Thứ Hai, 2 tháng 1, 2023

Y Khoa Đại Học Saigon- Nhìn lại 60 năm lịch sử

 Thời gian trôi mau: cho tới năm nay 2005, trường Đại Học Y Khoa Saigon (YKĐHS) đã có đủ 60 năm lịch sử. Lịch sử 60 năm này, vì môt sự tình cờ, đã được chia làm hai phần đều đặn bởi một biến cố cực kỳ quan trọng đối với chúng ta: cuộc di tản năm 1975.

Thực vậy, nửa đầu của lịch sử YKĐHS kể từ khi thành lập năm 1946 cho tới năm 1975 bao gồm đúng 30 năm. Năm 1975 và tiếp tục trong những năm sau, trên hai triệu dân Việt Nam đã khao khát ra đi tìm tự do. Có thể nói là YKĐH Saigon cũng đã ra đi vì sự di tản đã kéo theo một phần lớn sinh viên và đa số nhân viên giảng huấn. Trong khi đó tại quốc nội, trường đã đổi tên. Tuy mục đích tối hậu vẫn là đào tạo chuyên viên y tế, nhưng phương thức huấn luyện cũng như nội dung các môn học đều đã thay đổi, pha nặng mầu sắc chính trị.
Đối với chúng ta, những người di tản, những gì xẩy ra tại quốc ngoại mới là quan trọng. Chúng ta đã sinh sống và hoạt động tại quốc ngoại được 30 năm. Hôm nay, ngồi ghi chép lại những sự kiện đã xẩy ra cùng với những thành quả đã gặt hái được trong vòng mấy chục năm qua, tưởng cũng không ra ngoài mục đích của chương trình 30 năm nhìn lại.
Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ lần lượt trình bầy những dữ kiện lịch sử có liên hệ tới trường YKĐH Saigon từ khi thành lập cho tới năm 1975. Sau 1975, chỉ có những dữ kiện ở quốc ngoại mới được ghi chép. Những gì đã xẩy ra tại quốc nội, tuy cũng quan trọng đối với lịch sử của trường, nhưng đã vượt ra khỏi thẩm quyền của người viết, nên sẽ không được nói đến.
Lịch sử YKĐH Saigon có thể được chia ra làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu là giai đoạn thành lập, từ năm 1946 tới năm 1954. Giai đoạn thứ nhì là giai đoạn trưởng thành, từ năm 1954 tới 1966. Và giai đoạn ba là thời kỳ trường dọn về Trung Tâm Giáo Dục Y khoa, từ năm 1966 tới 1975. Sau đó là cuộc di tản lịch sử và 30 năm nhìn lại.
Những năm đầu tiên: Thành lập trong không khí chiến tranh của Đệ Nhị Thế Chiến
Cho tới thập niên 1940,chỉ có một trường Y khoa duy nhất cho toàn quốc Việt Nam: đó là trường Y Khoa Đại Học Hà Nội. Để đáp ứng nhu cầu cho số sinh viên càng ngày càng gia tăng ở miền Nam VN, một trường Y thứ hai được thành lập năm 1946 tại Saigon với cái tên khiêm nhường là Faculté de Médecine et de Pharmacie de Hanoi, Section de Saigon. Như vậy, trường Saigon khi mới lập chỉ được coi như là một chi nhánh của trường Hà Nội. Trụ sở được đặt tại số 28 đường Testard (sau đổi tên là Trần Quý Cáp). Căn biệt thự này là của bà BS Henriette Bùi, con của BS Bùi Quang Chiêu, một giòng họ có nhiều uy tín ở miền Nam từ những thập niên 30 và 4
                                              GS Đào Hữu Anh
   Tưởng cũng nên nhắc lại những diễn biến chính trị quan trọng trong thời kỳ đó. Chiến tranh thế giới thứ hai đang tới lúc quyết liệt. Năm 1944, quân đội Nhật Bản xâm chiếm Đông Dương, chính quyền Bảo Hộ Pháp bị lật đổ và các viên chức người Pháp cùng với hơn 1500 quân lính Pháp ở Saigon bị Nhật cầm tù. Tháng 8, 1945, sau khi hai trái bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản ký hiệp ước đầu hàng đồng minh tại Tokyo. Tháng 9, 1945, đô đốc Gracey của hải quân Anh quốc tới Saigon tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật ở Nam VN. Các binh sĩ và viên chức Pháp được giải thoát và tái võ trang. Một tháng sau, dưới quyền chỉ huy của đô đốc d’Argenlieu, một số binh sĩ Pháp đổ bộ lên Saigon, tăng cường thêm cho số đã có mặt ở Saigon từ trước. Một cuộc xung đột đã xẩy ra giữa những binh sĩ Pháp và các phần tử Việt Minh đang hoạt động ở miền Nam. Kết quả là các phần tử Việt Minh đã bị đẩy ra khỏi thành phố. Một chính phủ mới được thành lập với BS Nguyễn Văn Thinh làm thủ tướng. Miền Nam trở nên một vùng tự trị (Nam Kỳ tự trị).
Ta có thể tự hỏi tại sao trường Y khoa Saigon lại được thành lập một cách vội vã trong một tình thế khẩn trương như vậy? Nên nhớ rằng vào cuối thế kỷ 19, khi đang nghiên cứu để xây cất một trường Y khoa cho toàn cõi Đông Dương, chính phủ Pháp đã lựa Saigon trước, nhưng sau vì muốn đưa ảnh hưởng Pháp qua Trung Hoa nên mới chọn Hà Nội. Tình trạng hỗn loạn năm 1945-1946 khiến miền Bắc Việt Nam trở thành một tiền đồn xa xăm, trong khi miền Nam vẫn còn như một thuộc địa Pháp. Đồng thời, số sinh viên miền Nam ghi danh học y khoa đã gia tăng hơn trước. Với sự hỗ trợ tích cực của một số thân hào nhân sĩ địa phương, điều kiện đã trở nên thuận tiện cho việc thành lập thêm một trường y khoa thứ hai, tại Saigon.
Trụ sở số 28 Testard của trường là một biệt thự hai tầng. Tầng trên có văn phòng Khoa trưởng và phòng hội đồng Giáo sư, cũng là nơi các sinh viên trình luận án. Tầng dưới dành cho văn phòng hành chánh, phòng hội và thư viện. Đằng sau là khu vườn trống, mấy năm sau được xây cất thành giảng đường. Có hai giảng đường lớn nằm hai bên cùng 4 giảng đường nhỏ ở giữa xếp theo hình chữ U. Khoa trưởng đầu tiên là Giáo Sư Daléas. Trên giấy tờ, ông chỉ mang chức vụ Phó khoa trưởng, vì Khoa trưởng cho cả hai trường Saigon và Hà Nội là GS Huard, ở Hà Nội.
Tình hình lúc đầu có nhiều khó khăn. Bài diễn văn của GS Daléas (5) đọc trong buổi lễ khai trường niên khoá 1948-49 với sự hiện diện long trọng của Thủ tướng Chính phủ Trần văn Hữu cho ta nhiều chi tiết quan trọng. Số sinh viên ghi danh niên khoá đầu 1946-1947 chỉ có khoảng 12 người cho tất cả các lớp. Đến niên khóa 1948-1949, số này tăng lên tới trên 80 người. Vì thiếu giảng đường nên các lớp học được giảng dạy tại các bịnh viện như bệnh viện Grall. Số giáo sư ban đầu chỉ có 2 người nên trường phải tận dụng khả năng giảng huấn của các bác sĩ quân y Pháp cũng như các bác sĩ Việt ở Saigon. GS Daléas cũng có nói thêm là niên khóa 1948-1949 có tới 10 giáo sư trong số đó có GS Massias (Nội khoa) ở Hà Nội vào và GS Trần quang Đệ (Ngoại khoa) từ Pháp về. GS Daléas điều hành trường Y khoa Saigon cho tới niên khoá 1949-50 thì GS Massias lên thay thế.
Cũng như ĐHYK Hà Nội hồi đó, chương trình học dài 6 năm, rập theo chương trình huấn luyện y khoa Pháp. Hai năm đầu dành cho các môn khoa học căn bản như cơ thể, mô học, sinh hoá, sinh lý và môn triệu chứng học. Năm thứ ba và thứ tư bắt đầu các môn bịnh lý nội ngoại khoa và cơ thể bịnh lý. Sinh viên đi thực tập tại các bịnh viện về nội và ngoại khoa. Năm thứ năm và thứ sáu học thêm các khoa bịnh lý chuyên môn như nhi khoa, sản phụ khoa và trị liệu pháp. Cuối năm thứ sáu thi Bịnh lý và sinh viên sửa soạn luận án.
Các bịnh viện thực tập gồm:
– Bện viện Grall: được xử dụng tối đa lúc ban đầu về cơ sở, phòng ốc và nhân viên giảng huấn. Những năm sau giảm dần.
– Bệnh viện Chợ Rẫy (Nội, Ngoại khoa, Tai Mũi Họng, Nhãn khoa).
– Bệnh viện Đô Thành (Nội, Ngoại khoa, Cấp cứu, Tai Mũi Họng),
– Bệnh viện Chợ Quán (Tâm thần, Truyền nhiễm)
– Bảo sanh viện Từ Dũ
– Viện Bài trừ Hoa liễu
Lý thuyết và thực tập cho các môn khoa học căn bản được thực hiện tại nhiều nơi như:
– Vi trùng & Ký sinh trùng: viện Pasteur
– Sinh hoá: phòng thí nghiệm bệnh viện Đô Thành
– Mô học & Cơ thể bịnh lý: quân y viện Coste (của quân đội Pháp, ở gần Sở Thú, sau này thành trường nữ trung học Trưng Vương)
– Cơ thể học: bệnh viện Chợ Rẫy.
Số sinh viên ghi tên gồm đủ lớp từ Y1 tới Y6, vì có một số sinh viên học lớp trên đã từ Hà Nội vào và một số từ Pháp về. Kết quả kỳ thi ra trường niên khoá 1947-1948 có ghi tất cả 32 sinh viên (Y1: 11 người, Y2: không có ai, Y3: 1 người, Y4: 9 người, Y5: 3 người, Y6: 8 người).
Khoá ra trường đầu tiên vào năm 1947 (1). Có 7 sinh viên trình luận án. Đó là các bác sĩ: Pierre Boucheron, Trần Đình Đệ, Lê văn Hùng, Trần Minh Mẫn, Mme A. Saint Mieux, Lê Văn Thuấn và Nguyễn Văn Thọ. Trong số 7 vị này có tới 3 vị đã lựa chọn đề tài về sản phụ khoa để làm luận án, chứng tỏ sự hoạt động mạnh mẽ của bảo sanh viện Từ Dũ ngay từ hồi đó.
Xin ghi nhận là năm 1951 chỉ có 1 sinh viên ra trường tại ĐHYK Hà Nội. Đó là hậu quả của cuộc chiến tranh Đông Dương: năm 1945 là năm quân Nhật đầu hàng, Việt Minh nắm chính quyền, rồi quân Pháp trở lại bán đảo Đông Dương. Tình hình chính trị bất ổn làm cho các trường phải tạm đóng cửa, không thu nhận sinh viên. Kết quả là 6 năm sau, năm 1951, không có sinh viên trình luận án. Nhưng năm sau, năm 1952, lại có tới 54 sinh viên ra trường tại Hà Nội. Không hiểu sinh viên ở đâu ra mà nhiều như vậy? Có thể là tại các năm trước, tình hình chính trị sôi động, sinh viên không có điều kiện để sửa soạn luận án. Sang năm 1952, tình hình khả quan trở lại, các sinh viên mới có dịp hoàn tất luận án của mình.
 
Thời kỳ củng cố và phát triển: 1954-1966

Năm 1954, hiệp định Genève được ký kết, chia đôi nước Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Miền Bắc được đặt dưới chế độ Cộng sản, còn miền Nam thuộc chính thể quốc gia. Dân chúng hai miền có một thời gian ngắn là 3 tháng để di chuyển qua miền mình lựa chọn, hoặc ra Bắc, hoặc vào Nam. Trường YKĐH Hà Nội cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc phân chia này: đa số các giáo sư trong ban giảng huấn và 2/3 sinh viên y khoa đã quyết định vào Nam tìm tự do. Ta có thể coi đây là một tiền lệ cho cuộc di tản 1975 sau này.
Trường Y khoa Saigon đã mở rộng cửa để tiếp nhận số sinh viên di cư. Hồi đó người viết bài này đang là một sinh viên năm thứ hai. Tôi còn nhớ rõ buổi khai giảng đầu tiên cho năm học. Lúc đó trời vào thu, khoảng tháng 9 năm 1954. Mới di chuyển vào Saigon được hơn hai tháng, nơi ăn chốn ở còn chưa ổn định, tôi cắp sách tới trường trên đường Testard. Giờ đầu tiên là giờ của GS Massias, tại giảng đường A. Giảng đường có một số bàn dài, chứa được chừng hơn trăm sinh viên. Vừa ngồi vào bàn, bỏ sách vào ngăn bàn thì đã thấy có ai viết trong ngăn một giòng chữ phấn trắng: Đả đảo Bắc kỳ di cư. Lòng đang hoang mang thì vừa lúc GS Massias bắt đầu bài giảng bằng câu: Bienvenu à vous tous!
Niên học 1954-55 là niên học đầu tiên với một số sinh viên đông đảo gấp bội: năm thứ nhất và năm thứ hai có chừng 70 tới 80 sinh viên mỗi lớp. Các lớp trên ít hơn nhiều. Hồi đó chưa có những kỳ thi tuyển. Chỉ cần có một trong những bằng dự bị như PCB, SPCN là có thể ghi tên vào học y khoa (cho đúng nghĩa với tên Faculté). Để có thể tiếp nhận một số sinh viên gia tăng gấp đôi, một số cơ sở đã được xây cất gấp rút. Đầu tiên là bịnh viện Bình Dân. Bịnh viện này do một số các nhà hảo tâm chung tiền hoàn thành năm 1955 và đã được trao cho YKĐHS để trở thành khu Giải phẫu B do GS Phạm Biểu Tâm điều hành cùng với một số nhân viên bịnh viện Phủ Doãn ở Hà Nội vào. Bịnh viện sau đó được trang bị thêm các khu chuyên môn như Nhãn khoa, Tai Mủi Họng, Niệu khoa, Bì phu và Ung thư. Bịnh viện Chợ Rẫy đổi là khu Giải phẫu A do GS Trần Quang Đệ điều hành, GS Đặng văn Chiếu phụ tá. Bịnh viện Nhi Đồng được xây cất và hoàn thành năm 1956 với sự trợ giúp tích cực của cơ quan UNESCO. Tọa lạc trên đường Sư Vạn Hạnh, bệnh viện Nhi Đồng là bịnh viện đầu tiên và lớn nhất toàn quốc dành riêng cho các em nhỏ (2).
Các môn khoa học căn bản cũng được mở mang thêm. Trước hết là Cơ Thể Học Viện trên đường Trần Hoàng Quân, do GS Nguyễn Hữu chủ trương và điều hành từ năm 1956. Trước đó thì các cuộc mổ xẻ thực tập cơ thể học được thực hiện tại nhà quàn bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi còn nhớ những buổi thực tập tại nơi này, thường được bắt đầu vào khoảng hai giờ trưa. Trong khi GS Hữu đang dạy học thì bên ngoài ầm ĩ những tiếng kèn, nhị đám tang của các bịnh nhân không may đã qua đời trong bịnh viện. Với Cơ Thể Học Viện, trường Y đã có một cơ sở giảng dạy xứng đáng với một ông thầy như GS Hữu. Bên cạnh Cơ Thể Học Viện là một kiến trúc khá lớn, trước kia trực thuộc bệnh viện Hồng Bàng, sau này được sửa sang lại và chia làm hai, một nửa dành cho khu Sinh Lý học và một nửa cho khu Cơ thể Bịnh lý và Mô học. Chính tại nơi này, năm 1958, tôi đã được hân hạnh gặp GS Jason, một trong những người đi tiền phong trong việc nghiên cứu xây dựng Trung Tâm Giáo Dục Y khoa Saigon sau này (3).
Một kỷ niệm khó quên cho tôi trong thời sinh viên là khu Mô học với các GS Joyeux và Linh mục Lichtenberger. Khu Mô học và Cơ thể Bịnh lý lúc đầu do GS Joyeux điều hành. Kỳ thi cuối năm Y2 của tôi về Mô học do GS Joyeux hỏi vấn đáp từng người một. Sinh viên y nào mà dám tự cho là mình biết đủ về mô học để thi nên cứ loanh quanh ở ngoài, không dám bước vào phòng vấn đáp. Ông ngồi đợi chán rồi bước ra ngoài thì bắt được tôi. Ông lôi vào, cho ngồi trước mặt rồi hỏi tôi: Décrivez-moi l’aspect histologique de la glande parathyroide. Sau một phút choáng váng, tôi may mắn còn nhớ trong những bài giảng của ông là những tuyến nội tiết đều có rất nhiều các vi ti huyết quản, nên tôi cứ dựa vào đó mà nói loanh quanh. Ông có vẻ hơi nản nên dơ ngón tay cái lên hỏi thêm rằng tuyến này to bằng nào, bằng ngón tay cái hay bằng cái đầu bút chì. Câu này dễ ợt vì ngón tay cái của ông lớn quá, không dễ dàng gì mà nằm trong cổ người ta được. Tôi trả lời là to bằng cái đầu bút chì. Ông gật đầu và cho ra. GS Joyeux ở lại Saigon thêm một vài năm rồi về Pháp. Người kế tiếp ông tại khu Mô học là Linh mục Lichtenberger người Bỉ, tu theo giòng Jesuites. Trước khi qua Việt Nam, ông đã giảng đạo nhiều năm bên Tàu, nên ông thường có những mẩu truyện lý thú Trung hoa để kể lại cho các sinh viên nghe. Ông rất giỏi và đã dậy cho tôi nhiều về cách pha chế phẩm nhuộm mầu cho các mô trong cơ thể. Ông cũng rất giỏi về Di truyền học. Điều này làm cho ta nhớ tới Gregor Mendel, người đã nghiên cứu các hạt đậu mà tìm ra những định luật căn bản về di truyền học. Ông Mendel cũng là một tu sĩ giòng Jesuites. Cha Lichtenberger đã có công rất lớn trong công cuộc gây dựng và mở mang khu Mô học, từ năm 1957 cho tới 1975. Cha rất yêu thích Việt Nam và không bao giờ nề hà cực nhọc trong việc dạy dỗ sinh viên. Tôi còn nhớ mãi lúc Cha rời Saigon. Lúc đó vào buổi chiều, một trong những ngày đầu tháng tư năm 1975. Tôi đang đứng trên bậc tam cấp tại Trung tâm Giáo dục Y khoa thì Cha đi tới cùng với một nhân viên bộ Giáo dục, trên tay cầm cuốn sổ thông hành xanh của Bỉ. Cha cho biết là tình hình nguy ngập nên toà đại sứ Bỉ có khuyến cáo Cha nên rời khỏi Việt Nam ngay. Vì Cha là nhân viên chính thức của trường Y, ăn lương bộ Giáo dục nên phải có giấy giải nhiệm mới được phép ra khỏi nước. Giấy ký rồi, tôi đưa cho Cha, thấy Cha rưng rưng nước mắt. Ông nói ông sẽ về Bỉ, nhưng còn các anh thì sao? Tôi không biết trả lời sao nữa. GS Lichtenberger trở về Bỉ và mất năm 1986.
Môt vài thời điểm quan trọng trong lịch sừ của nền đại học Việt Nam cần được ghi nhận. Trước năm 1945, chỉ có một đại học duy nhất tại Việt Nam: đó là trường Đại học Đông Dương (Université de l’Indochine) toạ lạc tại Hà Nội, do chính quyền bảo hộ Pháp điều hành. Một thỏa hiệp văn hoá giữa Pháp và Việt Nam ký ngày 30 tháng 12, 1949 đổi tên trường lại là trường Đại Học Hà Nội, do hai chính phủ Pháp Việt điều hành chung. Trường Đại học Hà Nội có hai trung tâm, một ở Hà Nội và một ở Saigon. Tháng 10 năm 1954, vì cuộc di cư lớn từ bắc vào nam, trung tâm Hà Nội sáp nhập làm một với trung tâm Saigon, bao gồm những phân khoa Luật, Y Dược, Văn khoa, Khoa học, và Kiến trúc. Tháng 5, 1955, trường Đại học Hà Nội trở thành Đại Học Quốc Gia Việt Nam, do chính phủ Việt Nam điều hành, và có thêm một phân khoa mới, trường Đại học Sư Phạm. Đại học Văn khoa, trước đó chú trọng nhiều về văn hoá Pháp, được mở rộng thêm với các môn văn chương, sử địa Việt. Tới năm 1957, khi trường Đại học Huế mở cửa thì Đại Học Quốc Gia đổi tên là Đại Học Saigon. Đại học Y Dược được chia làm hai phân khoa riêng biệt, Y khoa và Dược khoa, vào tháng 8 năm 1961. Năm 1963, bộ môn Khẩu xoang tách rời khỏi Y khoa và trở thành Đại học Nha Khoa. Khoa trưởng Dược khoa đầu tiên là GS Nguyễn Vĩnh Niên và Khoa trưởng Nha khoa là GS Trịnh văn Tuất.
Nhân viên giảng huấn là thành phần nòng cốt của các trường đại học. Chuyến di tản năm 1954 đã mang thêm cho trường Y Saigon một số giáo sư như GS Phạm Biểu Tâm (Phẫu khoa), GS Nguyễn Hữu (Cơ thể học), GS Trịnh Văn Tuất (Hàm miệng), GS Nguyễn Đình Cát (Nhãn khoa), GS Auguste Rivoalen (Nội khoa), GS Montagné (Sản phụ). Sau đó ít lâu, GS Trần Ngọc Ninh (Chỉnh trực) từ Pháp về năm 1954, rồi tới các GS Trần Vỹ (Sinh lý học) năm 1956 và GS Trần Đình Đệ (Sản phụ khoa) năm 1956. Sau một vài năm, các giáo sư Pháp bắt đầu rút chân ra khỏi ban giảng huấn. Khởi đầu là việc GS Massias từ nhiệm, và GS Phạm Biểu Tâm lên thay thế năm 1955. GS Phạm Biểu Tâm là vị Khoa trưởng Việt Nam đầu tiên, có uy tín nhất của trường Y Saigon. Sau đó tới phiên các giáo sư Pháp khác từ từ rời khỏi Việt Nam, chỉ riêng có GS Rivoalen là còn tiếp tục giảng dậy cho tới năm 1962 ông mới trở về Pháp. Ảnh hưởng Pháp trên ngành giáo dục y khoa Việt Nam cũng nhạt dần. Tưởng cũng nên nhắc lại là năm 1962 là năm cuối cùng mà bằng Bác sĩ Y khoa của trường YKĐH Saigon còn được công nhận tại Pháp.
Trong khi đó thì nỗ lực tăng cường nhân viên giảng huấn Việt được tiếp tục. Qua sự khuyến khích và dẫn độ của các giáo sư Huard, Lemaire, Mahoudeau, …, một số giáo sư YKĐH Saigon đã qua Pháp tu nghiệp. Từ năm 1960 tới 1963, ta thấy có các giáo sư trở về với bằng Thạc sĩ như sau đây:
– GS Trần Anh (Nhân chủng học)
– GS Nguyễn Huy Can (Cơ thể Bịnh lý)
– GS Lê Xuân Chất (Huyết học)
– GS Đào Đức Hoành (Ung thư)
– GS Bùi Quốc Hương (Thần kinh)
– GS Nguyễn Ngọc Huy (Tim mạch)
– GS Ngô Gia Hy (Niệu khoa)
– GS. Phan Đình Tuân (Nhi Khoa)
– GS Nguyễn Văn Út (Bì phu & Hoa liễu)
Đồng thời, một chương trình đào tạo các nhân viên giảng huấn trẻ cũng được bắt đầu. Trong những năm 1958 và 1959, một số nhân viên đã được gửi qua Pháp huấn luyện về những môn nội, ngoại khoa, nhãn khoa, sản phụ khoa. Tuy nhiên, một số lớn các vị này, sau khi học xong, đã tự động ở lại Pháp, làm cho chương trình bị gián đoạn. Nhân viên giảng huấn duy nhất đã trở về nước trong chương trình này là GS Nguyễn Thế Minh (Nội khoa). Có lẽ vì vậy mà các đợt huấn luyện sau đều được gửi qua các nước khác như Mỹ và Anh.
Có thể nói thời gian 1954-1966 là một thời kỳ êm đẹp trong lịch sử YKĐHS. Thực vậy, vào hồi đó, tình hình chính trị tạm ổn định. Chiến tranh Việt Pháp đã chấm dứt và chiến tranh Nam Bắc chưa bắt đầu thực sự. Rất nhiều kỷ niệm sinh viên êm đềm vẫn tồn tại trong lòng người viết. Tôi chỉ xin phép ghi lại những hình ảnh bất di bất dịch về các bậc thầy khả kính của trường YKĐH Saigon.
Hồi tôi học năm Y2 thì GS Phạm Biểu Tâm đang dưỡng bịnh, những hoạt động của ông bị giảm thiểu. Cho tới năm Y3, Giáo sư hoạt động trở lại. Thời kỳ đó, tôi làm ngoại trú ở bệnh viện Bình Dân. GS Tâm có biệt tài về giải phẫu bao tử và ruột. Ông ăn nói nhỏ nhẹ, trầm tĩnh, không to tiếng bao giờ. Tuy nhiên những lời nói nhỏ nhẹ này rất có hiệu lực để đưa các học trò về chính đạo mỗi khi họ phạm lỗi lầm.
GS Nguyễn Hữu không những là một phẫu thuật gia nổi tiếng, ông còn là một nhà cơ thể học có danh quốc tế. Tôi không sao quên được những buổi học về cơ thể thần kinh hệ tại giảng đường A Trần quý Cáp. GS Hữu vẽ rất đẹp, còn giảng bài thì thao thao bất tuyệt. Sau này, trong những thập niên 70 và 80, ông dậy cơ thể học ở Đại học Y khoa Brest bên Pháp, và đã nâng khu Cơ thể học của trường này lên tột đỉnh danh vọng. Ngoài ra, ông còn là một phẫu thuật gia rất giỏi về tim mạch. Hồi năm 1956-1957, ông có qua Mỹ thăm viếng khu mổ tim của GS DeBakey ở Texas. Khi trở về bệnh viện Bình Dân, ông có mang theo nhiều dụng cụ mổ tim mạch, trong đó có một món đồ mà tôi còn nhớ tới ngày nay: đó là cái kìm O’Saughnessy. Có lẽ là vì kìm đó có hình dáng lạ kỳ khác xa với các đồ mổ thường dùng hồi đó, và có lẽ cũng vì cái tên khá lạ lùng nên tôi luôn luôn nhớ tới nó như một món đồ đặc biệt đã mở cửa cho tôi nhìn vào thế giới phẫu khoa tân tiến. Dạo đó, chương trình mổ tim của ta còn mới phát triển, chưa có những máy bơm đưa máu ra khỏi tim khi đang mổ, nên GS Hữu chỉ có thể mổ những trường hợp bị nghẹt van (rétrécissement mitral, mitral stenosis), làm commissurotomie rồi đưa ngón tay vào nới rộng cái van bị nghẹt. Không hiểu sao mà số bịnh nhân bị bịnh này ở Việt Nam khá nhiều, GS Hữu mổ không kịp. Đa số bịnh nhân thuộc phái nữ và còn rất ít tuổi.
Một giáo sư đã nêu gương sáng cho các sinh viên là GS Trần Ngọc Ninh. Năm 1954 khi mới đậu Thạc sĩ ở Pháp về, ông là người đầu tiên đã mang môn Chỉnh trực (Orthopédie) vào Việt Nam. Ông luôn luôn nhắc nhở chúng tôi, đám nội ngoại trú đi theo ông, rằng: Các anh đừng tưởng mổ xong một trường hợp và bịnh nhân về nhà là đã thành công đâu. Chỉ khi nào theo rõi bịnh nhân 6 tháng, một năm mà không thấy bịnh trở lại, lúc đó mới tạm yên chí là mình đã hoàn thành nhiệm vụ. GS Ninh sau này chuyển sang và thành lập ngành giải phẫu tiểu nhi tại bịnh viện Nhi Đồng. GS Ninh còn là một cây viết uyên thâm về văn chương Việt Pháp cũng như triết lý đạo Phật.
Nhưng người đã gây ra những ấn tượng sâu đậm nhất trong đám môn đệ phải là GS Trần Quang Đệ. Ông sinh trưởng tại miền Nam, du học Pháp, làm Nội trú các bịnh viện Paris. Ông dáng người cao lớn, chững chạc, luôn luôn mặc bộ đồ lớn mầu trắng ngà. Mỗi khi đi thăm bịnh tại các trại, ông đứng cao hơn các mộn đệ một đầu người, với mẩu thuốc lá đã tắt trên mép, ông giảng bài bằng tiếng Pháp dễ dàng, thanh thoả, cho lũ học trò một cảm giác tin tưởng hoàn toàn vào ông thầy trước mặt. Tôi còn nhớ bài giảng cơ thể học đầu tiên với GS Đệ năm Y2 tại khu mô học. Đề tài là arrière cavité de l’épiplon, một vùng cơ thể mà ông đã thuộc lòng qua không biết bao nhiêu cuộc mổ xẻ. Ông nói thao thao, thêm vào có những bức họa đồ cơ thể, nên sau một tiếng đồng hồ, đã giúp cho đám sinh viên thâu nhập thêm rất nhiều điều bổ ích. Sau này, khi làm Viện trưởng Viện Đại học Saigon, với uy tín cá nhân, ông đã không ngừng củng cố thêm địa vị mỗi ngày một lớn của viện.
Trở lại với vấn đề nhân viên, ta thấy có nhiều chậm trễ cho việc gia tăng nhân số. Sau đợt các giáo sư Thạc sĩ ở Pháp về trong những năm 1960-1962, ta phải chờ tới năm 1965-1966 mới có thêm 7 nhân viên giảng huấn trẻ tu nghiệp ở Mỹ về, gồm các vị sau:
– BS Đào Hữu Anh (Cơ Thể Bịnh Lý)
– BS Hoàng Tiến Bảo (Chỉnh Trực)
– BS Vũ Quí Đài (Vi trùng học)
– BS Nguyễn Khắc Minh (Gây Mê)
– BS Đỗ Thị Nhuận (Vi trùng học)
– BS Bùi Duy Tâm (Sinh hoá học).
– BS Nguyễn Ngọc Giệp (Sản phụ khoa)
Sau đó ít lâu, ta có một số chuyên viên khác từ các nước trở về phục vụ tại YKĐHS như:
– BS Trịnh Thị Minh Hà (Nhi khoa, Mỹ)
– BS Trần Kiêm Thục (bịnh Tiêu hoá, Pháp)
– BS Trần Thế Nghiệp (Quang tuyến, Pháp)
– BS Liễu Thanh Tâm (Quang tuyến, Pháp)
– BS Lê Dư Khương (Giải phẫu, Đức)
– BS Phó Bá Đa (Giải phẫu, Mỹ)
Tổng số nhân viên giảng huấn cho niên khoá 1967-1968 được ghi nhận là 91 người, với 16 giáo sư thực thụ, 7 giáo sư diễn giàng, 27 giảng sư và 41 giảng nghiệm viên (4). So với số sinh viên trên dưới 1000 người thì con số 91 nhân viên giảng huấn thật khiêm nhường. Sự kiện này môt phần cũng vì tình hình chính trị, các sinh viên học hết năm thứ 5 đều phải nhập ngũ, phục vụ trong ngành quân y. Trong khoảng thời gian 10 năm từ 1960 tới 1970, không có một cuộc tuyển chọn nhân viên giảng huấn nào được mở tại YKĐHS. Những kỳ thi tuyển chỉ được mở lại sau năm 1970 và vì vấn đề thời gian, cũng không mang lại được kết quả dài hạn tốt đẹp như ta mong muốn.
Như ta đã thấy, học trình y khoa gồm có 6 năm nhưng trên thực tế, sinh viên chỉ học có 5 năm, sang năm thứ sáu nhập ngũ phục vụ trong ngành quân y. Vì số sinh viên ghi danh nhập học càng ngày càng tăng, nên kể từ năm 1966, một kỳ thi tuyển được mở hàng năm để lựa một số nhất định là 200 sinh viên vào năm thứ nhất.
Về cơ sở thực tập, một bịnh viện mới được mở năm 1967. Đó là bịnh viện Nguyễn Văn Học, tọa lạc trong Gia Định. Với số giường trên dưới 600, đây là bịnh viện lớn thứ nhì sau bịnh viện Chợ Rẫy (1200 giường). Cũng như các bịnh viện thực tập khác, bịnh viện Nguyễn Văn Học do bộ Y tế điều hành. Công việc giảng dạy do các nhân viên giảng huấn YKĐHS đảm nhiệm, gồm các bộ môn Nội, Ngoại khoa, Nhi khoa và Sản phụ khoa.

Trung Tâm Giáo Dục Y Khoa Saigon

Ngay từ sau khi có cuộc di tản năm 1954, chính phủ Mỹ đã gia tăng viện trợ cho Việt Nam, về quân sự cũng như dân sự. Về phiá dân sự, nhiều chương trình lớn nhỏ được đưa ra nhưng nói chung chỉ có 3 chương trình quan trọng đáng kể: đó là xa lộ Biên hoà, nhà máy xi măng Hà tiên và Trung Tâm Giáo Dục Y Khoa Saigon. Sau nhiều tháng năm thiết kế và xây dựng, cả ba chương trình này đều đã được hoàn tất.
Năm 1957, cơ quan USAID (United States Agency for International Development) được chỉ định nghiên cứu việc xây cất một trung tâm giáo dục y khoa cùng một bịnh viện thực tập 500 giường cho viện Đại học Saigon. Năm 1958, một phái đoàn Mỹ gồm 3 nhân viên (1 bác sĩ, 1 kiến trúc sư và 1 quản lý bịnh viện) tới Saigon với nhiệm vụ duy nhất là phải hoàn thành trong vòng 60 ngày một đề án xây cất cho trung tâm này. Cầm đầu phái đoàn là GS Robert Jason, khoa trưởng Howard Medical School ở Washington DC. Người viết bài này đã có hân hạnh được gặp ông Jason. Hồi đó, tôi đang làm nghiệm chế viên cho khu Cơ Thể Bịnh lý. Một buổi chiều, đang loay hoay trong phòng thí nghiệm coi mấy tấm kính nhỏ qua một kính hiển vi cũ kỹ một mắt (monoculaire), lấy ánh sáng từ cửa sổ hàng hiên, chợt một người Mỹ cao lớn, da ngăm đen bước vào. Ông đi một mình, có dáng dấp đạo mạo của một học giả. Thấy tôi đang nhìn qua kính hiển vi, ông mỉm cười và tự giới thiệu. Vì tiếng Anh còn kém, tôi không hiểu nhiều, chỉ nhớ là, sau khi nhìn qua kính, ông nói là không đủ ánh sáng. Ông cũng nói thêm là ông sẽ cố gắng giúp Việt Nam xây một trung tâm y khoa tân tiến đầy đủ dụng cụ. Sau này tôi mới biết ông còn là giáo sư Cơ thể Bịnh lý nữa. Rồi ông bắt tay ra về. Trong những năm sau đó, vì bận bịu thi ra trường, trình luận án rồi đi tu nghiệp, tôi quên bẵng ông đi. Tình cờ, cách đây mấy năm, tôi được một anh bạn cho coi cuốn báo cáo của ông Jason về chuyến đi Việt Nam của ông. Đây là một cuốn sách dầy trên 80 trang đánh máy, có tựa đề là: Report on Proposed Medical Center for Vietnam, hoàn thành tháng 10, 1958. Trong báo cáo, ta thấy có đầy đủ sự kiện về YKĐH Saigon (cơ sở, nhân viên, học trình, …) và những đề nghị căn bản cho trung tâm giáo dục Y, Nha, Dược khoa tương lai cùng với bịnh viện thực tập 500 giường. Cần phải nói ngay là bịnh viện thực tập, sau nhiều cuộc thương thuyết sau này, đã không thành hình nổi và đã bị bãi bỏ năm 1973.
Trung Tâm Giáo Dục Y Khoa Saigon được khởi đầu xây cất năm 1963 và hoàn tất năm 1966, với khoản phí tổn 2 triệu rưởi mỹ kim, một nửa do chính phủ Việt Nam đài thọ, một nửa là viện trợ Mỹ. Số tiền này khá lớn khi một ly cà phê chỉ có 5 xu và 1 gallon xăng giá 20 xu. Tọa lạc trên đường Hồng Bàng, trung tâm gồm hai cơ cấu kiến trúc lớn, nối liền bằng một hành lang, tạo thành hình chữ H. Mỗi cơ cấu kiến trúc có 4 tầng, tầng dưới cùng một bên là văn phòng trường Y, một bên là văn phòng trường Nha, cùng với một số giảng đường nhỏ và phòng họp. Các tầng trên dành cho các bộ môn khoa học căn bản: Cơ thể, Sinh lý, Hoá học, Cơ thể bịnh lý, Mô học, Giải phẫu Thực nghiệm và Vi sinh học. Một đại giảng đường 300 chỗ và một thư viện lớn nằm giữa hai cơ cấu trên, cùng với quán ăn sinh viên. Đây là nơi sinh viên sinh hoạt mê say. Quán ăn do các nữ tu sĩ dòng Mến Thánh Giá điều hành đã cung cấp cho sinh viên những bữa ăn ngon lành với giá rẻ. Thức ăn có giới hạn, nhưng cơm thì ăn tha hồ.
YKĐH Saigon chính thức dọn vào trung tâm tháng 6, 1966, đánh dấu bước đầu cho một cuộc cộng tác y khoa mới lạ Mỹ Việt. Theo như thông lệ, cộng tác giữa hai đại học thuộc hai nước khác nhau thường chỉ được thực hiện một cách giới hạn qua sự trao đổi văn hoá và nhân viên giữa một hay hai khu của hai trường. Nhưng lần này, vì tầm vóc lớn lao, liên hệ tới nhiều khu, không một đại học Mỹ nào nhận. Hiệp hội Y khoa Mỹ AMA bằng lòng đứng ra môi giới liên lạc với nhiều trường đại học Mỹ. Mỗi trường chấp nhận bảo trợ cho một bộ môn của YKĐHS bằng cách cử nhân viên giảng huấn, ngắn hạn và dài hạn, sang Việt Nam để trợ giúp công việc giảng giạy, đồng thời cũng nhận nhân viên giảng huấn Việt Nam qua Mỹ tu nghiệp. Đây là một cuộc thí nghiệm đầu tiên về giáo dục y khoa cho cả Mỹ lẫn Việt Nam (4).

Sau đây là danh sách các đại học Mỹ đã tham gia chương trình này:
Bộ môn Tên Đại học Mỹ Thời gian tham gia
Cơ thể/Mô học Louisville 1966-1971
Gây mê Emory 1968-1972
Sinh hoá Nebraska 1968-1971
Bì phu Minnesota 1970-1971
Nội khoa Oklahoma 1970-1975
Vi sinh học Hawaii 1970-1975
Thần kinh Georgetown 1969-1971
Giải phẫu não Yale không chính thức
Sản phụ khoa Medical College 1969-1975 Of Georgia
Nhãn khoa Harvard không chính thức
Chỉnh trực Colorado không chính thức
Tai mũi họng Colorado 1968-1971
Ký sinh trùng Oklahoma 1970-1971
Cơ thể bịnh lý Missouri/Columbia 1967-1975
Nhi khoa Texas/Southwestern 1970-1973
Sinh lý Georgetown 1966-1973
Quang tuyến Pennsylvania 1969-1975
Y tế Công cộng Oklahoma 1967-1974
Giải phẫu Pittsburgh 1970-1974
Niệu khoa Duke 1969-1971

Trên thực tế, chương trình trao đổi văn hoá này đã đem lại kết quả tốt đẹp cho cả hai phía. Phía Mỹ, các nhân viên khi qua Việt Nam đã trau dồi thêm nhiều kiến thức về những bịnh trạng vùng nhiệt đới, ít khi thấy tại Mỹ. Phía Việt, nhân viên tu nghiệp có dịp tân trang hoá kiến thức, làm quen với những dụng cụ máy móc mới. Đồng thời, các bộ môn của mình cũng có dịp trang bị thêm nhiều sách vở, dụng cụ.
Vài mẩu truyện lý thú đã xẩy ra trong chương trình này. Ta phải nhớ đến GS Lilienfield, trưởng khu Sinh lý đại học Georgetown, một sinh lý gia nổi danh của Mỹ, tác giả cuốn sách sinh lý học gối đầu giường của các sinh viên Mỹ. Ông tham gia chương trình ngay từ đầu và đã qua Việt Nam giảng dạy nhiều lần. Hồi năm 1966, Saigon bị cúp điện liên miên. Một buổi giảng dạy của ông, vì thiếu điện, phải thực hiện ngoài trời, trên sân cỏ nằm trước quán ăn. Bảng đen được dựng vào gốc me. Sau buổi học, ông có nói với tôi là chưa bao giờ ông đã có một buổi trình bầy thú vị như vậy.
Hai chương trình trao đổi được chú ý tới nhiều là Nội và Ngoại khoa. Khu tương ứng (counterpart) về Nội khoa là đại học Oklahoma với giáo sư Hammarsten. Ông đã thăm viếng Việt Nam rất nhiều lần từ 1969 tới 1974. Đại học Oklahoma đã gửi trên 10 giáo sư thăm viếng ngắn và dài hạn qua Việt Nam và cũng đã tiếp nhận trên 10 bác sĩ Việt sang tu nghiệp. Sau 1975, cũng vì ông Hammarsten, đại học Oklahoma đã thành một trung tâm huấn luyện quan trọng cho các bác sĩ tị nạn trong việc thi lấy bằng hành nghề. BS Nông Thế Anh, một nhân viên giảng huấn của trường đang tu nghiệp tại Mỹ, đã có công lớn trong việc tổ chức lớp huấn luyện này.
Khu tương ứng về Ngoại khoa là đại học Pittsburgh với giáo sư Bahnson. Ông đã tham gia chương trình từ 1970 đến 1974. Ông là một phẫu thuật gia nổi tiếng về giải phẫu lồng ngực. Trong những chuyến thăm viếng, ông đã mổ nhiều lần ở bịnh viện Bình Dân cùng với GS Phạm Biểu Tâm. Chương trình đã đưa trên 20 bác sĩ Mỹ qua Việt Nam và cũng đã tiếp nhận 8 bác sĩ Việt qua tu nghiệp. Một trong những nhân viên của trường tu nghiệp tại Pittsburgh, BS Nghiêm Đạo Đại, hiện là giáo sư điều hành bộ môn ghép thận, gan và tụy tạng ờ trung tâm VA Pittsburgh.
Khu Nhi khoa cũng có nhiều hoạt động đáng kể. Khu tương ứng của bịnh viện Nhi Đồng là đại học Texas Southwestern. Trưởng khu, GS Eichenwald, đã tham dự chương trình rất sớm, từ 1968. Khu của ông đã thu xếp và gửi qua Việt Nam 5 giáo sư thăm viếng dài hạn cùng rất nhiều giáo sư ngắn hạn. Hai giáo sư thăm viếng dài hạn, bà Cornet và bà Whitaker, đã có công lớn trong việc thiết lập và điều hành các phòng ngoại chẩn (Under-Six Clinics) tại Saigon. Các giáo sư thăm viếng Nhi khoa đều rất thích ăn món bánh xèo của BS Dương thị Thanh Liên làm. Cũng cần nhắc lại là BS Thanh Liên đã viết một cuốn sách dạy nấu ăn các món Việt Nam, bán rất chạy tại Mỹ.
Trong thời gian huấn luyện, một truyện buồn đã xẩy ra cho bộ môn Cơ thể: một nhân viên giảng huấn dài hạn của đại học Louisville, bà Letterman, đã bỏ mình tại Việt Nam trong một tai nạn rủi ro.
Nếu khoảng thời gian 1954-1965 được coi như là một thời kỳ ổn định, không có biến chuyển lớn nào thì những năm sau, từ 1966 tới 1975, lại là một thời kỳ bất ổn, chịu ảnh hưởng tối đa của chiến tranh Nam Bắc và tình hình chính trị quốc nội. Thực vậy, trong khoảng thời gian 10 năm đó, thời kỳ mà YKĐHS chính thức tọa lạc tại Trung Tâm Gíao Dục Y Khoa, không có năm nào mà công cuộc giảng dạy lại không bị gián đoạn. Từ cuộc công kích năm Mậu Thân 1968 cho tới vụ thảm sát hai giáo sư Lê Minh Trí và Trần Anh, rồi những cuộc biểu tình liên miên của sinh viên, năm học nào cũng bị gián đoạn một hai tháng.
Ban lãnh đạo trường YKĐHS cũng không tránh được nhiều thay đổi. Khởi đầu là vụ bãi nhiệm GS Khoa trưởng Phạm Biểu Tâm vào tháng giêng 1967. Một ủy ban lâm thời gồm 5 giáo sư được cử ra điều hành trung tâm: các GS Ngô gia Hy, Trần Anh, Nguyễn Ngọc Huy, Lê Minh Trí và Nguyễn Thế Minh. Tháng 5, 1967, một cuộc bầu cử Khoa trưởng được tiến hành. Đây là lần đầu tiên các giảng sư được tham dự bầu cử. Trước đó, chỉ các giáo sư mới được bầu. Nhiệm kỳ Khoa trưởng dài 2 năm với quyền tái ứng cử. GS Ngô Gia Hy và GS Vũ Thị Thoa được bầu làm Khoa trưởng và Phó khoa trưởng. Đầu năm 1968, cuộc công kích Tết Mậu Thân xẩy ra. Các sinh viên phải đi thực tập quân sự làm niên học phải tạm gián đoạn. Tháng 11, 1968, một cuộc bầu cử Khoa trưởng thứ hai được tổ chức: các GS Phạm Tấn Tước, Đào Hữu Anh và Nguyễn Phước Đại được bầu vào chức vụ Khoa truởng và 2 Phó khoa trưởng. Tháng giêng 1969, trong khi tình hình chính trị tạm lắng đọng, vụ thảm sát GS Lê Minh Trí, Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục xẩy ra, và hai tháng sau đó, GS Trần Anh bị ám sát. Các cuộc biểu tình sinh viên bắt đầu tái diễn; một trong những lý do là chống kỳ thi tuyển nội trú. Tháng 12, 1970, GS Phạm Tấn Tước từ chức, GS Đào Hữu Anh lên giữ chức Quyền Khoa trưởng cho tới tháng 1, 1972, GS Đặng Văn Chiéu được bầu lên chức vụ Khoa trưởng. Chương trình giảng dạy tại YKĐHS được tiếp tục trôi chẩy trong mấy năm sau đó, chỉ trừ một cuộc công kích hồi tháng 4, 1972.
Sau đây là danh sách và thời gian hoạt động của các vị Khoa trưởng YKDHS từ 1946 tới 1975:
– 1946-1950: GS Daléas
– 1950-1955: GS Charles Massias
– 1955-1967: GS Phạm Biểu Tâm
– 1967-1969: GS Ngô Gia Hy
– 1969-1970: GS Phạm Tấn Tước
– 1970-1971: GS Đào Hữu Anh
– 1972-1974: GS Đặng Văn Chiếu
– 1974-1975: GS Vũ Quí Đài
Những thành quả từ khi thành lập tới năm 1975
Trường YKĐH Saigon đã giữ một địa vị tối quan trọng trong công cuộc đào tạo các chuyên viên phục vụ ngành y tế toàn quốc. Căn cứ trên số luận án đã được trình và chấp thuận (1), từ năm 1947 tới 1972 đã có 1779 bác sĩ y khoa ra trường tại YKĐHS. Số bác sĩ ra trường từ 1972 tới 1975 là bao nhiêu không rõ vì không có ghi chép. Tuy nhiên, với số sinh viên trên dưới 200 người một lớp, ta có thể phỏng ước lượng là có vào khoảng trên dưới 600 sinh viên ra trường trong khoảng thời gian đó. Như vậy, tổng số bác sĩ ra trường tại YKĐHS từ 1947 tới 1975 là vào khoảng 2380 người.
Ngoài công việc giảng dạy, các nhân viên giảng huấn YKĐHS còn tích cực tham gia khảo cứu. Rất nhiều bài báo cáo khoa học đã được đăng trên các báo y khoa quốc nội và quốc ngoại. Những bài này đã được liệt kê trong hai cuốn sách Travaux de Recherche Scientifique I và II của GS Nguyễn Hữu và BS Nguyễn Văn Nguyên. Chỉ tiếc là công trình này không được tiếp tục sau năm 1972 nữa. Một tài liệu rất quí giá khác cần được nêu ra là cuốn Bibliographie des Thèses của GS Nguyễn Đức Nguyên. Trong cuốn này, tất cả các luận án đệ trình tại hai YKĐH Saigon và Hà Nội từ khi thành lập tới năm 1972 đều được liệt kê đầy đủ.
Trường cũng đã chủ trương một tờ báo y khoa tên là Acta Medica Vietnamica, xuất bản mỗi tam cá nguyệt. Số báo đầu tiên ra mắt vào năm 1957, chủ nhiệm là GS Phạm Biểu Tâm. Tôi còn nhớ trong số đó có bài nghiên cứu về dinh dưỡng ở Việt Nam rất đặc sắc của GS Trần Vỹ. Báo được tiếp tục xuất bản cho tới năm 1975 thì ngưng hoạt động. Báo được trưng bầy và tồn trữ tại các thư viện của các trung tâm y khoa lớn quốc ngoại. Năm 2002, khi cần tìm lại một tài liệu y khoa cũ, với sự hướng dẫn của BS Đặng Phú Ân, tôi đã được nhìn lại những số báo AMV cũ kỹ đã ngả mầu vàng, tàng trữ tại thư viện của đại học Montreal. Bài tôi muốn kiếm (và tôi dã kiếm được hôm đó) là một bài báo cáo về trường hợp bịnh nấm cryptococcosis đầu tiên thấy ở Việt Nam. Bịnh nhân là một đàn ông trẻ tuổi có một bướu lớn bằng trái quít ăn vào xương sườn bên phải. GS Nguyễn Hữu mổ và cắt bướu đó tại bịnh viện Bình Dân. Thông thường thì nấm Cryptococcus chỉ xâm nhập qua bộ máy hô hấp rồi ăn lên óc, gây ra bịnh viêm màng óc cấp tính. Rất ít khi nấm ăn ra ngoài màng óc, chỉ trừ những trường hợp bịnh AIDS hoặc miễn nhiễm bẩm sinh. Hồi đó, ta chưa biết gì về HIV và AIDS, chưa có thuốc thử nên không rõ tình trạng miễn nhiễm của bịnh nhân ra sao.

30 năm nhìn lại: Những sự kiện đã xẩy ra tại quốc ngoại
 
Tháng tư năm 1975, quân đội cộng sản miền Bắc tràn ngập miền Nam, chính quyền quốc gia sụp đổ. Trong những ngày tháng sau đó, hơn 2 triệu dân Việt đã lần lượt bỏ nước ra đi tìm tự do, bất chấp mọi hiểm nghèo. Trong số những người này có đa số sinh viên và nhân viên giảng huấn của YKĐHS. Họ đã định cư tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng phần lớn đã lựa Mỹ quốc làm nơi sinh sống.
Một trong những mối ưu tư đầu tiên của người dân tị nạn là làm sao có thể sinh tồn trong một xã hội mới hoàn toàn xa lạ từ tinh thần tới vật chất. Đối với người trong y giới thì mối ưu tư chính là tìm được phương cách để có thể hoạt động trở lại trong ngành y mà mình đã lựa chọn. Với sự hỗ trợ đắc lực của hiệp hội American Medical Association (Dr. Ira Singer) một Hội Đồng Khoa Lưu Vong của YKĐH Saigon được thành lập tại Mỹ với mục tiêu chính là giúp đỡ chứng nhận, giới thiệu cho các sinh viên Việt tiếp tục hoàn tất học trình y khoa tại các đại học Mỹ, và các bác sĩ Việt hội đủ điều kiện hành nghề tại các tiểu bang Mỹ.
Thành phần Hội Đồng Khoa gồm 5 người, đại diện cho 4 khu bịnh lý và khoa học căn bản:
– GS Đặng Văn Chiếu (Ngoại khoa)
– GS Đào Hữu Anh (Khoa Học Căn Bản)
– GS Phan Đình Tuân (Nhi khoa)
– GS Nguyễn Văn Hồng (Sàn Phụ khoa)
– GS Lê Quốc Hanh (Nội khoa)
Hội Đồng Khoa họp buổi họp đầu tiên tại trụ sở Hiệp hội AMA ở Chicago vào tháng 9/1975. Trong thời điểm đó, mối liên hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam đã bị cắt đứt, các bác sĩ và sinh viên Việt không thể nào xin được các giấy tờ cần thiết từ trường cũ của mình, nên HĐK đã quyềt định đứng ra cấp phát các giấy chứng nhận, chứng chỉ học trình, và văn bằng cho các bác sĩ cũng như sinh viên y khoa cũ để họ có thể hoàn tất hồ sơ xin hành nghề hay học tiếp tại các đại học.
Trong buổi họp trên, HĐK đã chứng nhận và cấp phát 122 Chứng chỉ thay thế Văn Bằng Y Khoa Bác Sĩ (Certificate in-lieu of Diploma) cho 122 người hội đủ điều kiện. Trong việc cấp phát, HĐK đã căn cứ trên các giấy tờ đương sự mang theo được, các giấy affidavit do bạn bè cùng lớp hay cùng nơi hành nghề cấp, các tài liệu đã được in thành sách như Danh sách Luận án của GS Nguyên (1), danh sách Y Sĩ Đoàn, niên giám (yearbook), v.v.. Nhờ sự hỗ trợ của hiệp hội AMA, văn bằng của HĐK đã được các tiểu bang Mỹ công nhận là có giá trị tương đương như các văn bằng của các trường Y khoa khác, và có đầy đủ giá trị để ứng viên có thể được thâu nhận vào các chương trình huấn luyện hậu đại học.
Chương trình cấp phát chứng chỉ và biên thư giới thiệu này được tiếp tục hoạt động hoàn toàn do những nỗ lực cá nhân của các thành viên Hội Đồng Khoa, không có trợ giúp nào từ bên ngoài ngoại trừ sự hỗ trợ ban đầu của AMA. Hiệp hội AMA cũng đã có công lớn trong việc luân chuyển các giấy tờ từ các ứng viên tới Hội Đồng Khoa. Một khó khăn nhỏ đã xẩy ra: đó là việc chứng nhận cho các sinh viên ra trường sau tháng 4/1975. Vì Hội Đồng Khoa đã rời khỏi Việt Nam hồi tháng 4/1975 nên, trên phương diện kỹ thuật, không có đủ thẩm quyền để chứng nhận cho các sinh viên kể trên. May sao, có một số giáo sư YKĐHS đã rời khỏi Việt Nam sau 1975 như GS Trần Ngọc Ninh, Vũ Quí Đài và các vị này đã đồng ý chứng nhận cho các sinh viên ra trường từ 1975 tới 1978. Sau 1978 không ai có thẩm quyền chứng nhận thêm nữa.
Sau gần 25 năm hoạt động, HĐK đã cấp phát được tất cả 1261 văn bằng. Trừ một số nhỏ đã ra truờng từ YKĐH Hà nội, hầu hết các thụ đắc viên văn bằng đều là sinh viên YKĐH Saigon. Đa số các thụ đắc viên cư ngụ tại Mỹ. Tuy nhiên, một số văn bằng cũng đã được cấp phát cho bác sĩ cư ngụ tại các quốc gia khác trên thế giới. Bảng danh sách sau đây liệt kê các quốc gia và số văn bằng đã cấp phát tại quốc gia đó:
– Mỹ: 1167 văn bằng
– Canada: 48 văn bằng
– Pháp: 18 văn bằng
– Úc châu: 17 văn bằng
– Bỉ: 5 văn bằng
– Anh: 2 văn bằng
– Tây Đức: 1 văn bằng
– Hoà lan: 1 văn bằng
– Thụy sĩ: 1 văn bằng
– Do thái: 1 văn bằng
Ngoài văn bằng kể trên, các thành viên HĐK cũng đã ký rất nhiều giấy giới thiệu cho các sinh viên cũng như bác sĩ để giúp họ nộp đơn xin tiếp tục học y khoa hay tìm nơi huấn luyện lâm sàng.
Kể từ 1995, số bác sĩ Việt di cư qua Mỹ càng ngày càng giảm. Cộng thêm với việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam, các bác sĩ Việt ở hải ngoại có thể trực tiếp xin chứng chỉ học trình hay phó bản văn bằng từ Saigon, nên hoạt động của HĐK cũng giảm dần. Văn bằng sau cùng được cấp phát vào tháng 3/1998. Các bác sĩ thụ đắc viên của văn bằng do HĐK Lưu vong cấp đều đã hành nghề trở lại, an cư lạc nghiệp, không cần đến sự giúp đỡ của HDK nữa. Cho tới nay, các thành viên HĐK đều đã về hưu. Hai vị đã mất: GS Nguyễn Văn Hồng năm 2002 và GS Đặng Văn Chiếu năm 2004. Nhiệm kỳ của HĐK như vậy cũng đã được coi như chấm rứt, tuy rằng không chính thức.

Kết luận
 
Nhìn lại quá khứ 30 năm đã qua, ta thấy sự kiện quan trọng nhất cần phải kể ra là thành quả của giới y khoa di cư Việt Nam tại quốc ngoại. Với những nỗ lực cá nhân không nhỏ, đa số các sinh viên y khoa di tản đã tìm được nơi tiếp tục học và đã ra trường. Họ đã được huấn luyện thêm và dã trở thành những chuyên gia tài ba. Các bác sĩ di tản cũng không thua kém: họ đã hăng hái tham gia các chương trình huấn luyện lâm sàng tại các trung tâm y khoa lớn, chung vai sát cánh với các bác sĩ ngoại quốc khác như Trung Hoa, Ấn độ, Phi, Cao Ly, … Kết quả là đa số đã hành nghề y trở lại, từ thành thị tới các thôn quê hẻo lánh.
Tôi xin mạn phép nêu ra trường hợp của một bậc đàn anh mà tôi luôn luôn kính phục: BS Nguyễn Lưu Viên. Ông là nhân viên giảng huấn khu Cơ thể Bịnh lý (hình 2) và Tổng trưởng Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng Hoà trong những năm đầu thập niên 70. Khi di tản qua Mỹ năm 1975, ông tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn hăng hái tham gia chương trình huấn luyện y sĩ thường trú (Residency) tại Memphis, Tennessee. Khi xong, ông vừa đúng 65 tuổi. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục làm việc cho tới 70 tuổi mới về hưu. Với trí nhớ rất minh mẫn, ông vẫn còn cộng tác, viết bài cho các diễn đàn y khoa và văn hoá Việt. Cách đây chừng một tháng, trong một buổi hội thảo, ông đã làm cử toạ ngạc nhiên và thán phục khi ông đọc thuộc lòng trước mặt mọi người những lời thề Hippocrates bằng tiếng Pháp.
Sự thành công của giới y khoa di tản đã nêu một gương sáng cho con em các gia đình Việt tại quốc ngoại. Kết quả là ngành y tế đã được các sinh viên trẻ gốc Việt chú ý, lựa chọn và dành cho một tỷ lệ ghi danh rất cao. Và số bác sĩ gốc Việt ra trường tại các đại học y khoa Mỹ cũng như Pháp càng ngày càng nhiều.
Đó là những thành quả tốt đẹp mà năm 1975, khi còn ngồi trong các trại tị nạn bàn tính về tương lai, chúng ta không hề dám nghĩ tới.
Tháng 7, 2005.
                                    
BS Đào Hữu Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét