Thứ Tư, 6 tháng 9, 2023

GS.BS Văn Tần – cả một đời tận tâm

 Chắc hẳn các thế hệ sinh viên Y khoa học tại TTĐT và Bồi dưỡng cán bộ y tế (nay là trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cũng không bao giờ quên hình ảnh một người thầy mặc bộ áo blouse đặc biệt của thế hệ cũ, vóc dáng cao, tóc bạc trắng, gần 80 tuổi nhưng vẫn lên lớp giảng dạy mỗi thứ 3 hàng tuần cho Sinh viên học về Ngoại khoa tại BV Bình Dân. Dù thầy nói khó nghe vì mang đặc giọng Quảng Trị, chúng tôi vẫn cảm thấy tôn trọng thầy và cố gắng lắng nghe. Nay tìm đọc lại các bài viết về thầy trên báo thấy không nhiều, nhưng cũng xin được sưu tầm lại như một lời tri ân và biết ơn đến thầy, cũng như noi theo gương sáng của thầy, chúng tôi sẽ cố gắng tiếp bước.

Sinh ra và lớn lên ở vùng “đất lửa” Quảng Trị, hàng ngày phải chứng kiến cảnh bom rơi đạn lạc. Mẹ, chị và cháu ruột bị trúng bom chết dưới hầm. Chú ruột bị giặc chôn sống, cậu ruột bị bắn chết ngay tại chỗ vì “tội theo Việt Cộng”, thế nhưng năm 1965, sau khi tốt nghiệp đại học Y khoa Sài Gòn, bác sĩ Văn Tần vẫn phải đeo lon sĩ quan biệt phái của “Quân lực Việt Nam cộng hoà”.

GS.BS Văn Tần, nguyên Phó Giám đốc BV Bình Dân.

Khi Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, mặc dù cũng chỉ giảng dạy ở Trường Đại học y và bác sĩ điều trị ở bệnh viện Bình Dân, ông vẫn được thăng đến cấp… đại úy. Và cũng như bác sĩ đồng nghiệp Nguyễn Chấn Hùng, sau 4 tháng học tập cải tạo, ông được mời trở lại làm việc với chế độ mới. Từ năm 1981, ông là Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, đồng thời là Chủ nhiệm bộ môn Ngoại tổng quát Trung tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM từ năm 1990 đến nay.

Khi chúng tôi đến Bệnh viện Bình Dân, hỏi chuyện về ông, các đồng nghiệp, học trò và cả bệnh nhân đều khâm phục tài năng của ông, kính trọng nhân cách của ông. Sáng, bao giờ ông cũng đến bệnh viện từ rất sớm. Có khi 5-6 giờ đã thấy ông có mặt. Chiều, ông về rất muộn. Đã gần 70 tuổi, đã từng góp phần chủ yếu vào điều trị cho gần 30.000 ca mổ trong đời thế mà bây giờ mỗi tháng ông vẫn đảm trách từ 30 đến 40 ca phẫu thuật.

Trong suốt ngần ấy năm công tác ở ngành y, người ta chưa hề thấy ông nghỉ bệnh, nghỉ phép. Tài giỏi như ông, chỉ cần nghe tiếng, bệnh nhân đã kéo đến, thế mà ông kiên quyết không mở phòng mạch tư, không nhận mổ dịch vụ… Trong những năm khó khăn, có không ít bác sĩ đã bỏ nước ra đi, người ta rủ ông, ông chối phắt. Và ngay cả sau này, khi có dịp ra nước ngoài dự hội nghị khoa học, cũng lại được mời chào, lôi kéo, ông vẫn kiên quyết… Thiên hạ tranh giành nhau chỉ vì cái ghế, thế mà mỗi lần đề bạt ông là một lần ông từ chối.

Ông bảo “Cái chức Phó giám đốc bệnh viện, khi anh Mười Nhâm mất, người ta bảo tôi nhận tạm. Cứ thế mà để đến bây giờ…”. Gần 30.000 ca mổ trong đời, có rất nhiều thành công thì ông không nhắc đến. Nhưng khi gặp những ca thất bại thì ông nhớ khắc khoải.

Ông bảo “mỗi khi gặp thất bại, tôi đau hơn cả người bệnh”. Có lần gặp thất bại, đau khổ quá, ông phải lên chùa định xin… giải nghệ. Thế nhưng, trở lại bệnh viện, đứng trước nỗi đau của bệnh nhân, ông không thể làm ngơ và lại lao vào làm việc quên cả nghỉ ngơi…

Trước ngày ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, tôi gặp ông, hỏi về những “lời đồn” như trên, ông xác nhận và nói nửa như đính chính nửa như tâm sự: Cả đời, tôi chỉ muốn dành cho việc điều trị bệnh cứu người, nghiên cứu khoa học và truyền đạt những kinh nghiệm mình có được cho thế hệ trẻ… Thế thôi!

40 năm công tác trong ngành y, đặc biệt là 30 năm phục vụ trong ngành y của chế độ mới, ông chỉ “chăm chú vào công việc ở bệnh viện và trường Đại học y dược”. Thế thôi! Cũng đã xứng đáng cho một cuộc đời, một sự nghiệp…

Từ hàng chục năm nay, Giáo sư Văn Tần vẫn đều đặn hàng ngày đến Bệnh viện Bình Dân từ 5 giờ sáng để thăm khám sức khỏe bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân ở buồng chăm sóc đặc biệt vừa trải qua cuộc đại phẫu…

Giáo sư Văn Tần gắn bó với Bệnh viện Bình Dân từ năm 1972. Đến nay, dù đã hơn 80 tuổi nhưng ông vẫn giữ thói quen đến thăm bệnh trước khi bước vào những cuộc họp giao ban y khoa. Ông cho biết, đến nay không thể nhớ mình đã thực hiện bao nhiêu ca mổ cả thông thường lẫn đặc biệt, nhưng dù ở cương vị nào ông vẫn giữ thói quen thăm khám và dành đến sự ân cần thăm hỏi, sẻ chia cho bệnh nhân và thân nhân người bệnh. Ông chưa cho phép bản thân nghỉ ngơi hoàn toàn vì người bệnh đang cần ông, đặc biệt là những ca mổ khó. Mặc dù đã ở tuổi nghỉ hưu, ông vẫn được ban lãnh đạo bệnh viện mời ở lại làm việc. 12 năm với vai trò cố vấn chuyên môn, ông vẫn luôn tìm cách cải tiến kỹ thuật và đề xuất, nghiên cứu và ứng dụng những kỹ thuật mới phù hợp với người bệnh, viết sách và làm công tác giảng dạy để truyền đạt kinh nghiệm cho những thế hệ tiếp theo.

Vị bác sĩ nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân luôn tâm niệm, còn sống ngày nào là cố gắng làm việc ngày đó. Ông là tấm gương y đức cho nhiều thế hệ y bác sĩ noi theo.

(SGGP Online)

 GS Văn Tần sinh năm 1938. Quê quán người tộc Văn Nhì Hải Lăng-Quảng Trị.

– Tốt nghiệp Cử nhân Sinh lý năm 1963. Năm 1965 Ông tốt nghiệp Bác sĩ Nội Trú. 

- Tiến sĩ Y Khoa năm 1967. Năm 1975 Ông tốt nghiệp sau đại học về Ngoại chung. Lồng ngực-Tim mạch tại các trường: Đại học Y Sài Gòn-Đại học Y Pittsburg. USA (1972-1975).

- Học hàm Phó Giáo sư năm 1992. Năm 2007 Ông được phong Học hàm Giáo sư.

- Phó Chủ tịch hội Ngoại tim Mạch-Lồng Ngực VN. Chủ tịch phân hội Nội soi Lồng Ngực VN.- Thành viên BCH các hội: Ngoại Khoa, Ung Thư, Khoa học Tiêu hóa, Gan, Mật Quốc Gia VN.

- UV-BCH Hội Ngoại Đại Trực Tràng-Đông Nam Á  (ASCS). Hội viên các Hội quốc tế: Nội Soi Châu Á-Thái Bình Dương (ELSA). Phẫu thuật mạch máu Pháp (SCV). Ngoại khoa Thế giới (ISS). Chấn thương và săn sóc đặc biệt Thế giới (IATSIC)….

- Ông được nhà nước CHXHCNVN trao tặng nhiều huân chương, Huy chương và nhiều bằng khen về lao động sáng tạo cao quý vào các năm: 1988, 1989, 1994, 1995, 1996, 2004, 2005….

- Ông có những công trình nghiên cứu cấp Cơ sở, Cấp Thành phố, Cấp Hợp tác quốc tế. Hơn 350 bài báo cáo trong các báo cáo trong nước và quốc tế.

Với thành quả lao động sáng tạo không mệt mỏi. Ông được tặng các danh hiệu :

-Thấy thuốc Ưu Tú năm 1997. Thầy thuốc Nhân Dân năm 2005. Anh hùng Lao động năm 2006…

Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ TP Nguyễn Hồ Hải thăm, chúc mừng Giáo sư, Bác sĩ Văn Tần.
Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ TP Nguyễn Hồ Hải thăm, chúc mừng Giáo sư, Bác sĩ Văn Tần (27/2/2020)

Khi nhắc đến quê quán, ông đem đến cho người đối diện cái cảm giác khắc khoải, đau đáu của một người con xa xứ. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Tuổi thơ đi qua cũng lam lũ như bao trẻ em nghèo của dải đất nắng gió miền Trung. Ông bảo, ông đi học và cố gắng học vì quá sợ cái đói hằn sâu trong ký ức. Khi tôi hỏi cơ duyên nào ông lại đến với ngành y, nỗi đau trong ông lại ùa về. Những mất mát đã mấy chục năm trôi qua vẫn khiến giọng ông trầm hẳn xuống: “Thời đó, thuốc men hiếm hoi, bệnh là chết. Em trai tui chỉ mổ một cái nhọt bình thường ở cổ mà qua đời khi mới 5 tuổi. Ông nội mất chỉ vì sốt rét. Bao nhiêu người trong làng chết oan uổng vì những thứ bệnh không đâu. Điều đó ám ảnh và thúc giục tui theo ngành y”.

Con đường tri thức đã buộc ông lưu lạc từ quê nhà vào Huế, rồi đến đất Sài Gòn. Ở đâu ông cũng tự bươn chải để trang trải cuộc sống và theo nghiệp đèn sách.

Vào học Y khoa Sài Gòn đến năm 2, do lượng bài vở quá nhiều ông không thể tiếp tục đi làm thêm. Hoàn cảnh lịch sử và cái nghèo đã buộc ông phải chọn lựa: Nhận lương quân y của chế độ cũ để đi học với điều kiện ăn lương học 1 năm ra trường phải phục vụ lại 2 năm cho quân đội. Ngày đất nước thống nhất, đa số bạn bè ông đều ra đi nhưng ông kiên quyết ở lại với quê hương, dẫu biết muôn vàn khó khăn đang đợi mình phía trước. Nhắc đến chuyện này, ông cho rằng đó là quyết định của lương tâm: “Nghề của tui, dù ở cương vị nào, mục đích cuối cùng là điều trị cho người bệnh. Người nghèo, rất nhiều người nghèo, họ cần tui!”.

Nhiều người ở lại với quê hương đã vươn lên nắm vững không chỉ về chuyên môn và khoa học mà còn ở những vị trí lãnh đạo chủ chốt của ngành. Ông cũng nằm trong số đó và đã nhiều lần được Nhà nước tôn vinh bằng những danh hiệu cao quý. Và lần này là danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. “Đó là liều thuốc tinh thần quý báu” – ông nói. Gắn bó với nghề trên 30 năm, cho đến bây giờ, khi nhiều người bị nền kinh tế thị trường cuốn đi, ông vẫn thuỷ chung với tôn chỉ có vẻ lập dị: “Không mổ dịch vụ, không mở phòng mạch tư. Bệnh nhân dù giàu hay nghèo, chỉ ưu tiên điều trị cho người bệnh nặng trước!”.

9 giờ, ca đại phẫu ung thư đại tràng do ông mổ chính bắt đầu.

13 giờ, ca mổ hoàn thành. Và chỉ vừa thay xong bộ đồ mổ, ông đã tranh thủ rảo bước xuống thăm ca bệnh chuẩn bị mổ vào tuần sau. Tôi bước theo sau, nhìn mái tóc bạc trắng và nhớ về tuổi tác, tôi chợt nghĩ ông đang đua tốc độ với thời gian để đến với người bệnh.

Sự mộc mạc của ông đã xua tan khoảng cách nơi vị khách bất đắc dĩ như tôi. Tôi theo ông lên phòng làm việc. Thật bất ngờ khi cánh cửa mở ra, toàn hoa là hoa! Tôi lướt nhanh trên những dòng chữ đính kèm. Đó là hoa của các học trò cũ và đồng nghiệp gần xa gửi đến chung vui cùng ông, khi nghe tin ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

“ Cô xa quê lâu chưa? Có biết món nào của Quảng Trị không? Ăn trưa với tui hí!”. Dứt câu, ông kéo từ ngăn tủ lấy ra gô cơm mang theo từ sáng.

Tôi nhận lời ăn trưa cùng ông. Có lẽ vì cái gô cơm tri kỷ hay vì những món ăn dân dã không lẫn vào đâu được của dải đất miền Trung mà ông đã mang theo suốt đời người.

Trong bữa cơm, ông kể cho tôi nghe về 3 đứa con đã nối nghiệp cha một cách tự hào. Và cậu con trai rẽ ngang không giống ai nhưng lại khá thành công là Văn Hùng Cường (từng đoạt giải thưởng âm nhạc quốc tế năm 2000 – Huy chương vàng Piano) đang tu nghiệp ở nước ngoài. Ông lại nói về ngôi nhà và mảnh vườn trĩu quả của mình ở Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức). Ông bảo: “Gốc gác nông dân quen rồi, tui thích trồng và chăm sóc cây lắm. Đi làm về là tui ra vườn!”.

(NLD online)

Những ca mổ nổi tiếng của GS.BS Văn Tần:

  • Nguyễn Đức là người em trong cặp song sinh dính nhau Việt – Đức chào đời tại Kon Tum. Họ dính nhau phần bụng chậu, bộ phận sinh dục, hậu môn, có hai chân và một chân cụt. Ca phẫu thuật huyền thoại tách rời hai anh em diễn ra ngày 4/10/1988, trở thành dấu mốc son trong lịch sử y học Việt và được ghi danh vào sách kỷ lục Guinness thế giới. Ca mổ tách quy tụ đội ngũ giáo sư, bác sĩ giỏi nhất Việt Nam lúc bấy giờ đã thành công tốt đẹp sau 15 giờ diễn ra căng thẳng với 3 phẫu thuật viên chính là Giáo sư, bác sĩ Trần Đông A, Trần Thành Trai và Văn Tần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét