Cẩm Chi
Pasteur, Yersin, Calmette là những bác sĩ tài đức nổi tiếng bởi những phát minh vĩ đại cho nền y học thế giới. Hai người trong số đó còn có thời gian sinh sống và làm việc ở Việt Nam, sáng chế những liều thuốc quý giá cứu sống hàng triệu người khỏi dịch bệnh, bệnh tật.
Pasteur
Sài Gòn hiện có hai con đường cùng mang tên Pasteur tại quận 1, quận 3 và Thủ Đức. Tại khu vực quận 1 - quận 3, đường Pasteur dài gần 2,7km, từ phường Nguyễn Thái Bình, Bến Thành của quận 1, sang các phường 6, 8 của quận 3. Đây cũng là một trong những con đường xưa nhất Sài Gòn, được thành lập từ năm 1865. Thời kỳ đó, bến Chương Dương còn là một con rạch, với 2 con đường Olivier và Pellerin. Khi con kênh bị vùi, đường Olivier mất theo. Đến năm 1955, con đường được đổi tên thành đường Pasteur.
Đường Pasteur, đoạn trước cổng Trường Đại học Kiến trúc nổi tiếng với hai hàng cây xanh mát
Louis Pasteur (1822 - 1895) được coi là ông tổ của vắc-xin. Với vai trò một nhà nghiên cứu, bác sĩ người Pháp, ông là cha đẻ của ngành nghiên cứu vi sinh vật học với nhiều phát hiện về các nguyên tắc của tiêm chủng, lên men vi sinh và thanh trùng. Ông cũng là người sáng chế ra thuốc kháng sinh đầu tiên trên thế giới. Pasteur có vai trò quan trọng trong việc bác bỏ Thuyết tự sinh, vốn được in sâu trong tư tưởng của các nhà khoa học trước đó. Ông đã thí nghiệm và cho mọi người thấy rằng nếu không có sự nhiễm khuẩn từ bên ngoài, thì vi sinh vật chẳng thể tự mình xuất hiện. Viện Pasteur cũng được thành lập dựa trên ý tưởng của ông.
Louis Pasteur được gọi là “cha đẻ vắc-xin”, tuy nhiên ông lại chưa từng học y
Đóng góp to lớn của Pasteur được ghi nhận bằng việc có khá nhiều con phố, đường, địa danh của Việt Nam mang tên ông. Ngoài TP.HCM, Pasteur cũng được đặt tên đường ở Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bà Rịa Vũng Tàu, vườn hoa Pasteur ở Hà Nội... Con đường Pasteur ở quận 3 cũng là nơi tọa lạc của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập năm 1891. Đây là nơi chuyên nghiên cứu và thí nghiệm các bệnh nhiệt đới và dược phẩm ở Việt Nam.
Viện Pasteur TP.HCM có tuổi đời hơn 300 năm
Yersin
Alexandre Émile Jean Yersin (1863 - 1943) là một bác sĩ, nhà vi khuẩn học, nhà thám hiểm người Pháp gốc Thụy Sỹ. Đóng góp của ông cho nền y học chính là người đồng phát hiện nguồn gốc gây ra bệnh dịch hạch, nghiên cứu về độc tố bệnh bạch hầu, tham gia việc phát triển huyết thanh ngừa bệnh dại. Ở tuổi 25, ông nhận bằng Tiến sĩ Y khoa với nghiên cứu về bệnh lao.
Bước ngoặt cuộc đời của ông chính là năm 27 tuổi, ông đã trải qua nhiều chuyến thám hiểm, khám phá các địa danh ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á thời đó. Năm 1891, ông quyết định sinh sống ở Nha Trang.
Bác sĩ Yersin có 50 năm gắn bó với Việt Nam
Bác sĩ Yersin để lại ký ức sâu đậm tại Việt Nam, ông được gọi cái tên thân mật là Ông Năm và thường khám chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo. Ông cũng là một trong những người đầu tiên sáng lập ra viện Pasteur - Sài Gòn, Nha Trang, đồng thời là người thành lập và là hiệu trưởng đầu tiên của trường Y khoa Hà Nội (tiền thân của Đại học Y Hà Nội). Ông cũng có nhiều đóng góp trong lĩnh vực nông nghiệp như là người đầu tiên nhập giống cây cao su về trồng tại Việt Nam, trồng các loại cây thuốc chữa bệnh chữa bệnh sốt rét, cảnh báo giông bão và các hiện tượng khí hậu ảnh hưởng tới nông dân…
Ngoài ra, Yersin là người đã khám phá ra Cao nguyên Lâm Viên, có công lớn trong việc phát hiện ra Đà Lạt vào năm 1893, dần dần biến nơi này thành một thành phố nghỉ dưỡng xinh đẹp, trung tâm du lịch của Đông Dương.
Ngôi nhà gỗ mà Yersin sinh sống ở Nha Trang là địa điểm tham quan nổi tiếng ở thành phố biển
Năm 2014, ông đã được truy tặng “Công dân Việt Nam danh dự”. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Bình Dương, Ninh Thuận đều có những con đường, công viên được đặt tên để vinh danh Yersin. Ngoài ra, còn có nhiều công trình có giá trị văn hóa lịch sử kiến trúc như viện Pasteur Nha Trang, trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt, Đại học Yersin…
Calmette
Sinh cùng thời với Yersin ở thế kỷ 19, Albert Calmette (1863 - 1933) là một trong những học trò của Louis Pasteur. Calmette được Pasteur giao nhiệm vụ thành lập, xây dựng và chỉ đạo chi nhánh của viện Pasteur tại Sài Gòn vào năm 1891. Ông trở thành viện trưởng đầu tiên ở chi nhánh đầu tiên ngoài nước Pháp của viện Pasteur Paris.
Calmette là một vị bác sĩ nổi tiếng người Pháp có nhiều đóng góp cho viện Pasteur
Trong 3 năm tại Sài Gòn, Calmette đã hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ khi vừa xây dựng cơ sở, cải tiến kỹ thuật và thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán bệnh. Ông phát triển thành công kháng độc tố đầu tiên chống nọc độc của rắn và thực hiện nghiên cứu về bệnh tả, làm men rượu. Ông là người đã phát triển thành công vaccine phòng bệnh chó dại, đậu mùa và bệnh lao. Sau đó, ông còn hợp tác với bác sĩ Borrel hoàn thiện các tìm tòi của bác sĩ Yersin về vi trùng bệnh dịch hạch, cộng tác với bác sĩ J.Guérin hoàn thành phương thuốc ngừa lao.
Đường và cầu Calmette thuộc phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP.HCM
Để ghi nhớ công lao của ông, người Pháp ở Sài Gòn đã đặt tên ông cho các địa danh ở đây. Đường Calmette khởi đầu từ Bến Chương Dương ngay cầu Calmette tới đường Trần Hưng Đạo. Đây là một con đường thuộc loại xưa nhất thành phố. Cầu Calmette bắc qua kênh Bến Nghé, từ đường Calmette thuộc quận 1 sang đường Đoàn Văn Bơ thuộc quận 4. Cây cầu mới được xây dài 300m, rộng 22m, với 6 làn xe.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét