Thứ Tư, 14 tháng 12, 2022

Bà Vi Thị Nguyệt Hồ, phu nhân giáo sư Tôn Thất Tùng, qua đời - Người phụ nữ 60 năm gắn bó với nghiệp điều dưỡng

 Lan Anh 

Theo thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và gia đình, bà Vi Thị Nguyệt Hồ, phu nhân giáo sư Tôn Thất Tùng, đã qua đời hôm 13-12, hưởng thọ 94 tuổi.

Bà Vi Thị Nguyệt Hồ, phu nhân giáo sư Tôn Thất Tùng, qua đời - Ảnh 1.

Giáo sư Tôn Thất Tùng cùng vợ, bà Vi Thị Nguyệt Hồ và cháu nội Tôn Nữ Hiếu Thảo.

Bà Vi Thị Nguyệt Hồ sinh năm 1929, gần như cả cuộc đời đã gắn với nghề điều dưỡng và là người sáng lập Hội Điều dưỡng Việt Nam.

Nhưng hơn tất cả, tên tuổi của bà gắn bó với danh xưng " phu nhân giáo sư Tôn Thất Tùng ", cây đại thụ của ngành y khoa và sau này là tên tuổi người con trai là phó giáo sư Tôn Thất Bách, cố hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội và từng nhiều năm là giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Tuy gắn bó với những cây đại thụ trong gia đình, và ngoài chồng và con trai bà còn có nhiều anh chị em họ hàng đều rất nổi tiếng, nhưng bà Vi Thị Nguyệt Hồ cũng đã tạo dựng được sự nghiệp cho mình ở nghề nghiệp vốn hết sức vất vả và gắn bó với việc phục vụ bệnh nhân là nghề điều dưỡng.

Bà đã "làm" điều dưỡng suốt đời, sau hơn 40 năm làm việc tại bệnh viện, đến cuối những năm 1980 bà đã bắt tay cùng các đồng nghiệp xúc tiến thành lập Hội Y tá - Điều dưỡng Việt Nam (hội thành lập năm 1990, nay là Hội Điều dưỡng Việt Nam), và nữ điều dưỡng Vi Thị Nguyệt Hồ đã làm chủ tịch hội này đến năm 2012, góp phần hỗ trợ và tôn vinh nghề điều dưỡng.

Và điều đặc biệt là sự dũng cảm khi bà lần lượt trải qua nỗi đau mất chồng: giáo sư Tôn Thất Tùng đã mất năm 1982, đến năm 2004 con trai bà, phó giáo sư Tôn Thất Bách qua đời.

Ông Phạm Đức Mục, chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, chia sẻ ông đã đồng hành cùng bà Nguyệt Hồ từ những ngày đầu tiên vận động thành lập hội và đã học tập được rất nhiều ở bà.

"Cô là hình mẫu về sự tận tụy, yêu nghề, hơn 40 năm làm điều dưỡng ở phòng mổ, những phẫu thuật viên khó tính nhất cũng đều yên tâm khi có cô phụ giúp. Cô là gương sáng về nghề nghiệp với nhiều thế hệ điều dưỡng trước đây và sau này học tập" - ông Mục nói.

Tang lễ bà Vi Thị Nguyệt Hồ tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội ngày 15-12.

Người phụ nữ 60 năm gắn bó với nghiệp 

điều dưỡng

SKĐS - Chớm thu, gió nhẹ, trời mát, trong căn biệt thự cổ trên phố của trung tâm Thủ đô Hà Nội, chúng tôi ngồi trò chuyện với bà hay nói đúng hơn là ngồi nghe bà kể chuyện về chính cuộc đời bà...

Chớm thu, gió nhẹ, trời mát, trong căn biệt thự cổ trên phố của trung tâm Thủ đô Hà Nội, chúng tôi ngồi trò chuyện với bà hay nói đúng hơn là ngồi nghe bà kể chuyện về chính cuộc đời bà - một người vợ, người mẹ mà tên tuổi của bà đã gắn liền với hai cây đại thụ của nền ngoại khoa Việt Nam là cố GS. Tôn Thất Tùng và cố PGS. Tôn Thất Bách, cũng như công việc mà vô tình số phận đã “se duyên” cho bà gắn bó suốt 60 năm cuộc đời - nghề điều dưỡng. Thế nhưng câu chuyện của người phụ nữ hiền hậu, đẹp mặn mà và quý phái dù đã bước vào tuổi gần 90 trước mắt tôi say mê, hào hứng kể về nghề điều dưỡng bao nhiêu thì lại chùng xuống khi nói về những kỷ niệm của năm tháng GS. Tùng, PGS. Bách chưa đi vào hư không...

“Nghề điều dưỡng đã chọn tôi”

Cô gái Vi Thị Nguyệt Hồ của nhiều năm trước được sinh ra trong một gia đình dòng dõi quí tộc và được gia đình tạo điều kiện học hành đầy đủ, thông thạo tiếng Pháp và tiếng Anh. Nhưng rồi, “tiếng sét trái tim” với BS. Tôn Thất Tùng đã khiến cô gái 16 trăng tròn Vi Thị Nguyệt Hồ kết hôn, dù cô kém chồng 17 tuổi.

Bà Vi Thị Nguyệt Hồ. Ảnh Ngọc Thắng

Sau khi kết hôn, người vợ trẻ ở nhà nội trợ, còn GS.VS. Tôn Thất Tùng khi đó là bác sĩ của nhà thương Làm phúc (Bệnh viện Việt Đức ngày nay) ở phố Phủ Doãn. Khi cách mạng về mang theo thông điệp phụ nữ bình quyền, phu nhân của BS. Tùng đã quyết định hưởng ứng bằng cách tham gia đội Hồng thập tự.

“Là đội viên Hồng thập tự, nay gọi là Hội Chữ thập đỏ, hằng ngày chúng tôi đến nhà thương Làm phúc để chăm sóc những người ốm đau. Được các chị y tá bày cách chăm người bệnh, theo dõi sức khỏe, động viên họ, dần dần tôi biết làm việc của y tá như: thay băng, chăm sóc vết thương”, bà nhớ lại.

Quãng những năm 1948 - 1949, gia đình  bà Vi Thị Nguyệt Hồ theo cách mạng lên chiến khu ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang để cấp cứu, điều trị và chăm sóc cho hàng vạn thương bệnh binh. Năm 1954 Giải phóng Thủ đô, ông bà trở về Hà Nội. Ban đầu, bà Nguyệt Hồ tình nguyện vào làm việc cùng các đồng nghiệp của chồng, sau đó bà tham gia lớp học y tá sơ cấp chính quy tại ĐH Y Hà Nội rồi làm việc chính thức trong Bệnh viện Việt Đức, trở thành người y sĩ làm công việc gây mê và dụng cụ viên phòng mổ tài năng, góp phần thành công cho các ca mổ khó của GS.VS. Tôn Thất Tùng.

“Đấy, duyên phận cho tôi gặp anh Tùng, nhưng cũng chính duyên phận gắn bó tôi với nghề điều dưỡng. Mà có lẽ nghề này đã chọn tôi, đã “ngấm” vào tôi ngay từ khi còn là cô nữ sinh trường Pháp đang tuổi ăn, tuổi học vì thế mà tôi đã tình nguyện tham gia đội “Hồng thập tự” từ rất sớm, rồi cứ thế tôi gắn bó với nghề - với nghiệp chăm sóc người bệnh đến 40 năm liền”- bà Hồ kể lại.

Không để mình là “cái bóng” của hai bậc thầy về ngoại khoa

Bệnh viện Việt Đức của những năm đầu sau Giải phóng Thủ đô thiếu thốn đủ thứ, “vá găng, mài kim khâu vết mổ” là chuyện thường tình nhưng bà Nguyệt Hồ luôn quán xuyến, chuẩn bị dụng cụ phẫu thuật chu đáo hoàn hảo nhất cho cuộc mổ. Mỗi ca mổ nặng như cắt gan - mổ tim... mổ cấp cứu thời đó rất nhiều nên cần phải dự trù số lượng máu cần cho ca mổ, bà Nguyệt Hồ luôn quan tâm tới điều này, vì không đủ máu đồng nghĩa với ca mổ phải hoãn lại hoặc người bệnh có thể tử vong. Do đó, bà thường xuyên xuống tận ngân hàng máu của bệnh viện làm việc cụ thể, vận động người cho máu và khi cần cấp cứu bà đã nhiều lần cho máu của mình để cứu người bệnh...

Bà Hồ nhớ lại: Thời đó khó khăn là thế nhưng tôi vẫn duy trì những nguyên tắc vệ sinh vô trùng phòng mổ như: vệ sinh phòng mổ hàng ngày, đầu giờ sáng, giữa hai ca mổ và cuối ngày bà đều lau chùi máy móc, tủ, bàn mổ và sàn nhà cũng như không bao giờ quên tổng vệ sinh định kỳ hàng tuần, hàng tháng, vì nguyên tắc bất di bất dịch của GS. Tôn Thất Tùng trong thực hiện mỗi ca mổ là phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ vô trùng trong phòng mổ. Thầy Tùng cũng chỉ yên tâm khi mọi việc đã được y tá Nguyệt Hồ “tổng duyệt”. Hiểu rất rõ công việc của phẫu thuật viên, đặc biệt các ca mổ lớn như: mổ tim, cắt gan khô, điều dưỡng Nguyệt Hồ luôn chuẩn bị rất chu đáo vật dụng dự phòng cho các tình huống khó có thể xảy ra để phẫu thuật viên nhanh chóng có dụng cụ xử trí.

“Trong phòng mổ, thầy Tùng khó tính lắm, ai sai sót sẽ bị ông mắng. Nhưng bù lại, ai làm tốt thế nào cũng được thưởng hộp sữa đặc, lúc đó là món bồi dưỡng quý lắm. Còn ở nhà, hầu như sáng sáng ông đều tự tay pha cà phê đem đến tận nơi cho vợ”, bà Nguyệt Hồ hạnh phúc khi nhớ về những năm tháng là người bạn nghề, bạn đời với cố GS.VS. Tôn Thất Tùng.

Là con nhà quan, học trường Pháp từ nhỏ nên tiếng Pháp với bà Nguyệt Hồ ngày đó là tiếng phổ thông. Tiếng Anh cũng được bà tự học và sử dụng khá nhuần nhuyễn. Mỗi khi có chuyên gia nước ngoài tới thăm và làm việc, bà rất tự tin trò chuyện, giao tiếp lưu loát, trao đổi công việc. Nhờ nỗ lực không ngừng của bản thân, không chỉ phụ giúp chồng rất hiệu quả những ca mổ tim, cắt gan vô cùng khó khăn trong điều kiện thiếu thốn mà sau này khi thiết bị phòng mổ hiện đại hơn bà vẫn tiếp nhận, tham gia phụ mổ cho con trai là PGS.TS. Tôn Thất Bách.

Mỗi lần bà cùng chồng đi công tác ở nước ngoài hay tham dự hội thảo, ngoài các vấn đề lớn trao đổi về khoa học, bà không quên chia sẻ những khó khăn của Việt Nam như những thiếu thốn từ xà phòng rửa tay đến kim luồn và dây truyền, găng tay... vậy là các bạn đồng cảm và ngay lập tức trước cửa phòng mổ, phòng hồi sức các bệnh viện mà bà có cơ hội trao đổi bên nước bạn đều có thùng giấy to với dòng chữ: “From Việt Nam - GS. Tôn Thất Tùng”, mọi thứ không dùng đến họ đều bỏ vào thùng này và gửi về Việt Nam cho GS. Tôn Thất Tùng ở Bệnh viện Việt Đức Hà Nội.

Là vợ, là mẹ của hai bậc thầy trong chuyên ngành ngoại khoa của nền y học Việt Nam, được giới y học thế giới đánh giá cao và ngưỡng mộ, song bà Vi Thị Nguyệt Hồ luôn tự khẳng định mình bằng chính những công việc mà bà lựa chọn, để người ta nhớ về bà, là một Vi Thị Nguyệt Hồ chứ không chỉ là vợ của GS.VS. Tôn Thất Tùng, hay mẹ của PGS. Tôn Thất Bách. Đặc biệt, thời gian gắn bó với Bệnh viện Việt Đức là một quãng thời gian đáng nhớ trong cuộc đời bà. Là vợ của một giáo sư đầu ngành, bà rất được trọng vọng. Nhưng bà vẫn có cuộc sống độc lập của riêng mình, không dựa dẫm, núp dưới cái bóng quá lớn của chồng. Ngày nắng cũng như ngày mưa, bà đến bệnh viện làm việc bằng chiếc xe đạp cũ. Dù ông lúc nào cũng có xe đón xe đưa, bà Hồ chỉ đi xe cùng ông trong những dịp họ mời cả hai vợ chồng đi họp...

Bà Vi Thị Nguyệt Hồ ngày còn làm việc tại BV Việt Đức. Ảnh Ngọc Thắng

“Con trai tôi luôn tự hào giới thiệu: Mẹ tôi là điều dưỡng”

Theo bà Nguyệt Hồ, y tá (giờ đã được đổi là điều dưỡng) thường đảm đương những công việc khá vất vả nhưng thầm lặng lắm. Chúng tôi luôn cố gắng chăm sóc người bệnh tốt nhất, rồi mừng với người bệnh khi khỏe mạnh về nhà. Xã hội có tiến đến đâu thì con người vẫn cần sự yêu thương. Trong cuộc sống đời thường sự phân chia giàu nghèo, giai cấp là rõ ràng, nhưng chỉ khi bị ốm đau người ta mới hiểu rằng con người ta đều như nhau vì không ai có thể chọn: tôi chọn bệnh này - tôi không muốn bệnh kia và vì thế họ càng cần những người  có tầm lòng bao dung, độ lượng tất cả vì người bệnh. Không chỉ trong phòng mổ mà còn cả quãng thời gian chăm bệnh nhân hậu phẫu cũng phải rất sát sao.

“Khi còn làm việc, trước khi ra về, thế nào chúng tôi cũng đảo lại thăm bệnh nhân, sớm mai đến cũng qua thăm họ trước khi giao ban để còn nắm tình hình người bệnh. Điều dưỡng ví như cái báo động, khi bệnh nhân có biến đổi gì nặng phải nhận biết được để báo nhanh với bác sĩ. Mà bản thân cũng phải biết xử trí, biết sơ cứu đầu tiên để giúp bệnh nhân không lâm vào nguy kịch”- bà Vi Thị Nguyệt Hồ nhớ lại.

Cho đến nay bà đã trải qua 60 năm gắn bó với nghề điều dưỡng, trong đó 40 năm công tác tại Bệnh viện Việt Đức, 20 năm là Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam.

Hơn 40 năm gắn bó với phòng  mổ Bệnh viện Việt Đức, bà Nguyệt Hồ đã có nhiều đóng góp duy trì các chuẩn mực thực hành trong phòng mổ. Bà cũng là tấm gương mẫu mực về y đức, sự thương yêu và tận tụy phục vụ người bệnh. Trong quá trình công tác, bà đã đào tạo nhiều thế hệ điều dưỡng và sinh viên y thực tập tại các phòng mổ.

Trong suốt 20 năm qua, với cương vị là Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, bà Vi Thị Nguyệt Hồ đã cống hiến toàn bộ sức lực của mình cho sự phát triển của nghề điều dưỡng, là niềm tự hào của điều dưỡng cả nước, là tấm gương mẫu mực về say mê nghề nghiệp, là ngọn cờ đoàn kết và tập hợp hội viên cả nước. Bà đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến  hạng III, được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, bà được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp.

Tôi cũng như nhiều anh chị em ngồi bên bà buổi sáng chớm thu hôm đó đã đặt câu hỏi “sao ngày đó, bà không đi học bác sĩ?”. Hồn hậu cười, bà bảo với chúng tôi: Chồng tôi là bác sĩ rất có trách nhiệm với bệnh nhân và với gia đình. Nếu như tôi làm tốt công tác hậu cần chăm sóc con cái, gia đình và tổ chức tốt công việc trong phòng mổ giúp cho chồng tôi và con trai tôi sau này, để họ hoàn thành nhiệm vụ cứu chữa cho bệnh nhân thì đó chẳng phải là hạnh phúc hay sao?  Con trai tôi, cậu Bách ấy luôn luôn tự hào mỗi lần giới thiệu với bạn bè, đồng nghiệp trong nước và quốc tế “Mẹ tôi là điều dưỡng”, vậy tại sao tôi cần phải học bác sĩ? Ánh mắt bà đượm buồn khi dừng câu nói và nhìn về di ảnh cậu con trai yêu PGS. Tôn Thất Bách đã lặng lẽ vào cõi thiên thu từ năm 2004...


Thái Bình

Nữ y tá được xem là hình mẫu điều dưỡng Việt Nam

HÀ NỘIBà Vi Thị Nguyệt Hồ, vợ GS. Tôn Thất Tùng và là mẹ PGS. Tôn Thất Bách - hai "cây đại thụ" ngành y Việt Nam, vừa qua đời, gợi nhiều hồi ức từ đồng nghiệp của bà.

Bà Hồ mất hôm 13/12, hưởng thọ 94 tuổi, làm y tá, điều dưỡng, kỹ thuật viên gây mê phụ mổ tại Bệnh viện Việt Đức từ những năm 1950 đến khi về hưu. Bà là một trong những người sáng lập Hội Y tá - Điều dưỡng Việt Nam năm 1990 và là Chủ tịch đầu tiên của hội, nhằm tập hợp và đoàn kết lực lượng điều dưỡng cả nước. Thời điểm này, công việc của y tá - điều dưỡng không được xem trọng dù là người kề cận với người bệnh hơn cả bác sĩ.

Bà Hồ về sau được ngành y tôn vinh là hình mẫu cho người điều dưỡng, nhận nhiều danh hiệu và giải thưởng như Vì sự tiến bộ của Điều dưỡng Việt Nam (2020), Thầy thuốc Ưu tú, Trí thức tiêu biểu của Tổng Hội Y học Việt Nam (2019), Giải thưởng quốc tế Cống hiến trọn đời của Hiệp hội Quản lý bệnh viện châu Á (2016). Tuy nhiên, nhiều người biết đến bà Hồ nhiều hơn ở vai trò là vợ GS. Tôn Thất Tùng và mẹ PGS. Tôn Thất Bách.

Một ngày sau khi bà mất, GS.TS Đặng Hanh Đệ (86 tuổi, học trò của GS. Tùng) cùng vợ Lê Lan Phương (82 tuổi, bác sĩ gây mê) lần giở những tấm ảnh và kỷ vật của người đồng nghiệp, người bạn lâu năm.

Ông Đệ kể, hồi thập niên 1960, khi bắt đầu phụ mổ cho GS. Tùng tại Bệnh viện Việt Đức, ông Đệ nhớ hình ảnh bà Hồ đi làm bằng chiếc xe đạp cũ, bất kể ngày mưa hay nắng. Thầy Tùng là lãnh đạo bệnh viện nên lúc nào cũng có xe hơi đưa đón, song bà chỉ đi cùng xe với chồng trong những dịp đặc biệt. Mỗi trưa, bà ăn cơm độn hạt cùng mọi người và tuyệt nhiên không bao giờ nhắc đến chồng hay thể hiện mình là vợ giám đốc.

"Bà là vợ nhà khoa học đầu ngành, được trọng vọng và kính nể, nhưng luôn khiêm tốn, nhẹ nhàng, vẫn có cuộc sống riêng, chứ không chỉ sống trên danh nghĩa là vợ của cố GS Tùng", ông Đệ nói.

[Caption].    ;;;;;

Bà Vi Thị Nguyệt Hồ về già. Ảnh: Viên Hồng Quang

Nói về người thầy của mình, ông Đệ cho biết GS Tùng trái ngược hoàn toàn với vợ. Ông là người khó tính, cẩn thận, chú ý từng đường kim mũi chỉ trong cuộc mổ, từ đó chủ động ứng phó nếu xảy ra biến chứng... và chỉ yên tâm khi mọi khâu trước ca mổ đã được y tá Nguyệt Hồ "tổng duyệt".

"Bất kỳ cuộc mổ nào có bà, mọi người gần như không phải lo nghĩ, chỉ việc phẫu thuật", bác sĩ Lê Lan Phương nói, thêm rằng thời gian đầu bà Hồ tự đưa dụng cụ cho thầy Tùng, sau đó hướng dẫn cho y tá mới thực hiện. Bà luôn căn dặn mọi người phải nắm tình trạng bệnh nhân để xử trí khi có bất thường, đồng thời tìm hiểu ý thích của phẫu thuật viên thì cuộc mổ mới thuận lợi.

Còn theo PGS. TS. Nguyễn Tiến Quyết, nguyên giám đốc Bệnh viện Việt Đức, bà Hồ là trợ thủ đắc lực cho thầy Tùng trong các ca mổ. Bà vừa làm kỹ thuật viên gây mê, vừa quán xuyên công việc, hỗ trợ cho chồng. Câu nói ông Quyết nhớ nhất về bà là "người thầy thuốc phải có tâm, hiểu và hết lòng với bệnh nhân". Bởi vậy, khi 50 tuổi, bà Hồ vẫn tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Năm 90 tuổi, mọi người vẫn tin tưởng bầu bà tiếp tục làm Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam.

Bác sĩ Đặng Hanh Đệ và vợ (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng bà Hồ (ở giữa) hồi tháng 10/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bác sĩ Đặng Hanh Đệ và vợ (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng bà Hồ (ở giữa) hồi tháng 10/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cuộc đời bà Hồ có hai nỗi đau không gì bù đắp đó là mất chồng, mất con. Bác sĩ Đệ nhớ lại, ngày 7/5/1982, GS. Tùng lên cơn nhồi máu cơ tim. Khi đến nhà, bà Hồ đang hỗ trợ hô hấp nhân tạo trên giường cho thầy. Bà liên tục khóc, nói "anh Tùng bị ngừng tim rồi". Theo phản xạ, một bác sĩ ra đầu giường đặt nội khí quản bóp bóng, bác sĩ Đệ quỳ lên trên giường bóp tim ngoài lồng ngực, còn bà Hồ bẻ ống thuốc để tiêm cho chồng, không ai nói với ai câu gì. Một lúc sau bà Hồ nói: "Hơi thở có mùi acidose rồi, không còn hy vọng nữa đâu" nhưng mọi người vẫn tiếp tục cấp cứu. Đến khi đường điện tim của GS. Tùng là một đường thẳng, tất cả mới dừng lại.

22 năm sau, năm 2004, PGS. Tôn Thất Bách cũng mất vì nhồi máu cơ tim, trong một chuyến đi công tác xa. "Cú sốc quá lớn, tưởng như bà Hồ ngã quỵ", bà Phương nói. "Dao sắc không gọt được chuôi", từ đó bà sống lặng lẽ, thu mình hơn.

Mỗi tháng hai lần bà Hồ đạp xe đến nghĩa trang Mai Dịch để thắp hương cho chồng và con trai - thói quen bắt đầu từ khi ông Tùng mất. Còn ở nhà, bà đều đặn thắp hương buổi sáng và tối. Với bà, góc bàn thờ trở thành nơi lưu giữ di ảnh quý, để thành kính tưởng niệm những người thân yêu đã mất. Bà vẫn giữ nguyên mọi đồ đạc, kỷ vật, sách vở của chồng trong phòng khách, như sự hiện diện hàng ngày của ông trong đời sống của bà. Mỗi năm cứ đến ngày sinh nhật chồng, căn phòng chưa đến 12 m2 tấp nập người quen là những học trò, người bạn cũ và bệnh nhân đến chúc mừng.

"Bởi vậy, khi bà Hồ mất, mọi người tiếc thương, cầu phúc và mong hai cụ sớm gặp lại nhau. Cả hai đều đã sống một cuộc đời đáng sống, trọn vẹn, không còn gì tiếc nuối", bác sĩ Phương chia sẻ.

Anh Viên Hồng Quang, một biên tập viên ảnh được tiếp xúc thường xuyên với bà Hồ hai năm cuối đời, cũng cảm phục tình yêu của bà dành cho người chồng đã mất. 40 năm qua, bà Hồ đều pha một cốc cà phê nâu đặt lên bàn làm việc của chồng mỗi sáng - như thói quen của ông lúc sinh thời. Hàng ngày, bà vẫn đọc sách để trí óc minh mẫn và tự làm các công việc vệ sinh cá nhân. Trong ký ức của anh, bà có nụ cười rất đẹp, nhẹ nhàng, hiền lành, khiêm tốn.

Còn với đồng nghiệp, bà là người phụ nữ cởi mở, độc lập, mạnh mẽ. "Bởi vậy, khi bà mất, mọi người nhớ về bà là một y tá Vi Nguyệt Hồ chứ không chỉ là vợ của GS. Tôn Thất Tùng", anh Quang nói.

[Caption]...

Bà Hồ gặp sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội đầu tháng 11/2022. Ảnh: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y Hà Nội

Bà Vi Thị Nguyệt Hồ (1929-2022) sinh ra trong gia đình quý tộc, là cháu nội của Tổng đốc Vi Văn Định, thông thạo cả tiếng Pháp và Anh. Bà kết hôn với giáo sư Tùng khi tuổi đời còn rất trẻ, sau đó làm việc tại Bệnh viện Việt Đức. Trong kháng chiến chống Pháp, bà đã từng tham gia Hồng Thập tự, tham gia cứu chữa nhiều thương bệnh binh tại chiến khu Việt Bắc.

GS. Tôn Thất Tùng là bác sĩ, nhà khoa học và nhà phẫu thuật nổi tiếng của Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực gan và giải phẫu. Ông là người đầu tiên nghiên cứu thành công phương pháp cắt gan có kế hoạch, còn được gọi là phương pháp cắt gan khô hay "phương pháp Tôn Thất Tùng". Sau này, ông có nhiều cống hiến cho ngành y học Việt Nam trên cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại khoa (Đại học Y Hà Nội), Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, Thứ trưởng Y tế nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông là người thầy đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ tài năng cho ngành y học nước nhà.

GS. Tôn Thất Tùng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, viện sĩ Viện hàn lâm Y học Liên Xô, viện sĩ Viện hàn lâm Phẫu thuật Paris, hội viên Hội các nhà phẫu thuật Lyon (Pháp)...

Thùy An - Lê Nga

Những lá thư tình của giáo sư - viện sĩ 

Tôn Thất Tùng gửi vợ

TTO - Luôn muốn được mọi người biết đến với danh xưng là nữ y tá Vi Thị Nguyệt Hồ chứ không chỉ là vợ của giáo sư - viện sĩ Tôn Thất Tùng, không khi nào bà bước chân lên ô tô riêng đón chồng, dù bà có thể cũng đi về hướng ấy...

Những lá thư tình của giáo sư - viện sĩ Tôn Thất Tùng gửi vợ - Ảnh 1.
Một bức ảnh chụp vào dịp Tết của vợ chồng giáo sư Tôn Thất Tùng - Vi Thị Nguyệt Hồ - Ảnh tư liệu gia đình

Hôm qua 15-12, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và gia đình đã tổ chức tang lễ cho bà Vi Thị Nguyệt Hồ (phu nhân giáo sư - viện sĩ Tôn Thất Tùng).

Bà Vi Thị Nguyệt Hồ qua đời vào tối 13-12, hưởng thọ 94 tuổi. Câu chuyện tình yêu của bà và chồng, suốt đời gắn bó với hai cây đại thụ của nền y khoa Việt Nam là chồng (giáo sư - viện sĩ Tôn Thất Tùng, 1912 - 1982) và con trai (phó giáo sư - viện sĩ Tôn Thất Bách, 1946 - 2004) luôn được mọi người nhắc đến.

Những lá thư tình yêu

Như phần đông phụ nữ Việt Nam với bản chất thuần hậu, kể từ khi trở thành "bà Tôn Thất Tùng", cuộc đời của bà Nguyệt Hồ rẽ sang hướng mới. Từ cô tiểu thư, bà đi học y khoa và trở thành y tá (hiện nay gọi là điều dưỡng), làm người phụ tá đắc lực cho ông trong công việc. Rất nhiều ca mổ của ông có bà là phụ mổ, tâm đầu ý hợp trong từng động tác nhỏ.

Những thầy thuốc học trò của giáo sư Tùng kể rằng chỉ cần ông đưa tay ra là bà đặt đúng con dao mà ông cần. Là vợ chồng nhưng tính ông nghiêm khắc, hơi nóng nảy. Không ít lần ông mắng bà ngay ở phòng mổ. Thậm chí có lần ông còn ném cả hộp dụng cụ đi, bà lại nhặt lên. Tình yêu và sự nhẫn nại luôn đem lại những ngọt lành. Mối tình son sắt của ông bà chính là một minh chứng cho điều đó.

Bác sĩ Tôn Thất Tùng thường có những chuyến công cán xa nhà. Những chuyến đi có cả vợ cả chồng chắc chắn là những kỷ niệm đẹp nhất trong tâm trí của cả hai người. Nhưng còn rất nhiều chuyến đi một mình, kể cả trong nước hay ngoài nước. Trong mỗi chuyến đi đó, bác sĩ Tôn Thất Tùng thường viết thư cho vợ.

Những bức thư, được viết từ bàn tay tài hoa quen cầm dao mổ, chan chứa tình cảm lãng mạn và lấp lánh chất văn học nhưng cũng mang ánh nhìn quan sát tỉ mỉ của "dân" khoa học. Trong mỗi lá thư, ông kể chi tiết về những địa danh đã đi qua và những khách sạn ông đặt chân đến. Con người và cảnh sắc thiên nhiên ở những vùng đất xa lạ hiện lên sinh động qua những dòng "tình thư" thấm đẫm nỗi niềm.

"Anh đã tới New Delhi từ chiều hôm qua, đi máy bay 4 động cơ của Anh, Hãng BOAC. Hotel ở đây sang quá, tính ra 90 rayne 1 ngày (trên 60.000 đồng, bằng 2 tháng lương của Hồ). Nhà cửa ở đây đồ sộ kiểu Anh, Mỹ, lạ lắm...".

"Ở Matxcơva vui vẻ lắm. Thịt bò mềm như ở Mỹ (hơn cả Pháp nữa) và cá hộp thì tha hồ. Lúc về anh đem về nhiều hộp cá sardine và bánh cho em và cả nhà. Anh ở chỗ cũ, chỗ mà Hồ và anh đã ở rồi, yên tĩnh. Anh thấy khỏe nhiều và đã đi bộ chơi trên con đường cũ mà Hồ đã biết...".

Những tình thư khi nào cũng kết thúc bằng những cảm thán rất... Tây. "Hôn em, nhớ em lắm", "Hôn Hồ của anh"...

Năm 1982, giáo sư Tôn Thất Tùng qua đời. Bà Vi Thị Nguyệt Hồ trở thành quả phụ khi ngoài 50 tuổi. Cháu nội của bà, nhà thiết kế thời trang - nhà báo Tôn Hiếu Anh, kể rằng khi còn khỏe, tuần nào bà nội cũng đi xe máy xuống mộ ông ngồi trò chuyện hàng giờ như thể kể cho ông hết niềm vui nỗi buồn của cả 7 ngày xa cách. Khi không còn tự đi xe máy được nữa, bà lại thuê riêng một chiếc taxi để đi "gặp" người chồng thương yêu mỗi tháng một lần.

Những lá thư tình của giáo sư - viện sĩ Tôn Thất Tùng gửi vợ - Ảnh 2.

Thầy thuốc ưu tú Vi Thị Nguyệt Hồ (1928 - 2022)

Điều dưỡng trọn đời

Luôn muốn được mọi người biết đến với danh xưng là nữ y tá Vi Thị Nguyệt Hồ chứ không chỉ là vợ của giáo sư - viện sĩ Tôn Thất Tùng, hình ảnh quen thuộc của bà trên chiếc xe đạp hằng ngày đến Bệnh viện Việt Đức là điều mà nhiều đồng nghiệp cùng thế hệ vẫn lưu giữ trong tâm trí. Nữ y tá Nguyệt Hồ không khi nào bước chân lên ô tô riêng đón chồng, dù bà có thể cũng đi về hướng ấy.

Bởi vậy, tình yêu bà dành cho chồng cũng là mối chân tình của một phụ nữ mạnh mẽ, một hậu phương vững chắc của người chồng giỏi giang. Bà chính là người tham gia sáng lập Hội Y tá - Điều dưỡng Việt Nam và giữ vị trí chủ tịch hội trong suốt 22 năm, từ 1990 đến 2012. Bà đã đào tạo và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ điều dưỡng và sinh viên y khoa Việt Nam, góp phần nâng cao vai trò vị thế của người điều dưỡng trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Vì những đóng góp thiết thực của mình, bà Vi Thị Nguyệt Hồ đã được trao Giải thưởng Cống hiến trọn đời (Lifetime Archivement Award) của một tổ chức y tế uy tín trên thế giới. Ông Phạm Đức Mục, chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, chia sẻ ông đã cùng "cô Hồ" tham gia vận động thành lập hội từ những ngày đầu tiên và đã học được rất nhiều ở cô.

"Nghề điều dưỡng thực sự vất vả. Nếu gia đình có một người ốm liệt, phải hỗ trợ thở, chăm sóc đã vất vả, nhưng ở bệnh viện, điều dưỡng phải chăm nhiều người bệnh cùng lúc, áp lực rất nhiều. Nhờ nỗ lực của nhiều thế hệ điều dưỡng, đặc biệt là cô Hồ, đến nay vai trò của điều dưỡng trong chăm sóc sức khỏe người dân đã được cải thiện hơn" - ông Mục nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét