Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, thường gọi là Y khoa Đại học đường Sài Gòn, có tiền thân là một trường Y Khoa được hành lập từ năm 1947, vốn là một phân hiệu của trường Y khoa Hà Nội (École de Médecine de Hanoi). Đây chính là trường Y Khoa đầu tiên của Đông Dương, được bác sĩ Yersin thành lập và làm hiệu trưởng đầu tiên từ năm 1902 ở Hà Nội, sau đó trở thành một phần của Viện Đại học Đông Dương. Năm 1947, sau khi tái kiểm soát Đông Dương, thực dân Pháp đã thành lập phân viện trường Y Khoa ở Sài Gòn (Faculté mixte de Médecine et de Pharmacie de Hanoi, Section de Saigon), với vị hiệu trưởng đầu tiên là giáo sư C.Massias, trụ sở đặt tại căn villa số 28 đường Testard (Trần Quý Cáp, nay là Võ Văn Tần). Ở cuối bài viết này, chúng tôi sẽ nói chi tiết hơn về căn villa này.
Năm 1955, sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương, trường Y Khoa này được chuyển giao về cho chính quyền Quốc Gia Việt Nam, đổi tên trường thành Y Dược Đại học đường, nhưng hầu hết các giáo sư giảng dạy vẫn là những người Pháp, bằng cấp của trường được công nhận tại Pháp. Ngày 31 tháng 8 năm 1961, Y Dược Đại học đường Sài Gòn cũ được tách làm 2: Y khoa Đại học đường Sài Gòn và Dược khoa Đại học đường Sài Gòn. Ngày 5/1/1962, Dược Khoa Đại học đường chính thức khánh thành trụ sở mới, số 169 Công Lý, vốn là biệt thự cũ của bà chủ đồn điền cao su Souchère thời Pháp (hình bên dưới), nay là Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố. Tới năm 1968, trường Dược, lúc này mang tên là Trường Đại học Dược Khoa Sài Gòn) lại chuyển qua trụ sở mới bên thành Cộng Hòa cũ, sát bện cạnh trường Văn Khoa bên đường Đinh Tiên Hoàng – Cường Để
Quay trở lại với Y Khoa Đại học Đường, vào ngày 12 tháng 8 năm 1962, Ban Nha khoa thuộc Y khoa Đại học đường Sài Gòn lại tách ra thành trường riêng, tên gọi Nha khoa Đại học đường Sài Gòn. Năm 1963, Nha Khoa Đại học đường chuyển về trụ sở ở Chợ Lớn, số 652 Nguyễn Trãi (nay là Bệnh viện Răng Hàm Mặt). Như vậy từ một trường ban đầu, Y Được Đại học đường đã tách thành 3 trường, hoạt động độc lập và cùng trực thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Đó là: Y khoa Đại học đường Sài Gòn – Dược khoa Đại học đường Sài Gòn – Nha khoa Đại học đường Sài Gòn. Cũng từ lúc này, các giáo sư người Pháp lần lượt giải nhiệm và ban giảng huấn chuyển qua tay người Việt. Năm 1962 là năm cuối cùng bằng Bác sĩ Y khoa của Viện Đại học Sài Gòn được công nhận tại Pháp. Năm 1961, để làm trụ sở mới cho 2 trường Y Khoa và Nha Khoa, tổng thống Ngô Đình Diệm đã quyết định cho nghiên cứu một đề án xây dựng cơ sở mới bên Chợ Lớn, được gọi là Trung tâm giáo dục Y Khoa thuộc Viện Đại học Sài Gòn, nằm trên nền cũ của Dinh Đốc Lý thành phố Chợ Lớn, giữa 4 con đường Nguyễn Trãi, Hồng Bằng, Phù Đổng Thiên Vương và Tản Đà.
Dinh Đốc Lý Chợ Lớn, vị trí sau này là nơi xây dựng Trung tâm Giáo dục Y Khoa – trường Đại học Y Khoa Sài Gòn Dinh Đốc Lý Chợ Lớn cũng từng được gọi là Dinh Xã Tây (khác với Dinh Xã Tây Sài Gòn), nên ngay bên cạnh khu này vẫn còn một ngôi chợ mang tên là chợ Xã Tây.
3 khối nhà màu trắng là Trung tâm giáo dục Y Khoa, nằm bên cạnh Nhà thờ Thánh nữ Jeanne d’Arc Người phụ trách thiết kế và xây dựng Trung tâm Giáo dục Y Khoa này chính là kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, hợp tác với công ty xây dựng Hoa Kỳ.
Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Trung tâm Giáo dục Y khoa diễn ra vào ngày 9/5/1963, với sự có mặt của tất cả những nhà lãnh đạo cao nhất: Tổng thống Ngô Đình Diệm, phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, Chủ tịch quốc hội Trương Vĩnh Lệ, Chủ tịch Viện Bảo Hiến Đinh Văn Huân, Tổng tham mưu trưởng quân đội là Đại tướng Lê Văn Tỵ, Bộ trưởng Quốc gia Giáo Dục Nguyễn Quang Trình, Khoa trưởng Y Khoa Đại học dường Phạm Biểu Tâm, Đại sứ Hoa Kỳ là Fredericj E. Nolting.
Bản vẽ Trung tâm giáo dục y Khoa của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ Sau những bài phát biểu của tổng thống, bộ trưởng, khoa trưởng và Đại sứ Hoa Kỳ, các quan khách có mặt đã đi thăm phòng triển lãm những họa đồ và mô hình của Trung tâm Giáo dục Y khoa.
KTS Ngô Viết Thụ (bên phải) đang trình bày với tổng thống Ngô Đình Diệm về đồ án xây dựng trung tâm giáo dục y khoa,
Tờ Văn Hóa Nguyệt San của Bộ Quốc gia Giáo Dục xuất bản tháng 5/1963 đưa tin: Vài chi-tiết về dự-án xây cất Trung-tâm Giáo-dục Y-khoa. Trung-tâm Giáo-dục Y-khoa mà Tổng-Thống vừa đặt viên đá đầu tiên đề xây cất là kết-quả cuộc hợp tác thân hữu giữa hai chính phủ Hoa Kỳ và Việt-Nam. Trung-tâm này sẽ được xây cất trong hai giai đoạn: trước hết là một trường Y-khoa mới để giảng dạy các khoa-học căn-bản, và sau là một bệnh viện thực-hành. Đồ-án xây cất cũng là kết-quả tốt đẹp của một sự hợp-tác chặt-chẽ giữa các kiến-trúc-sư Mỹ và Việt Nam: một bên là hãng kiến-trúc-sư Mỹ Smith, Hinchman và Grills và một bên là đoàn kiến-trúc-sư Việt-Nam do ông Ngô-Viết-Thụ, khôi-nguyên giải La-Mã, hướng-dẫn. Bắt đầu từ năm 1961, hai bên đã cộng tác đề thiết-lập đồ-án nói trên. Khoảng tháng 6 năm 1962, các kiến-trúc-sư Việt và Mỹ đã hoàn-thành đồ án xây cất trường Y-khoa giảng dạy khoa-học căn-bản với đầy-đủ chi-tiết. Toàn bộ trường y-khoa này gồm có những phòng thí-nghiệm về mọi khoa-học căn-bản, những giảng-đường với 200 chỗ ngồi, một đại thính-đường với 450 chỗ ngồi, một thư-viện 300 chỗ ngồi, một quán cà-phê và một bệnh-viện Nha-khoa. Trung-tâm Giáo-dục Y-khoa dự-định thâu nhận 1,500 sinh-viên Y-khoa và Nha-khoa, như vậy mỗi năm sẽ có độ 200 bác-sĩ y-khoa và 50 nha-sĩ tốt-nghiệp. Địa-điểm của Trung-tâm do Bộ Quốc-Gia Giáo-Dục lựa chọn là ở Chợ lớn, gần hai bệnh-viện lớn là Hồng-Bàng và Hùng-Vương. Trung tâm Giáo dục Y Khoa được hoàn thành 1966 với tổng kinh phí xây dựng là 4.5 triệu USD, trong đó một nửa do cơ quan USAID của Hoa Kỳ tài trợ với sự trợ lực của Hội Y khoa Hoa Kỳ (American Medical Association, AMA). Một nửa kinh phú còn lại được góp từ ngân sách quốc gia.
Ngày 16 tháng 11 năm 1966, Y khoa Đại học đường Sài Gòn chính thức chuyển về Trung tâm Giáo dục Y khoa. Trung tâm có cơ sở vật chất tiện nghi, hiện đại, được sử dụng chung cho 2 trường Y khoa và Nha khoa, với 1 đại giảng đường 500 chỗ ngồi, 3 giảng đường với mỗi giảng đường có 300 chỗ ngồi, thư viện và đầy đủ các khu y học cơ sở cùng với các phòng thí nghiệm.
Trong buổi lể khởi công xây dựng công trình này, tổng thống Ngô Đình Diệm có bài phát biểu sau đây:
Thưa quý vị. Tôi hân-hoan đến chủ-tọa lễ đặt viên đá đầu tiên cho Trung-Tâm Giáo-Dục Y-Khoa Sài-gòn. Dự-án quan-trọng này đã được Chánh-Phủ nghiên-cứu từ lâu, trong khuôn khổ chương-trình khuếch-trương ngành Đại-học, và hôm nay, với sự hợp-tác của Cơ-quan Viện-trợ Hoa-Kỳ, chúng ta bước vào giai-đoạn thực-hiện. Khi hoàn-thành, Việt-Nam sẽ có một Trung-Tâm Giáo-Dục Y-Khoa hoàn-bị, không kém gì những cơ-sở đồng-loại tân-tiến nhất vùng Đông-Nam Á. Tôi có lời cám ơn nồng-hậu Chính-Phủ Hoa-Kỳ đã giúp cho công trình này một ngân-khoản lớn, và ngợi khen các chuyên viên Mỹ Việt đã cộng-tác chặt-chẽ và hữu-hiệu trong việc thiết-lập các đồ-án. Sức khỏe của nhân-dân là một yếu-tố căn-bản trong cuộc tranh đấu để thoát khỏi tình trạng chậm tiến. Cho nên, ngay từ ngày chấp-chánh, tôi đã chỉ thị mở-mang các cơ-sở y-tế trong toàn-quốc, đồng-thời khuếch-trương cấp-tốc ngành chuyên-khoa y-dược. Trong chương-trình phát-triển này, một Trường Đại-học Y-Khoa đã được thành-lập tại Huế, ban Dược-Khoa tại Sài-gòn đã được nâng lên hàng một trường đại-học và hôm nay bộ-phận đầu tiên của Trung-Tâm Giáo-Dục Y-Khoa bắt đầu được xây cất tại đây và sẽ được hoàn-tất trong 24 tháng. Ngoài ra, những trường Cán-sự Điều-dưỡng và Nữ Hộ-sinh Quốc-gia cũng đang phát-triển điều- hòa. Như vậy, trong một tương-lai gần đây, số chuyên-viên y-tế các cấp sẽ không còn thiếu-thốn như hiện nay, và nhất là tại thôn-quê, sức khỏe của đồng-bào sẽ được chăm nom thêm phần chu-đáo. Sinh-viên Y-Khoa, Tại đây, các bạn sẽ có một ngôi trường xứng đáng, đầy đủ tiện-nghi để học-hỏi, nghiên-cứu, thực-hành, hầu trở nên những y-sĩ lành nghề. Lành nghề đề phục-ưu cho Dân lộc, để thực-hiện đồng-tiến xã-hội Việt-Nam. (Theo Văn Hóa Nguyệt San tháng 5-1963)
Một số hình ảnh hiện nay của Trường ĐH Y Dược (cơ sở cũ):
Tính đến 1975, Y Khoa Đại Học Đường Saigon là một trong số 8 Trường (Kiến Trúc, Khoa Học, Luật Khoa, Sư Phạm, Văn Khoa, Y Khoa, Dược Khoa, Nha Khoa) trực thuộc Viện Đại Học Saigon. Lý thuyết và thực tập các môn khoa học cơ bản được triển khai tại nhiều nơi khác nhau, đó là: Môn Vi trùng và Ký sinh trùng học: Viện Pasteur Saigon Môn Sinh hoá học: phòng thí nghiệm Bệnh viện Đô Thành (nay là Bệnh viện Sài Gòn) Môn Mô học và Cơ thể bệnh học (nay gọi là Giải phẫu bệnh học): quân y viện Coste (của quân đội Pháp ở gần Thảo Cầm viên, nay là trường nữ trung học Trưng Vương) Môn Cơ thể học (nay gọi là Giải phẫu học): Bệnh viện Chợ Rẫy. Các bệnh viện thực tập: Bệnh viện Grall (là bệnh viện đa khoa của người Pháp trước 1975, sau này là Bệnh viện Nhi đồng 2): ban đầu sử dụng tối đa lúc về cơ sở, phòng ốc và giảng viên, những năm sau giảm dần. Bệnh viện Chợ Rẫy: cho các môn Nội, Ngoại, Tai Mũi Họng, Mắt. Bệnh viện Đô Thành (nay là Bệnh viện Sài Gòn): cho các môn Nội, Ngoại, Cấp Cứu, Tai Mũi họng. Bệnh viện Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh nhệt đới và Bệnh viện Tâm thần): cho môn bệnh truyền nhiễm và bệnh tâm thần. Bảo sanh viện Từ Dũ (nay là Bệnh viện Phụ Sản Từ Dũ). Viện Bài trừ Hoa liễu (nay là Bệnh viện Da Liễu). Y khoa Đại học Đường Sài Gòn là nơi lưu trữ nhiều sách báo chuyên môn. Vào thời điểm 1970 thư viện của trường có 7.302 đầu sách tiếng Anh, 4.547 sách tiếng Pháp cùng một số sách tiếng Việt. Ngoài công việc giảng dạy, các nhân viên giảng huấn còn tích cực tham gia khảo cứu. Rất nhiều bài báo cáo khoa học đã được đăng trên các báo y khoa quốc nội và quốc ngoại, những bài này đã được liệt kê trong hai quyển sách Travaux de Recherche Scientifique I và II của GS Nguyễn Hữu và BS Nguyễn Đức Nguyên. Ngoài ra còn có là quyển sách Bibliographie des Thèses của GS Nguyễn Đức Nguyên, trong đó ghi lại đầy đủ tất cả các luận án đệ trình tại hai trường y khoa Saigon và Hà nội từ khi thành lập tới năm 1972. Từ năm 1957 đến 1975, trường cũng chủ biên một tạp chí y khoa là Acta Medica Vietnamica, xuất bản mỗi 3 tháng một lần, tổng biên tập là GS Phạm Biểu Tâm. Về đội ngũ giảng viên, Giáo sư của trường lúc ban đầu chỉ có 2 người, nên nhà trường đã dùng khả năng giảng huấn của các bác sĩ Quân y Pháp và các bác sĩ Việt Nam ở Saigon, niên khóa 1948-1949 có tới 10 Giáo Sư trong đó có GS. Massias (Nội Khoa) ở Hà Nội vào và GS. Trần Quang Đệ (Ngoại Khoa) từ Pháp về. Từ 1960-1963, đội ngũ Giáo Sư nhanh chóng được bổ sung bằng các thầy tốt nghiệp Thạc Sĩ (Agrégé) từ Pháp: GS Ngô Gia Hy (Niệu khoa), GS Trần Anh (Nhân chủng học), GS Nguyễn Văn Út (Da Liễu), GS Bùi Quốc Hương (Thần kinh), GS Nguyễn Ngọc Huy (Tim mạch), GS Lê Xuân Chất (Huyết học), GS Đào Đức Hoành (Ung thư) và GS Nguyễn Huy Can (Cơ thể Bệnh lý). Từ 1965-1966, những thầy cô đào tạo Tiến Sĩ, Thạc Sĩ từ Hoa Kỳ lần lượt trở về và phong Giáo Sư: Nguyễn Khắc Minh (Gây Mê), Bùi Duy Tâm (Sinh hoá), Nguyễn Ngọc Giệp (Phụ Sản), Vũ Quí Đài (Vi Sinh học) – Đỗ Thị Nhuận (Ký Sinh Trùng học), Đào Hữu Anh (Giải Phẫu Bệnh), Hoàng Tiến Bảo (Chỉnh Trực).
Nguồn cán bộ giảng còn được bổ sung bằng những chuyên viên ở Châu Âu, Bắc Mỹ trở về như BS Nguyễn Thế Minh (Nội Khoa, Pháp), BS Trần Kiêm Thục (Bệnh Tiêu Hóa, Pháp), BS Trần Thế Nghiệp (Quang Tuyến, Pháp), BS Lê Dư Khương (Giải Phẫu, Đức), BS Liễu Thanh Tâm (Quang Tuyến, Pháp), BS Phó Bá Đa (Giải Phẫu, Mỹ), BS. Hoàng Minh Mậu (Tiêu Hóa, Mỹ), Lê thị Tuyết Nga (Nhi khoa, Pháp), BS. Thái văn Kim (Nhi Khoa, Pháp). Đến niên khóa 1967-1968, tổng số nhân viên giảng huấn là 91, với 16 GS thực thụ, 7 GS diễn giảng, 27 giảng sư, và 41 giảng nghiệm viên. Hàng năm, nhà trường tổ chức thi tuyển giảng viên từ nguồn Bác sĩ trong nước, những người trúng tuyển như Văn Tần (Ngoại khoa), Võ thành Phụng (Chấn thương chỉnh hình, Phẫu thuật Nhi), Văn Kỳ Chương (Ngoại Khoa), Văn Kỳ Nam (Ngoại Khoa), Nguyễn văn Điền (Chấn thương Chỉnh hình), Lê Kính (Chấn Thương Chỉnh Hình), Đặng Phú Ân (Niệu khoa), Nguyễn Thị Bích Tuyết (Sản Phụ khoa), Trần thị Minh Châu (Sản Phụ khoa), Trần Ngọc Bảo (Nội Khoa), Trần Đình Đôn (Nhi khoa), Nguyễn Bá Duy (Nhi Khoa), Phạm Long Trung (Lao và bệnh Phổi), Bùi Quang Minh (Lao và bệnh Phổi), Nguyễn Ngọc Lĩnh (Truyền Nhiễm), Nguyễn thị Trà Mi (Da Liễu), Lê Sỹ Quang (Sinh Lý), Lê Tiến Văn (Vi Sinh), Nguyễn thị Minh Chí (Vi Sinh), Bồ Kim Khánh (Vi Sinh), Mạnh Xuân Văn (Sinh Hóa), Trần thị Hồng Nhung (Sinh Hóa), Đinh Hải Tùng (Vi Sinh), Mùi Quý Bồng (Ký Sinh học), Đỗ Danh Thụy (Ký Sinh học), Phạm văn Ngà (Giải Phẫu Bệnh), Trần Xuân Mai (Vi Nấm & Ký Sinh Học), Nguyễn Thúy San (Vi Nấm & Ký Sinh Học), Bùi đắc Chí (Mô Phôi), Phùng Hữu Chí (Tiêu Hóa), Hoàng Xuân Chỉnh (Tiêu Hóa), Nguyễn Phú Hiếu (Tiêu Hóa), Đặng Thị Bạch Yến (Tim Mạch), …. Các giảng viên này được qui hoạch để đi du học, bồi dưỡng nghiệp vụ ở Hoa Kỳ và châu Âu. Đội ngũ nhân viên giảng huấn được sắp xếp theo 5 cấp: Giáo Sư Thực Thụ (Professeur tiltulaire) Giáo Sư Diễn Giảng (Professeur délégué) Giáo Sư Ủy Nhiệm (Professeur fonctionnel) Giảng Sư (Chargée de Cours) Giảng Nghiệm Trưởng (Assistant chef) Giảng Nghiệm viên (Assistant) Những người tốt nghiệp đại học có thời gian học dưới 7 năm (Dược Sĩ, Cử Nhân, Kỹ Sư, …), thi đậu kỳ thi tuyển giảng viên của nhà trường, sẽ được bổ nhiệm Giảng Viên. Những người tốt nghiệp đại học có thời gian học 7 năm (Bác Sĩ), thi đậu kỳ thi tuyển giảng viên của nhà trường, được bổ nhiệm Giảng Nghiệm Trưởng. Những người tốt nghiệp Tiến Sĩ , thi đậu kỳ thi tuyển giảng viên của nhà trường, hoặc những Giảng Nghiệm Trưởng có công trình nghiên cứu khoa học và thâm niên giảng dạy, được bổ nhiệm Giảng Sư. Những Giảng Sư có công trình nghiên cứu khoa học và thâm niên giảng dạy sẽ được bổ nhiệm Giáo Sư Ủy Nhiệm Những Giáo Sư Ủy Nhiệm có công trình nghiên cứu khoa học và thâm niên giảng dạy sẽ được bổ nhiệm Giáo Sư Diễn Giảng.
Những Giáo Sư Diễn Giảng có công trình nghiên cứu khoa học và thâm niên giảng dạy sẽ được bổ nhiệm Giáo Sư Thực Thụ Từ Giảng Sư trở lên có quyền hướng dẫn Luận Án và tham gia Hội Đồng chấm Luận Án do Trưởng Khoa bổ nhiệm. Đến niên khóa 1967-1968, Y Khoa Đại Học Đường Saigon có 91 cán bộ giảng với 16 GS thực thụ, 7 GS diễn giảng, 27 giảng sư, và 41 giảng nghiệm trưởng – giảng nghiệm viên. [5] Về hệ thống trợ giảng, có các Nghiệm chế viên (préparateur) cho các bộ môn y học cơ sở. Các nghiệm chế viên này được tuyển hàng năm để trợ giảng cho đội ngũ giảng viên. Ứng viên là các sinh viên y khoa năm thứ 4 – 6, phải qua một bài thi viết, một bài thực hành và một bài thuyết trình 5 phút trước Ban Chủ Nhiệm Bộ Môn. Nếu được tuyển dụng và chính thức bổ nhiệm, người này sẽ được hưởng một mức lương tương đương 50% lương một bác sĩ mới ra trường. Công việc chính là chuẩn bị và giảng thực tập cho sinh viên, phụ Giáo Sư tiến hành nghiên cứu khoa học (kết hợp làm Luận Án). Về Nội trú các bệnh viện (Interne des hopitaux): tại các bộ môn lâm sàng có nhu cầu, nhà trường tổ chức thi tuyển nội trú. Ứng viên là các sinh viên y khoa năm thứ 5, thứ 6, phải qua một bài thi viết GIải Phẫu, Sinh Lý và một bài thuyết trình 5 phút trước Ban Chủ Nhiệm Bộ Môn. Nếu trúng tuyển, ứng viên sẽ chính thức bổ nhiệm và ưu tiên chọn Bộ Môn/Bệnh Viện theo kết quả xếp hạng. Các nội trú vẫn tiếp tục học như các bạn khác trong lớp, phần lớn thời gian của họ là ở bệnh viện để phụ giúp các thầy/cô trong giảng dạy lâm sang và nghiên cứu khoa học (kết hợp làm Luận Án). Khi ra trường, ngoài tước vị Bác Sĩ Y Khoa, họ còn có quyền sử dụng tước vị “Cựu Nội Trú Các Bệnh Viện” trong khi hành nghề. Ngoài ra, còn có các Nội trú Ủy nhiệm (Interne fonctionnel): sinh viên năm thứ 6, nếu có nhu cầu làm việc như Nội trú, có thể xin Giáo Sư Trưởng Bộ Môn, nếu được chấp thuận, Giám Đốc Bệnh Viện nơi Bộ Môn hợp tác có thể ký quyết định bổ nhiệm, kỳ hạn 6 tháng, có thể tái hạn. Khi ra trường, ngoài tước vị Bác Sĩ Y Khoa, họ không được quyền sử dụng tước vị “Cựu Nội Trú Các Bệnh Viện” trong khi hành nghề. Niên khóa đầu 1946-1947 chỉ có khoảng 12 người cho tất cả các lớp. Niên khóa 1947-1948 có 32 người. Niên khóa 1948-1949 tăng lên tới trên 80 người.Vào thập niên 1970 Trường Y khoa có 1400 sinh viên theo học và mỗi năm cho ra trường hơn 200 người. Số sinh viên nộp đơn dự tuyển là hơn 5.000 để chiếm 200 chỗ nhập học mỗi năm. Thời đó ở Việt Nam cũng như ở bên Pháp muốn đậu bằng y khoa bác sĩ phải đậu xong hai phần tú tài (I và II), qua một năm đầu tiên tại Đại Học Khoa Học và 6 năm y khoa. Từ 1954 đến 1962 muốn vào y khoa phải có chứng chỉ PCB (Physique – Chimie – Biologie) rồi ghi danh vào học; từ 1963 đến 1969, nhà trường tuyển sinh từ Tú Tài 2, sau đó gởi sang Đại Học Khoa Học học chứng chỉ APM (Année Pré-Medicine, Dự Bị Y Khoa); từ 1970 đến 1975 đổi từ APM sang SPCN (Science naturelle – Physique – Chimie). Học trình y khoa là 6 năm theo khuôn mẫu y khoa Pháp. Hai năm đầu học các môn cơ thể học, mô học, sinh hóa học, sinh lý, và triệu chứng học. Năm thứ ba và tư học các môn cơ thể bệnh lý, nội khoa và ngoại khoa. Cũng hai năm này sinh viên bắt đầu đi thực tập ở các bệnh viện. Năm thứ năm và sáu chuyển sang các môn bệnh lý chuyên môn: nhi khoa, sản phụ khoa, tâm thần… và tăng thời gian thực tập ở các bệnh viện. Năm thứ sáu cũng là năm hoàn tất luận án. Tân bác sĩ Y Khoa Sài Gòn đọc lời thề Hippocrates sau khi nhận văn bằng tốt nghiệp Văn bằng Tiến Sĩ Y Khoa Quốc Gia được cấp phát sau khi bảo vệ thành công Luận Án trước Hội Đồng do Khoa Trưởng bổ nhiệm.
Sau năm 1975, các trường Đại yojc y Khoa, Dược Khoa, Nha khoa nhập trở lại như thời kỳ trước năm 1961, thành trường Đại học Y Dược TpHCM, vẫn ở trụ sở cũ của Trung tâm Giáo dục Y Khoa trên đường Hồng Bàng. Sát bên cạnh trường xây thêm bệnh viện Đại học Y Dược. Trụ sở dầu tiên của trường Y Khoa ở Sài Gòn, vốn là nhà riêng của nữ bác sĩ Henriette Bùi Quang Chiêu Như đã nói tới ở đầu bài viết, từ năm 1947, phân viện của trường Y Dược ban đầu có trụ sở là căn villa số 28 đường Testard, gần góc với đường Barbé (sau năm 1955 đổi là Trần Quý Cáp và Lê Quý Đôn). Đây là tòa nhà có lịch sử rất đặc biệt, vốn thuộc sở hữu của bác sĩ Henriette Bùi Quang Chiêu – nữ bác sĩ đầu tiên của Đông Dương. Bà nhận bằng bác sĩ ở Paris năm 1935, về Sài Gòn và được giao giữ chức Trưởng khoa hộ sinh ở bệnh viện Chợ Lớn (nay là bệnh viện Từ Dũ). Đồng thời, bà cũng mở một dưỡng đường sản phụ khoa ở nhà riêng, chính là căn villa số 28 đường Testard. Sau 1945, do biến loạn lịch sử, dưỡng đường này đóng cửa, tới năm 1947 bà Henriette Bùi Quang Chiêu đã hiến tặng căn biệt thự này cho chính phủ Nam Kỳ Quốc để làm trụ sở của phân viện trường Y Khoa, tiền thân của trường Y Khoa Đại học đường. Đây là căn biệt thự hai tầng, tầng trên làm văn phòng Khoa Trưởng, phòng Hội Đồng Giáo Sư và cũng là nơi các sinh viên trình luận án – tầng dưới dành cho văn phòng hành chánh, phòng hội và thư viện – đằng sau là khu vườn trống, mấy năm sau xây thêm giảng đường. Hai giảng đường lớn được xây hai bên và 4 giảng đường nhỏ ở giữa xếp theo hình chữ U. Ngoài ra, các phòng thực tập khoa học cơ bản và y học cơ sở của trường nằm rải rác trong Sài Gòn, như Cơ thể học Viện (dùng cho sinh viên thực tập giải phẫu học) ở đường Trần Hoàng Quân (nay là đường Nguyễn Chí Thanh), bệnh viện Sài Gòn (dùng cho sinh viên thực tập hóa học), Viện Pasteur (dùng cho sinh viên thực tập vi sinh và ký sinh học). Một cơ sở riêng cạnh bên Cơ thể học Viện được dùng làm nơi thực tập cho các môn sinh lý, cơ thể bệnh lý (giải phẫu bệnh) và mô học. Căn nhà số 28 đường Testard (nay là Võ Văn Tần) nằm tại vị trí có vai trò lịch sử quan trọng, nguyên là đất cũ của ngôi chùa Khải Tường, là nơi mà bà Trần Thị Đang (sau là Thuận Thiên Cao Hoàng hậu) sinh ra Nguyễn Phúc Đảm (về sau là vua Minh Mạng), sau bị thực dân Pháp dẹp bỏ để xây trường tạm (tiền thân của trường Chasseloup Laubat – Lê Quý Đôn trước khi xây trụ sở chỗ ngày nay). Vị trí này được xây căn villa dành cho quan chức, sau được gia đình Bùi Quang Chiêu mua lại. Từ năm 1947, căn villa này trở thành trường Y Khoa, tới năm 1966 thì Y Khoa Đại học đường xây trụ sở mới lớn hơn bên Chợ Lớn (là Trung tâm Giáo dục Y khoa như đã trình bày ở trên), căn villa này trở thành nơi ở của các cố vấn quân sự Mỹ. Ngày nay villa đã không còn, thay vào đó là Bảo tàng chứng tích chiến tranh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét