Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

Vui, buồn ngày thầy thuốc

 Quan Thế Dân

Vui, buồn ngày thầy thuốc

Hàng năm cứ đến ngày Thầy thuốc Việt Nam, tôi lại suy nghĩ về nghề nghiệp đã gắn bó gần trọn cuộc đời.

Chắc chắn rằng ở bất cứ lĩnh vực nào cũng có những chuyện vui, chuyện buồn. Với tôi là người đã trải qua nghề y cả trong thời kỳ bao cấp và giai đoạn chuyển đổi mấy chục năm qua, hiện về hưu rồi vẫn tiếp tục làm việc thì không khỏi có nhiều trăn trở.

Đầu tiên phải nói rằng y tế nước nhà đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ, so với các nước có cùng quy mô kinh tế có lẽ ngành y Việt Nam không thua kém, nếu không muốn nói có những điểm nổi trội hơn. Các cấp quản lý cũng như xã hội vẫn luôn quan tâm đến ngành y, hàng năm đến dịp kỷ niệm chúng tôi luôn nhận được những lời chúc mừng và hoa tươi.

Đó là chuyện vui. Nhưng dịp kỷ niệm không chỉ để chúc tụng mà còn là khoảng thời gian lắng đọng chia sẻ thật lòng với nhau. Ngay trước ngày thầy thuốc là những thông tin về tình trạng thiếu thốn vật tư, thiết bị y tế diễn ra ở nhiều nơi. Vật tư y tế tại những bệnh viện lớn ở Hà Nội và TPHCM như Việt Đức, Bạch Mai, K, Chợ Rẫy… để dành chăm sóc người bệnh được phản ánh là gần như đã hết, các hóa chất xét nghiệm phục vụ chẩn đoán, điều trị cho người bệnh cũng cạn kiệt.

Đó là tình hình chung, còn với mỗi cá nhân bác sĩ, y tá và những người làm việc trong ngành y có lẽ cũng không tránh khỏi những suy tư. Tôi không nói là tất cả, nhưng khi thống kê số cán bộ, công chức nghỉ việc, chuyển việc trong thời gian qua, chúng ta thấy chiếm đa số là lĩnh vực y tế, giáo dục. Thực tế này phần nào phản ánh môi trường làm việc, thu nhập trong lĩnh vực y tế công đang chưa đáp ứng được nguyện vọng của người lao động.

Cá nhân tôi từ trải nghiệm của chính mình trong mấy chục năm qua thấy rằng ngày trước, người dân nói về ngành y một cách tôn trọng. Họ nói với nhau: "ông bác sĩ dặn thế", hoặc tệ lắm thì "bác sĩ bảo thế". Còn bây giờ, tôi vào buồng bệnh khám bệnh xong, chưa kịp ra khỏi buồng bệnh nhân đã oang oang gọi điện thoại báo về nhà thông báo: "chưa được ra viện đâu, chúng nó bảo thế".

Cách đây mấy ngày, trong đêm, một người nhà than phiền là cháu bé bị mê man. Bác sĩ trực là một bác sĩ trẻ, ra khám và trả lời rằng bé ổn định, không có gì nguy hiểm, chỉ là bé đang ngủ thôi. Để chứng minh, bác sĩ trẻ kia khám thần kinh và véo da cháu bé để thử phản xạ. Cháu bé tỉnh giấc khóc ầm ĩ. Lẽ ra người mẹ phải mừng vì con mình bình thường, thì không phải vậy. Người mẹ chửi bác sĩ té tát vì cấu con mình. Cậu bác sĩ trẻ kia sợ hãi không biết phân trần ra sao cho người mẹ hiểu, đành im lặng chịu trận.

Những câu chuyện kiểu như này tôi và đồng nghiệp gặp khá thường xuyên. Ai cũng có thể kể ra nhiều trải nghiệm cay đắng tương tự. Đấy là còn nhẹ. Thỉnh thoảng chúng tôi còn bị đánh, bị dọa giết.

Sao thế nhỉ. Do xã hội hay do chúng tôi? Trước khi bước chân vào ngành y, chúng tôi đều là những chàng trai cô gái ưu tú về cả đạo đức lẫn học lực, phải qua tuyển chọn gắt gao, mới được theo nghề y. Để rồi sau bao năm theo nghề, bỗng một ngày chúng tôi nhận ra, mình từ khi nào đã không còn được sự chia sẻ, thiện cảm từ người bệnh.

Với trải nghiệm của đời người, theo tôi nguyên nhân đầu tiên và lớn nhất là bất cập về cơ chế hoạt động và bất cập giữa kỳ vọng của người dân với đầu tư của xã hội.

Các bất hợp lý như chính sách trả lương cho nhân viên y tế, về quyền tự chủ của bệnh viện, về giá dịch vụ, về cơ chế đấu thầu, về cơ chế đầu tư… đã gây khó khăn cho hoạt động y tế thời gian qua, nhất là các bệnh viện công. Điều này là một thực tế lâu nay nhưng chưa được giải quyết triệt để cả về nguyên nhân chủ quan và khách quan, để đến nỗi hiện nay nhiều bệnh viện lớn phải kêu lên là vật tư chỉ đủ dùng trong chưa đến một tuần.

Bất cập thứ hai là nguồn lực đầu tư dành cho y tế. Người dân từ lâu vẫn nhớ các kỷ niệm thời kỳ bao cấp với y tế và giáo dục là miễn phí. Tuy cái miễn phí của thời ấy vô cùng chật vật, nhưng vẫn là miễn phí. Nó in hằn sâu trong ký ức người dân. Giờ mô hình kinh tế đã thay đổi, mọi hoạt động kinh tế xã hội đều phải tự hạch toán, không còn miễn phí chung chung như trước. Người dân đi viện vốn tâm lý nặng nề, lại thêm áp lực về sự quá tải bệnh viện, về chi phí… thì không khỏi có những phản ứng oán trách, mà oán trách gần nhất là đổ lên đầu người bác sĩ đang đứng cạnh mình.

Đứng trước tình hình đó, giải pháp đúng đắn nhất là phải minh bạch thay vì lấp lửng. Chúng ta giao cho ngành y nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân, nhưng nguồn lực đầu tư không đáp ứng yêu cầu nên ngành y vẫn phải xoay xở để hoàn thành nhiệm vụ. Vậy cái phần thiếu hụt kia ngành y lấy gì ra để bù vào. Xin thưa nguồn lực thiếu hụt ấy được bù đắp bởi sự cắt xén bớt các tiêu chuẩn nghiệp vụ, cắt xén các khấu hao cơ sở vật chất, cắt xén các đãi ngộ của nhân viên y tế...

Khi ngành y có những biểu hiện của bất cập giữa đòi hỏi của nhiệm vụ và khả năng đáp ứng đầu tư thì ngành y lại phát động phong trào y đức. Tôi hoàn toàn nhất trí với việc là con người thì ai cũng cần phải sống có đức. Ngành nào cũng cần đạo đức. Nhưng chúng ta không thể dùng y đức như một công cụ vạn năng để giải quyết mọi khó khăn, và thực tế dù y đức đến đâu nhưng thiếu thốn trang thiết bị, vật tư, các quy định quản lý trói buộc thì bác sĩ cũng đành bó tay.

Tôi nhớ từ 1996 thì bắt đầu nói mạnh về y đức, kiểm điểm cuối năm, nâng bậc nâng lương, xét đi học, xét lên chức... đều mang y đức ra khảo. Chính trong thời kỳ này, vị trí của ngành y dần xuống thấp. Mọi khó khăn, nỗi khổ của nhân viên y tế về điều kiện làm việc thiếu thốn, về quản lý lạc hậu, về chế độ đãi ngộ thấp không được quan tâm đúng mức. Những sự không vừa ý của xã hội với ngành y đều bị quy là do "thiếu y đức". Câu cửa miệng người nhà bệnh nhân thường xuyên hét vào mặt chúng tôi ở khoa cấp cứu là: "Y đức để ở đâu...".

Một điều theo tôi là đáng mừng, đó là giờ đây xã hội đã bớt đi những suy nghĩ ấu trĩ, ngày càng có nhiều tiếng nói dám nhìn thẳng vào sự thật. Trên truyền thông giờ đã dần bớt đi những bài tuyên truyền về y đức sáo rỗng, mà đã biết bàn vào thực chất đầu tư của xã hội cho ngành y cũng như xây dựng các thể chế pháp luật cho ngành y. 

Xã hội lý tưởng mà y tế và giáo dục miễn phí chắc sẽ còn rất lâu nữa mới thực hiện được. Từ nay tới lúc đó tôi nghĩ tốt nhất là chúng ta nên minh bạch phần đóng góp của xã hội cũng như trách nhiệm của từng công dân với sức khỏe của chính mình. Công cụ đảm bảo cho sự minh bạch đó chính là hệ thống luật về ngành y ngày càng hoàn thiện. Luật khám chữa bệnh sửa đổi năm 2023 vừa được Quốc Hội thông qua đem lại một hy vọng xây dựng một nền y học Việt Nam công bằng hiệu quả với tất cả mọi người.

Từ rất nhiều hệ lụy do phong trào duy ý chí gây ra, cá nhân tôi và có lẽ là các đồng nghiệp đều tha thiết mong được sống và làm việc theo pháp luật, được pháp luật bảo vệ. Trong lịch sử Việt Nam trước kia chưa từng có bộ luật riêng về ngành y. Theo thời gian, hệ thống luật về sức khỏe dần dần được xây dựng và hoàn thiện. Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, Luật Dược năm 2005, Luật khám chữa bệnh 2009 và nay là Luật khám chữa bệnh sửa đổi 2023.

Tuân thủ Luật khám chữa bệnh là điều kiện tiên quyết để xây dựng nền y học Việt Nam hiện đại. Hy vọng khi Luật khám chữa bệnh đi vào cuộc sống, mối quan hệ giữa bệnh nhân và thầy thuốc được cân bằng, có sự tin cậy lẫn nhau và được pháp luật bảo hộ. Mỗi bên thực hiện tốt phần của mình để cho công cuộc bảo vệ sức khỏe ngày một tốt hơn. Trên nền tảng pháp luật được thực hiện nghiêm túc thì đạo đức của mỗi cá nhân cũng như đạo đức của xã hội mới ngày càng được nâng cao

Bây giờ mà ngành y tế Việt Nam lại phát động một phong trào học tập Luật khám chữa bệnh thì tôi sẽ là người ủng hộ nhiệt tình nhất. Vì tôi đã chờ đợi điều này cả đời người rồi.

Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét