Nguyễn Lân Hiếu
Bác sĩ
Sau khi bố bị mất vì bệnh ung thư đại tràng (một loại ung thư có thể cứu chữa nếu được phát hiện sớm), Tuấn vội sắp xếp thời gian đi nội soi dạ dày, đại tràng cho cả mình và người mẹ lớn tuổi.
Với trải nghiệm không tốt ở bệnh viện công, vì không muốn mẹ chịu cảnh chen lấn, xếp hàng cho một loại thăm khám đơn giản, anh đưa mẹ tới một bệnh viện tư.
"Hai mẹ con đều không có polyp nào đáng kể anh ạ, may quá", Tuấn nói. Nhưng anh rất băn khoăn về sự chênh lệch chi phí cho cùng một nội dung thăm khám giữa bệnh viện công và tư. Trong khi Tuấn mất chưa hết một triệu đồng để nội soi dạ dày, đại tràng; mẹ anh phải chi gần bốn triệu cho dịch vụ tương tự. Bác sĩ còn kê đơn một loạt thuốc khác, hết hơn bốn triệu đồng nữa. Anh không chắc có nên cho mẹ uống hết số thuốc này không.
Câu chuyện Tuấn kể, không làm bất cứ ai ngạc nhiên trong giai đoạn hiện nay, chứng tỏ cần sớm có lời giải cho những vấn đề bất hợp lý đang tồn tại giữa hệ thống y tế công - tư.
Bệnh viện tư đang và sẽ còn phát triển "bùng nổ" khắp các vùng miền Việt Nam, do các nguyên nhân chủ yếu sau. Thứ nhất là nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng mà hệ thống y tế công đang quá tải. Thứ hai, Nhà nước đang có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư cho y tế như cung cấp mặt bằng hay giá đất ưu đãi để xây bệnh viện, bắt buộc các khu đô thị mới dành diện tích quy hoạch cho y tế, áp mức lãi suất thấp cho các dự án an sinh xã hội... Tiếp theo là ngày càng nhiều nhà đầu tư lựa chọn lĩnh vực đầu tư bền vững và có mục đích nhân văn. Nhiều "ông lớn" trong nền kinh tế tư nhân đều đã hoặc đang có các dự án bệnh viện từ mức độ vừa đến rất lớn. Cuối cùng, phải nhìn thẳng vào sự thực, đây là giai đoạn các bệnh viện công lập đang khủng hoảng. Được đầu tư lớn, nhiều bệnh viện có cơ sở vật chất khang trang nhưng do cơ chế, chính sách bất hợp lý, đại bộ phận bệnh viện công hiện nay đã và đang thiếu vật tư trang thiết bị thuốc men, hóa chất; đặc biệt không còn giữ được người tài trong hệ thống.
Niềm tin vào bệnh viện công được xây dựng lâu năm đang lung lay dữ dội. Vì nguyên nhân này rất nhiều nhà đầu tư trước đây tham gia vào hợp tác công tư trong cơ chế "xã hội hóa" đã chuyển hướng, mạnh dạn mở các cơ sở y tế tư nhân. Đây là xu thế tất yếu trong một xã hội vận động không ngừng. Tôi ủng hộ sự phát triển của hệ thống y tế tư nhân như một động lực mới để thúc đẩy nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Vấn đề đặt ra là cần có chính sách hợp lý cho hệ thống y tế tư nhân Việt Nam, tránh hai chướng ngại lớn nhất hiện nay: lạm dụng chẩn đoán, điều trị, gây tốn kém, nguy hại cho người dân; và ở khía cạnh ngược lại đầu tư không hiệu quả gây lãng phí lớn cho xã hội.
Vấn đề thứ nhất đã được đề cập đến nhiều, vì khi tư nhân vận hành bệnh viện, họ sẽ coi lợi nhuận, thu hồi vốn là nhiệm vụ hàng đầu. Bệnh viện tư cũng gặp phải định kiến (ít nhiều có cơ sở) là chỉ có thể chữa các bệnh đơn giản. Hậu quả là trình độ nhân viên y tế ở đây không được nâng cao. Vòng luẩn quẩn diễn ra: không có nhiều bệnh nhân khó, bệnh viện sẽ tập trung vào nhóm bệnh thông thường; khám sức khỏe, tầm soát... Việc lạm dụng xét nghiệm cũng như chỉ định điều trị, vì mục tiêu lợi nhuận, chắc chắn xảy ra.
Chính vì vậy, mối quan tâm của tôi với sự gia tăng các bệnh viện tư nhân là làm sao để họ phải luôn đảm bảo chất lượng chăm sóc. Phải có những quy định nghiêm ngặt để các cơ sở y tế tư nhân ưu tiên chăm sóc bệnh nhân hơn lợi nhuận. Giải quyết vấn đề này không hề dễ. Chỉ những bệnh viện đầu tư lớn mới đưa các tiêu chí quốc tế về an toàn người bệnh trong hoạt động và mạnh dạn đi vào các lĩnh vực y khoa phức tạp, tốn kém. Họ đã bắt đầu thu được những hiệu quả bền vững. Cá nhân tôi rất ủng hộ những mô hình y tế tư nhân như vậy.
Ngoài ra cần khách quan hơn với y tế tư nhân trong một số tai biến y khoa phức tạp. Bệnh viện công lớn cũng thường để xảy ra rủi ro với các ca nặng. Nhưng nếu biến chứng xuất hiện ở bệnh viện tư, đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế dễ dàng đối mặt với các cáo buộc nặng tính định kiến hơn là căn cứ vào đánh giá chuyên môn. Đây chính là một rào cản khiến bệnh viện tư khó vượt qua để trở thành những bệnh viện đầu ngành.
Đào tạo liên tục cũng là nhu cầu bức thiết của cả y tế công và tư. Công nghệ, Telehealth, đào tạo trực tuyến và các giải pháp y tế kỹ thuật số khác có thể mang lại hướng đi mới, đặc biệt là trong việc tiếp cận vùng sâu vùng xa. Hệ thống y tế tư nhân có thể linh hoạt hơn trong việc áp dụng các công nghệ này và họ chắc chắn nên được khuyến khích.
Tôi luôn phản đối hợp tác công tư theo mô hình cũ, mà chúng ta quen gọi là "xã hội hóa" trong y tế như "đặt" máy móc trong bệnh viện công để cùng kinh doanh thu lợi nhuận, nhưng có các mô hình đầu tư đối tác công tư (PPP) khác hoạt động hiệu quả hơn. Các dự án hợp tác phải có mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất là người dân được hưởng lợi. Chính vì vậy mô hình bệnh viện phi lợi nhuận sẽ là lý tưởng.
Vấn đề thứ hai ở chiều ngược lại. Không ít bệnh viện tư được đầu tư bài bản nhưng chưa sử dụng hết công suất, do nhiều nguyên nhân như: thiếu nhân lực, thủ tục xin phép danh mục kỹ thuật phức tạp, tốn nhiều thời gian, hoặc đơn giản là chưa tạo được niềm tin cho người bệnh. Tuy nhiên, một nguyên nhân quan trọng là việc tư vấn đầu tư, tổ chức thực hiện còn thiếu chuyên nghiệp. Ngành y tế cần một quy hoạch tổng thể đến từng địa phương; không chỉ là số cơ sở y tế, số giường bệnh hay số bác sĩ, điều dưỡng trên 10.000 dân... mà có cả quy hoạch về chuyên ngành, về định hướng phát triển kỹ thuật cao và quan trọng là nêu bật được vai trò, vị trí y tế tư nhân trong bản đồ hệ thống y tế, tránh chỗ thiếu chỗ thừa, vừa không đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, vừa lãng phí nguồn lực toàn xã hội.
Vai trò quan trọng của y tế tư nhân là điều cần phải thừa nhận. Rất nhiều hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước đã nhận được sự đóng góp ý kiến của hệ thống y tế tư, rất nhiều hoạt động an sinh xã hội đã do các bệnh viện tư đảm trách. Vì vậy, điều cần thiết tiếp theo là sự đầu tư nghiên cứu bài bản, chuyên nghiệp để hình thành các chính sách rõ ràng minh bạch cho hoạt động y tế tư nhân tại Việt Nam.
Nguyễn Lân Hiếu
Nguyễn Lân Hiếu
Bác sĩ
Ông Nguyễn Lân Hiếu là bác sỹ, phó giáo sư, tiến sĩ Y khoa, Đại biểu Quốc hội Việt Nam. Ông là một chuyên gia tim mạch và hiện là Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Khám bệnh ở 'viện tư'
Trạm y tế 'teo tóp'
Hợp tác công - tư
Tháo chạy khỏi y tế công
Những ngày qua, tin tức y tế tràn ngập như ngày này năm trước.
Năm Covid thứ ba
Y tế phường
Bao nhiêu lần gia đình bạn có người bị ốm và tìm đến y tế phường?
Phong tỏa vô tội vạ
Cảm xúc khi thấy những rào chắn đầu tiên bị gỡ bỏ sẽ là kỷ niệm khó quên trong đời tôi.
Chiếc chìa khóa thứ ba
Vaccine hàng chợ
Thành trì chống dịch
Vào Quốc hội làm gì?
Một sáng sớm năm năm trước, tôi gọi cậu cả vào phòng và tuyên bố quyết tâm ứng cử vào Quốc hội.
Tư duy 'cứu người'
Hơn một lần tôi phê phán việc dùng từ “cứu người” để mô tả hành động chữa được ca bệnh khó.
Giao thừa trong blouse trắng
Năm đầu thời ‘Cô vy'
Đột quỵ tuổi 20
Lần cuối cùng bạn kiểm tra huyết áp của mình và người thân là khi nào?
Quy hoạch lòng tốt
Điều tôi nhớ nhất sau chuyến đi tuần trước đến Quảng Trị là ánh mắt bọn trẻ vùng bị lũ lụt, sạt lở.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét