Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2024

TỔ CHỨC GIÁO DỤC và THI CỬ dưới THỜI VIỆT NAM CỘNG HOÀ

 Lê Duy San


Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn

Sau khi Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương và trao trả quyền độc lập cho Việt Nam vào năm 1945, Học Giả Trần Trọng Kim được Hoàng Đế Bảo Đại triệu vào Huế yết kiến và trao trọng trách thành lập chính phủ.. Ngày 17 tháng 4 năm 1945, Học Giả Trần Trọng Kim đã đệ trình một danh sách cán nhân vật trong nội các của ông trong đó có Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn đảm trách chức vụ Bộ Trưởng Giáo Dục và Mỹ Nghệ. Mặc dầu thời gian làm Bộ Trưởng Giáo Dục và Mỹ Nghệ thật ngắn ngủi, từ 17/4/1945 đến 19/8/1945 là ngày Việt Minh cướp chính quyền của chính phủ Trần trong Kim, nhưng ông cũng đã có công soạn thảo và ban hành một chương trình giáo dục từ bậc tiểu học đến trung học hoàn toàn Việt Nam và đã được áp dụng suốt 30 năm, từ 1945-1975 (1).

I/ Bậc Tiểu Học và Trung Học.

1/ Bậc Mẫu Giáo và Tiểu Học.

a/ Bậc Mẫu Giáo

Bậc Mẫu Giáo dành cho trẻ em đến tuổi đi học tức từ 5 tuổi. Chương trình chỉ có 1 năm. Mục đích của bậc mẫu giáo chỉ cốt là để cho các em làm quen với lớp học và biết đọc, biết viết để sửa soạn vào bậc Tiểu Học.

b/ Bậc Tiểu Học

Bậc Tiểu Học dành cho các trẻ em đã qua bậc Mẫu Giáo và từ 6 tuổi trở lên. Bậc Tiểu học có tất cả 5 lớp: Lớp Năm, Lớp Tư, Lớp Ba, Lớp Nhì và Lớp Nhất, sau này được đổi lại và gọi là Lớp 1, Lớp 2, Lớp 3, Lớp 4 và Lớp 5.

Chương trình Tiểu Học gồm có các môm chính như: Đức dục, Tập làm văn, Học thuộc long, Ngữ vựng, Chánh tả, Văn phạm, Toán, Hình học, Khoa Học thường thức, Sử ký, Địa lý, Vẽ, Viết tập, Thủ công, Thể dục, Hạnh kiểm v.v... Sau khi học xong Lớp Nhất phải thi lấy bằng tốt nghiệp, gọi là bằng Tiểu Học

Mặc dầu chỉ là bằng Tiểu Học, nhưng thi cũng rất khó và không những thi viết mà còn thi cả vấn đáp. Thi viết gồm một bài Chính Tả, một bài Luận và một bài Toán. Nếu đậu sẽ được vào thi vấn đáp. Thi vấn đáp rất dễ, thường thì chỉ phải đọc thuộc lòng một bài thơ hoặc hát một bài hát.

Có bằng Tiểu Học mới được ghi tên dự thi tuyển vào lớp Đệ Thất bậc Trung Học. Bằng Tiểu Học được bãi bỏ vào năm 1955 (?). Người lớn tuổi có bằng Tiểu Học có thể xin làm công chức ngạch Tùy Phái hay Thư Ký đánh máy nếu có thêm bằng đánh máy.

2/ Bậc Trung Học.

Bậc Trung Học được chia ra làm 2: Trung Học Phổ Thông và Tú Tài.

a/ Trung Học Phổ Thông hay Trung Học Đệ Nhất Cấp.

Bậc Trung Học Phổ Thông gồm 4 lớp học trong 4 năm: Từ Đệ Thất đến Đệ Tứ. Ngoại ngữ Anh, Pháp và Hán Văn cũng bắt đầu được dậy ngay từ lớp Đệ Thất bậc Trung Học Phổ Thông. Sau này Hán Văn được bãi bỏ, chỉ còn Anh văn và Pháp văn. Lúc đầu học sinh phải học cả 2 ngoại ngữ Anh văn và Pháp văn, sau chỉ còn học một ngoại ngữ.

Chương trình học suốt từ năm Đệ Thất đến năm Đệ Tứ gồm có các môn chính như Quốc văn (Việt Văn), Công Dân Giáo Dục, Sử Điạ, Tóan, Lý Hoá, Vạn Vật, Anh Văn, Pháp Văn, Vẽ, Nhạc, Thể dục và Hạnh Kiểm v.v….

Ở bậc phổ thông chưa có chia Ban A (Vạn Vật), B (Toán) hay C (Sinh Ngữ).
Sau khi học xong lớp Đệ Tứ, học sinh sẽ thi tốt nghiệp để lấy bằng Trung Học Phổ Thông còn được gọi là Trung Học Đệ Nhất Cấp. Môn thi gồm có Việt Văn, Toán, Lý Hoá, Pháp Văn, Anh Văn. Thí sinh thi đậu viết còn phải thi vấn đáp đủ các môn. Thí sinh thi trượt vấn đáp kỳ 1 được giữ điểm đậu thi viết để thi lại phần vấn đáp trong kỳ 2. Thí sinh có đậu vấn đáp mới được coi là tốt nghiệp. Sau này thi vấn đáp được bãi bỏ, chỉ còn thi viết.
Người có bằng Trung Học Phổ Thông có thể xin làm công chức hạng C, ngạch Thư Ký Hành Chánh hoặc thi vào Quốc Gia Sư Phạm, Quốc Gia Thương Mại hoặc ghi tên học các trường Cán Sự như Cán Sự Kiến Trúc, Cán Sự Y Tế, Cán Sự Công Chánh, Điạ Chánh v.v…. hoặc muốn theo đời binh nghiệp thì vào trường Bộ Binh Thủ Đức.

b/ Bậc Tú Tài hay Trung Học Đệ Nhị Cấp.

Bậc Tú Tài phải học 3 lớp trong 3 năm: Đệ Tam, Đệ Nhị và Đệ Nhất và được chia Ban A, B hay C ngay từ Đệ Tam và học cả 2 ngoại ngữ Anh và Pháp.

Các môn học cũng giống như ở cấp Phổ Thông gồm có Toán, Lý Hoá, Anh Pháp Văn, Công Dân, Sử Điạ, Vạn Vật, Thể dục và Hạnh kiểm. Việt Văn chỉ dậy ở 2 lớp Đệ Tam, Đệ Nhị,

Lên Đệ Nhất bỏ môn Thể dục và môn Việt văn được thay thế bằng môn Triết học.

Muốn được nhận vào lớp Đệ Tam học sinh phải đủ điểm trung bình qua hai kỳ thi đệ nhất và đệ nhị lục cá nguyệt ở lớp Đệ Tứ để lên lớp Đệ Tam, nếu là học sinh trường công. Nếu là học sinh trường tư, phải đậu Trung Học Phổ Thông và phải qua một kỳ thi tuyển vì số chỗ có hạn.

Muốn được vào học lớp Đệ Nhất, học sinh lớp Đệ Nhị phải đậu bằng Tú Tài I. Sau này, bằng Tú Tài I được bãi bỏ thì phải đủ điểm lên lớp qua 2 kỳ thi đệ I và đệ II lục cá nguyệt. Sau khi học xong lớp Đệ Nhất, học sinh phải trải qua một kỳ thi tốt nghiệp để lấy bằng Tú Tài 2 còn gọi là Tú Tài Toàn Phần. Tùy theo Ban mình lưạ chọn khi ghi danh thi bằng tốt nghiệp sẽ được gọi là ban Khoa Học Thực Nghiêm (ban A), ban Khoa Học Toán (ban 😎 hay ban Văn Chương (ban C).

Thể lệ thi cũng giống như kỳ thi lấy bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp. Riêng sinh ngữ thì phải làm một bài nghị luận luân lý (discertation morale) cho môn sinh ngữ chính thay vì bài dịch như ở kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp.

Ở cấp Tú Tài I, thí sinh nếu có thêm bằng Thể Thao khi thi bằng Tú Tài I sẽ được thêm 1 điểm trong kỳ thi Viết. Kỳ thi Tú Tài I rất khó, nhiều thí sinh thiếu nửa điểm cũng trượt. Nên nếu có Bằng Thể dục để được thêm 1 điểm rất là qúy.

Có bằng Tú Tài Tòan Phần có thể ghi danh các trường Đại Học như Khoa Học, Luật Khoa hay Văn Khoa hoặc các trường Đại Học Y, Nha, Dược, trước năm 1963 (?) hoặc thi vào các trường chuyên nghiệp như Cao Đẳng Sư Phạm, sau này là Đại Học Sư Phạm, Cao Đẳng Công Chánh tức kỹ sư Công Chánh, Cao Đẳng Điện Học tức kỹ sư Điện, Cao Đẳng Hoá Học tức kỹ sư Hoá Học, Cao Đẳng Nông Lâm Súc, Quốc Gia Hành Chánh hoặc xin làm công chức hạng B, ngạch Tham sự. Hoặc nếu muốn theo đường binh nghiệp thì có thể thi vào các trường Võ Bị Đà Lạt, Haỉ Quân, Không Quân.

Chương trình giáo dục Trung và Tiểu Học Việt Nam do Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn soạn thảo dựa theo trương trình giáo dục của Pháp, tuy nặng về từ chương, thiếu tính cách thực dụng, nhưng có trình độ khá cao. Bất cứ một học sinh nào, sau khi qua được bậc Tú Tài (Trung Học Đệ Nhị Cấp) đều có đủ trình độ và khả năng để theo bậc đại học không những ở trong nước mà cả ở các nước tiền tiến như Anh, Pháp hoặc Hoa Kỳ, Gia Nã Đại v.v…

II/ Bậc Đại Học

Nếu chương trình Tiểu Học và Trung Học Việt Nam còn gọi là Chương Trình Hoàng Xuân Hãn được áp dụng ngay từ năm 1945 thì mãi tới năm 1955, năm Thủ Tướng Ngô Đình Diệm được dân miền Nam bầu làm Tổng Thống và nền Đệ Nhất Cộng Hoà được ra đời thì chương trình Đại Học Việt Nam mới bắt đầu được dần dần thay đổi. Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã cử Giáo Sư Nguyễn Quang Trình, Tiến Sĩ Hóa Học tại Paris, thay thế ông De Lassus làm Viện Trưởng đầu tiên của Viện Đại Học Saigon dưới quyền quản trị của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Ngoài Viện Đại Học Saigon, sau còn có Viện Đại Học Huế, Viên Đại Học Đà Lạt và Viện Đại Học Cần Thơ v.v…

A/ Tiền thân của Viện Đại Học Saigon.

Tiền thân của Viện Đại Học Saigon là Viện Đại Học Đông Dương (Université Indochinoise) do chính quyền thuộc địa Pháp thành lập vào năm 1906 (?) và trụ sở đặt tại Hà Nội. Sau đệ nhị thế chiến, Viện Đại Học Đông Dương được đổi thành Viện Đại Học Hà Nôi .. Sau Hiệp Định Genève 1954 chia đôi đất nước, Viện Đại Học Hà Nội di chuyển vào Nam và trở thành Viện Đại Học Quốc Gia Việt Nam. Vào năm 1957, Viện Đại Học Huế được thành lập, Viện Đại Học Quốc Gia Việt Nam trở thành Viện Đại Học Saigon, trụ sở đặt tại số 3 Công Trường Chiến Sĩ.

Viện Đại Học Saigon có 2 ký túc xá: một là Đại Học Xá Minh Mạng ở Ngã Sáu Chợ Lớn dành chon am sinh viên và một Đaị Học Xá Trần Qúy Cáp ở đường Trần Qúy Cáp, thuộc quận Nhất, dành cho nữ sinh viên.

B/ Các phân khoa thuộc Viện Đại Học Saigon.

Các phân khoa thuộc Viện Đại Học Saigon gồm có:

1/ Đại Học Văn Khoa, trụ sở lúc đầu ỏ đường Nguyễn Trung Trực, quận Nhất, sau di chuyển về đương Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Nhất.

2/ Đại Học Luật Khoa, trụ sở ở đương Duy Tân, quận Nhất.

3/ Đại Học Khoa Học, trụ sở ở đường Cộng Hoà, quận Năm.

4/ Đại Học Sư Phạm, trụ sở đăt tại đường Cộng Hoà, quận Năm.

5/ Đại Học Kiến Trúc, trụ sở tại đường Pasteur, quân Ba.

6/ Đại Học Y Khoa, trụ sở lúc đầu ở đương Trần Qúy Cáp, quân Ba, sau di chuyển về Đại Lộ Hồng Bàng, quân Năm.

7/ Đại Học Dược Khoa, trụ sở lúc đầu ở đường Trần Qúy Cáp , quân Ba, sau di chuyển về đường Công Lý (góc Hiền Vương), quận Ba.

8/ Đại Học Nha Khoa, trụ sở ở đường Nguyễn Trãi, quận Năm.

Lúc đầu trường Đại Học cũng còn tiếp tục giảng dạy bằng tiếng Pháp vì chưa đủ giáo sư người Việt. Cho đến khi số Giáo sư người Việt đầy đủ, tất cả các Giáo sư người Pháp rút lui vào khoảng năm 1964 và cũng kể từ năm này, toàn thể các Giáo sư người Việt lãnh trách nhiệm giảng dạy cho toàn thể các trường Đại Học ở miền Nam Việt Nam.

Ngoài Viện Đại Học Saigon , sau này còn có Viện Đại Học Huế, Viện Đại Học Đà Lạt, Viện Đại Học Cần Thơ v.v… chương trình giảng dậy cũng tương tự, nhưng không đầy đủ các phân khoa như Viện Đại Học Saigon và thành phần giáo sư cũng không được chọn lọc kỹ như Viện Đại Học Saigon.

Viện Đại Học Saigon tuy là là Viện Đại Học của miền Nam Việt Nam, nhưng phải nói là một Viện Đại Học uy tín nhất Việt Nam gồm toàn các giáo sư Thạc Sĩ, Tiến Sĩ phần lớn đều tốt nghiệp ở các trường Đại Học danh tiếng ở ngoại quốc về nước giảng dậy và cũng là nơi đào tạo ra không biết bao nhân tài cho đất nước.

1/ Trường Đại Học Luật Khoa.

Trường Đại Học Luật Khoa được chính quyền bảo hộ Pháp thành lập vào đầu thập niên 1920. Lúc đầu có tên là Trường Cao Đẳng Pháp Chánh Đông Dương (École Supérieure d’ Administration Indochinoise), trụ sở đặt tại Hà Nội. Năm 1933 trường được đổi thành trường Cao Đẳng Luật Học (École Supérieure de Droit). Tới năm 1938, trường được nâng lên hàng phân khoa (Faculté) (2)và được gọi là Luật Khoa Đại Học Đường (Faculté de Droit) (3)

Từ năm 1955 trở đi, trường Đại Học Luật Khoa bắt đầu giảng dạy bằng tiếng Việt vì trong giai đoạn này, trường Luật Khoa có rất nhiều Giáo sư Việt Nam với đầy đủ các cấp bằng Thạc Sĩ, Tiến Sĩ tốt nghiệp tại Pháp như: Giáo sư Vũ Văn Mẫu, Giáo sư Vũ Quốc Thúc, Giáo sư Vũ Quốc Thông, Giáo sư Nguyễn Cao Hách v.v …

Ngoài trường Đại Học Luật Khoa Saigon, sau này chính quyền Việt Nam Cộng Hoà còn cho mở thêm trường Đại Học Luật Khoa Huế vào năm 1957 và trường Đại Học Luật Khoa Cần Thơ vào năm 1966.

a/ Cấp Cử Nhân.

Trường Đại Học Luật Khoa lúc đầu chỉ có 3 năm giống như chương trình Cử Nhân Luật của Pháp. Vì nước nhà đã độc lập nên chương trình học loại bỏ môn Dân Luật của Pháp và được thay bằng Dân Luật Việt Nam. Thời gian học vẫn là 3 năm. Mỗi năm đều có thi tốt nghiệp và có cấp phát bằng tốt nghiệp gọi là Bằng Cử Nhân I, II hoặc III và văn bằng này được thay thế cho Văn Bằng Cử Nhân Luật Khoa thực sự trong khi chờ đợi Văn Vằng Cử Nhân Luật Khoa thực sự được cấp phát. Việc ghi danh cũng như theo học trường Luật tương đối dễ hơn những trường khác, sinh viên có thể chỉ cần mua sách hoặc những bài in Ronéo của Giáo sư đem về nhà học, nên số sinh viên ghi danh rất đông. Tuy nhiên tỉ số đậu lại rất thấp. Nếu tính tỷ lệ theo số sinh viên ghi danh năm thứ nhất với số sinh viên tốt nghiệp năm cuối cùng thì chỉ khoảng 5%.

Tới đến năm 1963 trường Luật theo học trình của trường Đại Học Khoa Học và Văn Khoa, đổi thời gian học lên đến 4 năm thay vì 3 năm. Sinh viên học năm nào phải thi tốt nghiệp năm ấy. Mỗi năm có 2 kỳ thi vào tháng 6 và tháng 9. Sinh viên năm thứ nhất cuối năm có đậu mới được lên năm thứ hai. Chương trình thi bao gồm hai phần: thi Viết và thi Vấn đáp.

Trước ngày thi, giáo sư bốc thăm 2 môn trong số 7 môn đã học . Hai môn này sẽ được chọn làm đề thi Viết với thời gian 2 giờ. Năm môn còn lại, dành cho thi Vấn đáp. Muốn vào thi Vấn đáp, thí sinh phải đậu phần thi Viết. Nếu rớt Vấn đáp, thí sinh sẽ đuợc giữ điểm thi Viết cho kỳ 2 cùng năm và chỉ thi lại Vấn đáp mà thôi.

Lên năm thứ ba, sinh viên sẽ chọn ngành: Tư Pháp (tốt nghiệp làm Thanh Tra hoặc Luật sư Tập sự), Công Pháp (tốt nghiệp thường làm ở Quốc Hội), Kinh Tế (tốt nghiệp làm ở Ngân Hàng)…và thi tốt nghiệp Cử Nhân Luật của ngành đã chọn vào cuối năm thứ tư.

Chương trình học gồm có hai phần: Phần kiến thức tổng quát và phần chuyên môn.

Phần kiến thức tổng quát gồm có các môn: Kinh tế, Bang Giao quốc tế, Các Tổ Chức Quốc Tế, Các Học Thuyết Chính Trị, Tài Chánh, Pháp Chế Sử, Luật Báo Chí, Phạm Tội Học, Luật Đối Chiếu v.v…

Phần chuyên môn gồm có các môn luật thuần túy như Luật Dân Sự, Dân Sự Tố Tụng, luật Tài Sản, Luật Hình Sự, Hình Sự Tố Tụng, Luật Hiến Pháp, Luật Thương Mại, Luật Hành Chánh, Tố Tụng Hành Chánh, Luật Bảo Hiểm, Luật Lao Động, Luật Ngân Hàng, Luật Hàng Hải, Quốc Tế Công Pháp, Quốc Tế Tư Pháp v.v…

Người có bằng Cử Nhân có thể xin vào làm công chức hạng A tại các bộ hoặc thi vào các ngạch chuyên môn như gạch Thẩm Phán, ngạch Tham Vụ Ngoại Giao, ngạch Thanh Tra Lao Đông, Thanh Tra Ngân Hàng, Thanh Tra Quan Thuế v.v…hoặc xin vào Luật Sư Đoàn tập sự để hành nghề Luật Sư.

b/ Cấp Tiến Sĩ.

Sau khi tốt nghiệp Cử Nhân, nếu muốn tiếp tục học để lấy bằng Tiến Sĩ Luật, sinh viên phải học thêm 2 năm nữa để lấy thêm hai bằng Cao Học của ngành mình lựa chọn hoặc Công Pháp hoặc Tư Pháp.
Chương trình ban Cao Học được chia làm 2 cấp: Cấp I và cấp II. Sau khi đậu cấp I gọi là Cao Học I, sinh viên mới được ghi danh học cấp II. Chương trình mỗi cấp gồm có 2 phần: Phần tổng quát ôn lại và phần thâm cứu những môn chính đã học ở cấp Cử Nhân.

Sau khi có được 2 bằng cao học, sinh viên phải tìm một ông thày đỡ đầu để làm luận án Tiến Sĩ. Thời gian có thể là 1 năm hay nhiều năm, tùy theo ông thày đỡ đầu xét xem luận án có đạt được đầy đủ những tiêu chuẩn mà ông ta mong muốn hay chưa. Vì thế nhiều sinh viên mặc dầu đã có 2 bằng cao học, nhiều khi cả năm bẩy năm sau vẫn chưa được trình luận án để lấy bằng Tiến Sĩ.

2/ Trường Đại Học Văn Khoa.

Tiền thân của Trường Đại học Văn khoa Saigon là Trường Đại học Văn khoa Hà Nội do Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Phan Huy Quát cho thành lập vào năm 1949 thời Quốc gia Việt Nam. Hoạt động của Trường trong những năm kế tiếp bị gián đoạn vì tình hình chính trị. Mãi đến năm 1955, thời Đệ nhất Cộng hòa, Trường Đại học Văn khoa Saigon mới được ưu tiên phát triển. Lúc đầu Trường Đại học Văn khoa cấp bằng cử nhân văn chương Pháp và Anh nhưng và phải đến năm học 1957-1958 thì chương trình cử nhân giáo khoa văn chương Việt Nam mới được hoàn thiện. Cũng năm đó chương trình cử nhân giáo khoa triết học cũng được xây dựng hoàn tất.

Tương tự như trước năm 1954, cách tổ chức và chương trình của trường không có gì thay đổi. Giáo sư phụ trách giảng dạy của trường gồm các giáo sư sau: Giáo sư Nghiêm Toản dạy môn Văn Chương Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, Kỹ sư Hóa Học tại Pháp, chuyên về Triết Học Đông Phương, Giáo sư Bùi Xuân Bào, Tiến Sĩ Văn Chương Pháp, dạy Pháp Văn, Giáo sư Lê Trung Nhiên, Tiến Sĩ Văn Chương Pháp tại Đại Học Sorbonne, dạy môn Pháp Văn, Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, Tiến Sĩ Văn Chương Pháp tại Đại Học Sorbonne, giảng dạy môn Pháp Văn và môn Văn Minh Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Đình Hòa, Ph D, dạy môn Anh Văn…

Các Giáo sư phụ trách môn Việt Hán thường là các thầy dạy Việt Văn từ Trung học hoặc là một vài Giáo sư dạy chữ Hán có bằng Cử Nhân hoặc Tiến Sĩ Hán Học. Các vị Giáo sư Việt Văn và Triết Học, Sử Địa thường không có bằng Tiến Sĩ cho nên họ chỉ là Giảng Sư của trường nhưng sau năm 1972 vì công lao to lớn của các vị này đào tạo nhiều Giáo sư Trung Học dạy các môn Việt Văn, Sử Địa v..v…cho nên chính phủ đặc cách một số vị không có bằng Tiến Sĩ, làm Giáo Sư Đại Học. Ta cũng nên kể một vài vị có bằng Tiến Sĩ từ Pháp hay Mỹ giảng dạy nhưng không quá 5 vị trong số này. Trường Văn Khoa cấp phát được một số bằng Cao Học môn Địa Lý và Sử Học, Anh và Pháp nhưng chưa cấp phát được một bằng Tiến Sĩ nào cả.

Ngoại trừ các môn Hán Văn, Anh Văn và Pháp Văn, các môn khác như Việt Văn, Ngôn Ngữ và Văn Chương, Văn Phạm Việt Nam, Sử Ký, Địa Lý Việt Nam và Quốc Tế đều dậy bằng Việt Ngữ.

Cũng như các đại học khác, muốn theo học Đại Học Văn Khoa, sinh viên phải có bằng Tú Tài Toàn Phần.

Trường Đại Học Văn Khoa học theo Chứng Chỉ. Năm đầu, sinh viên chỉ dược học 1 chứng chỉ duy nhất đo là chứng chỉ Dự Bị Văn Khoa. Chứng chỉ này có nhiều loại khác nhau, tùy sinh viên lựa chọn cho hợp với văn bằng Cử Nhân mà mình lưạ chọn. Sau khi đậu được chứng chỉ Dự Bị Văn Khoa, mỗi năm sinh viên có thể ghi học 2 chứng chỉ. Nhưng thực tế rất ít sinh viên đậu được 2 chứng chỉ trong một năm.

Ngoài Chứng Chỉ Dự Bị, Sinh viên nào có thêm được 4 chứng chỉ đòi hỏi cho văn bằng Cử Nhân của mình thì được cấp văn bằng Cử Nhân Giáo Khoa. Còn nếu một trong 4 chứng chỉ đó không đúng thì bằng Cử Nhân đó không được gọi là bằng Cử Nhân Giáo Khoa mà gọi là Cử Nhân Văn Khoa thường thôi. Thí dụ:

- Cử Nhân Giáo Khoa Việt Hán, ngoài chứng chỉ Dự Bị còn phài có 4 chứng chỉ sau: Văn Chương Việt Nam, Ngôn Ngữ và Văn Minh Việt Nam, Hán văn và Chứng chỉ Sử Việt Nam hoặc Địa Lý Điạ Phương.

- Cử Nhân Sử Địa, ngoài chứng chỉ Dự Bị còn phải có 4 chứng chỉ Sử Việt Nam, Sử Thế Giới, Địa lý Điạ Phương và Chứng chỉ Địa Chất Học (Geology).

- Cử Nhân Anh Văn ngoài chứng chỉ Dự Bị (Anh Văn) còn phải có 4 chứng chỉ sau: Văn Chương Việt Nam, Văn Chương Anh, Ngôn Ngữ và Văn Minh Anh và một chứng chỉ nhiệm ý như Pháp văn hoặc, Chứng chỉ Sử (hoặc Địa).

- Cử Nhân Pháp Văn, ngoài chứng chỉ Dự Bị (Pháp Văn) còn phải có 4 chứng chỉ sau: Văn Chương Pháp, Ngôn Ngữ và Văn Minh Pháp, Việt Văn và Chứng Chỉ Anh Văn hoặc, Chứng chỉ Sử (hoặc Địa).

- Cử Nhân Triết Học có 2 loại: Cử Nhân Triết Học Tây Phương và Cử Nhân Triết Học Đông Phương.

Muốn lấy Cử Nhân Triết Học Tây Phương, ngoài chứng chỉ Dự Bị, sinh viên phải có chứng chỉ Tâm Lý, Đạo Đức, Xã Hội, Chứng Chỉ Luận Lý, Chứng Chỉ Siêu Hình và Chứng Chỉ Lịch Sử Triết Tây.

Muốn lấy Cử Nhân Triết Học Đông Phương ngoài chứng chỉ Dự Bị, sinh viên còn phải có chứng chỉ Triết Học Trung Hoa, chứng chỉ Triết Học Á Đông, chứng chỉ Đạo Đức Đông Phương, chứng chỉ Lịch Sử Triết Đông Phương.

Người có bằng Cử Nhân có thể xin tuyển làm giáo sư dậy trung học hoặc thi vào ngạch Tham Vụ Ngoại Giao.

3/ Trường Đại Học Khoa Học.

Tiền thân của trường Đại Học Khoa Học Saigon là trường Đại Học Hà Nội. Năm 1954, Hiệp Định Genève ký kết chia đôi Việt Nam thành hai miền Nam Bắc, trường Đại Học Khoa Học Hà Nội được di chuyển vào Nam và đổi tên là trường Đại Học Khoa Học Saigon.

Lúc đầu chương trình được giảng dậy hoàn toàn bằng tiếng Pháp và có rất nhiều giáo sư người Pháp giảng dậy. Chương trình được Việt hoá dần dần. Tới năm 1970 thì chương trình được giảng dậy hoàn toàn bằng tiếng Việt.

Cho tới năm 1975, trường Đại Học Khoa Học Saigon cũng chỉ mới có cấp Cử Nhân, chưa có cấp Tiến Sĩ. Những sinh viên tốt nghiệp Cử Nhân, muốn học thêm để lấy bằng Tiến Sĩ phải xin đi du học ở ngoại quốc.

Chương trình học Cử Nhân là 4 năm. Một sinh viên xuất sắc có thể hoàn tất Cử Nhân trong 3 năm. Nhưng nhiều sinh viên phải học tới 5, 6 năm mới hoàn tất.

Năm đầu, sinh viên chỉ có thể học một trong ba chứng chỉ sau:

MG (Mathematics Générale),
MPC (Mathematics. Physics, Chemistry).
SPCN (Science, Physics, Chemistry, Natural).
Sang năm thứ hai, sinh viên có thể học 2 chứng chỉ. Nhưng thường rất ít sinh viên có thể đậu được 2 chứng chỉ trong một năm.

a/ Cử Nhân Khoa Học Toán.

Ngoài chứng chỉ Dự Bị MG, sinh viên còn phải có 3 chứng chỉ sau:

-Calculus Diffirenciale.
-Mechanics Rationale.
-Physic Generale.

b/ Cử Nhân Khoa Học Vật Lý.

Ngoài chứng chỉ Dự Bị MPC, sinh viên còn phải có 3 chứng chỉ sau:
-Physic Generale.
-Chemistry General.
-Mechanics Rationale.

c/ Cử Nhân Khoa Học Tự Nhiên.

Ngoài chứng chỉ Dự Bị SPCN, sinh viên còn phải có 3 chứng chỉ sau:
-Biology Animale.
-Physiology Vegetable
-Geophysics.

Những sinh viên mặc dù đã có đũ 4 chứng chỉ, nhưng không đúng theo theo luật đòi hỏi thì không được gọi là Cử Nhân Giáo Khoa Khoa Học mà chỉ được gọi là Cử Nhân Khoa Học thôi.

Vì các chứng chỉ trên rất khó, nên số sinh viên tốt nghiệp Cử Nhân hàng năm rất hiếm, không đử để cung cấp cho nhu cầu nên sau này, nhiều chứng chỉ đã được chia ra làm hai hoặc ba chứng chỉ để sinh viên theo học cho dễ dàng. Thí dụ chứng chỉ Vật Lý Đại Cương (Physic Generale) được chia làm 2 chứng chỉ Quang Học , Điện Học và Nhiệt Học. Vì thế các sinh viên sau này thường phải có tới tám, chín cái chứng chỉ mới hoàn tất xong bằng Cử Nhân Khoa Học.

4/ Đại Học Sư Phạm.

Trường Đại học Sư Phạm Saigon là hậu thân của trường Cao Đẳng Sư Phạm Saigon. Niên khoá 1958-1959 trường Cao Đẳng Sư Phạm Saigon được đổi thành trường Đại Học Sư Phạm Saigon. Thời gian học vẫn giữ nguyên là 3 năm, sau thời gian tăng lên 4 năm và trong thời gian học có học bổng $1500 / một tháng, sau tăng lên $2000 / một tháng.
Trường có 2 chương trình. Chương trình 2 năm để đào tạo giáo sư trung học Đệ Nhất Cấp và chương trình 4 năm để đào tạo giáo sư Trung Học Đệ Nhị Cấp.

Muốn được nhận vào học, sinh viên phải có bằng Tú Tài Toàn Phần và phải qua một kỳ thi tuyển. Những sinh viên có chứng chỉ Dự Bị Văn Khoa được miễn thi và vào học ngay năm thứ 2, nếu muôn học các ban Việt Hán, Sử Địa, Pháp Văn hay Anh Văn. Những sinh viên có chứng chỉ Dự Bị Khoa Học như MG, MPC hay SPCN đựơc miễn thi và vào học ngay năm thứ 2 nếu muốn học các ban Toán, Lý Hoà và Vạn Vật.

Chương trình gồm có hai phần: Phần tổng quát chung cho các Ban và phần chuyên môn riêng cho từng Ban. Phần chuyên môn của các Ban Việt Hán, Sử Địa, Anh Văn và Pháp Văn gần giống như chương trinh Cử Nhân Việt Hán, Cử Nhân Sử Địa, Cử nhân Anh Văn và Cử Nhân Pháp Văn của trường Đại Học Văn Khoa Saigon và phần chuyên môn của các Ban Toán, Lý Hoá, Vạn Vật gần giống như chương trình Cử Nhân Toán, Cử Nhân Lý Hoá và Cử Nhân Vạn Vật của trường Đại Học Khoa Học. Vì thế những sinh viên xuất sắc, sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm cũng tốt nghiệp luôn Cử Nhân Văn Khoa hoặc Cử Nhân Khoa Học.

Suốt 17 năm, từ 1958 đến 1975, trường Đại học Sư Phạm Saigon đã đào tạo hàng ngàn giáo sư trung học đệ nhất và đệ nhị cấp về kiến thức chuyên môn cũng như về tư cách, đạo đức và luân lý chức nghiệp.

Năm 1975 miền Nam Việt nam sụp đổ, với thể chế mới, hầu như mọi thứ đều bị thay đổi từ tên gọi cho đến các cơ cấu tổ chức cũng như chương trình giảng dậy.

5/ Đại Học Kiến Trúc.

Kể từ năm 1954, trưởng Cao Đẳng Kiến Trúc Saigon thuộc Viện Đại Học Saigon được đổi tên thành trường Đại Học Kiến Trúc Saigon. Trường có 2 chương trình: Chương trình 2 năm cho Ban Cán Sự Kiến Trúc và chương trình 6 năm cho ban Kiến Trức Sư.. Tuy nhiên muốn được ra trường, sinh viên phải có một luận án thi tốt nghiệp và luận án này phải được Hội Đồng Thi chấm đậu.
Sinh viên muốn vào học Ban Cán Sự phải có bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp và muốn vào học bán Kiến Trúc Sư phải có bằng Trung Học Đệ Nhị Cấp tức bằng Tú Tài Toàn Phần.

a/ Ban giảng huấn.

Ban giảng huấn của trường phần lớn là các Kiến Trúc Sư tốt nghiệp Pháp như Trần Văn Tải, Kiến trúc sư Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris, Bùi Quang Hanh, Kiến trúc sư Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris, Phạm Văn Thắng, Kiến trúc sư Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris, Louis Pineau, Kiến trúc sư Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris, Văn bằng Thiết kế Đô thị, Nguyễn Quang Nhạc, Kiến trúc sư Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris, Huỳnh Kim Mãng, Kiến trúc sư Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris, Tô Công Văn, Kiến trúc sư Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris, Võ Doãn Giáp, Họa sư tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Nguyễn Bá Lãng,Kiến trúc sư DPLG, Paris, Ngô Khắc Trâm, Kiến trúc sư tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Nguyễn Hữu Thiện, Kiến trúc sư tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Một số các Kỹ Sư tốt nghiệp tại Pháp hay ngoại quốc cũng được mời làm giảng viên như Trần Văn Bạch, Kỹ sư Dân sự Kiều lộ Trường Quốc gia Kiều lộ Paris, Phan Đính Tăng, Kỹ sư Dân sự Kiều lộ Trường Quốc gia Kiều lộ Paris, Lê Kim Đính, Cử nhân Toán, Chứng chỉ Cao học Thiên văn Thẩm cứu (Certificat d'étude supérieures d'Astronomie approfondie), Nguyễn Đình Hải, Tốt nghiệp Viện Anh ngữ của Đại học Michigan, Hoa Kỳ (English Language Institute, University of Michigan), Lê Văn Hợi, Kỹ sư trường Cao đẳng Công chánh Eyrolles Paris, Nguyện Văn Kiết, Cử nhân Văn khoa và Văn chương Cao học, Trịnh Hữu Định, Trang trí gia tốt nghiệp Truờng Quốc gia Cao đẳng Trang trí Paris, V õ Đức Diễn, Kỹ sư Trường Bách khoa Montréal, Phạm Minh Cảnh, Kỹ sư tốt nghiệp Viện Kỹ thuật Normandie, Mai Hiệp Thành, Kỹ sư Công chánh.

b/ Chương trình ban Kiến Trúc Sư:

Năm thứ 1.
Kiến trúc nhập môn, Kiến trúc sáng tạo học, Cổ điển họa và nặn hình.
Toán học, Hình học họa hình.
Lịch sử tổng quát kiến trúc;
Phép Thiết thể và Vật liệu Kiến tạo.
Pháp văn, Anh văn.

Năm thứ 2
Kiến trúc sáng tạo học, Cổ điển họa và nặn hình.
Toán học đại cương, Hình học họa hình.
Lý thuyết Kiến trúc.
Phép Thiết thể và Vật liệu Kiến tạo.

Năm thứ 3
Kiến trúc sáng tạo học, Cổ điển họa và nặn hình.
Kiến tạo đại cương: Lý thuyết.
Vật lý, Địa chất học áp dụng vào khoa Kiến trúc.
Phép phối cảnh, Lý thuyết Kiến trúc.
Sức chịu đựng của vật liệu.

Năm thứ 4
Kiến trúc sáng tạo học, Kiến tạo đại cương: Lý thuyết và đồ án
Bê tông cốt sắt.
Ước lượng vật liệu và kiểm điểm.
Lịch sử tổng quát Kiến trúc, Lý thuyết Kiến trúc.
Luật nhà phố.

Năm thứ 5.
Kiến trúc sáng tạo học, Kiến tạo áp dụng
Luật nhà phố.
Tổ chức nghề nghiệp, Lý thuyết Kiến trúc.
Địa thể học áp dụng kiến trúc;
Kiến tạo đại cương: Đồ án và kỹ thuật.

Năm thứ 6
Kiến trúc sáng tạo học.
Bê tông cốt sắt thực hành.
Đồ án trang trí nhà cửa.
Luận án thi tốt nghiệp (3 tháng cuối niên học), thường là một dự án vẽ kiểu nhà hoặc cao ốc (Building) rồi phải trình Hội Đồng Giáo Sư để được tốt nghiệp. Khi tốt nghiệp được cấp bằng Kiến Trúc Sư.

6/ Trường Đại Học Y Khoa:

Trường Đại Học Y Khoa Saigon là hậu then của trường Y Dược Khoa Đông Dương thuộc Viện Đại Học Đông Dương (Université de l’Indochine) trụ sở đặt tại Hà Nội. Năm 1954, Hiệp định Genève ký kết chia đôi Việt Nam, trường di chuyển vào Nam, trụ sở nằm trên đường Testard sau đổi là đường Trần Qúy Cáp và có tên mới là Đaị Học Y Khoa và Dược Khoa Saigon.
Cách tổ chức của trường Y Khoa vẫn tương tự trước năm 1954.
Tới năm 1961, trường tách đôi ra thành 2 trường riêng biệt là Đại Học Y Khoa và Đại Học Dược Khoa và cũng trong năm này, các giáo sư người Pháp lần lượt được giải nhiệm và ban giảng huấn Việt Nam được hoàn toàn thay thế. Năm 1966, trường được dọn tới địa điểm mới là Trung Tâm Giáo Dục Y Khoa vưà hoàn tất năm trên Đại Lộ Hồng Bàng, Chợ Lớn..

Ban giảng huấn gồm có một số giáo sư Thạc Sĩ rất tài giỏi như Giáo sư Nguyễn Hữu, Giáo sư Phạm Biểu Tâm, chuyên về giải phẫu, Giáo sư Trần Ngọc Ninh, chuyên về xương, Giáo sư Ngô Gia Hy, chuyên về nội thương, đặc biệt về thận, Giáo sư Trần Anh, chuyên về giải phẫu, trưởng khu Cơ Thể Học và từng giữ chức vụ Viện Trưởng Viện Đại Học Sài Gòn, v.v…
Thời gian học là 7 năm. 5 năm tổng quát và 2 năm nội trú, ngoài ra còn phải trình một luận án mới được cấp bằng Bác Sĩ Y Khoa.

Năm đầu là năm Dự Bị được học bên Đại Học Khoa Học để lấy chứng chỉ PCB (Phisique, Chimie, Biologie). Về sau muốn vào học Y khoa phải qua một kỳ thi tuyển, nhưng vẫn phải sang Đại Học Khoa Học học đê lấy chứng chỉ PCB. Năm thứ nhất có một kỳ thi về Cốt Học (Osteologie) ngay sau 2 tháng nhập học. Sinh viên có qua được kỳ thi này mới được tiếp tục học .

Năm thứ 2 là năm khó nhất. Sinh viên nào có bằng PCB thì được vào học ngay năm thứ hai. Ở năm thứ 2, nếu sinh viên thi 4 lần liên tiếp (mỗi năm 2 kỳ), tức 2 năm liền mà vẫn chưa lên được năm thứ 3 thì bị đuổi ra (sortie laterale). Vì thế có người sau 3 kỳ liên tiếp mà không đậu, không dám thi kỳ thứ tư nữa mà phải để tới năm sau mới dám thi.

Năm thứ ba, ngoài những giờ học lý thuyết ở giảng đường, sinh viên bắt đầu đi thực tập ở các bệnh viện hoặc chia nhau đi canh gác tại các nhà thương chẳng hạn nhà thương chuyên bênh lao Hồng Bàng...

Đến năm thứ 4, sinh viên có thể dự kỳ thi tuyển nội trú. Sinh viên nào không dự kỳ thi này hoặc không đậu thì đến năm thứ 6 cũng được làm công việc của một nội trú viên tức là cũng được trực bệnh viện như các sinh viên nội trú nhưng mang một bảng tên riêng gọi là “stagiaire interne”. Loại sinh viên này ít quyền hạn và phải phụ thuộc vào sinh viện nội trú thực sư.

Mãi đến sau năm 1970, trường bắt đầu giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt nhưng bắt buộc sinh viên dùng tài liệu Y Khoa bằng tiếng Anh để tham khảo. Nhờ vậy, sau năm 1975, các vị Bác Sĩ này khi di tản sang Hoa Kỳ có đủ khả năng thi lại bằng Bác Sĩ tương đương.

7/ Trường Đại Học Dược Khoa

Trước năm 1961, trường Đại Học Dược Khoa được nhập chung với trường Đại Học Y khoa. Tới ngày 31/8/1961, trường Đại Học Dược Khoa tách ra và được gọi là Dược Khoa Đại Học Đường với vị Khoa Trưởng đầu tiên là GS Thạc Sĩ Dược Khoa Trương Văn Chôm. Trụ sở trường được đặt tại góc đường Cường Để và đại lộ Thống Nhất.

Ban giảng huấn gồm một số giáo sư danh tiếng như: Giáo sư Trương Văn Chôm, Thạc Sĩ Dược Khoa, Giáo sư Đặng Vũ Biền, Tiến Sĩ Dược Khoa tại Đại Học Sorbonne, Giáo sư Tô Đồng, Dược Khoa Tiến Sĩ tại Đại Học Sorbonne, Giáo sư Nguyễn Vĩnh Niên, Tiến Sĩ Dược Khoa tại Pháp, Giáo sư Đặng Vũ Biền v.v…Một số giáo sư tốt nghiệp tại Mỹ về như GS Trần Ngọc Tiếng, Ph.D., GS Thanh Thủy, Ph.D., GS Chu Phạm Ngọc Sơn, Ph.D, GS Lê Phục Thủy, Ph.D.
Chương trình học của trường Đại Học Dược Khoa cũng giống như trước năm 1954, phỏng theo chương trình của Pháp và phần lớn các môn đều dậy tuyền bằng tiếng Pháp, cho tới năm 1970 trường mới hoàn toàn dậy bằng tiếng Việt. Thời gian học cũng vẫn là 5 năm. Năm đầu tiên gọi là năm tập sự (stagiaire). Ngoài việc học ở trương còn phải được một Dược Phòng nhận cho tập sự. Cuối mỗi năm đều có kỳ thi lên lớp.

Chương trình theo Pháp nên nặng về Hoá Học, Thực Vật và Dược Liệu Học, nhẹ về Động Dược Học và kỹ nghệ sản xuất thuốc cũng như khiá cạnh thương mại của Dược Khoa.

Thể lệ thi cử cũng khó khăn, nếu có một môn dưới điểm trung bình tức 9/20 là bị loại.

Mỗi kỳ gồm có 3 đợt: thực tập, thi viết và vấn đáp. Đợt 1 không đủ điểm trung bình không được thi đợt 2. Đợt 2 không đủ điểm trung bình không được thi đợt 3. Mỗi năm có 2 kỳ thi. Rớt 4 kỳ liên tiếp là bị đuổi.

Lúc đầu trường chỉ có cấp bằng Dược Sĩ Quốc Gia (Pharmacien d’État), mãi tới năm 1969, trường mới có thêm chương trình đào tạo Tiến Sĩ Dược Khoa Đệ Tam Cấp (Docteur du troisième cycle de Pharmacie), tương đương với bằng Pharmacy Doctor của Mỹ. Dược Sĩ Lý Công Tuấn là Tiến Sĩ Dược Khoa Đệ Tam Cấp đầu tiên được đào tạo tại VN.

8/ Trường Nha Khoa.

Cũng giống như trường Dược Khoa, trường Nha Khoa trước kia cũng chỉ là một ngành của trường Đại Học Y-Dược Hà Nội, sau là Đại Học Y-Dược Saigon. Đến ngày 12/8/1962, ngành Nha Khoa tách khỏi trường Y khoa trở thành Nha Khoa Đại Học Đường Saigon.

Chương trình trường Đại Học Nha Khoa là 5 năm và tốt nghiệp được cấp bằng Nha Sĩ. Ai muốn có bằng Tiến Sĩ Nha Khoa thì phải qua Pháp học.
Ban giảng huấn gồm một số các giáo sư tốt nghiệp tại Pháp như: Giáo sư Lê Trọng Phong, Tiến Sĩ Nha Khoa Đại Học Paris, Giáo sư Nguyễn Văn Thơ, Tiến Sĩ Nha Khoa Đại Học Paris….

Cũng như các đại học khác, muốn được nhập học phải có bằng Tú Tài 2 (Toàn Phần), không phân biệt là Tú Tài ban Khoa Học Toán hay ban Khoa Học Thực Nghiệm. Về sau, cũng như trường Y Khoa, phải có chứng chỉ Dự Bị khoa học như PCB hoặc SPCN và còn phải qua một kỳ thi tuyển.
Chương trình gồm có nhiều môn và mỗi môn đều có 2 phần: lý thuyết và thực hành. Mỗi phần đều có kỳ thi riêng.
Mỗi năm có 2 kỳ thi: đệ nhất và đệ nhị lục cá nguyệt. Số điểm của 2 kỳ cộng lại chia 2 thì có kết quả chung cho từng môn vào cuối năm. Dù chỉ một môn không đủ điểm trung bình là phải học đúp lại.

***

Ngoài các Viện Đại Học Saigon, Huế, Đà Lạt, và Cần Thơ còn có những Trung Tâm Giáo Dục và các Học Viện khác như:

-Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ đào tạo các kỹ sư cho 4 ngành Công Chánh, Điện Học, Hoá Học và Công Nghệ,

-Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc để đào tạo Kỹ Sư Nông Nghiệp, Kỹ Sư Thủy Lâm và Kỹ Sư Thú Y,

-Học Viện Quốc Gia Hành Chánh để đào tạo Đốc Sự Hành Chánh và Cao Học Hành Chánh và Cao Học Ngoại Giao.
v.v…

Chương trình giáo dục và thể lệ thi cử dưới thời Việt Nam Cộng Hoà còn được gọi là chương trình giáo dục Hoàng Xuân Hãn phỏng theo chương trình giáo dục của Pháp, tuy không được hoàn hảo nhưng có trình độ và thực chất. Đây là chương trình giáo dục có tính cách dân tộc, nhân bản và khai phóng tôn trọng tự do dân chủ và nhân quyền nhằm phát triển toàn diện con người trong chiều hướng tốt cả về trí dục, đức dục và thể dục. Nền giáo dục thời VNCH không hề áp đặt một học thuyết hay một chủ nghĩa nào nhất là không đưa chính trị vào học đường bắt học sinh phải tuân theo như trong các thể chế độc tài đảng tri như Cộng Sản.
Chỉ trong vòng 2 thập niên, nền giáo dục thời VNCH đã đào tạo cả trăm ngàn chuyên viên và cán bộ các cấp có đầy đủ khả năng chuyên môn cũng như khả năng lãnh đạo cho miền Nam Việt Nam. Tiếc rằng chế độ VNCH đã xụp đổ, không phải vì không có chính nghĩa mà vì sự phản bội của đồng minh khiến nền giáo dục của VNCH cũng bị thay thế bằng một nền giáo dục theo chủ nghĩa Marxist, một chủ nghĩa vô luân, vô đạo, nhằm đào tạo con người trở thành con vật chỉ biết lập lại những gì đã được Đảng dạy bảo và tuân theo một cách tuyệt đối những gì Đảng đã ra lệnh. Kết qủa của chính sách giáo dục này là đã đào tạo nên cả một thế hệ ngu muội, dốt nát, vô đạo đức và hủ hóa.

Chú thích

(1). Ngày 19/12/1946, chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, giáo sư Dương Quảng Hàm tản cư ra hậu phương. Trên đường tản cư, khi qua sông, giáo sư không may bị trúng đạn từ máy bay Pháp bắn chết vào ngày 26/12/46. Nhưng cũng có nguồn tin cho rằng giáo sư đã bị Việt Minh bắn chết trên đường tản cư.

(2). Sau khi Việt Minh cướp chính quyền từ chính phù Trần Trọng Kim, chính phủ Liên Hiệp do Hồ Chí Minh làm Chủ Tịch được thành lập, giáo sư Hoàng Xuân Hãn được thay thế bởi ông Vũ Đình Hòe và chương trình được thay đổi đôi chút cho phù hợp với lý tưởng phục vụ quốc gia và dân tộc. Nhưng chương trình này đã bị Việt Minh bãi bỏ hoàn toàn sau khi chiến tranh Việt Pháp bùng nổ vào ngày 19/12/46 và chỉ được chính phủ quốc gia sử dụng sau khi được Pháp trao trả độc lập và sau này là chính phủ Việt Nam Cộng Hoà.

(3). Muốn theo học trường này chỉ cần có bằng Diplôme hoặc Brevet Élémentaire tức bằng Cao Đẳng Tiểu Học sau này gọi là bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét