Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu: 'Tôi thăm một trạm y tế vùng cao, bao năm không đổi'
TTO - "Tôi lại được thăm một trạm y tế của xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Lại những bất cập bao năm nay không đổi" - bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Quốc hội, giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội kiêm giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bình Dương, viết.
Và hơn tất cả là nỗi trăn trở làm sao để trạm y tế xã chữa được bệnh cho người dân? Bác sĩ Hiếu viết:
Nhân viên y tế vừa thiếu về số lượng và ngày càng yếu về chất lượng. Thuốc điều trị bệnh mạn tính cấp định kỳ có đúng một loại, bình oxy chưa sử dụng bao giờ, các thủ thuật dù là đơn giản cũng không làm được nên đương nhiên bà con dân tộc đẻ ở nhà còn hơn đến trạm y tế xã.
Ngoài những bất cập về cơ chế chính sách, cung ứng trang thiết bị, thuốc men, theo tôi nguyên nhân chính là nhân viên y tế hoàn toàn thiếu động lực phát triển. Ra trường sách vở rơi rụng theo thời gian, nên cậu bác sĩ 37 tuổi kiến thức chắc không được bằng anh sinh viên Y6.
Mà kinh nghiệm tích lũy cũng chẳng có bao nhiêu vì bệnh gì chả chuyển. Nếu ai quyết tâm học thì đã lên huyện, tỉnh hoặc mở phòng mạch tư, để lại cho hệ thống công một trạm y tế chỉ phục vụ cho y tế dự phòng, chức năng điều trị gần như chỉ chiếm dưới 10%, mà đây mới là chức năng có thể mang lại niềm tin cho bà con.
Hồi còn nhỏ tôi rất mê bộ phim Thầy Lang, một bộ phim điện ảnh Ba Lan nói về giáo sư y khoa thất tình bỏ nhà ra đi. Ông sống ở một làng quê với kiến thức uyên bác, tuy phương tiện thô sơ nhưng vẫn cứu chữa được rất nhiều bệnh nhân.
Cuối cùng ông bị bắt vì ăn trộm bộ dụng cụ phẫu thuật. Ra tòa vì không có giấy phép hành nghề, nhưng tất cả đều sáng tỏ khi mọi người nhận ra vị giáo sư đáng kính.
Đây là một phần động lực để tôi theo đuổi ngành y và năng đến các địa phương khó khăn cả trong và ngoài nước.
Đến bao giờ trạm y tế xã mới thực sự là nơi người dân đến khám chữa bệnh. Câu trả lời là cần phải thay đổi về mặt cơ cấu tổ chức và ứng dụng công nghệ.
Về tổ chức, rất cần biến trạm y tế xã thành một phòng khám của trung tâm y tế huyện, quản lý cả con người và kinh phí. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ có lịch định kỳ xuống trạm để khám bệnh. Bác sĩ của trạm cần theo học một chuyên ngành, mà theo tôi khuyến khích là nội tổng hợp và chứng chỉ sơ cứu ngoại khoa.
Người dân sẽ biết lịch khám chuyên khoa để đến trạm, nơi đây sẽ tấp nập vào ra nếu những bệnh lý thông thường, mạn tính (tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn) được quản lý tốt…
Về ứng dụng công nghệ, cần triển khai đường truyền hội chẩn online cho tất cả các trạm y tế - phòng khám, đặc biệt ở vùng đặc biệt khó khăn. Telehealth nghe rất nghiêm trọng nhưng chỉ một màn hình, camera và một đường truyền Internet là đủ để chữa được bao nhiêu trường hợp mà trước đây không bao giờ tìm đến trạm y tế xã, phường.
Thay đổi rất khó, nhưng đã đến lúc chắc chắn phải làm. Cứ bắt đầu bằng một huyện rồi nhân rộng ra cả tỉnh. Một ví dụ tốt sẽ là chìa khóa mở hướng đi mới, mà theo tôi chắc chắn sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Quốc hội đương nhiệm và giám đốc hai bệnh viện (là người duy nhất làm giám đốc hai bệnh viện cùng lúc ở Việt Nam). Ông sinh năm 1972, là phó giáo sư, tiến sĩ chuyên khoa tim mạch.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu: Nên bỏ từ 'xã hội hóa y tế'
TTO - Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng chúng ta không thể xã hội hóa y tế bằng cách tư nhân bỏ tiền ra chung với bệnh viện mua cái máy, đặt trong bệnh viện sử dụng rồi chia nhau lợi nhuận ở trong bệnh viện công.
Nêu ý kiến về dự án Luật khám chữa bệnh (sửa đổi) vào chiều 8-9, đại biểu, PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định - giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) xin góp ý vào một điều khoản về hợp tác công tư trong y tế - được xem là quan trọng nhất và đang vướng nhất.
Ông đề xuất nên bỏ từ "xã hội hóa y tế" bởi tìm kiếm trong lịch sử ngành y Việt Nam và thế giới không thấy có định nghĩa thế nào là xã hội hóa y tế và chưa ai đánh giá từ này mà ta cứ dùng.
"Chúng ta không thể xã hội hóa y tế bằng cách tư nhân bỏ tiền ra chung với bệnh viện mua cái máy đặt trong bệnh viện sử dụng, rồi chia nhau lợi nhuận ở trong bệnh viện công. Không xã hội hóa bằng cách như vậy và không nên dùng từ xã hội hóa y tế", ông Hiếu nêu.
Theo ông Hiếu, chỉ nên quy định ba hình thức hợp tác công - tư trong y tế. Cụ thể:
Hình thức đầu tiên là cho vay. Trong đó khuyến khích điều này để các bệnh viện có thể đứng tư cách pháp nhân vay của các tổ chức tín dụng, tổ chức quốc tế cho vay. Sau đó đầu tư bằng nguồn tiền vay đó và bệnh viện có trách nhiệm bảo vệ vốn vay như trách nhiệm của một doanh nghiệp.
Thứ hai là thuê. Hình thức thuê đã có nhưng hiện chưa rõ ràng để các bệnh viện thực hiện.
Ông nói việc thuê có thuê hai chiều. Chiều thứ nhất, bệnh viện công thuê các phương tiện, trang thiết bị của bệnh viện tư, tư nhân như các máy móc đắt tiền, không đủ điều kiện mua. Bệnh viện chịu trách nhiệm thuê để hoạt động hiệu quả.
Chiều thứ hai của thuê là tư nhân thuê của bệnh viện công. Chiều này rất khó nhưng trong dự án luật nên đặt ra hướng để các luật khác sẽ hỗ trợ giúp trở thành hiện thực.
Ông dẫn ví dụ các thương hiệu lớn trên thế giới như Accor có các thương hiệu như Sofitel, Novotel. Họ không trực tiếp xây khách sạn nhưng lấy thương hiệu để vận hành. Đấy chính là cách hiện nay đang rất hiệu quả.
"Y tế công có thương hiệu, hiểu biết, nguồn lực chất xám rất lớn nhưng không đủ khả năng để bỏ tiền ra xây dựng bệnh viện và kém nhất là vận hành bệnh viện về mặt quản trị.
Chúng ta lấy thế mạnh của y tế công là thương hiệu, niềm tin của người dân, chất xám các bác sĩ, điều dưỡng, nhà khoa học và vận hành do tư nhân thực hiện. Tất nhiên rất khó định giá thương hiệu bệnh viện, tài sản công nhưng cần hướng đi này", ông Hiếu nêu ý kiến.
Thứ ba, theo ông Hiếu đề xuất là hợp tác công tư phi lợi nhuận. Đây là hướng trên thế giới đã triển khai rất lâu, thành công. Chúng ta đã có bệnh viện tư nhân phi lợi nhuận nhưng chưa có bệnh viện nào hợp tác công tư phi lợi nhuận.
"Hợp tác công tư phi lợi nhuận là các nhà hảo tâm, quỹ xây dựng bệnh viện rồi cho bệnh viện công vận hành.
Lợi nhuận nếu có không chia cho nhau mà giữ lại đầu tư để phát triển bệnh viện rộng hơn, nâng cao đời sống cán bộ, nhân viên bệnh viện và cho các bệnh nhân nghèo, khó khăn.
Đây là mô hình nên khuyến khích và chắc chắn sẽ có rất nhiều tổ chức, cá nhân bỏ tiền ra xây dựng bệnh viện với thương hiệu nhà nước phục vụ người bệnh, để tiếng thơm cho tổ chức, cá nhân", ông Hiếu đề xuất.
Ông dẫn chứng thêm tại Hàn Quốc các bệnh viện lớn, thương hiệu lớn đều do các cá nhân, tổ chức xây dựng, vận hành phi lợi nhuận. Tại châu Âu có những tập đoàn quỹ hằng năm chuyển tiền, lấy thương hiệu của bệnh viện đó chữa bệnh cho người dân.
Dự thảo luật trình hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã quy định, việc thu hút đầu tư tư nhân trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng, bền vững, hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng.
Dự thảo cũng nêu hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm đầu tư theo hình thức đối tác công tư, các hình thức xã hội hóa khác theo quy định của Chính phủ.
Theo dự thảo thì Chính phủ quy định chi tiết điều này.
THÀNH CHUNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét