đã chạy xa khỏi tay đến hai thước. Nhìn vật gì cũng thấy bé tí xíu. Người thì chỉ bằng hạt đậu ván... Nhưng hại nhất là tôi không ăn uống gì được. Vì vừa ngồi vào bàn là đĩa thức ăn đã chạy đi xa hai chục thước rồi. Mùi súp nóng bốc ngay dưỡi mũi, nhưng cứ cầm thìa chực múc, thì bát súp đã ở cách xa hàng hai mét! Tôi không ăn uống cử động gì được nữa. Một anh bạn phải dắt tay tôi đến một bác sĩ khác tốt nghiệp ở Mỹ về. Khám xét cẩn thận xong ông ta bảo tôi:
-Ðứa nào cho anh đơn mua cái kính này đây? Ðúng là đồ lang vườn dốt nát ! Anh cứ kiện lên phòng công tố cho nó bỏ mẹ!
-Thôi ! Cứ để thánh Ala trừng phạt hắn ! - Tôi nói.
Tôi lại thay kính mới. Bây giờ mắt tôi nhìn cái gì cũng hoá hai. Nhà tôi đang bảy người, bỗng nhiên thành mười bốn. Mỗi người lại có một người giống hệt mình. Thật tôi chưa bao giờ thấy chuyện lạ như vậy. Chả lẽ lại có những người giống nhau đến mức độ như thế hay sao? Vô lý quá! Nhìn xuống chân thì thấy bốn chiếc ủng, nhìn bàn tay thì thấy có mười ngón!
Tôi đến một ông bác sĩ khác. Ông này học ở Ðức về.
-Ai bảo anh đeo kính này?
-Làm sao ạ?
-Sai chứ còn sao nữa!
Hoá ra một mắt tôi bị viễn, còn mắt kia thì cận. Vị danh y mới lại ghi cho tôi chiếc kính khác. Bây giờ tôi không phân biệt được sáng tối ưữa. Xung quanh tôi tối như hũ nút.

-Ðứa dốt nào ghi cho anh chiếc kính này vậy hả? Mắt anh hoàn toàn bình thường, có làm sao đâu?

-Nhưng tôi không thấy gì cả! Tối cứ như bưng ấy!
-Thế là anh bị quáng gà thôi, chứ chẳng có làm sao hết!
Lại uống thuốc, lại tiêm, lại kính mới... Bây giờ các vật ở xa trông lại hoá gần. Chân đáng lẽ leo lên tàu thuỷ, thì lại bước ngay xuống biển... Vì tàu chưa cập bến, nhưng trông cứ như đã ngay sát bờ. Không còn viên bác sĩ nào trong tỉnh là tôi chưa mò đến! Ông này bảo mắt phải tôi cận, mắt trái viễn thì ông khác nói ngược lại. Ông trước kêu bị loạn thị thì ông sau phán là bị đục nhân mắt. Ðeo kính của cái ông bảo tôi bị đục nhân mắt, thì cái gì cũng xa màu xanh cả. Có ông còn đoán tôi bị chứng mù màu.
Nhìn phía trước nhìn sang bên, nhìn xa nhìn gần, cái gì cũng biến thành hai, màu sắc lẫn hết. Ði trên đường thẳng mà tôi có cảm giác như bước xuống cầu thang, mỗi bậc cách nhau hàng bốn năm chục phân. Tôi cứ phải bước từng bước dài như lạc đà vậy.
 Một lần, đang đi trên cầu, thế quái nào tôi bước hụt một cái, ngã lăn quay xuống dưới. Vì cứ tưởng những bậc cầu thấp hơn đến một mét. Cái kính bị văng đi làm tôi không nhìn thấy gì nữa. Cái gì cũng mờ mờ ảo ảo. Người ta đỡ tôi dậy:
-Cái kính của tôi đâu rồi? - Tôi hỏi.
Họ tìm thấy kính đưa cho tôi. Tôi đeo kính vào thì... Thánh Ala ơi!... Mọi vật bỗng trở nên sáng sủa rõ ràng quá ! Vật nào đúng vật nấy, rõ mồn một! Rõ như chưa bao giờ tôi có thể nhìn rõ vậy. Hay kính của người khác chăng ? Không! Ðích thị kính của tôi đây mà! Ðúng gọng sừng to màu đen đây! Tôi sướng không sao tả được! Bây giờ thì đừng hòng tôi bước chân đến một anh bác sĩ mắt nào nhé! Tôi đã đọc được cả mấy dòng chữ nhỏ nhất trên báo và nhìn rõ cả tên chiếc tàu thuỷ đậu tít ngoài xa. Tôi đi về nhà, lòng vô cùng sung sướng.
-Kính của anh sao thế kia? - Vợ tôi hỏi.
-Làm sao?
Tôi bỏ kính ra xem. Ngón tay thò qua được cả lỗ gọng! Té ra mắt kính đã bị vỡ rơi mất rồi mà tôi không biết.


THƠ TÌNH IT :
Nếu một ngày...

Nếu một ngày Windows em báo lỗi
Anh nguyện làm các Soft test đơn phương
Từng Sector anh đi khắp nẻo đường
Fix hết nhé những Error trêu tức.

AVI kia những đêm dài thao thức
Lỗi mất rồi thiếu Codec em ơi!
Ngó Display lòng thấy quá chơi vơi
Anh DIVX nhìn em cười từ tốn.

Em lướt Web bao Trojan săn đón
Anh xin làm chàng NAV đứng ngóng trông
Cố sức mình Scan hết băng thông
Che chở em trước muôn ngàn Virus.

Bao Spyware ngồi nhìn em hóng hớt
NAV đơn côi thấp thoáng phía kia đường
Khi Hacker giẫm đạp chẳng xót thương
Co mình lại giương Firewall chống đỡ.

Nếu một mai Admin em có lỡ...
Delete rồi File chứa những yêu thương
Đôi mắt biếc Paint đầy nỗi vấn vương
Đừng khóc nữa anh Restore trở lại.

Em giận hờn cưỡi IE chạy mãi
Anh hoảng hồn lấy Firefox đuổi theo
Đằng xa kia Netscape đá lông nheo
Cancel luôn vì em là trên hết.

Em RAM ít nên Run nhiều sẽ mệt
Anh sẽ làm Physics Memory
Search cùng em trên khắp nẻo đường đi
Anh mạnh mẽ nhờ hai RAM cùng Bus.

Accept nhé lời tỏ tình bất chợt
Hai trái tim sẽ Connect dài lâu
Dẫu Phishing có lừa dối đến đâu
Tin anh nhé vì tình anh còn mãi...

Một vài từ viết tắt:
*AVI : một định dạng của file Video
*DIVX: phần mềm xem file *.avi
*NAV: Norton Anti Virus
*IE : trình duyệt web Internet Explorer
*BUS: băng thông bộ nhớ.
(Sưu tầm)
___________________________________

Tóc vàng hoe làm hướng dẫn viên
Ảnh: Yahoo
Ảnh: Weblog.
Cô hướng dẫn viên xinh đẹp, tóc vàng hoe dẫn một ông khách Mỹ tham quan một vòng ở TP HCM.

Đi ngang nhà thờ Đức Bà, khách hỏi: "Chỗ này là gì vậy?".
Tóc vàng hoe toát mồ hôi vì không biết Nhà thờ Đức Bà tiếng Anh là gì nên trả lời đại: "Jesu die here" (Chúa Jesu chết ở đây).
Nghe xong khách choáng váng. Lát sau đi ngang Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, ông khách hỏi: "Chỗ này là gì, sao đông người vậy?".
Tóc vàng trả lời: "America (chỉ vào ông khách) and Vietnam (chỉ vào mình) pằng pằng. People die here" (Mọi người chết ở đây).
Ông khách há hốc mồm: "Oh my God!" (Ôi chúa ơi.).
Cuối cùng đi ngang bệnh viện Từ Dũ: "Cô ơi, chỗ này là đâu vậy?".
Nàng lại nhíu mày suy nghĩ: "Men - women, pằng pằng, Baby born here" (Đàn ông và phụ nữ ... bọn trẻ sinh ra ở đây) !
Khách : !!????........
(Sưu tầm)
Những thắc mắc làm các hãng IT phát... khóc
Kỹ thuật viên của Dell tá hỏa khi một khách hàng nổi giận quát tháo ầm ĩ: "Máy móc của các ông là cái thá gì mà bảo tôi là tồi tệ và hết khả năng làm chuyện ấy hả?"
Hóa ra, ông ta tưởng máy tính "chửi" mình khi nhận được những từ ngữ như "Bad" và "Invalid". Nhân viên phải giải thích đó là "câu lệnh sai" (bad command) và "thao tác hết hiệu lực" (invalid responses).
Một khách hàng của IBM gặp rắc rối với việc cài đặt phần mềm và gọi hỗ trợ. "Tôi đưa đĩa vào, mọi việc rất ổn thỏa. Nhưng khi nó nói cho đĩa thứ 2, tôi thấy có gì đó không ổn", ông khách băn khoăn. "Đến khi nó bảo đưa đĩa thứ 3, tôi thấy máy các ngài thật sự không ổn. Làm gì có chỗ để nhét vừa cơ chứ!"

(VnExpress)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét