Võ Thái Trung Thứ ba, 03/01/2023 - 00:00
Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ 2022 và năm mới 2023, tôi và ekip của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Bình Dương đã thực hiện một ca phẫu thuật đặc biệt lần đầu tiên tiến hành ở Việt Nam và cũng vô cùng hiếm có trên thế giới: Nuôi ghép tạm thời phần chân đứt lìa của bệnh nhân vào một bộ phận khác trên cơ thể, trong tình huống chưa thể nối ghép lại ngay sau tai nạn.
Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện vào đêm giao thừa sau khi bị xe ben cán, có chấn thương nặng ở cả phần đầu và phần ngực, cùng với chân phải bị đứt lìa. Vì BVĐK tỉnh Bình Dương đóng trên địa bàn khu công nghiệp, nên những vụ tai nạn lao động khiến đứt lìa chân tay là rất thường xuyên.
Trong tình huống này, việc thực hiện nối lại cẳng chân bị đứt lìa đồng nghĩa với việc bệnh nhân phải trải qua một ca phẫu thuật nặng nề và kéo dài, dẫn đến mất máu lượng lớn, với nhiều rủi ro về rối loạn đông máu, suy đa cơ quan và đe dọa tính mạng. Việc thách thức tính mạng như thế đương nhiên sẽ không bao giờ là giải pháp bác sĩ chúng tôi lựa chọn.
Nhưng nếu không được nối lại, cẳng chân đứt lìa không có máu nuôi sẽ hoại tử và cũng không có cách nào bảo quản nhiều giờ, đồng nghĩa với việc bệnh nhân sẽ mất chân. Sau khi hội chẩn, chúng tôi đã quyết định nuôi ghép tạm thời phần chân phải bị đứt lìa vào chân trái của bệnh nhân, chờ tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tiến triển, cũng như phần mỏm cụt bên chân phải phục hồi thì sẽ tiến hành thêm một ca phẫu thuật nối ghép trở lại. Kỹ thuật này cho phép các bác sĩ có thể rút ngắn thời gian phẫu thuật cho bệnh nhân đang cấp cứu trong tình trạng nặng, vừa đảm bảo an toàn cho người bệnh vừa giúp giữ được cẳng chân đứt lìa không bị hoại tử.
Kỹ thuật này khá phức tạp, vì phải tiến hành cấy ghép mạch máu hoàn chỉnh cho phần chân đó ở một nơi khác trên cơ thể để đảm bảo phần cho nó sống được, rồi sau đó lại phải chuyển cơ, chuyển mạch máu ở phần mỏm cụt bị đứt lìa để nối ghép lần nữa là rất kì công. Nhưng nó giúp các bác sĩ có thêm thời gian để chăm sóc các vết thương, chống nhiễm trùng, tái tạo lại các mô da cơ và mạch máu cần thiết, nhờ đó mà khả năng nối ghép thành công cao hơn, chi được nối ghép đảm bảo được phục hồi chức năng tốt hơn. Nhưng chúng tôi vẫn quyết định lựa chọn giải pháp này vì nguyện vọng của bệnh nhân, cũng như cân nhắc tính khả quan của ca phẫu thuật. Là bác sĩ, không có mong muốn nào lớn hơn là mong muốn giữ được cho bệnh nhân cơ thể lành lặn, vì với nhiều người trong số họ, đó không chỉ là một bàn tay hay một cái chân bị đứt lìa, đó còn là chuyện miếng cơm manh áo sau này.
Sau 5,5 tiếng đồng hồ, ca phẫu thuật thành công tốt đẹp, cũng là khi đã bước qua năm mới. 4 giờ sáng, tôi đi bộ từ bệnh viện về căn nhà thuê của mình sau ca mổ dài - đoạn đường mà khi đi là năm 2022, khi về đã là năm 2023. Dù mệt mỏi sau ca mổ đến mức không thể nở một nụ cười, nhưng lòng tôi hạnh phúc. Nhìn những cây cột đèn chạy dọc theo con hẻm, tôi cũng cảm thấy mình có bạn đồng hành chứ không cô đơn. Tôi hạnh phúc, vì đã tiễn năm cũ và đón năm mới bằng một thành tựu của y học có thể giúp ích được nhiều bệnh nhân sau này.
Một ca phẫu thuật như này, bác sĩ phẫu thuật như tôi sẽ được bệnh viện trả cho 125 đến 240 nghìn đồng. Những khó khăn về thu nhập thấp của nhân viên y tế thì đã được báo đài phản ánh quá nhiều thời gian qua. Là bác sĩ làm nghề nhiều năm, tôi may mắn vì về cơ bản vẫn tạm coi là đủ sống. Nhưng tôi biết nhiều bác sĩ mới ra trường ở bệnh viện tôi, thu nhập chỉ ngang bằng hoặc nhỉnh hơn công nhân một chút. Đó là chưa kể những khó khăn chưa từng có mà ngành Y phải đối mặt trong năm 2022.
Trong năm vừa qua, cũng giống như bao nhiêu bệnh viện khác trong cả nước, bệnh viện chúng tôi cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn về vật tư y tế do vướng mắc cơ chế. Nhiều bệnh nhân đến bệnh viện, dù có bảo hiểm y tế, nhưng vẫn phải mua từ dây dịch truyền, từ bông băng, đến kim tiêm, thuốc men...
Có nhiều người hỏi tôi có bao giờ tôi định chuyển sang làm ở các bệnh viện tư, như nhiều nhân viên y tế đã lựa chọn thời gian qua hay không? Với riêng cá nhân tôi, câu trả lời là không. Nó đến từ đặc thù chuyên ngành mà tôi lựa chọn. Mục đích của bệnh viện tư nhân là tạo ra lợi nhuận, nên thường chỉ lựa chọn nhóm kỹ thuật và nhóm bệnh nhân có khả năng giúp bệnh viện sinh lời. Điều đó không xấu. Nhưng mong mỏi của tôi, với tư cách là một bác sĩ chuyên ngành vi phẫu - chỉnh hình, là được tiếp tục phát triển và tiến tới những kỹ thuật chuyên sâu ở tầm thế giới.
Ở bệnh viện tư, nhiều khi bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật kéo dài một chút cũng có thể khiến lãnh đạo bệnh viện không hài lòng. Nên có những khao khát nghề nghiệp, có những ca mổ, bác sĩ như tôi chỉ có thể thực hiện ở bệnh viện công. Chỉ ở bệnh viện công, tôi mới có thể làm được những việc này, cũng như được tiếp cận nhóm bệnh nhân yếu thế trong xã hội - những người không có khả năng chi trả chi phí dịch vụ đắt đỏ.
Dù đôi lúc nản lòng vì những khó khăn đang phải đối mặt, tôi vẫn cảm thấy may mắn vì bệnh nhân thông cảm và hợp tác, nên bác sĩ ở bệnh viện công chúng tôi bớt cực và vẫn có thể tiếp tục làm việc.
Cũng có khi tôi ngượng ngùng khi đối diện với bệnh nhân, cảm thấy bất lực với thực trạng mà ngành y chúng tôi đang phải đối mặt, rồi sau đó lại hoang mang vì không biết đến bao giờ thực trạng này mới kết thúc. Nhưng tôi vẫn lựa chọn ở lại, tiếp tục làm nghề, cố gắng vượt qua khó khăn.
Tôi giữ được tình yêu với nghề nghiệp của mình nhờ những ca phẫu thuật tạo ra bước tiến về mặt y học như ca phẫu thuật đêm giao thừa này, vì nó giúp tôi cảm thấy tôi còn giá trị và đang tạo ra giá trị.
Tôi giữ được sự kiên định với con đường mình chọn, nhờ những tin nhắn cảm ơn của những bệnh nhân cũ, khi họ thông báo với tôi, họ đã quay trở lại cuộc sống bình thường, đi lại như bao người và có một cuộc đời hạnh phúc.
Tôi hay tự nhủ càng lúc khó khăn như này thì bác sĩ như tôi càng phải vững vàng, vì nếu không thì làm sao chúng tôi có thể theo đuổi nghề nghiệp này. Nhưng chỉ mong sao, những vướng mắc này sẽ sớm được giải quyết, để bệnh nhân đến bệnh viện được hưởng quyền lợi của họ, cũng như để bác sĩ như chúng tôi có thể yên tâm tiếp tục cống hiến cho nghề.
Tác giả: Bác sĩ Võ Thái Trung tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa tại Học viện Quân y; học bác sĩ chuyên khoa 1 ở Đại học Y dược TPHCM; học bác sĩ chuyên khoa 2 ở Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; hiện là Phó trưởng khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét